Luật An ninh mạng có ảnh hưởng gì giới nhân quyền?

 

Trần Ä áº¡i Quang, má»™t trong ba quan chức được xác định là có vai trò chủ xÆ°á»›ng trong việc soạn thảo và đệ trình Dá»± Luật An ninh mạng.

Trần Đại Quang, một trong ba quan chức được xác định là có vai trò chủ xướng trong việc soạn thảo và đệ trình Dự Luật An ninh mạng.

Phạm Chí Dũng, Việt Nam Thời báo, ngày 14/6/2018

Khác với thân phận bị tuyệt đại đa số người dân chỉ trích, chửi rủa và nguyền rủa của Dự Luật Đặc khu, Dự Luật An ninh mạng ít cám cảnh hơn và cũng không rơi vào cảnh mà những tác giả của Dự Luật Đặc khu như Phạm Minh Chính, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Xuân Phúc… buộc phải bàn lùi để xoa dịu cơn sóng phẫn nộ của nhân dân.

Ai là ‘nhà đầu tư chiến lược’ của Dự Luật An ninh mạng?

Dù bị chỉ trích dữ dội là nhằm bóp nghẹt tự do ngôn luận trên mạng Internet, nhưng Dự Luật An ninh mạng không bị chửi rủa đến mức ‘luật bán nước’ như Dự Luật Đặc khu, không trở thành lý do chính cho cuộc tổng biểu tình ngày Mười tháng Sáu năm 2018, và do đó đã được một quốc hội ‘đảng cử’ mau chóng cúi đầu bấm nút thuận chỉ 2 ngày sau khi nổ ra cuộc tổng biểu tình toàn quốc phản đối Dự Luật Đặc khu.

Cũng khác với các ‘nhà đầu tư chiến lược’ mà đương nhiên sẽ hưởng lợi một cách phủ phê nếu Dự Luật Đặc khu được thông qua, Luật An ninh mạng lại mang đến quyền lực và lợi ích cho một nhóm ‘nhà đầu tư chiến lược’ rất đặc thù khác: giới công an mạng.

Ba quan chức được xác định là có vai trò chủ xướng trong việc soạn thảo và đệ trình Dự Luật An ninh mạng là Trần Đại Quang – cựu bộ trưởng công an, Tô Lâm – đương kim bộ trưởng công an và Hoàng Phước Thuận – Cục trưởng Cục An ninh mạng của Bộ Công an.

‘Cải thiện thu nhập’

Cứ chiếu theo đánh giá của nhiều nhà phân tích chính trị, giới chuyên gia và nhà báo, người ta còn thấy ẩn trong Dự Luật An ninh mạng là một núi điều kiện về cơ chế ‘xin – cho’ áp đặt đối với các chủ thể kinh doanh mạng Internet của Việt Nam và nước ngoài. Mỗi điều kiện là một giấy phép, và ứng với những điều kiện lớn thì lại đẻ ra hàng đống giấy phép con nằm trong những giấy phép lớn…

Chưa kể phần ‘hậu kiểm’ – tức cơ chế mà Luật An ninh mạng cho phép các quan chức công an mạng có quyền kiểm tra hoạt động của những doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh mạng Internet sau khi cấp phép, theo cách ‘hành là chính’.

Một cách nào đó, có thể xem việc Quốc hội thông qua ‘thành công’ Luật An ninh mạng là cơ hội trời cho để giới công an mạng được ‘cải thiện thu nhập’, hoặc với cách gọi khác hơn đôi chút là ‘cải thiện kinh tế công an’ để phần nào tương xứng với ‘kinh tế quốc phòng’ của nhiều doanh nghiệp quân đội mà đã ‘đi lên từ đất’.

Nhưng lẽ dĩ nhiên, mục đích ẩn trên không thể lộ ra, mà phải được che đậy bằng lý cớ ‘an ninh quốc gia’.

Vô số báo cáo của ngành công an đã có thể thổi phồng nguy cơ an ninh trên mạng xã hội, trong một đất nước đầy rẫy ‘thế lực thù địch’ và tất nhiên không thể bỏ quan vai trò của đảng Việt Tân. Đặc biệt trong bối cảnh diễn ra các phong trào phản đối chặt hạ cây xanh vào năm 2015, phản đối điều 60 của Luật Lao động cũng vào năm 2015, phản đối thảm họa ô nhiễm của Formosa vào năm 2016, vụ khủng hoảng Đồng Tâm năm 2017, và mới nhất là cuộc tổng biểu tình phản đối Dự Luật Đặc khu vào ngày Mười tháng Sáu năm 2018.

Học tập Trung Quốc!

Vào năm 2017, sau một chiến dịch “vừa răn đe vừa thuyết phục” đối với Google, Facebook nhưng có vẻ chẳng mang lại kết quả nào đáng kể, chính quyền Việt Nam lại xoay sang hướng… học tập kinh nghiệm Trung Quốc.

Luật An ninh mạng của Trung Quốc được thông qua vào tháng 11/2016 và có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2017. Cùng với việc siết chặt kiểm soát báo chí và bình luận, luật An ninh mạng còn khiến cho tự do không gian mạng của Trung Quốc càng trở nên hà khắc hơn bao giờ hết.

“Kinh nghiệm Trung Quốc” là việc quốc gia độc trị này đã bắt Google phải đăng ký máy chủ quản lý dữ liệu với ngành công an và quản lý thông tin và do đó có thể kiểm soát được toàn bộ nội dung trên mạng xã hội. Trong suốt một thời gian khá dài, giới quản lý của Trung Quốc đã o ép mạng xã hội không mấy kém thua việc họ đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền tại đất nước này. “Chịu hết nổi”, đến tháng 3/2010, Google đã phải chính thức rút khỏi thị trường Trung Quốc.

