Nghi kỵ chính sách của Chính phủ với Trung Quốc đã châm ngòi cho biểu tình ở Việt Nam

Các cuộc biểu tình gần đây với sự tham gia của hàng ngàn người ở nhiều thành phố của Việt Nam đang cho thấy cách dễ dàng để đoàn kết ý kiến ​​công chúng và huy động giới bất đồng chính kiến về một vấn đề có liên quan đến Trung Quốc.
Reuters, ngày 19/6/2018
(Bản dịch của Người Bảo vệ Nhân quyền)

Các cuộc biểu tình, bất hợp pháp về mặt kỹ thuật, nổ ra trong ngày Chủ nhật của tuần thứ hai liên tiếp, do những lo ngại rằng ba đặc khu kinh tế ven biển được đề xuất sẽ bị các công ty của Trung Quốc thâu tóm.

Ngày17/6, sau buổi lễ tại một nhà thờ ở tỉnh Hà Tĩnh, người Công giáo tập trung để phản đối dự luật Đặc khu kinh tế và luật An ninh mạng. Ảnh: Reuters

Đề xuất này không nhắc đến Trung Quốc. Nhưng các nhà phân tích chính trị nói rằng người Việt Nam vốn cảnh giác, đăng nhiều bài trên Facebook với sự nghi ngờ rằng lợi ích của Trung Quốc đang ảnh hưởng đến chính sách của nhà nước Việt Nam.

Trung tâm của vấn đề là một sự kết hợp giữa sự tức giận của nhiều thế hệ đối với sự bành trướng của Trung Quốc, và thiếu vắng niềm tin vào Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền vào việc đảng này có thể làm điều gì đó để bảo vệ chủ quyền quốc gia.

“Chính phủ đánh giá thấp tinh thần chống Trung Quốc của người dân trong nước,” theo Murray Hiebert, một chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington.

“Theo nhiều người Việt Nam thì chính phủ không làm đủ trách nhiệm của mình để bảo vệ chủ quyền của đất nước chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc,” Hiebert nói.

Các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, được sử dụng bởi một nửa trong số 90 triệu người Việt Nam, khiến cho tâm lý này trở nên phổ biếnvà khó nắm bắt.

Sau khi xảy ra nhiều cuộc biểu tình kéo dài ở nhiều thành phố trên toàn quốc, Quốc hội đã phải hoãn bỏ phiếu về dự luật Đặc khu kinh tế cho đến tháng Mười.

An ninh đã được thắt chặt vào ngày chủ nhật (17/6) để ngăn chặn các cuộc biểu tình ở các thành phố lớn, nhưng hàng ngàn người vẫn tụ tập ở tỉnh Hà Tĩnh với khẩu hiệu “Không cho Trung cộng thuê đất, dù chỉ một ngày.”

Căng thẳng có thể vẫn tồn tại khi Trung Quốc thúc đẩy hoạt động của kế hoạch Một Vành đai- Một con đường với mục tiêu thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của mình và có hành động manh động hơn để củng cố yêu sách của mình trên hầu hết toàn bộ Biển Đông.

Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng và quân sự hóa nhiều đảo tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố có chủ quyền. Vào tháng Ba, Bắc Kinh đã gây áp lực lên Hà Nội để buộc Hà Nội phải đình chỉ hoạt động của dự án khoan dầu ngoài khơi trọng điểm lần thứ hai trong vòng một năm.

Chủ nghĩa dân tộc được đề cao

Sự phản kháng của chính phủ Việt Nam đối với áp lực của Trung Quốc rất hạn chế.

Ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hiếm khi thừa nhận sự tồn tại của tinh thần chống Trung Quốc ở Việt Nam. Ngày 15/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề cập đến vấn đề này, nói rằng cơ quan lập pháp “đánh giá cao lòng yêu nước của người dân và mối quan ngại sâu sắc của họ về các vấn đề quan trọng.”

Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng đã trấn an dân chúng trong một buổi gặp với cử tri vào ngày Chủ nhật về dự luật Đặc khu kinh tế với đề xuất cho người nước ngoài thuê đất trong 99 năm, nhưng không nói gì đến Trung Quốc.

