HRW: Việt Nam cần chấm dứt việc bắt giữ người biểu tình và điều tra việc sử dụng bạo lực của lực lượng công an

1

Lực lượng công an đang giải tán một cuộc biểu tình chống lại dự thảo luật về Đặc khu kinh tế tại Hà Nộitrong ngày 10/6/2018. Nguồn ảnh: Reuters

Hàng trăm người bị bắt giữ trong chiến dịch đàn áp rộng khắp ở Việt Nam và có mọi lý do để tin rằng lực lượng công an đang đàn áp giới bất đồng chính kiến, chứ không đơn giản là giữ trật tự công cộng.

 

Human Rights Watch, ngày 15/6/2018

(Bản dịch của Người Bảo vệ Nhân quyền)

 

Việt Nam nên chấm dứt các vụ bắt giữ không hợp pháp và sử dụng vũ lực chống lại những người biểu tình trong các vụ biểu tình trên toàn quốc nhằm phản đối việc cho thuê đất dài hạn trong các đặc khu kinh tế, tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch- HRW) nói. Chính phủ nên phóng thích những người bị giam giữ vì đã thể hiện quan điểm của mình một cách ôn hoà, và điều tra về các hành vi quá mức của lực lượng công an trong nỗ lực giải tán biểu tình.

Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra trên phạm vi toàn quốc vào cuối tuần trước để phản ứng lại với dự thảo luật Đặc khu kinh tế, một dự luật cho phép các nhà đầu tư nước ngoài thuê đất trong 99 năm, vànhiều người dân lo ngại việc này sẽ dẫn đến khả năng các công ty Trung Quốc lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam. Hàng ngàn người đã tham gia các cuộc biểu tình tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, tỉnh Bình Thuận và một số khu vực khác. Kể từ khi cuộc biểu tình đầu tiên bắt đầu vào ngày 9/6/2018, cảnh sát đã đánh đập và bắt giữ hàng trăm người biểu tình.

“Người biểu tình phải được bảo vệ, đặc biệt trong các cuộc biểu tình về những vấn đề mà công chúng có nhiều quan tâm,” ông Brad Adams, giám đốc châu Á của HRW nói. “Với hồ sơ tệ hại của Việt Nam về đối phó với các cuộc biểu tình, có mọi lý do để tin rằng lực lượng công an đang đàn áp giới bất đồng chính kiến, chứ không đơn giản là giữ trật tự công cộng.”

Lực lượng công an ở một số thành phố bị cáo buộc đã sử dụng vũ lực không cần thiết và quá mức để giải tán các cuộc biểu tìnhlan rộng trên khắp đất nước vào cuối tuần. Cuộc xung đột bạo lực nhất diễn ra tại tỉnh Bình Thuận, nơi những người biểu tình ném đá và bom xăng bên ngoài trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh. Cảnh sát chống bạo động sử dụng hơi ngạt, bom khói và vòi rồng để giải tán những người biểu tình. Theo cảnh sát, 107 người đã bị giam giữ trong hai ngày tiếp theo như một phần của cuộc điều tra do Bộ Công an tiến hành. Bộ trưởng Công an đã chỉ đạo các cơ quan chức năng Bình Thuận “nghiêm khắc trừng phạt những kẻ cầm đầu.”

Người hoạt động ở một số thành phố đăng tải trên mạng xã hội nhiều tin tức và hình ảnh  về việc lực lượng công an, bao gồm cả mật vụ trong quần áo dân sự, đánh đập và bắt giữ người biểu tình, sử dụng nhiều thiết bị âm thanh tầm xa (Long Range Acoustic Devices- LRADs) với tiếng ồn lớn nhằm vào đám đông. Một người biểu tình tại thành phố Hồ Chí Minh nói với đài Á châuTự do: “Chúng tôi phản đối một cách ôn hòa và không kích động ai cả. Nhưng họ bắt tôi và đẩy tôi lên xe buýt trên đường Lê Duẩn, và năm-sáu công an đánh tôi suốt thời gian đó.”