Đầu năm 2018, tổ chức nhân quyền quốc tế Freedom House bầu chọn Trung Quốc là “kẻ lạm dụng tồi tệ nhất” đối với quyền tự do trên Internet. Điều đáng nói là liên tiếp trong 3 năm liền trong suốt tiến trình từ khi luật An ninh mạng của nước này được bàn thảo, được thông qua và bắt đầu có hiệu lực, Trung Quốc đều được bầu chọn danh hiệu này.

Vậy hậu quả ghê gớm nào sẽ xảy ra nếu các hãng Gooogle, Facebook… đồng loạt rút khỏi Việt Nam nếu họ bị Luật An ninh mạng siết đến mức không thể thở được?

Chính một con số thống kê của Bộ Thông Tin-Truyền Thông Việt Nam đã cho biết có tới hơn 80% người Việt dùng mạng xã hội. Cơ chế cấm cản mạng xã hội ở Việt Nam sẽ có thể ngay lập tức dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống thông tin trong khối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khiến GDP – vốn đang quá èo uột – sẽ có thể thiệt hại từ 1,5 đến 2,5% tổng sản lượng quốc gia.

Còn giới đấu tranh nhân quyền?

Một nhà báo độc lập trả lời đài RFA Việt ngữ: “Chúng tôi mỉm cười bởi vì có luật an ninh mạng hay không có luật an ninh mạng thì cũng thế. Đối với chúng tôi, những người bất đồng thì chúng tôi chịu áp chế quen rồi, sách nhiễu quen rồi, gò bó quen rồi, và trước khi có luật an ninh mạng, thì họ đã dùng những điều 88, 258, là tuyên truyền chống chế độ, hay là lợi dụng quyền tự do dân chủ, và họ đã truy tố và bỏ tù nhiều người bất đồng chính kiến, không cần có luật an ninh mạng.”

Đài RFA Việt ngữ cũng cho biết “tất cả những nhà hoạt động xã hội bất đồng chính kiến mà chúng tôi có dịp tiếp xúc sau khi đạo luật an ninh mạng được thông qua đều cho rằng đạo luật đó không ảnh hưởng gì đến tình trạng của họ hiện nay”.

Lý do đơn giản là từ khi chưa có hơi hám nào về Dự Luật An ninh mạng, chính quyền và công an Việt Nam đã ‘vận dụng’ 2 điều luật cực kỳ mơ hồ trong Bộ Luật Hình sự là Điều 88 về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’ và Điều 258 về ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ để bắt bớ và bỏ tù nhiều người bất đồng chính kiến. các blogger có tiếng trên không gian mạng Việt Nam như bà Trần Thị Nga, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay Mẹ Nấm,… đều đang bị ở tù vì tội tuyên truyền chống nhà nước. Chính phủ Việt Nam cũng vừa tống xuất, nhưng không công bố, trường hợp luật sư Nguyễn Văn Đài của Hội Anh em dân chủ sang Đức, ông Đài cũng đã từng bị ghép tội tuyên truyền chống nhà nước khi ông viết bài trên mạng xã hội.

Vì sao chính quyền không thể siết mạng xã hội?

Cũng có thêm một nguồn cơn rất “tế nhị” mà sẽ khiến Luật An ninh mạng – dù có hiệu lực ngay từ đầu năm 2019 và được tuyên truyền ồn ào về tính ‘khủng bố’ của nó – không thể hay ‘không được phép’ phát huy cái tác dụng răn đe cấm cản cực đoan của nó: từ năm 2012, ở Việt Nam đã chính thức diễn ra cuộc chiến nội bộ đảng với trang mạng xã hội có tên Quan Làm Báo, và do đó cũng chính thức hình thành ‘nhu cầu đấu đá nội bộ thông qua mạng xã hội’.

Đến cuối năm 2014, một trang mạng còn ghê gớm hơn là Chân Dung Quyền Lực đã hiện hình và khuynh đảo cả chính trường. Trước đại hội 12 của đảng cầm quyền, một số trang mạng xã hội cũng làm mưa làm gió với những tin tức thuộc loại “Tối Mật,” Tuyệt Mật” của đảng và chính quyền. Từ đó đến nay, ngày càng nhiều trang mạng xã hội nặc danh được tung ra với ngồn ngộn thông tin phanh phui giới quan chức trong nội bộ về nạn tham nhũng, tài sản khủng, bồ nhí con riêng, thủ đoạn chạy chức chạy quyền…

Đó là nguồn cơn vì sao mà Nghị định số 72 được ban hành từ năm 2013 về quản lý mạng Internet, và sau đó là Luật An toàn thông tin được ban hành nhưng đã chẳng có mấy tác dụng để ngăn chặn mạng xã hội.

Trong khi đó, nhu cầu đấu đá nội bộ quá hóc hiểm và đậm tính sống mái lại đang có triển vọng tăng vọt trong năm 2018 này.

Làm thế nào để cái nhu cầu đấu đá nội bộ quá ư lý thú ấy có thể tồn tại trong thời gian tới, đặc biệt trong cuộc chiến sát phạt thâu tóm giữa các nhóm quyền lực mới – lợi ích mới đối với các nhóm quyền lực cũ – lợi ích cũ, nếu mạng xã hội bị chính các cơ quan quản lý Việt Nam siết chặt, còn Facebook và Google bỏ chạy khỏi Việt Nam?