Mục đích chính của ‘đặc khu kinh tế’ là casino để rửa tiền?

“Cả 3 đặc khu đều cho phép kinh doanh Casino, người Việt được phép đánh bạc và miễn thuế thu nhập trong khoảng thời gian dài. Chắc chắn đây sẽ là kênh rửa tiền, tẩu tán tài sản hiệu quả mà rất đông các quan chức Việt Nam đang cần. Phải chăng đây mới là mục đích và động lực chính khiến các quan chức tìm mọi cách để được thông qua sớm nhất?”

Thiên Điểu, Việt Nam Thời báo, ngày 11/6/2018

Chế độ cộng sản ở Việt Nam đã tồn tại hơn 70 năm. Nếu tính từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa từ 1986 thì đã 32 năm, nếu tính thời điểm mà Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường từ 1996 thì Việt Nam đã qua 22 năm bước vào sân chơi kinh tế tự do, tương đương một thế hệ trẻ.. Đến nay, mô hình kinh tế của Việt Nam vẫn luẩn quẩn, chưa xác định được chính xác định hướng và cơ cấu kinh tế ngành một cách bài bản để mang một hình hài rõ nét.

Có thể nói, các chính sách phát triển kinh tế ở Việt Nam trong hơn 70 năm qua liên tục là các thử nghiệm, chưa có bất cứ lĩnh vực nào có một chính sách phát triển ổn định và mang lại hiệu quả thật sự. Trong gần 40 năm sau 1945, và tiếp tục hơn 40 năm sau cuộc chiến 1975 để thống nhất quyền lực. Hào quang chiến thắng và tư duy nông nghiệp bắt đầu quay cuồng lao vào mô hình kinh tế XHCN. Các Hợp tác xã nông nghiệp trở thành mô hình chung cho tất cả các ngành nghề trong thời bao cấp. Một số công ty nhà nước trong lĩnh vực thương mại chỉ nhằm điều tiết hàng hóa kiểu tem phiếu, kiêm luôn chức năng phân phối sản phẩm của một số nhà máy, xí nghiệp quốc hữu hóa từ thời Pháp ở miền bắc và Việt Nam cộng hòa ở miền nam.

Ảnh minh họa.

Song song với những bất cập trong mô hình quản lý kinh tế bao cấp, biến nguồn lao động toàn xã hội thành các lao công dẫn đến hiệu năng lao động không cao. Chính quyền Việt Nam loay hoay với giải pháp phải chuyển các hình thức làm công (lương, công điểm) sang khoán lao động mất gần 40 năm ở miền bắc, mất tiếp 20 năm thử nghiệm mô hình dồn điền đổi thửa rồi lại chia đất đai theo lao động cùng với mô hình hành chính sát nhập rồi lại tách ra một số tỉnh, không chỉ tiêu tốn không ít tiền của mà còn gây xáo trộn xã hội không ít.

Sự sụp đổ của hệ thống CNCS ở Âu châu, đẩy chính quyền ở Việt Nam vào thế rối ren về định hướng chính trị lẫn kinh tế vì mất nguồn viện trợ chính. Cùng với sự trì trệ về kinh tế do tư duy quản lý kiểu học mót mà các lãnh đạo thiếu trình độ thật sự luôn bao biện bằng cụm từ “đi tắt đón đầu” nhưng thực chất là sao chép các mô hình kinh tế từ bên ngoài rồi thêm râu ria không theo một nguyên tắc nào để áp dụng ở Việt Nam. Điển hình là việc sao chép mô hình “doanh nghiệp nhà nước nắm vai trò chủ đạo” thực chất là đứa con lai giữa mô hình tập đoàn của Trung Quốc và các chaebol của Hàn quốc – quốc gia tư bản châu Á đồng ý mở cửa sớm và khá gần về địa lý với Việt Nam.

