Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần 51-52, từ ngày 17 đến 31/12/2018: Toà phúc thẩm y án đối với nhà hoạt động Nguyễn Trung Trực

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 31/12/2018

Ngày 26/12, Toà án Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng đã bác bỏ kháng cáo của nhà hoạt động Nguyễn Trung Trực, giữ nguyên bản án 12 năm tù giam và 5 năm quản chế mà Toà án Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã tuyên vào ngày 04/8.

Ông Trực, 44 tuổi, buộc phải thi hành án tù giam dài hạn vì tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự (BLHS) 1999 vì những hoạt động cổ suý nhân quyền và dân chủ, và trợ giúp những ngư dân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường gây ra từ việc xả thải của Công ty thép Formosa.

Hai ngày sau, Toà án Nhân dân tỉnh Đồng Tháp kết án nhà hoạt động Huỳnh Trương Ca về cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của BLHS 2015 vì những hoạt động ôn hoà nhằm cổ suý dân quyền và nhân quyền. Ông Ca, 47 tuổi, là thành viên của nhóm Hiến Pháp.

An ninh tỉnh Lâm Đồng đã trục xuất nhà hoạt động Phan Vân Bách trong ngày 23/12, buộc anh phải trở về Hà Nội sau nhiều ngày sách nhiễu, đánh đập anh và những người đón tiếp anh ở tỉnh này. Trước đó, ngày 17/12, an ninh đã đánh anh Phạm Thế Lực chỉ vì anh tiếp anh Bách, và ngày 21/12, mật vụ đã đánh anh Bách và cô Đặng Mai Yến, một dân oan ở huyện Đức Trọng khi hai người đang uống cafe ở gần nhà cô.

Nhân kỷ niệm 100 năm sự kiện “Yêu sách của dân tộc An Nam” được gửi đến Hội nghị các nước thắng trận trong Đệ nhị Thế chiến, giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam cũng nêu ra một yêu sách gồm tám điểm lên nhà cầm quyền cộng sản ở Hà Nội.

Trong bản yêu sách này, nhóm khởi xướng đã yêu cầu chính quyền cộng sản Việt Nam trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm, đòi quyền bình đẳng của mọi công dân trước luật, quyền tự do lập hội và tụ tập ôn hoà, quyền được cư trú và đi lại, bao gồm cả việc đi ra nước ngoài, quyền được học tập và tham gia các chương trình đào tạo kỹ năng, quyền được bầu và ứng cử vào quốc hội và các cơ quan dân cử ở địa phương…

===== 17/12 =====

Nhà hoạt động Nguyễn Trung Trực sẽ ra toà phúc thẩm vào ngày 26/12

Nhà hoạt động Nguyễn Trung Trực, cựu phát ngôn nhân của Hội Anh em Dân chủ (HAEDC) sẽ ra toà phúc thẩm vào ngày 26/12/2018, gần 5 tháng sau phiên xử sơ thẩm về cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999.

Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng sẽ tiến hành phiên xử phúc thẩm bắt đầu vào 7.30 sáng tại trụ sở của cơ quan này tại thành phố Đà Nẵng. Theo quyết định của toà thì phiên phúc thẩm sẽ là công khai.

Ông Nguyễn Trung Trực là một người hoạt động cổ suý nhân quyền và dân chủ, tích cực giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường gây ra bởi Công ty Formosa. Ông là thành viên chủ chốt của Hội Anh em Dân chủ ở miền Trung, và được bầu là phát ngôn nhân của tổ chức này.

Ông bị bắt ngày 04/8/2017 và bị kết án 12 năm tù giam bởi Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình vào ngày 12/9 năm nay.

Ông là một trong 8 thành viên chủ chốt của Hội Anh em Dân chủ bị bắt với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.” Những người còn lại bị kết án từ 7 đến 15 năm tù giam.

Vũ Quốc Ngữ, giám đốc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền cho biết “Như phần lớn các vụ án mang tính chính trị, rất khó có khả năng ông Trực được giảm án hay trả tự do sau phiên phúc thẩm.”

——————–

Mật vụ Lâm Đồng chém một người hoạt động trong khi công an kiểm tra hành chính

Nhà hoạt động Phạm Thế Lựcbị mật vụ chém vào đầu tại nhà riêng trong thời gian công an khu vực kiểm tra hành chính trong đêm 17/12/2018.

Vào ngày thứ Hai, anh Phạm Văn Bách, một nhà hoạt động nhân quyền và blogger từ Hà Nội đến chơi và ngủ đêm lại tại nhà của anh Lực ở thôn Lạc Viên, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồngđón khách là. Khoảng 22 giờ đêm, lực lượng công an và an ninh huyện đứng đầu là trung uý Lê Việt Dũng đã vào gọi cửa yêu cầu kiểm tra hành chính.

Sau khi kiểm tra giấy tờ của khách và không thể hạch sách được gì thì điện trong nhà bị tắt và một số kẻ mặc thường phục và bịt mặt xông vào nhà. Theo anh Bách thì anh là mục tiêu tấn công của mật vụ, nhưng chúng bị ngăn bởi chủ nhà là anh Lực, do vậy, anh Lực là nạn nhân duy nhất của vụ tấn công.

