Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 23, từ ngày 04 đến 10/6/2018: Lực lượng an ninh sử dụng bạo lực để giải tán biểu tình ôn hoà

DTD logo

 

Người Bảo vệ Nhân quyền| ngày 10/6/2018

 

Ngày 10/6, lực lượng an ninh ở nhiều địa phương trên cả nước đã sử dụng bạo lực để giải tán người biểu tình ôn hoà phản đối hai dự luật Đặc khu kinh tế và An ninh mạng.

Lực lượng công an đã đánh đập nhiều người biểu tình, và bắt giữ hàng chục người ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số nơi khác.

Hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình trong ngày Chủ nhật ở các thành phố lớn như Hà Nội, HCM, Đà Nẵng, Nha Trang hai ngày trước khi Quốc hội định biểu quyết về Dự luật An ninh Mạng, một dự luật nhằm bịt miệng người bất đồng chính kiến và đàn áp quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng.

Giữa tuần, ban lãnh đạo Việt Nam đã quyết định lùi thời hạn bấm nút về Dự luật Đặc khu kinh tế sau khi có làn sóng phản đối trực tuyến.

Công an thành phố Hà Nội vẫn giam giữ nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Trung Lĩnh, người được cho là kêu gọi biểu tình ôn hoà chống Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo trên trang Facebook cá nhân vào cuối tháng 5. Ông Lĩnh bị bắt, bị khám nhà nhưng cho tới nay, đã quá 9 ngày, gia đình ông không được thông báo về tình trạng hiện tại của ông, không rõ ông có bị khởi tố hay không và nếu có thì theo điều khoản nào của Bộ luật Hình sự.

Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và trợ lý Lê Thu Hà được trả tự do nhưng buộc phải đi tỵ nạn tại Đức. Ông Đài và cô Hà được đưa thẳng từ trại tạm giam B14 ra sân bay Nội Bài và được đưa lên chuyến bay sang Franfurt đêm 07/6. Hai nhà hoạt động bị bắt vào cuối năm 2015, và vào đầu tháng Tư, họ bị kết án với cáo buộc “lật đổ chính quyền” với mức án 15 năm và 9 năm tương ứng.

Trong cùng vụ án, bốn nhà hoạt động khác của Hội Anh em Dân chủ, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội, Trương Minh Đức và Nguyễn Bắc Truyển bị kết án từ 7 đến 12 năm tù. Tại phiên phúc thẩm ngày 04/6, Toà án Cấp cao tại Hà Nội đã y án.

Trong hai ngày 04-05/6, Toà án Nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã phúc thẩm vụ án “khủng bố” với 16 bị cáo, và cũng y án mà phiên sơ thẩm đã tuyên, với mức án giữ nguyên từ 3 đến 16 năm tù. Đây là một vụ án có nhiều uẩn khúc khi các bị cáo không được xét xử một cách công bằng. Các bị cáo nói rằng họ không biết nhau khác với kết luận của công an điều tra, và cũng không thực hiện vụ đánh bom xăng hay đốt nhà xe nào như cáo trạng.

Chính phủ Mỹ và Canada cũng như hai tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch) và Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã ra thông cáo báo chí kêu gọi Quốc hội Việt Nam dừng bỏ phiếu cho dự luật An ninh Mạng, vì dự luật này mâu thuẫn với những cam kết quốc tế của Việt Nam về thương mại, và là công cụ để nhà nước bịt miệng giới bất đồng chính kiến.

Và một số tin đáng chú ý khác

===== 04/6 =====

Toà án Cấp cao giữ nguyên án sơ thẩm đối với 4 thành viên HAEDC

Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội, trong phiên phúc thẩm, đã y án đối với 4 nhà hoạt động thành viên của Hội Anh em Dân chủ (HAEDC) mà Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên hôm 05/4.

Với kết quả này, mục sư Nguyễn Trung Tôn và cựu nhà báo Trương Minh Đức phải chịu mức án 12 năm tù giam và 3 năm quản chế. Ông Nguyễn Bắc Truyển, một trong số người đồng sáng lập ra tổ chức nhưng đã rời khỏi tổ chức này nhiều năm nay, bị án 11 năm tù và 3 năm quản chế, còn ông Phạm Văn Trội bị án 7 năm tù giam và 1 năm quản chế.