“Không ai là ngu ngốc khi giao đất cho người nước ngoài để họ đến và làm mọi thứ rối tung lên,” báo chí nhà nước dẫn lời ông ta.

Phần lớn các cuộc biểu tình trong ngày 10/6 là ôn hoà, nhưng đã biến thành bạo động ở tỉnh Bình Thuận, khi mà người biểu tình đốt cháy một số xe và ném đá tấn công vào cảnh sát chống bạo động.

Trần Vũ Hải, một luật sư nổi tiếng, cho biết sự giận dữ đã tích tụ nhiều năm ở Bình Thuận, nơi nhiều ngư dân bị Trung Quốc tấn công khi đang đánh bắt cá trên Biển Đông, và một nhà máy điện do Trung Quốc đầu tư gây ô nhiễm nặng nề tại đây, cũng như việc phá rừng ồ ạt để khai thác khoáng sản để xuất sang Trung Quốc.

Ông Hải cho biết, người dân đang trút sự giận dữ của mình không chỉ lên Trung Quốc, mà còn lên chính quyền địa phương vốn bị coi là tham nhũng và bị nô lệ vào những lợi ích thương mại của Trung Quốc.

“Họ không điều tra lý do tại sao mọi người bị kích động và họ không giải quyết vấn đề của người dân,” ông nói. “Sự tin tưởng vào chính quyền địa phương đã không còn.”

Các nhà phân tích nói rằng biểu tình đã lan đến người dân bình thường và gây khó khăn cho chính phủ trong việc giữ cân bằng trong kiểm soát tình hình và cho phép bất đồng ở một mức độ nào đó.

Kích động biểu tình

Các cuộc biểu tình đang được Trung Quốc theo dõi chặt chẽ. Cơ quan ngoại giao của Trung Quốc ở Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc gặp với các công ty Trung Quốc, chính quyền sở tại và báo chí.

Trong một số bài đăng tải ở website của Đại Sứ quán, một quan chức Trung Quốc tên là Yin Haihong yêu cầu chính quyền Việt Nam bảo vệ các doanh nghiệp và người dân Trung Quốc.

Yin cho biết chính quyền Việt Nam đã thông báo với đại sứ quán rằng những người có “động cơ kín” đã “cố ý xuyên tạc tình hình và liên kết nó với Trung Quốc.”

Các cuộc biểu tình gần đây theo sau các cuộc biểu tình tương tự vào năm 2014 sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào khu vực biển miền Trung Việt Nam và biểu tình kéo dài nhiều tháng vào năm 2016 để phản đối nhà máy thép Formosa gây thảm họa môi trường ở ven biển miền Trung.

Trả lời câu hỏi của Reuters, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã không nhắc đến Trung Quốc nhưng nói “những phần tử cực đoan” đã “kích động các cuộc tụ tập bất hợp pháp.” Bà ta nói thêm rằng chính sách của Việt Nam nhằm phục vụ lợi ích của người dân và hỗ trợ kinh doanh và đầu tư.

Nguyễn Văn Quỳnh, một luật sư nổi tiếng có nhiều người theo dõi trên Facebook, cho biết rõ ràng là các cuộc biểu tình đã được tổ chức và bạo lực đã bị xúi giục. Ông cho biết các cuộc biểu tình được lên kế hoạch tỉ mỉ trong khi công tác bảo đảm an ninh của Bình Thuận rất yếu.

“Quy mô, tính tổ chức, sự phức tạp của các cuộc biểu tình, bạo loạn ngày càng tăng, chứng minh rằng phải có một người hoặc một nhóm dẫn đầu với kiến ​​thức và kỹ năng tổ chức bài bản,” Quỳnh nói.

Một số nhà lập pháp hiện tại và trước đây cho biết đã đến lúc phải xem xét và thông qua luật Biểu tình, một dự luật đã bị trì hoãn lâu dài, để điều chỉnh các cuộc biểu tình. Hiến pháp cho phép tự do hội họp, nhưng các cuộc biểu tình thường bị giải tán bởi cảnh sát và những người tham gia bị bắt giam với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng.”

Những người khác nói rằng đã đến lúc chính quyền phải lắng nghe ý kiến ​​công chúng nhiều hơn.

“Chính quyền cần phải quan tâm đến những gì mà người dân quan ngại,” ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết.