Phạt báo Tuổi Trẻ làm lộ bản chất sợ sự thật của Hà Nội

Màn hình báo Tuổi Trẻ Online hôm 16/7/2018.

Màn hình báo Tuổi Trẻ Online hôm 16/7/2018.
RFA, ngày 18/7/2018

Bộ Thông tin và Truyền thông hôm 16/7/2018 đã ra quyết định xử phạt báo Tuổi Trẻ 220 triệu đồng và đình bản báo Tuổi Trẻ Online trong thời gian ba tháng, buộc phải xin lỗi và cải chính thông tin bị cho là sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu.

Bạn đọc và giới làm báo phản ứng thế nào trước biện pháp đó?

‘Sự kiện lịch sử’

Một khán giả trung thành của tờ Tuổi Trẻ, đặc biệt là Tuổi Trẻ Cười, bạn Lưu Thiện ngụ tại Sài Gòn cho biết cảm nhận sau khi biết tin vừa nêu.

Đội ngũ phóng viên và biên tập ở tờ báo đó có trách nhiệm cao đối với xã hội. Bây giờ họ bị cấm tuy chỉ với Tuổi Trẻ Online nhưng tôi thấy đó là một điều đáng buồn và khá bức xúc.

Bạn Lưu Thiện nêu ra lý do bức xúc là vì mặc dù tất cả mọi người dân đều xứng đáng có quyền tiếp nhận thông tin nhưng vấn đề tự do ngôn luận tại Việt Nam đang bị kiểm soát chặt chẽ và trong tương lại sẽ bị thắt chặt hơn; cụ thể là đối với những thông tin mà chính phủ Hà Nội và đảng cộng sản Việt Nam muốn bưng bít:

Tôi thấy ở đất nước mình mọi người đang bị cô lập với những thông tin bên ngoài, thế giới bên ngoài và kể cả những thông tin ngay tại nội tại của đất nước mình.

Bản chất đã là như vậy từ lâu rồi, nhưng qua sự kiện này người ta càng thấy rõ hơn bản chất của chế độ độc tài, độc đảng.
-Nhà báo trong nước

Một người hiện đang làm truyền thông tại Việt Nam không muốn nêu tên đánh giá là đây một sự kiện lịch sử.

Đối với báo chí, đây là một sự kiện mang tính lịch sử vì tờ Tuổi Trẻ là một biểu tượng báo chí của Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung.

Theo Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà, vào ngày 9/7, tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác cuối năm 2018 của toàn ngành, các điểm bị cáo buộc vi phạm của Tuổi Trẻ đã được đưa ra với chỉ trích là rất nghiêm trọng. Trong đó có nêu ra một bình luận của bạn đọc trên Tuổi trẻ dưới bài “Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây?” Bình luận này đã được chụp lại và quy kết là ‘chia rẽ dân tộc’

Nhà báo vừa nêu có ý kiến về điều này:

Lý luận như vậy rõ ràng lộ ra tham vọng khống chế tự do ngôn luận và chỉ coi báo chí là công cụ để phục vụ chế độ. Bản chất đã là như vậy từ lâu rồi, nhưng qua sự kiện này người ta càng thấy rõ hơn bản chất của chế độ độc tài, độc đảng.

Niềm tin bị ảnh hưởng?

Sự việc Báo Tuổi Trẻ Online bị ngưng hoạt động trong 3 tháng khiến một số người cầm bút và độc giả của báo này bày tỏ sự thương cảm và tiếc nuối bằng cách thay hình đại diện của mình trên mạng xã hội cùng với biểu tượng của báo Tuổi Trẻ kèm dòng chữ ‘niềm tin của bạn’.

Nhà báo Lê Kiên, một thành viên của báo Tuổi Trẻ, viết trên trang mạng cá nhân như sau:

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, mỗi một hệ quả xảy ra thì các nguyên nhân chủ quan phải được mổ xẻ trước. Tôi quan niệm Báo Tuổi trẻ là tài sản của xã hội, những người làm báo Tuổi trẻ hiện nay đang sống bằng sự ký thác niềm tin và việc trả tiền mua báo của bạn đọc. Uy tín của tờ báo là nước mắt, mồ hôi, trí tuệ của bao thế hệ xây dựng nên. Những người làm báo Tuổi trẻ hôm nay mà để thất thoát những thành quả đó là đắc tội trước lịch sử.

Tiêu đề Tuổi Trẻ nằm chung các báo khác tại một sạp báo ở Hà Nội vào ngày 15 tháng 11 năm 2015.
Tiêu đề Tuổi Trẻ nằm chung các báo khác tại một sạp báo ở Hà Nội vào ngày 15 tháng 11 năm 2015. AFP

Tuy nhiên, nhà báo mà chúng tôi tiếp xúc cho biết từ lâu mình không còn đọc báo này.