Mật vụ đã dùng một vật nhọn, rất có thể là dao nhọn, đánh vào đầu anh Lực, tạo ra một vết vết thương sâu ở đỉnh đầu và gây chảy máu khá nhiều. Khi anh Lực kêu lên “công an đánh người” thì điện lại bật sáng và cả công an và mật vụ đều chạy khỏi nhà anh, cầm theo cả hung khí.

Điều đáng nói là nhóm công an gồm hai nam và một nữ không có bất kỳ biện pháp nào để bảo vệ người bị hại hay bắt kẻ tấn công.

Dù anh Lực bị thương nặng và ra nhiều máu nhưng hai anh Bách và Lực không dám đi bệnh viện để tìm cứu trợ vì sợ có thể bị đánh và đâm tiếp. Anh Bách sơ cứu cho chủ nhà để chờ trời sáng, rồi rời khỏi địa bàn một cách bí mật.

Cả anh Bách và anh Lực là những người hoạt động cổ suý nhân quyền và tự do thông tin.

Vụ tấn công anh Lực là một trong nhiều vụ tấn công nhằm vào giới bất đồng chính kiến trong thời gian gần đây. Vụ gần nhất là vào ngày 09/12, mật vụ tỉnh Đồng Nai ném gạch đá tấn công bốn nhà hoạt động ông Huỳnh Tấn Tuyên, bà Trần Ngọc Anh, ôngNguyễn Thanh Hải và ông Võ Văn Traikhi họ dự định đi thăm gia đình một số tù nhân lương tâm- những người bị kết án tù vì tham gia biểu tình chống Luật Đặc khu Kinh tế và Luật An ninh mạng vào ngày 10/6.

Nhằm tránh bị quốc tế phản đối, Việt Nam thường xuyên sử dụng mật vụ và côn đồ để bắt cóc, đánh đập và sách nhiễu giới bất đồng chính kiến, theo nhà hoạt động Đàm Ngọc Tuyên ở Sài Gòn. Hàng chục nhà hoạt động, bao gồm luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, mục sư Nguyễn Trung Tôn, phát ngôn nhân của Hội Anh em Dân chủ, nhà hoạt động về quyền đất đai Trần Thị Nga, đã bị đánh đập với thương tích nặng nề bởi mật vụ và côn đồ trong những năm gần đây.

——————–

HRW chỉ trích tình hình nhân quyền Việt Nam trong báo cáo cho Liên Hiệp Quốc

RFA: Chính phủ Hà Nội chỉ cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam một chút ít kể từ thời điểm Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát Toàn cầu (UPR) năm 2014 cho đến nay, và tiếp tục hạn chế các quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội, tự do tôn giáo của người dân, theo báo cáo của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch- HRW) gửi lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) nhân dịp UPR chu kỳ 3 của Việt Nam.

Trong báo cáo đưa ra ngày 16/12, HRW nêu rõ Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo và tiếp tục duy trì quyền lực tuyệt đối. Kể từ năm 1954 cho đến hiện tại, Việt Nam chưa bao giờ tổ chức bầu cử tự do và công bằng, đại biểu Quốc hội hầu hết là thành viên của Đảng Cộng sản Việt Nam được chọn lựa vào trong khi tòa án và các bộ, ngành đều dưới quyền kiểm soát của đảng này, HRW nói.

HRW nêu lên các vấn đề vi phạm nhân quyền tại Việt Nam bao gồm:

– Việt Nam kiểm soát truyền thông, khóa hoặc đóng các trang website nhạy cảm về chính trị, bắt bớ những người sử dụng mạng mạng xã hội để lên tiếng chỉ trích Chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2018, Quốc Hội Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng, có hiệu lực vào năm 2019 để can thiệp sâu hơn liên quan quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt của người dân.

-Việt Nam cấm đoán các hiệp hội thương mại độc lập, cũng như kiểm soát chặt chẽ các tổ chức xã hội, các nhóm sinh hoạt tôn giáo và các xã hội dân sự.

-Quốc Hội Việt Nam thông qua Bộ Luật hình Sự sửa đổi và tiếp tục sử dụng các điều luật mơ hồ như Điều 89 “phá rối an ninh”, Điều 79 “có hành vi lật đổ chính quyền nhân dân”…để bỏ tù các nhà hoạt động chính trị và tôn giáo ôn hòa. Việt Nam hiện cầm tù ít nhất 136 người dưới các điều luật này vì họ bị cho là tạo ra mối đe dọa đối với Nhà nước Việt Nam. Trong vòng 6 tháng đầu năm 2018, Chính phủ Việt Nam đã bắt giữ và bỏ tù ít nhất 26 nhà hoạt động nhân quyền và blogger.

-Tình trạng người dân bị tra tấn và chết trong đồn công an ngày càng nhiều, và Công an Việt Nam không chịu trách nhiệm đối với những trường hợp bị thiệt mạng khuất tất như vậy.

HRW nhấn mạnh trong báo cáo của mình rằng mặc dù Việt Nam hứa hẹn thay đổi theo các đề nghị của UNHRC tại UPR năm 2014, tuy nhiên qua các liệt kê trong báo cáo cho thấy Việt Nam không có dấu hiệu thay đổi như đã cam kết.

Trong khi đó, hồi đầu tháng 12, tại Hội thảo công bố Báo cáo quốc gia về nhân quyền UPR chu kỳ 3 của UNHRC, đại diện của Bộ Ngoại Giao Việt Nam tuyên bố Việt Nam đã thực hiện xong 96,2% khuyến nghị về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc và sẽ báo cáo tại kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát Toàn cầu (UPR) chu kỳ 3 của UNHRC vào ngày 22 tháng 1 năm 2019.