Cả bốn người đều là cựu tù nhân lương tâm.

Ngay sau phiên phúc thẩm, Ân xá Quốc tế lên tiếng cho rằng biện pháp đó là ‘cú đánh’ vào quyền tự do bày tỏ ý kiến tại Việt Nam.

Giám đốc Các Chương trình Toàn cầu của Ân xá Quốc tế Minar Pimple cho rằng tuyên bố y án của tòa phúc thẩm là một quyết định vô cùng bất công đối với 4 người không hề làm những gì ngoài việc bảo vệ một cách ôn hòa các quyền con người. Bốn nhà hoạt động đã bị cơ quan chức năng buộc im tiếng chỉ vì can đảm lên tiếng tại một đất nước nơi mà quyền tự do bày tỏ ý kiến đang bị tấn công.

Ân Xá Quốc Tế kêu gọi Việt Nam phải ngay lập tức ngưng cuộc đàn áp đang diễn ra đối với các tiếng nói đối lập; đồng thời ngưng bỏ tù các nhà bảo vệ nhân quyền. Ngoài ra, tất cả những người bị bỏ tù một cách bất công đều phải được trả tự do.

===== 05/6 =====

Xử phúc thẩm nhóm bị cáo buộc tội khủng bố sân bay Tân Sơn Nhất

Trong haingày04-05/6, Tòa án Nhân dân  Cấp cao tạithành phố Hồ Chí Minh mở phiên xét xử phúc thẩm đối với 15 người bị cáo buộc tiến hành khủng bố tại sân bay Tân Sơn Nhất và kho tạm giữ xe vi phạm giao thông tại Công an TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai hồi giữa tháng 4/2016.

Sau hai ngày làm việc, toà tuyên y án đối với 15 bị cáo, như mức án đã tuyên bởi Toà án Nhân dân thành phố trong phiên sơ thẩm vào cuối năm 2017.

Theo đó, người được cho là cầm đầu vụ việc, Đặng Hoàng Thiện, bị mức án 16 năm tù giam và 5 năm quản chế. 14 người còn lại bị mức án từ 3 đến 12 năm tù.

Đặng Hoàng Thiện (24 tuổi) Nguyễn Đức Sinh (32 tuổi) và 12 đồng phạm trong vụ bị cáo buộc là.

Theocáo trạng, nhóm 16 người đã thực hiện kế hoạch đánh bom xăng ở sân bay Tân Sơn Nhất vào dịp lễ 30/4; đồng thời gây nổ tại nhà kho tạm giữ xe vi phạm giao thông của Công an TP Biên Hoà khiến cho 320 xe hư hỏng nặng, thiệt hại gần 1.3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các bị cáo khai rằng họ không quen biết nhau và không thực hiện các vụ việc trên. Tuy nhiên, lời khai của họ không được toà chú ý.

——————–

Tù chính trị Vương Văn Thả bị kỷ luật trong trại giam

Tù chính trị Vương Văn Thả bị kỷ luật trong trại giam, theo đài Á châu Tự do, dẫn lời con gái ông là cô Vương Thị Thảo.

Cô Thảo cho biết hơn nửa năm nay, gia đình cô không được phép gặp ông vì ông bị kỷ luật và biệt giam do ông không chịu mặc áo dành cho tù nhân.

Ông Vương Văn Thả là một cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, giáo phái không theo Ban Trị Sự do Hà Nội dựng lên. Ông bị  Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang tuyên án 12 năm tù vào sáng ngày 23/1/2018 với cáo buộc Tuyên truyền chống Nhà nước theo Điều 88 Bộ luật Hình sự.

Ông Thả từng bị kết án 3 năm tù hồi năm 2012 với cáo buộc “Lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích của tổ chức, công dân”, theo Điều 258 Bộ luật Hình sự, và mãn án vào hồi đầu tháng 10 năm 2015.