Bản thân tôi từ lâu đã không đọc Tuổi Trẻ vì đây là một tờ báo đứng ngoài những sự kiện dân chủ, những đòi hỏi dân chủ, những nhà dân chủ bị bắt bớ, không nhắc đến những cuộc biểu tình. Đối với tôi nó không còn là một tờ báo lớn nữa mà chỉ tồn tại dưới danh nghĩa phục vụ cho người dân.

Nhà báo này cũng phản biện lại đánh giá ‘Tuổi Trẻ là tờ báo tốt nhất nước’ của một người đưa lên facebook cá nhân các bài viết kèm hình ảnh sinh hoạt được nói là trong thời gian làm việc tại báo Tuổi Trẻ, như sau:

Nếu họ nghĩ họ thực sự là người làm báo lớn và ý thức nghĩa vụ và quyền lợi của mình thì họ có chấp nhận thay đổi hay không. Còn nếu họ họ phải tồn tại, chấp nhận một cơ chế chính quyền như vậy thì bản thân họ đã tự biết họ từ lâu lắm rồi. Những cuộc khóc thương, khóc mướn niềm tin vào Tuổi Trẻ thế này thế kia… tôi thấy rất cải lương.

Sau sự kiện này, nhà báo tự do Mạnh Kim cũng nói thẳng trên trang cá nhân rằng làng báo trong nước ngày càng trở thành một thứ công cụ được uốn nắn và chỉnh sửa tròn trịa đến mức ngoài chức năng công cụ ra thì nó bây giờ chẳng còn giá trị nào khác.

Sự can thiệp thô bạo và ý thức đấu tranh

Đây không phải là lần đầu tiên việc một tờ báo bị đình bản tại Việt Nam. Hôm 27/10/2016, Báo điện tử Tầm nhìnđã bị phạt ngưng phát hành 3 tháng vì sai phạm được nói là liên quan tôn chỉ, mục đích.

Hôm 4/10/2016, Bộ trưởng Thông tin- Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng nói rõ việc thu hồi thẻ nhà báo của Tổng biên tập và đình chỉ tờ Petrotimes3 tháng là vì đăng lại thông tin của báo nước ngoài liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh.

Khi người bị giẫm đạp như vậy thì người ta mới có ý thức để đấu tranh và khao khát từ không có tự do để có được tự do.
-Nhà báo trong nước

Trước đó, hôm 9/7/2015, hai ấn phẩm Người đưa tinvà Công lý trái timcũng bị đình bản trong ba tháng.

Vào tháng 2/2014, tờ Sài Gòn Tiếp Thị chính thức bị đóng cửa sau 20 năm hoạt động với lý do được nêu ra là vì tài chính, thế nhưng Tổng biên tập báo này từng tiết lộ đã bị Ban Tuyên giáo phàn nàn “rất nhiều lần” và đã phải điều chỉnh “rất nhiều nội dung”.

Trở lại chuyện Tuổi Trẻ Online bị đình bản 3 tháng, một luật sư trẻ bày tỏ chính kiến trước những kết luận của Bộ Thông tin và Truyền thông hôm 16/7/2018.

Cả hai kết luận là một thông điệp cho thấy làn rành giữa tự do báo chí và thông tin vi phạm hiện nay ngày càng mờ nhạt đến mức có thể bị quyết định tuỳ nghi. Nó có thể sẽ hoàn toàn vô hiệu hoá những gì hiếm hoi còn sót lại của chức năng phản biện những vấn đề nhạy cảm mà báo chí Việt Nam đang có, và khiến cho những nhà báo thực địa trở nên run sợ khi lấy tin.

Mặc dù vậy, dưới góc nhìn một người làm truyền thông, nhà báo nói chuyện với RFA cho biết bạn vẫn thấy điểm tích cực sau sự kiện nàylà người dân đã có thể nhìn nhận được họ đang sống trong thế giới kìm kẹp như thế nào.Bạn nói thêm đây là một hành động can thiệp thô bạo nhằm đe dọa những người cầm bút.

Tôi cảm thấy đây là một cú tát rất thô bạo. Tuy nhiên tôi kỳ vọng tiếp tục có những sự thô bạo như vậy bởi vì khi người bị giẫm đạp và bị tát như vậy thì người ta mới có ý thức để đấu tranh và khao khát từ không có tự do để có được tự do.

Nhà báo này nói tiếp người làm báo giống như những người chiến sĩ. Khi càng bị đặt vào thế kìm kẹp, bị đẩy vào thế sợ hãi thì họ phải bứt ra và trưởng thành. Theo lời của người này thì quyền lực của báo chí không phải ở chỗ phụ thuộc vào chính quyền mà là giúp người dân thay đổi chính quyền.