========== 20/12 =====

Giới bất đồng chính kiến nêu yêu sách 8 điểm

Nhân kỷ niệm 100 năm sự kiện “Yêu sách của dân tộc An Nam” được gửi đến Hội nghị các nước thắng trận trong Đệ nhị Thế chiến, giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam cũng nêu ra một yêu sách gồm tám điểm lên nhà cầm quyền cộng sản ở Hà Nội.

Trong bản yêu sách này, nhóm khởi xướng đã yêu cầu chính quyền cộng sản Việt Nam trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm, đòi quyền bình đẳng của mọi công dân trước luật, quyền tự do lập hội và tụ tập ôn hoà, quyền được cư trú và đi lại, bao gồm cả việc đi ra nước ngoài, quyền được học tập và tham gia các chương trình đào tạo kỹ năng, quyền được bầu và ứng cử vào quốc hội và các cơ quan dân cử ở địa phương…

Những người khởi xướng yêu sách tin rằng chính quyền Việt Nam thực hiện nhữngyêu sách này là con đường duy nhất đưa nước Việt Nam thoát khỏi thực trạng trì trệ về kinh tế, thối nát về chính trị xã hội, và nguy cơ đánh mất chủ quyền quốc gia vào tay ngoại bang.

Họcũng kêu gọi mọi người Việt Nam hãy thực hiện các quyền hiến định của mình mà không đợi ai cho phép; bằng cách đó gây sức ép buộc chính quyền ban hành và thực thi các đạo luật đảm bảo những quyền hiến định, nghiêm trị bất kỳ ai hay tổ chức nào cản trở việc công dân Việt Nam thực hiện những quyền thiêng liêng đó của mình.

Cuốicùng, nhómkhởi xướng đề nghị Liên Hợp quốc và các quốc gia đối tác với Việt Nam quan tâm đến nguyện vọng, ý chí của người dân Việt Nam để có tác động cần thiết, giúp cho những yêu sách nói trên được đáp ứng thuận lợi.

Những nhóm khởi xướng bao gồm 8 tổ chức: Ban Vận động thành lập Văn đoàn độc lập, đại diện, Bauxite Việt Nam, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Diễn đàn Xã hội dân sự, Đàn Chim Việt (Ba Lan), Hội Bầu bí tương thân, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam và Nhóm Văn Lang Praha.

Ngay trong ngày đầu tiên, Bản yêu sách 2019 thu hút được hơn 100 chữ ký của người Việt ở nhiều nơi trên thế giới.

Đọc toàn bộ Yêu sách 8 điểm năm 2019 tại đây: https://www.facebook.com/tao.vovan.1/posts/2427447150604820

——————–

Ân xá Quốc tề lên án Hà Nội sau khi cuộc họp XHDS bị ngăn cản

Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã ra thông cáo báo chí phản đối chính quyền Việt Nam ngăn cản và phá vỡ một cuộc họp của một số tổ chức xã hội dân sự về cách tiếp cận các vấn đề xã hội.

Phản ứng của Ân xá Quốc tế được đưa ra chỉ vài giờ sau khi an ninh xông vào một cuộc hội thảo tổ chức tại Hanoi Club Hotel ở Hà Nội vào ngày 19/12, yêu cầu ban tổ chức dừng cuộc hội thảo với lý do ban tổ chức sự kiện này vi phạm Luật Chiến tranh năm 1957 và Nghị định 257/TTg trong đó yêu cầu người tổ chức phải báo cáo cơ quan chức năng về sự kiện trước 24 giờ.

Ông Minar Pimple, giám đốc Operation Program của Ân xá Quốc tế nói: “Đây là một cuộc tấn công ngớ ngẩn và gây sốc, vào cuộc họp XHDS ôn hòa, hợp lệ. Dùng một đạo luật thời chiến về tổ chức sự kiện nơi công cộng để cản phá cuộc họp mặt của người dân ở khách sạn, rõ ràng là một sự nhạo báng và không thể biện minh.”

Theo ông, Hiến pháp Việt Nam bảo đảm quyền tự do hội họp và lập hội, và Hà Nội phải tôn trọng và bảo vệ theo các điều ước quốc tế về quyền con người, vì vậy việc dừng hội thảo này vi phạm cả luật pháp quốc tế và Hiến pháp riêng của Việt Nam. Chính quyền phải cho phép hội thảo này và chấm dứt việc đàn áp tương tự đối với các nhóm xã hội dân sự.

Hội thảo thường niên lần thứ 3 được dự kiến vào hai ngày, tập trung vào cách tiếp cận các vấn đề xã hội, bao gồm dịch vụ công, sức khỏe và bình đẳng giới tính. Những tổ chức xã hội dân sự tham gia sự kiện này là People’s Participation Working Group (PPWG), the Partnership for Action in Health Equity (PAHE), the Group of Public Administration Reform, Không gian Nhân quyền (Human Rights Space), the Gender and Community Network (Gencomnet), the Ethnic Minority Working Group (EMWG), the Evidence-Based Health Policy Development Advocacy Group (EBPHD), và Vietnam Non-Communicable Disease Prevention Alliance (NCDs-VN).