Hàng chục người biểu tình đang bị giam giữ tại thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có một công dân Mỹ. Các nhà chức trách ở Hà Nội cũng bắt giữ hơn một chục người biểu tình lên xe buýt. Báo chí nhà nước thông báo rằng nhiều người đã bị bắt vì tổ chức biểu tình “bất hợp pháp,” trong đó có hai người đàn ông ở tỉnh Bình Dương bị cáo buộc in hàng ngàn biểu ngữ phản đối.

Nhiều người trong số những người bị bắt giữ đã bị thẩm vấn và sau đó được trả tự do, trong khi những người khác vẫn bị giam giữ. Một số nhà hoạt động nói họ bị đánh đập trong thời gian bị giam giữ trong đồn công an.

Chính phủ nên điều tra và khởi tố những nhân viên an ninh chịu trách nhiệm về việc sử dụng vũ lực quá mức, bắt giữ và giam giữ độc đoán hoặc đối xử tàn bạo đối với người biểu tình. Tất cả người biểu tình bị bắt giữ một cách phi pháp phải được trả tự do.

Các cuộc biểu tình cuối tuần trước được thúc đẩy bởi những lo ngại rằng dự thảo luật sẽ tạo điều kiện Trung Quốc kiểm soát các khu kinh tế đặc biệt, nhất là trong khi hai nước đang tranh chấp lãnh thổ lãnh hải ở Biển Đông. Vào ngày 11 tháng 6, Quốc hội đã thông báo rằng cuộc bỏ phiếu về dự luật sẽ bị trì hoãn cho đến cuối năm nay.

Một số người biểu tình cũng phản đối dự luật An ninh mạng, một dự luật cho phép chính quyền có quyền kiểm duyệt tự do biểu đạt và thu thập thông tin về các nhà bất đồng chính kiến ​​trực tuyến. Ngày12/6, Quốc hội đã thông qua luật này và luật có hiệu lực từ ngày 1/01/2019.

Các cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng nghìn người là sự kiện hiếm ở một quốc gia mà quyền hội họp bị hạn chế. Nhà chức trách yêu cầu xinphép cho các cuộc tụ tập công khai và từ chối cấp phép các cuộc họp hoặc tuần hành mà họ cho là không thể chấp nhận về mặt chính trị. Giám sát, quấy rối và giam giữ được sử dụng để ngăn chặn các nhà hoạt động tham gia vào các sự kiện công cộng. Ít nhất 135 tù nhân chính trị hiện đang bị giam giữ chỉ vì thực hiện các quyền tự do cơ bản về biểu đạt, hội họp, hiệp hội và tôn giáo của họ.

Chính phủ Việt Nam cần đảm bảo rằng lực lượng an ninh tôn trọng các tiêu chuẩn nhân quyền cơ bản trong sử dụng vũ lực, bao gồm trong việc giải tán các cuộc biểu tình bất hợp pháp. Các nguyên tắc cơ bản của Liên Hợp Quốc về việc sử dụng vũ lực và vũ khí của các viên chức thực thi pháp luật quy định rằng lực lượng công quyền “áp dụng các biện pháp phi bạo lực trước khi sử dụng vũ lực.” Khi sử dụng vũ lực là điều không thể tránh khỏi, lực lượng công quyền phải kiềm chế và hành động tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội.

Các cuộc biểu tình và sự đàn áp của lực lượng công an diễn ra khi Liên minh châu Âu (EU) xem xét phê chuẩn hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.

Adams nói: “Việc đàn áp các cuộc biểu tình này là một vết nhơ trên hồ sơ nhân quyền của Việt Nam. EU nên cảnh báo rằng quan hệ kinh tế chỉ được cải thiện nào khi chính phủ chấm dứt việc đàn áp người hoạt động và người chỉ trích chính phủ, kể cả việc phóng thích nhiều người bị bắt trong các cuộc biểu tình. Việt Nam cần phải biết rằng cả thế giới đang theo dõi tình trạng này.”