Mảnh tối trên chiếc áo màu nghệ tây của Phật giáo Khmer tại Việt Nam

Mảnh tối trên chiếc áo màu nghệ tây của Phật giáo Khmer tại Việt Nam

Ngồi trong căn phòng nhỏ tại một ngôi chùa ở Campuchia, một tín đồ Phật giáo Khmer Krom dùng bút vạch ra những hình thù theo dòng chữ đặc trưng của Phật giáo Nam tông. Nhưng còn đang dang dở thì ông giật mình bởi một tiếng gọi của ai đó bên ngoài. Mở cửa, ông liền nhận ra đó là vị sư trưởng của tỉnh Takeo.

Rất bất ngờ, ông nhanh chóng tiếp khách và cả hai có một cuộc gặp chóng vánh. Trước khi về, vị sư trưởng có nhã ý mời ông qua chơi và dĩ nhiên ông nhận lời ngay lập tức.

Ông nhớ rất rõ đó là ngày 30/6/2007, vì khi vừa bước vào nhà của vị sư trưởng, từ phía trong đã có một nhóm tăng sĩ túc trực sẵn, xông ra, khống chế, bắt cởi y bát và kéo ông lên xe đưa về Việt Nam.

Vừa đặt chân tới Việt Nam, ông lập tức bị tống giam. Trong nhà tù, ông bị đánh đập, tra tấn và đồng thời bị tiêm những loại thuốc lạ. Cứ vậy, khoảng một năm sau, ông được thả nhưng lại tiếp tục bị quản chế.

Không lâu sau, ông tiếp tục vượt biên đến Campuchia rồi bí mật qua Thái Lan. Tại đó, ông may mắn được Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) chấp nhận cho tị nạn chính trị. May mắn một lần nữa mỉm cười, chính phủ Thụy Điển đã chấp nhận cho ông định cư từ đó đến nay.

Đó là Đại đức Tim Sakhorn, một tín đồ Phật giáo Khmer Krom, tên gọi khác là Phật giáo Nam tông hay Phật giáo Khmer tại Việt Nam.

Không chỉ riêng ông, rất nhiều tín đồ Phật giáo Khmer tại Việt Nam đã và đang theo con đường tị nạn đó. Mỗi người trong số họ là một câu chuyện, một quan điểm, một lý do để hành động như vậy. Quy chung, đều là những mảnh tối đang đeo bám họ.

Nếu bạn quan tâm tới Phật giáo Khmer tại Việt Nam, sau đây là những vấn đề về tôn giáo này mà chính quyền không muốn bạn biết.

Hạn chế giáo dục và ngăn cản tìm hiểu lịch sử

Theo báo cáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 2017, Phật giáo Khmer tại Việt Nam có 454 ngôi chùa với gần 8.574 tu sĩ và khoảng một triệu tín đồ, chủ yếu tập trung tại các tỉnh Trà Vinh, Kiên Giang, và Sóc Trăng. [1]

Theo truyền thống của người Khmer, cha mẹ có con trai khi đến tuổi 13 sẽ đưa con đến chùa để học hành, tu tập. Họ cho rằng việc tu tập là để báo hiếu với mẹ cha, hiểu biết về giáo lý Phật giáo, và quan trọng nhất là học làm người. [2]

Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều người Khmer chỉ thực hiện chiếu lệ quy định này. Nhiều người trưởng thành không vượt qua được cuộc sống tu hành ở chùa, do đó số người đến tu học trong chùa hay số nhà sư đều giảm mạnh. Ở một số địa phương, nhiều ngôi chùa chỉ có một vị sư và đôi chỗ có trụ trì chỉ khoảng 30 tuổi.