Trong nhiều năm gần đây, chính quyền Việt Nam đã ngăn cản và buộc nhiều tổ chức phải huỷ bỏ nhiều hội thảo và tập huấn của nhiều tổ chức xã hội dân sự có đăng ký và chưa đăng ký, và chỉ cho phép những tổ chức xã hội dân sự mà chính quyền kiểm soát được tổ chức các sự kiện ca ngợi đảng và chính phủ.

===== 21/12 ===== 

Đại diện EU gặp gỡ với Chính phủ Việt Nam về Luật An ninh mạng

Theo trang Facebook của Phái đoàn Liên minh EU tại Hà Nội, Đại sứ EU cùng với các vị đại sứ và đại biện lâm thời của các nước thành viên EU tại Việt Nam đã có buổi làm việc trong ngày 21/12 với Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng để thảo luận về Luật An ninh mạng mới của Việt Nam và về dự thảo Nghị định thi hành Luật này hiện đang trong quá trình tham vấn công khai.

Theo đó, tại buổi làm việc, phía EU đã chia sẻ những quan ngại liên quan tới các vấn đề cụ thể trong quy định của Luật sẽ tác động tới thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam, về tính tương thích của các quy định pháp luật Việt Nam này với Quy định chung của EU về Bảo vệ Dữ liệu (GDPR), về sự tôn trọng của Việt Nam đối với các quyền căn bản và các quyền tự do của công dân, và về chiến lược hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Phía EU cho rằng tiềm năng to lớn của Việt Nam liên quan tới nền kinh tế số và công nghiệp 4.0 luôn đi đôi với chiến lược hội nhập quốc tế của đất nước. Chiến lược này sẽ được tạo thuận lợi tối đa thông qua việc áp dụng các định nghĩa, chuẩn mực và tiêu chuẩn cũng như những sự phát triển công nghệ được thúc đẩy bởi các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là một thành viên (Liên Hợp quốc, Interpol, ASEAN) và bởi những đối tác thương mại tiên tiến nhất của Việt Nam.

EU cho biết liên minh và các quốc gia thành viên của mình duy trì cam kết trong việc hỗ trợ cho chiến lược hội nhập quốc tế của Việt Nam, sự phát triển kinh tế cũng như an ninh đối với cơ sở hạ tầng mạng của đất nước.

Luật An ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 12/6 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Luật này được cho là công cụ để bịt miệng giới bất đồng chính kiến.

——————– 

Mật vụ Lâm Đồng đánh đập blogger Phan Vân Bách, dân oan Đặng Mai Yến

Mật vụ tỉnh Lâm Đồng lại ra tay đánh đập hai người hoạt động là blogger Phan Vân Bách và dân oan Đặng Mai Yến trong sáng thứ Sáu (ngày 21/12/2018), chỉ năm ngày sau khi chém anh Phạm Thế Lực tại nhà riêng của anh.

Sau khi rời khỏi nhà của anh Phạm Thế Lực một cách khẩn trương và bí mật, anh Phan Vân Bách tiếp tục chuyến đi thăm Tây Nguyên và anh dừng tại nhà của dân oan Đặng Mai Yến ở xã…, huyện Đức Trọng. 

Sáng thứ Sáu, khi anh Bách cùng chị Yến uống cafe ở gần nhà chị Yến thì họ bị một đám mặc thường phục xông vào đánh đập. Anh Bách bị bầm giập nhiều chỗ trong khi chị Yến bị đánh chảy máu ở hai chân.

Sau khi gây nhiều thương tích cho hai người, đám mật vụ bỏ đi.

Anh Bách và chị Yến đến đồn công an trình báo, rồi đi đến bệnh viện để điều trị vết thương.

Đây là lần tấn công thứ hai nhằm vào anh Bách, một nhà hoạt động cổ suý tự do thông tin và hay làm nhiều live streams trên Facebook. Trong lần đầu tiên xảy ra ngày 17/12, mật vụ Lâm Đồng định đánh anh Bách khi anh đến thăm nhà anh Phạm Thế Lực nhưng do anh Lực bảo vệ nên mật vụ chỉ có thể gây hại cho chủ nhà với một số vết thương trên đầu và cổ.

Hàng chục người hoạt động ở Việt Nam đã bị đánh đập bởi công an và mật vụ hoặc côn đồ dưới sự chỉ đạo của công an hàng năm. Nhiều người trong số nạn nhân bị thương tích trầm trọng trong khi những kẻ tấn công không bao giờ bị trừng trị.

Chị Yến là một trong hàng nghìn dân oan bị chính quyền cộng sản cướp đất đai. Chị khiếu kiện hàng năm trời nhưng không được giải quyết.

——————–

Ba tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển, Hoàng Đức Bình và Nguyễn Văn Hoá bị kỷ luật?

Hoàng Nguyên, em trai tù nhân lương tâm Hoàng Đức Bình cho biết rất có khả năng anh trai mình cùng hai tù nhân lương tâm khác là Nguyễn Bắc Truyển và Nguyễn Văn Hoá bị Trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam kỷ luật.

Hoàng Nguyên, người mới đi thăm anh trai Hoàng Đức Bình hôm 19/12, nói việc kỷ luật này có thể liên quan đến việc ba tù nhân lương tâm cùng làm một bản kiến nghị với Ban giám thị của trại giam trong thời gian gần đây.