Bị lóa mắt bởi sự giàu có của các Chaebol, lợi ích nhìn thấy từ mô hình nắm giữ độc quyền các ngành kinh tế chiến lược của Trung quốc có thỏa mãn được toan tính thâu tóm giá trị lợi ích của xã hội. Chính quyền Hà Nội hăm hở vét sạch nguồn lực kinh tế, tài chính cho các tập đoàn là DNNN hòng tập trung khai thác tài nguyên và thu gom tài sản xã hội vào tay nhà nước. Công cuộc mở cửa và tham gia WTO được chính quyền tô vẽ bằng cách đẻ ra luật Doanh nghiệp, cho phép thành lập doanh nghiệp tư nhân. Trên thực tế, DNTN nếu không phải là sân sau của quan chức hoặc trở thành đầu mối tổ chức lao động làm thuê cho các DNNN nhằm tẩu tán tiền bạc từ ngân sách sang túi cá nhân bằng hoa hồng, lại quả.. Các DNTN độc lập thật sự hầu hết đều loay hoay với vòng xoay: Đầu tư – vay – trả nợ – phá sản hoặc sống lay lắt vì quá khó khăn để tổ chức nguồn vốn, tiếp cận vốn vay từ ngân hàng, tiếp nhận các ưu đãi từ chính sách dù đã có trên giấy trắng mực đen.

Một ví dụ nhỏ: Luật Đầu tư khuyến khích các dự án đầu tư ở vùng “địa bàn đặc biệt khó khăn được giao đất 70 năm”. Nhưng các dự án vừa và nhỏ, dự án khối DNTN hoàn toàn không dự án nào được hưởng chỉ vì phải đi tiếp một thủ tục “do Chính phủ quyết định”(!) Chỉ với cụm từ kèm theo này, không chủ dự án nào dám đầu tư thời gian và tiền bạc để tiếp cận vì không chỉ quá tốn kém bởi vấn nạn tham nhũng từ cơ chế hành chính đi kèm với rủi ro là dù luật qui định nhưng không chắc được chấp thuận vì đủ mọi lý do mà có thắc mắc cũng không có lời giải đáp.

Đối với “lực lượng kinh tế chủ đạo” là các DNNN, mô hình quản lý cha chung không ai khóc, cá nhân lợi dụng để trục lợi nhưng trách nhiệm thuộc về tập thể “đúng qui trình” nên các Tập đoàn nhà nước tiếp tục để lại cho nền kinh tế hàng núi nợ và các vụ đại án về thất thoát, tham nhũng nhưng ngay cả khi ra tòa vẫn không thể thu hồi. Lòng tin vào chính sách cộng với sự suy thoái toàn diện về kinh tế, đạo đức không chỉ ở giới quan chức, doanh nghiệp mà lan ra toàn xã hội đã khiến uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN lùi dần về 0 đối với đa số người dân. Đảng CSVN đã cho thấy sự bất lực khi buộc phải dùng đến sức mạnh vũ lực để duy trì vị trí cầm quyền, áp đặt tiếp các cuộc thử nghiệm mới trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục lao vào vòng xoáy tìm nguồn thu để “bù giá vào lương” hồi thập niêm 90 thế kỷ trước nhưng không thể bù nổi lòng tham của tham nhũng, lợi ích nhóm.

Về khoa học, kỹ thuật. Thực tế VN cũng từng có một số đề tài, công trình khoa học hữu ích nhưng tất cả các đề tài, dự án nghiên cứu sau khi hoàn thành đều bị xếp xó bởi không có cơ chế hỗ trợ triển khai ứng dụng. Từ đó, hoạt động nghiên cứu khoa học đã biến dạng sang phong trào làm đề tài, dự án chỉ để lấy tiền ngân sách. Tất nhiên là luôn đi kèm các khoản phần trăm, lại quả được chia chác những đồng tiền mà thực chất lý do chi chả mang lại lợi ích gì. Nền khoa học, công nghệ của Việt Nam không thể phát triển vì như vậy chứ không phải là Việt Nam không có khả năng phát triển khoa học công nghệ.

Thiếu qui hoạch tổng thể kinh tế ngành bền vững thiếu chiến lược định hướng lộ rõ nhất qua cơn lốc bong bóng địa ốc và nợ vay tăng không thể kiểm soát. Sau tăng trưởng nóng vì kinh tế ảo thì bước vào giai đoạn gánh chịu áp lực trả nợ công. ĐCSVN không có cách nào khác là chỉ đạo Chính phủ tiếp tục đối phó áp lực trả nợ bằng tăng thu các loại thuế, phí. Bán tài sản là các khu đất vàng trong các DNNN và và kéo theo tiến trình dịch chuyển quyền quản lý các dự án sang tay các doanh nghiệp đến từ nước ngoài nhưng hầu hết là từ Trung Quốc. Hàng loạt các dự án cấp quốc gia bị ép phải thực hiện mà không hề biết trước kết quả như khai thác Bauxite Tây Nguyên, Khí điện đạm Cà Mau, Sân bay Long Thành.. và hàng loạt các “qui hoạch” được đẻ ra nhằm chuyển nhượng cho các doanh nghiệp Trung Quốc ẩn sau “thu hút đầu tư” như KCN Vũng Áng; Cảng Chinfon; các KCN ở Đồng Nai; Bình Dương; Sơn Tây; Bắc Giang.v.v.