Con trai ông Thả là Vương Thanh Thuận, sinh năm 1990, cùng hai người cháu song sinh Nguyễn Nhật Trường, Nguyễn Văn Thượng, cũng bị kết án trong cùng một vụ. Anh Vương Thanh Thuận bị tòa tuyên 7 năm tù và hai anh Nguyễn Nhật Trường, Nguyễn Văn Thượng, mỗi người bị tuyên án 6 năm tù.

===== 07/06 =====

Nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Trung Lĩnh vẫn bị biệt giam

Công an thành phố Hà Nội vẫn giam giữ nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Trung Lĩnh mà không thông báo gì cho gia đình ông.

Ông Lĩnh, người kêu gọi biểu tình ôn hoà chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên trang Facebook cá nhân, bị bắt vào cuối tháng 5. Tuy nhiên, không rõ ông bị cáo buộc gì.

Hiện nay gia đình không rõ ông bị giam ở đâu vì phía công an không thông báo gì cho gia đình, người chị dâu của ông tên Lan cho Người Bảo vệ Nhân quyền biết.

Một nguồn tin nói rằng ông bị bắt vào ngày 27/5 ở trung tâm Hà Nội, còn theo hàng xóm của ông thì vụ bắt giữ được phía công an tiến hành vào ngày 28/5 tại nhà riêng. Cơ quan an ninh cũng khám xét nhà riêng của ông tại một khu chung cư cũ của quận Hai Bà Trưng, hàng xóm cho biết.

Bà Lan, người hiện đã định cư tại Hoa Kỳ, cho biết gia đình của bà có rất ít thông tin về vụ bắt giữ người em chồng.

Vụ bắt giữ ông Lĩnh có thể được xếp vào giam giữ biệt tích (enforced disappearance) theo tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, theo ông Vũ Quốc Ngữ, giám đốc Người Bảo vệ Nhân quyền.Ông kêu gọi giới đấu tranh trong nước và các tổ chức nhân quyền quốc tế quan tâm đến trường hợp của ông Lĩnh.

Ông Lĩnh sinh năm 1967 ở Quảng Xương, Thanh Hoá. Ông học giỏi và được đưa đi du học ở Cộng hoà Séc những năm 1990. Tại đây, được chứng kiến cuộc cách mạng nhung ở Đông Âu, ông tham gia làm báo vạch rõ tội ác của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đấu tố cải cách ruộng đất, đưa quân xâm chiếm miền Nam và kìm kẹp đất nước trong chế độc độc tài toàn trị.

Ông trở về nước năm 1993 và một thời gian sau bị an ninh Việt Nam bắt trước khi lập gia đình riêng, theo bà Lan. Để tránh bị truy tố, gia đình đã phải nói ông bị bệnh tâm thần. Ông bị đưa vào cơ sở chữa trị bệnh tâm thần một thời gian ngắn.

Vợ ông là một cán bộ của Đại học Tổng hợp, sau này là Đại học Khoa học Tự nhiên, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông có hai con trai.

Bà Lan cho biết ông Lĩnh bị an ninh Việt Nam giám sát chặt chẽ trong hơn 20 năm qua. Ông thường xuyên bị bắt giữ, tra khảo và tống giam trong một thời gian ngắn. Tổng số thời gian bị giam cầm trong các lần bị bắt giữ có thể cộng lại thành nhiều năm, bà Lan cho biết.

Ông cũng thường xuyên bị mật vụ đánh đập khi đi gặp giới bất đồng chính kiến hay đưa con đi học, bà Lan cho biết. Một trong số những lần như thế, mật vụ đã đạp xe của ông làm đứa con bị ngã dập đầu xuống đất.

Nhiều lần, mật vụ còn doạ sẽ đưa ông trở lại trại tâm thần, bà nói thêm.

Công an cũng đe doạ ông, yêu cầu ông không được viết bài cổ suý đa nguyên, nếu không, chúng sẽ gây tai nạn cho ông và hai con. Ngoài ra, chúng còn doạ người thân khác của ông.

Ông Lĩnh là người không hay kêu ca phàn nàn về việc mình bị đàn áp, do vậy, ít người trong giới bất đồng chính kiến biết được tình trạng của ông.

Trước đây, ông có kêu gọi thành lập một số tổ chức để đấu tranh đòi dân chủ, tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, an ninh phát hiện ra và bắt giữ ông, bà Lan cho biết.