Anh Bình không thể nói với em trai mình nội dung bản kiến nghị về vấn đề gì vì trong thời gian thăm gặp, giám thị trại giam cử công an đứng cạnh và không cho hai người trao đổi cặn kẽ. Bình chỉ kịp nói với em trai mình là Ban giám thị trại giam không tiếp nhận và giải quyết đơn mang tính tập thể.

Anh Hoàng Nguyên nói rằng hôm nay (21/12), anh Bình có gọi điện từ trại giam về nhà nhưng cuộc gọi bị dừng ngay từ đầu.

Anh Hoàng Nguyên và gia đình rất lo lắng cho tình hình của anh Bình ở trong trại giam, vì việc kỷ luật cũng có thể liên quan đến việc Hoàng Đức Bình mới được Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam trao giải Nhân quyền Việt Nam, cùng với nhà hoạt động Phạm Đoan Trang và Trần Thị Nga.

Xin nhắc lại, Hoàng Đức Bình bị bắt vào tháng 5 năm 2017 và kết án tổng cộng 14 năm tù giam vì những hoạt động cổ suý nhân quyền, bảo vệ quyền lợi người lao động và hỗ trợ nạn nhân của thảm hoạ môi trường biển do Công ty Formosa gây ra năm 2016 ở ven biển miền Trung.

Ông Nguyễn Bắc Truyển bị bắt ngày 30/7/2017 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” và vào tháng Tư năm nay, ông bị kết án 11 năm tù giam.

Nhà báo tự do Nguyễn Văn Hoá bị bắt tháng 2 năm 2017 với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” và sau đó bị kết án 7 năm tù giam. Trong thời gian từ khi bị bắt tới nay, ông bị biệt giam trong nhiều tháng và còn bị tra tấn bởi công an Việt Nam.

Cả ba đang thụ án tù tại Trại giam An Điềm tỉnh Quảng Nam.

——————–

Long An huỷ án sơ thẩm vụ 3 cảnh sát trại giam đánh chết tù nhân 17 tuổi

Long An: Trong ngày 21/12, Toà án nhân dân tỉnh Long An tuyên bố bác bỏ kết quả bản án sơ thẩm vụ 3 cảnh sát trại giam Long Hòa đánh chết phạm nhân Lại Đức Huy vì cho rằng bản án này vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Trước đó, vào tháng 8/2018, Toà án nhân dân huyện Bến Lức mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Phước Thuận (36 tuổi), Nguyễn Minh Huân (26 tuổi), Châu Minh Nhựt (22 tuổi) là những quản giáo của trại giam Long Hòa về cáo buộc dùng nhục hình đối với năm tù nhân lứa tuổi 16, 17 vừa nhập trại được ba ngày. Toà này đã tuyên phạt bị cáo Thuận 3 năm 6 tháng tù, bị cáo Huân 2 năm 6 tháng tù và bị cáo Nhựt 2 năm tù cùng với cáo buộc “Dùng nhục hình”.

Tuy nhiên, Toà án nhân dân tỉnh cho rằng trong phiên sơ thẩm, Toà án huyện Bến Lức đã có nhiều thiếu sót nghiêm trọng trong quá trình điều tra như không thu giữ vật chứng là phương tiện mà các bị cáo dùng vào việc phạm tội là cái còng tay, ghế để kê bị hại và những người còng tay bị hại lên vách lưới; chưa thực hiện thực nghiệm điều tra để làm rõ hậu quả ảnh hưởng đến tính mạng của bị hại và hành vi cụ thể của các bị cáo để xác định rõ mối quan hệ về hành vi của các bị cáo đối với thiệt hại xảy ra trong quá trình phạm tội, nhất là đối với cái chết của bị hại Lại Quốc Huy. 

Trở lại sự việc vào ngày 20/10/2017, ba quản giáo trại giam đã đánh đập 5 tù nhân mới nhập trại. Một trong năm tù nhân tên Lại Đức Huy bị đánh đập bằng dùi cui cao su sau đó bị còng hai tay vào vách lưới B40 ở tư thế dựa lưng vào lưới, giơ hai tay cao hơn đầu, mỗi tay một còng, chân đứng dưới đất. Khi được phát hiện bị ngất xỉu, công an có tháo còng và đưa Huy đi cấp cứu nhưng Huy đã chết trên đường đến bệnh viện.

Nguyên nhân cái chết của nạn nhân sau đó được xác định là do bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp, thuyên tắc mạch phổi, phù phổi cấp dẫn đến suy tuần hoàn, suy hô hấp cấp, tuy nhiên gia đình khẳng định Huy khỏe mạnh trước khi nhập trại và có chứng nhận của trại giam.

Cho dù Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước chống tra tấn (CAT) từ năm 2014, tra tấn vẫn diễn ra nhiều nơi trên cả nước. Hàng trăm tù nhân và nghi phạm đã bị đánh đập trong đồn công an hay trại tạm giam và trại giam từ đó tới nay. Truyền thông quốc doanh đưa tin có ít nhất 12 nạn nhân bị chết trong khi bị giam giữ trong năm 2018. 

===== 23/12 ===== 

Việt Nam cấp quốc tịch cho 139 người, vẫn còn nhiều người không quốc tịch

Theo Văn phòng Cao uỷ Tỵ nạn của Liên Hợp quốc (UNHCR) tại Đông Nam Á, gần đây chính quyền Việt Nam đã cấpquyền quốc tịch cho 139 người ở tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh. 