Một số ngành thương mại chiến lược, sản xuất chủ đạo dần rơi vào tay các tập đoàn đa quốc gia nhưng phía sau đó cũng luôn có bóng dáng các ông chủ Trung Quốc. Các ngành kinh tế chiến lược không nhận được sự quan tâm của các quốc gia có tiềm lực và công nghệ tiên tiến vì cơ chế áp dụng luật đầu tư không rõ ràng. Ngoài thương hiệu Sam Sung về lắp ráp linh kiện điện tử có thể nói là thành công nhưng thực chất không đóng góp gì đáng kể cho phát triển khoa học, công nghệ, kỹ thuật cao cho Việt Nam. Thất bại mới đây của Tập đoàn dầu khi Repson ở mỏ Cá Rồng Đỏ vì áp lực của Trung Quốc một lần nữa cắt nốt niềm tin vốn đã quá mỏng manh của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Nới cơ sở qui hoạch hổ lốn của Đặc khu, chắc chắn sẽ vẫn không thu hút được sự quan tâm và khả năng phát triển khoa học, công nghệ cao như các quan chức nói.

Rõ ràng vấn đề thất bại trong mục tiêu phát triển kinh tế Việt Nam nằm ở vấn đề chiến lược kinh tế ngành và xây dựng cơ chế đảm bảo để triển khai chính sách hợp lý chứ không phải ở các ưu đãi thuế và thời hạn của các dự án đầu tư. Về mặt luật pháp, thí điểm mô hình đặc khu kinh tế nếu muốn làm cũng chỉ cần ra qui chế để điều chính qua kinh nghiệm thực tế. Tại sao phải đổ một núi tiền vào làm cùng lúc 3 đặc khu và ra luật là loại cơ chế sẽ không hữu hiệu khi nó liên quan nhà đầu tư nước ngoài, bị chi phối bởi các Luật và công ước quốc tế?

Về khía cạnh an ninh quốc phòng: Thực trạng người Trung Quốc tung tiền mua đất khắp nơi ở Việt Nam cùng với việc gia tăng sức mạnh quân sự, lấn ép vùng biển của Việt Nam. Cho tàu ngang nhiên hoạt động chỉ cách bờ biển Đà Nẵng 30 hải lý (50km) đã dần lộ rõ về một cuộc xâm lược của Trung Quốc bằng bẫy nợ, mua đất, lấn đất cùng với uy hiếp bằng sức mạnh quân sự thật sự hiện hữu ở Việt Nam. Tạo ra tâm lý lo ngại và phản ứng quyết liệt với dự luật đặc khu kinh tế. Một mô hình kinh tế mà thực chất là nhượng địa có điều kiện mà thế giới đã áp dụng và đi qua hàng nhiều chục năm. Hoàn toàn không còn phù hợp với thực tế là Việt Nam đã mở cửa, đã có những nền tảng cơ bản về kinh tế thị trường.

Luật đặc khu hành chính-kinh tế đã được xác nhận là một mô hình thí điểm ở Việt Nam dù thế giới đang loại bỏ. Nhưng đây thật sự là “thử nghiệm mô hình” hay thực chất là động thái “bán lúa non” để trả nợ hoặc còn có sự đồng lõa trong một âm mưu lớn nào khi chọn 3 vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng để làm đặc khu kinh tế trong bối cảnh cuộc xâm lược của Trung Quốc ngày càng khốc liệt? Một dấu hỏi đặt ra không kém phần quan trọng: Cả 3 đặc khu đều cho phép kinh doanh Casino và miễn thuế thu nhập trong khoảng thời gian dài. Chắc chắn đây sẽ là kênh rửa tiền, tẩu tán tài sản mà các quan chức Việt Nam đang rất cần. Phải chăng đây mới là mục đích và động lực chính khiến các quan chức tìm mọi cách để được thông qua sớm nhất?