Lại chuyện Việt Nam là nước dân chủ hay độc tài!

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Áo Sebastian Kurz.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Áo Sebastian Kurz.
RFA, ngày 29/10/2018

Thực tế “dân chủ” ở Việt Nam

Theo tường thuật của một nhà báo gốc Việt thì ngay sau khi phóng viên người Áo nêu câu hỏi với Thủ tướng Sebastian Kurz rằng hai phía Hà Nội và Vienne đã trao đổi về vấn đề nhân quyền như thế nào, liên quan đến Hội nghị thượng đỉnh giữa EU và ASEAN sắp diễn ra, và người phóng viên này đã công khai gọi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc là người đứng đầu chính phủ xã hội chủ nghĩa của một nước cộng sản độc tài, ông Nguyễn Xuân Phúc đã “cướp lời” và nói rằng: “Việt Nam là một quốc gia dân chủ, chúng tôi lên án mọi chế độ độc tài.”

Khi người ta xác định nhà nước độc tài là chỉ có một nhà vua cầm quyền, chỉ có một anh tổng thống lộng quyền, chỉ có một đảng độc diễn, độc đoán chuyên quyền. Thì đấy là độc tài. – GS. Nguyễn Khắc Mai

Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, ông Nguyễn Xuân Phúc bị “chạm nọc” bởi những lời chỉ trích về tình hình nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam. Câu nói của ông Phúc khiến Giáo sư Cống liên tưởng đến phát ngôn tương tự của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Nguyên phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan “Việt Nam dân chủ gấp ngàn lần dân chủ tư sản.”. Theo ông Cống, cơ chế “đảng cử dân bầu” trong các cuộc bầu cử là điều phản dân chủ đầu tiên.

“Dân chủ cái gì mà anh không chấp nhận hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự. Có anh nào bắt đầu mới nói lên một vài điều cái ý gì thì bắt và đưa ra tòa án xử ngay. Tòa án thì nói xử công khai, nhưng toàn xử theo bản án có sẵn thì dân chủ cái gì.”

Ông Nguyễn Khắc Mai – Giám đốc Trung tâm Minh Triết đánh giá một quốc gia dân chủ hay không, không phủ thuộc vào câu chữ trong Hiến pháp, cương lĩnh, nghị quyết của đảng, hay khẩu hiệu, mà phụ thuộc vào bản chất và hiện thực đời sống chính trị.

“Khi người ta xác định nhà nước độc tài là chỉ có một nhà vua cầm quyền, chỉ có một anh tổng thống lộng quyền, chỉ có một đảng độc diễn, độc đoán chuyên quyền. Thì đấy là độc tài.”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam “lên án mọi chế độ độc tài”. Giáo sư Nguyễn Đình Cống đưa ra ý kiến, có thể ông Phúc nói đến “chế độ độc tài” ở đây là chế độ của các trùm Phát xít như Adolf Hitler hay Musolini.

“Ông ấy chống độc tài không có nghĩa ông ấy không độc tài. Thằng độc tài này chống thằng độc tài khác chứ. Chẳng có chuyện gì quan trọng ở chỗ này cả, vấn đề là anh có độc tài hay không. Còn anh chống hay không, không quan trọng. Anh chống người ta, nhưng mà anh lại độc tài hơn người ta thì có chuyện gì đâu.”

Nhà hoạt động Lưu Văn Vinh bị cáo buộc tội lật đổ chính quyền trong phiên tòa ngày 5 tháng 10 năm 2018 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà hoạt động Lưu Văn Vinh bị cáo buộc tội lật đổ chính quyền trong phiên tòa ngày 5 tháng 10 năm 2018 tại thành phố Hồ Chí Minh. AFP

Một minh chứng sắc nét cho tính dân chủ tại Việt Nam là việc ngày 23/10/2018, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa 14 bỏ phiếu kín, bầu chọn Chủ tịch nước, thay thế cho ông Trần Đại Quang mới qua đời. Ứng viên duy nhất do đảng đề cử là ông Nguyễn Phú Trọng – tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam. Trước ngày bỏ phiếu, nhiều đảng viên, lão thành cách mạng, trí thức đã yêu cầu ông Trọng phải công khai tài sản cá nhân – chủ trương vốn do chính ông đề xướng, và công bố cương lĩnh hành động trên vai trò chủ tịch nước.

Giáo sư Cống cho rằng, không có sự tranh cử trong bầu chọn nguyên thủ quốc gia, và việc thiếu minh bạch về tài sản cá nhân đã đủ nói lên tất cả.

