Tín ngưỡng, nhưng có gì đó…

Trúc Giang, Việt Nam Thời báo, ngày 28/8/2018

 

Tôi là một Phật tử. Tôi đã rất lưỡng lự khi ngồi viết bài này, vì tự nghĩ rằng dễ đụng chạm đến niềm tin của lễ thả hoa đăng mùa Vu Lan: thả đèn trôi sông để gửi gắm một tâm niệm an lạc cho mình và mọi người.

Thả đèn hoa đăng ở chùa Diệu Pháp, bờ sông Bình Lợi, quận Bình Thạnh, Sài Gòn, mùa Vu Lan 2018.

Người Phật tử luôn được nghe giảng pháp rằng, mỗi ngọn đèn hoa đăng được đốt lên, mỗi người cầu nguyện vào đó một tâm niệm thiện lành, một tâm niệm an lạc cho mình và cho mọi người. Mỗi ngọn đèn trên tay là ánh sáng xóa hết mọi khổ đau để cùng nhau xây dựng một đất nước tươi đẹp và phồn vinh, hướng đến một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Mỗi ngọn đèn trên tay là một lời cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc và nhân dân an lạc.

Thả đèn hoa đăng ở chùa Diệu Pháp, bờ sông Bình Lợi, quận Bình Thạnh, Sài Gòn, mùa Vu Lan 2018.

Nhưng đằng sau vẻ đẹp lung linh và thấm đượm nhân bản ấy lại là một mảng tối mà không phải ai cũng nhận ra. Đèn hoa đăng rất đẹp, nhưng những chiếc đèn hoa đăng ấy sẽ trôi về đâu? Khi chúng ta thả thêm một ngọn đèn, cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang ném thêm rác xuống sông rạch Sài Gòn vốn đang ô nhiễm. Đèn được thả trôi sông, đa phần còn lại bã nến và xác đèn cháy dở; phần nến sẽ chìm xuống lòng sông, phần xác đèn theo gió trôi dạt tấp vào đâu đó…

Ngày trước mỗi lần muốn thả hoa đăng thì phải bỏ công mua giấy thủ công về cắt dán làm hoa; cây đèn cầy cắt ngắn từng khúc. Giờ thì không phải làm, chỉ cần a lô một tiếng là có ngay mấy ngàn cây để thả. Không chỉ đèn được kết từ nhựa tái chế, mà cánh hoa đăng cũng được thay thế bằng xốp nhựa, cứng hơn, dai hơn lại không thấm nước.

Thả đèn hoa đăng ở chùa Diệu Pháp, bờ sông Bình Lợi, quận Bình Thạnh, Sài Gòn, mùa Vu Lan 2018.

Còn cây đèn cầy ngày trước cắt đôi cắt ba, gắn vững trong đèn hoa đăng là cả một vấn đề, giờ đây được thay thế bằng một loại đèn cầy đựng trong nắp kẽm, hoặc ly thủy tinh, cháy đến mấy tiếng đồng hồ chưa tắt. Đúng là tiện, thắp được lâu và đẹp hơn thật.

Nhưng sau mấy tiếng đồng hồ, hoa đăng ấy sẽ trôi dạt về đâu?. Người đi cúng, người đi thả, người cầu nguyện để tấm lòng trải rộng giữa dòng sông. Và rồi khi hương tàn, rượu nhạt thì ai về nhà nấy, để lại cho dòng sông sự dật dờ cả đống đèn hoa đăng không thể tan được.

Thả đèn hoa đăng ở chùa Diệu Pháp, bờ sông Bình Lợi, quận Bình Thạnh, Sài Gòn, mùa Vu Lan 2018.

Mỗi lần tâm hồn được nhẹ nhàng thì dòng sông thêm phần nặng nhọc; mỗi lần ta cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc thì dòng sông thêm một lần hứng chịu cả ngàn vạn hoa đăng, và đời con đời cháu lại chịu thêm những hậu quả của ô nhiễm.

Một người bạn của tôi đang là viên chức trong ngành môi trường, an ủi rằng những hoa đăng này sau khi cháy hết nến, sẽ được chính quyền nhờ một số người dân chèo ghe vớt để không gây ô nhiễm môi trường.

Mong như lời người bạn ấy.