Rất nhiều người trong số này không có quốc tịch trong 20 năm trở lại đây, Đài Á Châu Tự do đưa tin, trích dẫn thông cáo báo chí của UNHCR ra ngày 21/12/2018.

Cũng theo UNHCR, Việt Nam sẽ tiếp tục cấp quốc tịch cho 1.665 người khác thuộc nhiều nhóm dân tộc thiểu số sống ở khu vực biên giới miền núi giữa Việt Nam và Làotrong sáu tháng tới.

UNHCR cho biết đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Tư pháp Việt Nam để cải cách luật quốc tịch, cũng như nghiên cứu làm thế nào Việt Nam có thể tham gia Công ước không quốc tịch.

Ông James Lynch, đại diện khu vực Đông Nam Á của UNHCR cho biếtcơ quan này cam kết hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam và hỗ trợ để giúp họ cải cách các đạo luật pháp lý nhằm giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng không quốc tịch. 

Hiện nay, có 29.522 người không quốc tịch hoặc chưa có quốc tịchở Việt Nam. Do không có giấy tờ tùy thân hợp pháp, họ thường bị từ chối tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe và cơ hội việc làm… họ cũng gặp khó khăn trong việc đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn và làm giấy khai tử.Việc họ bị trở thành không quốc tịch có liên quan đến tự do tôn giáo hoặc cưỡng chế đất đai ở Việt Nam, theo tổ chức nhân quyền BPSOS.

===== 

Nhà hoạt động Phan Vân Bách bị an ninh tỉnh Lâm Đồng trục xuất sau nhiều ngày bị sách nhiễu, đánh đập

Công an tỉnh Lâm Đồng đã trục xuất nhà hoạt động Phan Vân Bách về Hà Nội sau khi đã sử dụng mật vụ và côn đồ tấn công anh trong mấy ngày trước đó.

Theo anh Bách, một blogger và thành viên của Chấn hưng Nước Việt TV, thì an ninh tỉnh Lâm Đồng đã buộc anh phải lên máy bay vào hồi 17 giờ 35 phút ngày 23/12/2018 từ sân bay Liên Khương (thành phố Đà Lạt). Máy bay dự kiến sẽ hạ cánh xuống sân bay Nội Bài hai giờ sau đó.

Trong một status được đưa lên trang Facebook cá nhân mang tên Phan Vân Bách, nhà hoạt động này nói rằng anh chỉ được an toàn sau khi hạ cánh xuống sân bay Nội Bài.

Anh Bách là một nhà hoạt động cổ suý nhân quyền và tự do thông tin ở Việt Nam. Trong những ngày gần đây, anh vào Lâm Đồng để thăm một số nhà hoạt động nhân quyền và dân oan ở đây. Tuy nhiên, an ninh địa phương không muốn anh có mặt tại khu vực và tìm cách đánh đập và gây sách nhiễu cho anh và những người bạn tại tỉnh này.

Trong ngày 21/12/2018, mật vụ tỉnh Lâm Đồng ra tay đánh đập anh Bách và dân oan Đặng Mai Yến khi họ uống cafe  ở gần nhà chị Yến. Họ bị một đám mặc thường phục xông vào đánh đập làm anh Bách bị bầm giập nhiều chỗ trong khi chị Yến bị đánh chảy máu ở hai chân.

Trước đó, vào đêm ngày 17/12, công an Lâm Đồng đến sách nhiễu anh Phạm Thế Lực khi anh đang tiếp anh Bách tại nhà riêng của anh. Sau khi giở bài cho công an kiểm tra hành chính, mật vụ bịt mặt đã xông vào tấn công chủ nhà và khách. Những kẻ tấn công đã sử dụng một vật nhọn gây một vết thương khá sâu ở đầu của anh Lực trong khi nhóm công an đứng kiểm tra hành chính không có một hành động để bảo vệ chủ nhà hay bắt giữ những kẻ tấn công.

Cũng như an ninh ở nhiều tỉnh thành, lực lượng Lâm Đồng có truyền thống sử dụng bạo lực đối với người hoạt động đến địa phương này. Những nạn nhân bao gồm ông Lê Đình Lượng, Trần Thị Nga, Đỗ Thị Minh Hạnh… Người thì bị đánh đập, kẻ bị an ninh ném gạch đá hay chất thải vào nhà.

——————–

Long an huỷ án sơ thẩm vụ 3 cảnh sát trại giam đánh chết tù nhân 17 tuổi

Trong ngày 23/12, Toà án nhân dân tỉnh Long An tuyên bố bác bỏ kết quả bản án sơ thẩm vụ 3 cảnh sát trại giam Long Hòa đánh chết phạm nhân Lại Đức Huy vì cho rằng bản án này vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Trước đó, vào tháng 8/2018, Toà án nhân dân huyện Bến Lức mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Phước Thuận (36 tuổi), Nguyễn Minh Huân (26 tuổi), Châu Minh Nhựt (22 tuổi) là những quản giáo của trại giam Long Hòa về cáo buộc dùng nhục hình đối với năm tù nhân lứa tuổi 16, 17 vừa nhập trại được ba ngày. Toà này đã tuyên phạt bị cáo Thuận 3 năm 6 tháng tù, bị cáo Huân 2 năm 6 tháng tù và bị cáo Nhựt 2 năm tù cùng với cáo buộc “Dùng nhục hình”.

Tuy nhiên, Toà án nhân dân tỉnh cho rằng trong phiên sơ thẩm, Toà án huyện Bến Lức đã có nhiều thiếu sót nghiêm trọng trong quá trình điều tra như không thu giữ vật chứng là phương tiện mà các bị cáo dùng vào việc phạm tội là cái còng tay, ghế để kê bị hại và những người còng tay bị hại lên vách lưới; chưa thực hiện thực nghiệm điều tra để làm rõ hậu quả ảnh hưởng đến tính mạng của bị hại và hành vi cụ thể của các bị cáo để xác định rõ mối quan hệ về hành vi của các bị cáo đối với thiệt hại xảy ra trong quá trình phạm tội, nhất là đối với cái chết của bị hại Lại Quốc Huy. 

Trở lại sự việc vào ngày 20/10/2017, ba quản giáo trại giam đã đánh đập 5 tù nhân mới nhập trại. Một trong năm tù nhân tên Lại Đức Huy bị đánh đập bằng dùi cui cao su sau đó bị còng hai tay vào vách lưới B40 ở tư thế dựa lưng vào lưới, giơ hai tay cao hơn đầu, mỗi tay một còng, chân đứng dưới đất. Khi được phát hiện bị ngất xỉu, công an có tháo còng và đưa Huy đi cấp cứu nhưng Huy đã chết trên đường đến bệnh viện.

Nguyên nhân cái chết của nạn nhân sau đó được xác định là do bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp, thuyên tắc mạch phổi, phù phổi cấp dẫn đến suy tuần hoàn, suy hô hấp cấp, tuy nhiên gia đình khẳng định Huy khỏe mạnh trước khi nhập trại và có chứng nhận của trại giam.

Cho dù Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước chống tra tấn (CAT) từ năm 2014, tra tấn vẫn diễn ra nhiều nơi trên cả nước. Hàng trăm tù nhân và nghi phạm đã bị đánh đập trong đồn công an hay trại tạm giam và trại giam từ đó tới nay. Truyền thông quốc doanh đưa tin có ít nhất 12 nạn nhân bị chết trong khi bị giam giữ trong năm 2018.

===== 26/12 ===== 

Toà phúc thẩm y án tù đối với nhà hoạt động Nguyễn Trung Trực

Ngày 26/12, Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã giữ nguyên mức án 12 năm tù giam và 5 năm quản chế đối với nhà hoạt động Nguyễn Trung Trực về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật hình sự 1999.

Phiên toà được cho là công khai này chỉ diễn ra trong buổi sáng của ngày thứ Tư tại trụ sở của Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng ở thành phố Đà Nẵng. Theo luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bảo vệ cho ông Trực thì thân nhân không được vào phòng xử án mà chỉ được quan sát phiên toà ngoài hành lang.

Tuy luật sư Miếng trình bày biện hộ đòi trả tự do ngay lập tức cho thân chủ của mình, Toà vẫn giữ nguyên kết quả phiên toà sơ thẩm được tiến hành bởi Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình vào ngày 12/9/2018.

Ông Trực, 44 tuổi, là một nhà hoạt động nhân quyền và cổ suý dân chủ. Với vai trò là phát ngôn nhân của Hội Anh em Dân chủ và đại diện của Hội tại miền Trung, ông đã tích cực hỗ trợ ngư dân- những người bị ảnh hưởng bởi thảm hoạ môi trường ở ven biển miền Trung năm 2016 bởi Công ty Formosa.

Ông bị bắt ngày 04/8/2017 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.

Trước khi bị bắt, ông và gia đình đã nhiều lần bị sách nhiễu, đàn áp bởi chính quyền. Năm 2016, ông và 7 nhà hoạt động của Quảng Bình đã bị mật vụ Nghệ An bắt cóc, đánh đập và cướp hết tài sản và giấy tờ khi nhóm đi đến Vinh để tham dự lễ cưới một người hoạt động tại đây.

Ông là một trong 9 thành viên chủ chốt của Hội Anh em Dân chủ bị bắt giam vì những hoạt động nhằm cổ suý nhân quyền trong giai đoạn 2015-2018. Những người khác bao gồm luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và trợ lý Lê Thu Hà, kỹ sư Phạm Văn Trội, mục sư Nguyễn Trung Tôn, ký giả Trương Minh Đức, ông Nguyễn Văn Túc, cô Trần Thị Xuân, thầy giáo Vũ Văn Hùng, và ông Nguyễn Bắc Truyển.

===== 27/12 ===== 

BPSOS công bố bản dịch kết luận của Uỷ ban Chống Tra tấn LHQ về Việt Nam

Tổ chức Boat People SOS (BPSOS) đã công bố bản dịch tiếng Việt của văn bản Nhận xét Kết luận (Concluding Observations) của Uỷ ban Chống Tra tấn của Liên Hợp quốc (LHQ). Độc giả có thể đọc bản dịch tại đây: http://dvov.org/wp-content/uploads/2018/12/Ban-Nhan-Xe-Ket-Luan-tieng-Viet.pdf

Bản dịch tiếng Việt này sẽ tạo điều kiện thuận tiện cho người dân trong nước trong việc góp ý với Liên Hợp quốc trong tiến trình theo dõi việc chính quyền Việt Nam thực thi Công ước của LHQ về Chống Tra tấn (UNCAT), theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch của BPSOS, một tổ chức tranh đấu cho nhân quyền có trụ sở ở Washington DC.

Bản Nhận xét Kết luận này được Uỷ ban Chống Tra tấn của LHQ đưa ra sau khi cơ quan này thực hiện việc kiểm điểm Việt Nam về tình trạng tra tấnvào giữa tháng 11 năm 2018.

Trong văn bản này, Uỷ ban Chống Tra tấn của LHQ đã đưa ra tổng cộng 25 khuyến cáo, trong đó có 3 khuyến cáo mà Việt Nam nhất thiết cần trả lời là Khuyến cáo về sử dụng vũ lực quá đáng và tử vong khi bị giam giữ, Khuyến cáo về bảo vệ pháp lý cơ bản và Khuyến cáo về tình trạng ép cung bằng tra tấn.

Chính phủ Việt Nam có nhiệm vụ báo cáo về thực thi các khuyến cáo kể trên vào ngày 7 tháng 12, 2019.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế và tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam có thể nộp các “báo cáo thay thế” bắt đầu từ giờ cho đến 3 tháng sau thời hạn 7 tháng 12, 2019. Báo cáo xoay quanh các khuyến cáo kể trên và có thể gửi về cat@ohchr.org theo dạng MS Word hoặc PDF, mỗi bản báo cáo không quá 3.500 chữ và phải được viết bằng một trong 6 thứ tiếng được LHQ chấp nhận là Anh, Pháp, Nga, Hoa, Ả Rập và Tây Ban Nha.

Tiến sỹ Thắng nói rằng tổ chức BPSOScủa ông “sẽ theo dõi sát sự đáp ứng của chính quyền Việt Nam đối với các khuyến cáo của LHQ và thu thập thông tin về tra tấn để cung cấp cho Uỷ ban Chống Tra tấn. Ông cũng kêu gọi những ai có thông tin về tra tấn thì hãy gửi cho tổ chức của ông theo địa chỉ email poc@bpsos.org.

===== 28/12 =====

Nhà hoạt động Huỳnh Trương Ca bị kết án 5 năm 6 tháng tù giam 

Nhà hoạt động Huỳnh Trương Ca, thành viên nhóm Hiến Pháp, đã bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam kết án 5 năm sáu tháng tù giam và ba năm quản chế vì những hoạt động ôn hoà.

Trong phiên toà sơ thẩm ngày 28/12 tại thành phố Cao Lãnh, Toà án nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã kết tội ông Huỳnh Trương Ca theo tội danh “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật hình sự 2015.

Huỳnh Thị Thái Ngân, con gái của ông Huỳnh Trương Ca cho biết gia đình được vào trong phòng xử án để quan sát phiên toà. Bố cô tự bào chữa cho mình, nhưng nhiều lần ông bị chánh án ngắt lời không cho bào chữa hoặc giải thích, cô nói.

Ông Huỳnh Trương Ca, 47 tuổi, là thành viên của nhóm Hiến Pháp, một nhóm có khoảng 20 nhà hoạt động cổ suý quyền con người, quyền dân sự và chính trị bằng cách phát tán Hiến pháp 2013 cũng như một số công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết.

Ông và nhiều thành viên của nhóm là những nhân tố chủ chốt của cuộc biểu tình ở Sài Gòn ngày 10/6/2018 với sự tham gia của hàng chục nghìn người nhằm phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng. Dự luật thứ nhất nhằm ưu đãi nhà đầu tư Trung Quốc mà không tính đến an ninh quốc gia trong khi dự luật thứ 2 là một công cụ nhằm bịt miệng giới bất đồng chính kiến

Ông bị bắt ngày 04/9/2018 khi lực lượng an ninh Việt Nam tăng cường càn quét nhằm ngăn cản biểu tình đường phố trong dịp Quốc khánh (02/9). Công an Việt Nam đã bắt giữ hàng chục người hoạt động trong dịp này, bao gồm 10 thành viên của nhóm Hiến Pháp. 8 trong số thành viên của nhóm này hiện vẫn còn bị giam giữ, 4 trong số họ bị cáo buộc “Gây rối an ninh” theo Điều 118, một người là ông Lê Minh Thể bị cáo buộc “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật hình sự, và ba người còn lại vẫn bị giam giữ mà chưa có cáo buộc cụ thể.

Việc bắt giữ và kết án ông Huỳnh Trương Ca là một phần của chiến dịch đàn áp giới bất đồng chính kiến được bắt đầu từ cuối năm 2015.

Trong năm 2018, Việt Nam bắt giữ ít nhất 27 nhà hoạt động với những cáo buộc thuộc phần An ninh quốc gia của Bộ luật hình sự.

Cũng trong năm nay, Hà Nội kết án 40 nhà hoạt động với tổng mức án là 300 năm tù giam và 69 năm quản chế.

Thêm vào đó, Việt Nam bắt giữ hàng trăm người biểu tình phản đối hai dự luật nói trên trong tháng 6, và kết án khoảng 90 người theo cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” với mức án từ 8 tháng đến 54 tháng tù giam.

Việt Nam hiện giam giữ ít nhất 244 tù nhân lương tâm, theo Now!Campaign, một liên minh của 14 tổ chức dân sự và nhân quyền trong nước và quốc tế, trong đó có BPSOS, Người Bảo vệ Nhân quyền, Civil Rights Defenders, and Front Line Defenders.

=========== 

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản tin Anh ngữ tại đây