Công an khởi tố người biểu tình chống dự luật đặc khu & an ninh mạng

 

Cơ quan cảnh sát cơ động (CSCĐ) tỉnh Bình Thuận quyết định khởi tố vụ án gây rối ở Bình Thuận

Cơ quan cảnh sát cơ động (CSCĐ) tỉnh Bình Thuận quyết định khởi tố vụ án gây rối ở Bình Thuận
RFA, ngày 15/6/2018

Cơ quan cảnh sát cơ động (CSCĐ) tỉnh Bình Thuận quyết định khởi tố vụ án bị cho ‘gây rối, đập phá trụ sở UBND, huỷ hoại tài sản, chống người thi hành công vụ’ vào ngày 10 và 11 tháng 6.

Quyết định vừa nêu do ông đại tá Nguyễn Văn Nhiều, phát ngôn viên của Công an tỉnh Bình Thuận, nói với truyền thông hôm thứ Sáu 15 tháng 6.

Báo trong nước trích lời ông Nhiều cho biết công an Bình Thuận đang yêu cầu công an các địa phương tăng cường bảo đảm an ninh trật tự.

Hôm 12 tháng 6, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, Đại tá Đào Trọng Nghĩa đã từng nói với Báo VnExpress Online rằng sẽ khởi tố vụ án và bị can sau khi sàng lọc, điều tra.

Cũng liên quan vụ việc ở Bình Thuận, vào thứ Năm 14 tháng 6, báo Pháp Luật trong nước đăng tải lá thư của Đại tá Lê Trung Thu, Trưởng Công an huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận kêu gọi người phạm tội ra tự thú.

Theo nội dung thư  thì đã có một số phần tử kích động xúi giục và lôi kéo người dân tụ tập đông người gây ùn tắc giao thông Quốc lộ 1A. Bên cạnh đó còn có nhiều người có hành động đập phá, đốt tài sản tại Đội cảnh sát PCCC xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình.

Công an huyện Bắc Bình cho những hành vi đó là vi phạm pháp luật nghiêm trọng và cần phải xử lý theo quy định pháp luật.

Vào ngày Chủ nhật 10 tháng 6, người dân ở nhiều tỉnh thành trong cả nước đổ ra đường biểu tình ôn hoà phản đối Luật đặc khu và luật An ninh mạnh trong. Tuy nhiên theo báo chí trong nước, cuộc biểu tình tại Phan Thiết và Tuy Phong tỉnh Bình Thuận đã trở thành bạo lực. Vào tối 10 tháng 6, hàng trăm người dân đã tràn vào trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh tại thành phố Phan Thiết, dùng bom xăng phóng hỏa và đập phá. Ngoài ra có nhiều xe hơi và xe gắn máy bị đốt cháy.

Ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, vào ngày 15 tháng 6, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. HCM cũng có quyết định từ khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt giam ông Trương Hữu Lộc với cáo buộc có hành vi phá rối an ninh theo điều 118 Bộ luật Hình sự.

Tin cho biết cơ quan điều tra xác nhận bị can Trương Hữu Lộc nhận tiền của một số người, mua 600 ổ bánh mì, nước suối và thuê xe chở lên trung tâm TP HCM để phân phát cho đoàn người đi biểu tình.

Báo Vnexpress cho biết nhà chức trách đã làm việc với khoảng 300 người, trong đó tạm giữ ít nhất 7 người, xử lý hành chính 175 người, 38 người bị buộc cam kết không tái phạm về hành vi tương tự hôm 10 tháng 6.

Tương tự, một người khác ở Thanh Hoá là anh Nguyễn Văn Quang, sinh năm 1987 cũng bị cơ quan an ninh điều tra tỉnh này tiến hành bắt khẩn cấp với cáo buộc dùng tài khoản trên Facebook để phát tán những bài viết có nội dung kêu gọi, kích động biểu tình trái pháp luật.

Báo Thanh Hoá đưa tin từ Công an tỉnh Thanh Hoá vào ngày 15 tháng 6 rằng sau khi bắt Nguyễn Văn Quang và đưa ra những chứng cứ phạm tội, người này đã khai nhận toàn bộ về kết quả điều tra của công an tỉnh.

Về phía chính phủ, truyền thông trong nước hôm 15 tháng 6 dẫn lời người phát ngôn Văn phòng Quốc hội là ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội khẳng định Quốc hội rất quan tâm đến dự luật Biểu tình và đang giao cho Chính phủ để gấp rút hoàn thiện.

Cũng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, ông đề nghị truyền thông Nhà nước phải làm cho dư luận hiểu đúng về các vấn đề quy định trong luật An ninh mạng. Riêng luật Đặc khu, ông cho biết có rất nhiều vấn đề và cần thời gian để trao đổi. Ông nhấn mạnh Quốc hội luôn lắng nghe và tiếp thu nhiều nguồn ý kiến khác nhau.

Trả lời báo giới việc Luật An ninh mạng nhận được số đông phiếu đồng thuận, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng đó là do Quốc hội đã lắng nghe và tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu.