Việt Nam trên đường cải cách cho đến khi Trump hủy bỏ TPP

Washington Post, Editorial Board, ngày 21/10/2018

(Bản dịch của Người Bảo vệ Nhân quyền)

 

WHoa Kỳ thực sự có khả năng ảnh hưởng đến các quốc gia khác về những lý tưởng của dân chủ, thị trường tự do, thượng tôn pháp luật và tôn trọng nhân quyền? Thường thì không khi các nhà độc tài và lãnh đạo đảng tiến hành đàn áp làm câm lặng giới bất đồng chính kiến và người hoạt động xã hội dân sự. Tuy nhiên, với trường hợp của Việt Nam và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho thấy rằng các quốc gia khác, bao gồm cả những chế độ toàn trị, quan tâm đến những lời nhắc nhở của Hoa Kỳ.

Như Simon Denyer và David Nakamura đã viết trong The Post tuần này, TPP- một hiệp định thương mại vớisự tham gia của12 quốc gia, là trung tâm của chính sách tiếp cận của Tổng thống Barack Obama ở châu Á, đã gặp rắc rối vào cuối năm 2016. Hiệp định này chưa được Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn, và phải đối mặt với sự phản đối nghiêm trọng ở nước Mỹ, và ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton đã cho biết ý định rút khỏi hiệp định mà bà từng gọi là “tiêu chuẩn vàng” về các giao dịch thương mại.

 

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự lễ tiếp đón tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội vào tháng 11/2017.

Nhưng hiệp ước này có ảnh hưởng ở Việt Nam, một trong những quốc gia thành viên. Cấm lao động trẻ em, cung cấp cho các công ty tư nhân nhiều cơ hội hơn để cạnh tranh với khu vực nhà nước, tăng cường kiểm soát môi trường và cho phép môi trường Internet không bị cản trở. Đổi lại, người Việt Nam sẽ tiếp cận nhiều hơn với thị trường Mỹ khổng lồ. Ngoài ra, một trong những đối thủ trong khu vực của Việt Nam, Trung Quốc, không là thành viên của hiệp ước. Và TPP đến vào thời điểm có một phong trào chớm nở của các nhà hoạt động dũng cảm Việt Nam đang sử dụng truyền thông xã hội để truyền bá thông tin về quyền lao động, minh bạch, trách nhiệm giải trình và dân chủ.

Sau đó, trong tuần đầu tiên của mình trong NhàTrắng, Tổng thống Trump rút khỏi TPP vìnhững nghi ngờ rằng hiệp định này có ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp và công nhân Mỹ. Tác động ở Việt Nam là không thể nhầm lẫn. Ted Osius, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, nói với The Post rằng việc Hoa Kỳ rút khỏi hiệp ước đã tước đi sự ủng hộ dành cho những người cải cách.

Không  còn những yêu cầu gắn liền với TPP, nhà cầm quyền ở Việt Nam đã tiến hành đàn áp người hoạt động. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một nhà hoạt động nhân quyền và blogger nổi tiếng với bút danh Mẹ Nấm, người có tiếng nói phản đối mạnh mẽ vụ xả thải (của Formosa- lời người dịch) năm 2016 với hậu quả nặng nề cho môi trường biển, đã bị bắt. Tháng 6 năm 2017, cô bị kết án tù giam 10 năm vì tội danh “tuyên truyền chống nhà nước.” (Tuần trước, cô được phóng thích và đi sang Hoa Kỳ). Chính quyền cộng sản cũng đàn áp Hội Anh em Dân chủ, một tổ chức thành lập bởi luật sư Nguyễn Văn Đài. Vào tháng 4 năm 2018, một toà án ở Hà Nội đã kết án ông và năm nhà hoạt động khác với mức án từ 7 đến 15 năm tù giam. Ông Đài sau đó được phóng thích và bị buộc lưu vong ở Đức, trong khi những nhà hoạt động khác còn đang bị cầm tù. Ông nói với The Post rằng nếu Hoa Kỳ còn là thành viên của TPP thì điều đó có thể mang lại cơ hội thay đổi ở Việt Nam.

Thay đổi không dễ đến. Trung Quốc chưa bao giờ mang lại niềm hy vọng cho Phương Tây, những quốc gia từng nghĩ rằng thương mại tự do có thể làm thay đổi ban lãnh đạo toàn trị. Nhưng loại bỏ những sức ép về dân chủ và quyền con người luôn làm cho đàn áp gia tăng trong khi cổ suý những giá trị đó luôn mang lại hiệu quả cho dù không đồng đều và chưa hoàn hảo.