Hiến pháp bảo hộ công dân quyền lập Hội

Trong phiên phúc thẩm vụ án Hội Anh em dân chủ, Hội đồng xét xử cho rằng ở Việt Nam chưa có Luật về quyền lập Hội, nên hành vi thành lập Hội Anh em dân chủ mà không tuân thủ các quy định hành chính liên quan, là vi phạm pháp luật hình sự.

Thảo Vy, Việt Nam Thời báo, ngày 08/6/2018

Phóng viên Việt Nam Thời Báo đã có trao đổi với luật sư Đặng Đình Mạnh, nguyên luật sư Lê Công Định và luật gia Cao Minh Tâm về cáo buộc này trong thực hiện quyền lập Hội đã được Hiến pháp bảo hộ.

Sao lại cầm tù một quyền Hiến định?

Luật sư Đặng Đình Mạnh – người tham gia bào chữa cho một bị cáo ở phiên phúc thẩm vụ án Hội Anh em dân chủ, nói rằng quyền lập hội đã được Hiến pháp quy định. “Thế nhưng mà tại phiên tòa phúc thẩm xử các ông trong Hội Anh em dân chủ vừa qua, thì cơ quan truy tố lại cho rằng thành lập hội khi mà chưa có luật về Hội, hành vi như vậy là không hợp pháp.

Tôi trình bày quan điểm khác. Thật ra một khi Hiến pháp đã quy định cái quyền lập Hội của công dân, thì cái quyền đó nó có hiệu lực ít nhất là từ giai đoạn mà Hiến pháp quy định. Nếu mà cho rằng chưa có luật, mà xem hành vi thành lập Hội đó là không hợp pháp, thì điều này là buộc tội không đúng. Tại vì khi mà nói cái điều đó thì vô hình chung là chưa có luật đã vô hiệu hóa đi cái hiệu lực của Hiến pháp. Đây là quan điểm không đúng”.

Hiến pháp bảo hộ công dân quyền lập Hội. Ảnh: Nghiệp đoàn sinh viên VN

Chi tiết hơn, nguyên luật sư Lê Công Định biện giải: “Lập Hội là một quyền của công dân theo quy định tại Điều 25 của Hiến pháp 2013. Theo Hiến pháp đó, thì tất cả mọi người dân Việt Nam đều có quyền lập Hội. Tất nhiên là Điều 25 cũng có một câu thòng, là việc thực thi các quyền công dân, bao gồm cả quyền lập Hội phải được pháp luật quy định. Tuy nhiên câu thòng đó cũng không cản trở người dân có cái quyền lập Hội, hoặc quyền tham gia vào các Hội, Nhóm.

Nếu Nhà nước muốn chi phối việc lập Hội, cũng như tham gia vào các Hội của công dân thì Nhà nước phải ban hành Luật. Và nếu Nhà nước không ban hành Luật, thì đó là lỗi của Nhà nước, chứ không phải là lỗi của công dân. Và không vì không có Luật, rồi Nhà nước tước đoạt cái quyền lập Hội của công dân.

Nếu có Luật thì người dân sẽ thực thi quyền của mình theo Luật. Nếu không có Luật thì công dân hoàn toàn có quyền thực thi quyền của mình theo Hiến pháp, và theo cách mà người công dân thấy thích hợp.

Trở lại vụ án Hội Anh em dân chủ. Chúng ta thấy Hội Anh em dân chủ là một Hội được thành lập theo ý nguyện hoàn toàn tự nguyện của những thành viên. Vì không có Luật lập Hội, cho nên những thành viên đó họ hoàn toàn có quyền thành lập cái Hội này theo Hiến pháp. Do đó, Hội Anh em dân chủ là một Hội hoàn toàn hợp pháp!”.

Cần bình đẳng về quyền tự do thành lập Hội

Hiện nay việc thành lập Hội, Hiệp hội được quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, Nghị định số 33/2012/NĐ-CP và Thông tư số 03/2013/TT-BNV. Theo đó, việc lập Hội phải được sự đồng ý của Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà Hội dự kiến hoạt động.

Luật gia Cao Minh Tâm cho rằng với quy định như nói trên trong thủ tục hành chính, cho thấy xem ra tổ chức Hội ấy thật ra cũng chỉ là cánh tay nối dài của một đơn vị hành chính nào đó thuộc Nhà nước.

“Hội Anh em dân chủ đã thành lập không đúng quy định hành chính, thì có thể xử phạt hành chính. Quan sát các hoạt động của Hội Anh em dân chủ, tôi không thấy họ có các hành vi mang tính bạo động hay kích động cho mục đích lật đổ chính quyền như cáo buộc. Ở phiên phúc thẩm, ông Nguyễn Bắc Truyển, ông Nguyễn Trung Tôn, ông Trương Minh Đức hay nói rộng ra việc làm của cả 6 bị cáo trong vụ án này, cũng chỉ là hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, theo những quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp và theo tinh thần các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Những thành viên của Hội anh em dân chủ trong một phiên tòa. Ảnh: AFP

Điều quan trọng, các bị cáo trong vụ án không che giấu hành vi của mình, luôn thừa nhận những việc đã làm và tin tưởng rằng mình không vi phạm pháp luật hình sự, không chống Nhà nước, không hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.

Việc quy kết, truy tố hay buộc tội công dân chỉ vì họ cùng tập hợp lại thành một tổ chức Hội để biểu đạt thái độ ủng hộ thể chế chính trị đa nguyên, hay luận thuyết về Nhà nước tam quyền phân lập, đề cao kinh tế tư nhân là nền tảng…, xem đó là những hành vi vi phạm pháp luật, cấu thành tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, rõ ràng là việc quy kết, truy tố và buộc tội trái với tinh thần pháp luật và quan điểm chính trị hiện hành”. Luật gia Cao Minh Tâm, bình luận.

Vẫn theo luật gia Tâm, khi thực hiện quyền tự do thành lập Hội sẽ giúp cho việc thực thi quyền tự do ngôn luận được hiệu quả hơn, phạm vi tác động sâu rộng hơn, đặc biệt là đối với các chính sách của Nhà nước. Nếu không có sự tập hợp để cùng nhau lên tiếng thì quyền biểu đạt bị giảm hiệu quả đáng kể, tiếng nói của một cá nhân rất khó được tiếp thu. Vấn đề thời hạn cho thuê đất đến 99 năm của dự Luật Đặc khu mà công luận đang phản ứng dữ dội là một ví dụ.