“Trong một hình thức dân chủ, nói rằng đưa ra Quốc hội bỏ phiếu kín, thì vẫn ẩn náu một thực chất chẳng dân chủ gì cả, cũng là một cái cách dùng ý đảng để áp đặt mà thôi.”

Con đường dân chủ ở Việt Nam

Trong nhiều năm qua, đối mặt với những vấn đề thực tại của đất nước, mong muốn về một nền chính trị dân chủ đối với những người Việt Nam quan tâm chưa bao giờ tắt. Tuy nhiên, con đường đi đến dân chủ còn bao lâu, bằng cách nào, và viễn cảnh nền dân chủ ấy sẽ thế nào vẫn là những câu hỏi được nêu ra.

“Một chế độ dân chủ thì nó phải dựa trên các hoạt động: kinh tế – đấy là kinh tế thị trường, hoạt động thì đấy là của xã hội dân sự, chính quyền – đấy phải là chính quyền đa nguyên, tam quyền phân lập, thì mới có dân chủ được chứ. Chứ nếu như vẫn cứ kiên quyết đi theo cái con đường của cộng sản hiện nay – là độc tôn lãnh đạo của một đảng duy nhất, theo một đường lối duy nhất Marx-Lenin, thì không thể có được dân chủ đâu. Chẳng qua đó chỉ là dân chủ giả hiệu thôi, dân chủ bịa ra.”

Trong một hình thức dân chủ, nói rằng đưa ra Quốc hội bỏ phiếu kín, thì vẫn ẩn náu một thực chất chẳng dân chủ gì cả, cũng là một cái cách dùng ý đảng để áp đặt mà thôi. – GS. Nguyễn Đình Cống

Nhưng trước tiên, để có những kiến giải đóng góp cho sự phát triển của đất nước, phản biện những chính sách của chính quyền, lên án những điều xấu, tiêu cực trong xã hội, thì các quyền tự do căn bản như ngôn luận và tư tưởng cần được tôn trọng.

“Anh phải tôn trọng cái chính kiến của những người có ý kiến khác anh đi, ý kiến khác đảng cộng sản đi, để họ phản biện cái đường lối của đảng trong mấy chục năm qua nó đã dẫn đến cái gì. Thì như thế, lời nói của anh “nước ta là nước dân chủ” mới có thực tế xác nhận. Chứ anh nói như thế mà anh vẫn bắt bỏ tù, đàn áp những người trái chính kiến với anh thì không thể nói là dân chủ được.”

Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, sự chuyển hóa nền chính trị sang dân chủ tại Việt Nam có hai con đường: một là do đảng cộng sản tự thay đổi – vốn là điều khó xảy ra; hai là người dân tạo sức ép buộc chính quyền thay đổi – điều này khả thi hơn, nhưng có thể phải mất rất nhiều năm.

“May ra, nếu như thế giới có một sự chuyển biến gì đấy đột xuất, ví dụ như cuộc giữa Trump và Tập Cận Bình còn nổ ra những xáo động bắt buộc Việt Nam, tình hình Việt Nam, đẩy anh Việt Nam phải lựa chọn, chắc không thì chết. Lúc ấy, may ra tình hình thế giới mà có biến chuyển, mà anh Việt Nam, tầng lớp tinh hoa của Việt Nam có thể lợi dụng được, thì may ra có thể chuyển biến đất nước sang nền dân chủ.”

Bên cạnh đó, sự tác động của các Hiệp định thương mại tự do đa phương mà Việt Nam sắp tham gia có thể ảnh hưởng đến không chỉ nền kinh tế, mà còn là xã hội, cải cách thể chế, luật pháp và bảo đảm quyền con người. Giáo sư Cống nhận định, đó là tác nhân gián tiếp thúc đẩy quá trình dân chủ, chứ không kỳ vọng nó có thể là tác nhân trực tiếp.

“Nếu như chấp nhận cho nhân quyền của dân Việt Nam mở rộng ra, nhân dân hiểu biết hơn, thì dần dần người dân sẽ giác ngộ về nền dân chủ, người ta thấy quyền lợi của người ta, người ta thấy chỗ dựa để đấu tranh. Chứ còn những cái hiệp định thương mại để có những cải thiện dân chủ tại Việt Nam thì tôi không hy vọng.”

Lãnh đạo Hà Nội khi ra nước ngoài và bị chất vấn về vấn đề dân chủ- nhân quyền của Việt Nam đều khẳng định mọi quyền con người đều được tôn trọng; thế nhưng thực thế bắt bớ, tuyên án tù nặng những tiếng nói đối lập bằng những điều luật mơ hồ là minh chứng cho thực tế ‘lời nói không đi đôi việc làm’.