“Sự đàn áp của lực lượng an ninh Việt Nam đối với Nguyễn Trung Lĩnh vô cùng dã man, mang tính huỷ hoại cuộc sống của ông,” bà Lan cho hay, bổ sung thêm rằng công an gieo rắc thông tin ông bị tâm thần để cách ly ông với giới đấu tranh và người xung quanh.

Do sự truy bức của lực lượng an ninh, ông Lĩnh không thể làm để nuôi gia đình, và việc chính của ông là đưa đón hai con đi học, bà Lan nói.

Bản thân bà Lan cũng không dám lên tiếng bảo vệ người em chồng, chỉ cho đến khi đã định cư bên Hoa Kỳ, bà mới dám chia sẻ việc ông Lĩnh bị sách nhiễu và đàn áp trong nhiều năm qua.

Chính quyền Việt Nam thường sử dụng những điều khoản mơ hồ thuộc phần An ninh quốc gia trong Bộ luật Hình sự để đàn áp giới bất đồng chính kiến.

Hàng trăm người đấu tranh cổ suý dân chủ và nhân quyền đã bị bắt giữ với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước,” “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” hoặc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” và bị kết án với những bản án nặng nề.

Từ đầu năm 2016 tới nay, Việt Nam bắt giữ hơn 70 người hoạt động, và bị khép tội với án tù từ 3 đến 16 năm.

====== 08/6 =====

Việt Nam trục xuất luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài cùng trợ lý sang Đức

Hai tù nhân lương tâm, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và cô Lê Thu Hà, phải đi lưu vong sau khi chính phủ Việt Nam đưa họ từ nhà tù ra máy bay để sang Đức

Hai nhà hoạt động bị đưa lên máy bay vào đêm 07/6. Họ sẽ không được phép quay trở lại Việt Nam nếu chính quyền hiện nay vẫn tiếp tục cầm quyền. Cả hai đều có mẹ già ở quê.

Ông Đài, 49 tuổi, và cô Hà, 36 tuổi, bị bắt ngày 16/12/2015 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” và tội danh này được đổi thành “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” sau khi Việt Nam bắt giữ thêm 4 nhà hoạt động thuộc HAEDC vào ngày 30/7 năm ngoái.

Ngày 05/4/2018, Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội đã kết án 6 nhà hoạt động, và đưa ra mức án 15 năm tù giam và 5 năm quản chế đối với ông Đài, và 9 năm tù giam và 2 năm quản chế đối với cô Hà. Những người còn lại bị mức án từ 7 đến 12 năm tù giam.

Tthời gian bị bắt và tạm giam từ ngày 16 tháng 12 năm 2015, ông Nguyễn Văn Đài được tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier trao giải Nhân quyền 2017 của Hiệp hội Thẩm phán Đức vào ngày 5-4-2017.

Ông Đài là một trong những người sáng lập của HAEDC. Trước đây ông cũng là người tham gia sáng lập tổ chức mang tên Khối 8406, đấu tranh cho nhân quyền và quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam. Ông từng bị tuyên án 4 năm tù về cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” vào năm 2007.

===== 09/6 =====

HRW và Hoa Kỳ lên tiếng về dự luật An ninh Mạng của Việt Nam

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Right Watch- HRW) vào ngày hôm 8/6 kêu gọi Việt Nam cần sửa đổi Dự luật An ninh mạng, vì dự luật này quá mơ hồ, không phù hợp với tiêu chuẩn luật pháp quốc tế.

Dự luật An ninh mạng của Việt Nam được dự tính mang ra Quốc hội để thông qua vào ngày 12/6 tới đây.

HRW nói rằng Dự luật An ninh Mạng trao cho nhà cầm quyền một quyền hạn rất rộng để định đoạt những hành vi mà họ cho là trái pháp luật trên mạng cần kiểm duyệt.

Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội cũng ra một thông cáo báo chí vào ngày 8/6 nói rằng dự luật này nếu được thông qua sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với tương lai an ninh mạng của Việt Nam, và sự đổi mới sáng tạo kỹ thuật số của Việt Nam.

Tòa Đại sứ còn nói rằng nội dung dự luật này không phù hợp với các cam kết thương mại quốc tế của Việt Nam.

Cuối cùng Tòa Đại sứ nói rằng Hoa Kỳ và Canada thúc giục Việt Nam hoãn lại việc bỏ phiếu cho dự luật này.

Đọc thêm: Thông cáo Báo chí của ĐSQ Hoa Kỳ về Dự luật An ninh Mạng

Việt Nam: Hãy phủ quyết bộ Luật An ninh Mạng đầy vấn đề

——————–

Ân xá Quốc tế gửi thư cho các tập đoàn về dự thảo Luật An ninh Mạng

Tổ chức Ân xá Quốc tế vào ngày 8 tháng 6 gửi thư đến các tập đoàn Microsoft, Facebook, Google, Apple, Samsung  về dự thảo Luật An ninh mạng của Việt Nam mà theo kế hoạch sẽ được Quốc hội bỏ phiếu vào ngày 12 tháng 6 sắp tới.

Nội dung thư thúc giục các tập đoàn vừa nêu thực hiện các biện pháp bảo vệ trước những tác hại về nhân quyền mà dự luật này có thể gây ra. Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết Việt Nam tiếp tục là một trong những nước thắt chặt nhân quyền nhất trong khu vực châu Á. Tổ chức này lo ngại khi dự luật An ninh mạng được thông qua, tất cả quyền thể hiện tiếng nói trên mạng xã hội của người dân Việt Nam cũng như thông tin cá nhân của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết trong thư, Dự thảo Luật An ninh mạng của Việt Nam được cho là được triển khai từ Luật an ninh mạng của Trung Quốc từ ngày 1-6-2017, mã hóa các lập trình hiện có và biến các công ty công nghệ hoạt động ở Trung Quốc thành các tổ chức giám sát nhà nước.

Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi các tập đoàn vừa nêu có trách nhiệm phải tôn trọng quyền riêng tư và tự do ngôn luận. Trách nhiệm này cao và mạnh hơn các yêu cầu về pháp lý trong nước. Điều này được thể hiện rõ trong nguyên tắc hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc về Kinh doanh và Nhân quyền (UNGPs).

Những phương pháp được tổ chức này đề ra với các tập đoàn như cần khẳng định với chính quyền Việt Nam cũng như với người Việt Nam rằng sẽ không giúp Chính phủ Việt Nam trong việc giám sát thông tin bất hợp pháp; không chuyển giao dữ liệu cho các cơ quan chức năng; không theo dõi, báo cáo cho chính quyền về quá trình sử dụng mạng của người dân khi chưa được sự đồng ý của họ.

===== 10/6 =====

Nhiều người bị bắt, bị đánh đập khi Việt Nam đàn áp biểu tình

Lực lượng an ninh Việt Nam đã bắt giữ hàng chục người và đánh đập nhiều người khác khi giải tán các cuộc biểu tình trong ngày 10/6.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người bị lực lượng an ninh đánh đập, có ít nhất một người bị đánh với vết máu loang khắp người, và một người khác bị đánh đập và quăng trên đường phố, với tình trạng khó thở.

Một số người cho biết công an đã sử dụng vũ khí âm thanh cường độ cao(LRAD), mà quân đội mua từ Hoa Kỳ để trang bị cho tàu tuần tra, để đàn áp người biểu tình ôn hoà.

Tại Đà Nẵng, nhà hoạt động Peter Lâm Bùi cùng đồng đội bị an ninh đánh rất dã man khi họ vừa xuất hiện gần đám đông biểu tình.

Tại Hà Nội, nhóm biểu tình nhanh chóng bị quây bởi lực lượng an ninh và dân phòng ở khu vực trung tâm. Nhiều người biểu tình bị bắt bởi mật vụ mặc thường phục và đưa về đồn công an. Đa số được trả tự do vào buổi chiều.

Trước đó, từ chiều thứ Bảy, mật vụ và dân phòng đã được điều động đến canh gác gần nhà riêng của nhiều người bất đồng chính kiến nhằm không cho họ ra khỏi nhà.

Hàng chục nghìn người đã tham gia biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu kinh tế và An ninh mạng.

====================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản tin tiếng Anh tại đây