Một trong số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là chính sách hạn chế và kiểm soát từ phía chính quyền. Khác với các giáo hội Phật giáo khác, chính quyền Việt Nam đã hạn chế khả năng các nhà sư Phật giáo Khmer Krom ra nước ngoài để theo học cao hơn, buộc nhiều người phải thực hiện những chuyến hành trình bí mật qua biên giới sang Campuchia, tìm kiếm quốc tịch Campuchia và cơ hội nghiên cứu giáo lý Phật giáo bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. [4]

Câu chuyện bắt đầu từ năm 1975, sau khi chính quyền miền Bắc tiếp quản miền Nam, họ đã hạn chế sự ảnh hưởng của các nhà chùa, tu viện trong đời sống người Khmer. 

Cụ thể, các nhà sư Khmer bị buộc phải làm công việc đồng áng nặng nhọc, ngay cả việc khất thực cũng bị ngăn cấm. Không những thế, chính quyền đã chấm dứt các chương trình giáo dục trong nhà chùa bằng cách tịch thu sách, cấm các lớp học, và bỏ tù các tu sĩ nếu vẫn tiếp tục giảng dạy. [5]

Hơn thế nữa vào giữa thập niên 1980, chính quyền đàn áp, bắt giữ các giáo viên, trụ trì và những nhân vật hàng đầu của phong trào phản kháng giáo dục, một số người đã chết một cách bí ẩn trong tù. Các tu viện, nhà chùa bị đột kích và bao vây, các hoạt động giảng dạy đều bị đình trệ ở một số địa phương. [6]

Mặc dù thời gian gần đây, chính quyền đã nới lỏng, nhưng nhiều nhà sư trở về Việt Nam để giảng dạy Phật giáo bằng tiếng Khmer đã bị chính quyền địa phương nghi ngờ, giám sát, và thậm chí bắt giữ. Chính quyền lo ngại những nhà sư hồi hương này có liên hệ đến những người theo chủ nghĩa dân tộc Khmer ở Campuchia. [7]Kinh Phật bằng tiếng Khmer được người Khmer Krom viết trên lá Buông. Ảnh: Báo An Giang.

Không những thế, những tín đồ Phật giáo Khmer Krom lớn lên ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cơ hội học tiếng Khmer và đạo Phật của cha mẹ họ ở mức độ sâu sắc thực sự rất hạn hẹp, ngoài tầm với. Bởi vậy, nhiều người đã không được tiếp cận và học cách đọc chữ Khmer hoàn chỉnh, khiến họ bị tách biệt khỏi thế giới nói tiếng Khmer rộng lớn hơn ở bên kia biên giới. [8]

Tại một số nơi, chính quyền đã cho phép các tu sĩ được giảng dạy trong nhà chùa, thế nhưng họ lại luôn giám sát chặt chẽ các lớp học cũng như nội dung giảng dạy. Một bất cập nữa là bằng cấp đa phần lại không được hệ thống giáo dục Việt Nam công nhận. 

Vì vậy, khi các tu sĩ Phật giáo Khmer Krom học tiếng Khmer tại chùa, việc hoàn thành học tập của họ chỉ được Hiệp hội Phật giáo Khmer và xã hội Khmer nói chung công nhận. Dĩ nhiên, họ không có cơ hội học lên trình độ đại học ở Campuchia hay Việt Nam. [9]

Chỉ đến năm 2006, chính quyền mới cho phép thành lập Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ. Tuy nhiên đây là cơ sở do chính quyền quản lý và nội dung giảng dạy cũng do chính quyền kiểm soát.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, các tín đồ Phật giáo Khmer luôn xem nhu cầu học tiếng Khmer là chính đáng nên nhiều lần họ đã phản đối chính quyền bằng nhiều hình thức. 

Điển hình vào năm 2007, một cuộc biểu tình của hơn 200 tín đồ Phật giáo Khmer ở ​​Sóc Trăng kêu gọi tự do tôn giáo và giáo dục nhiều hơn bằng tiếng Khmer. [10]

Hay vào năm 2019, liên đoàn người Khmer Krom ở Campuchia đã đệ trìnhlên Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, trong đó cho rằng chính quyền Việt Nam đã kiểm soát những gì giảng dạy tại chùa. [11]

Bản báo cáo cũng nêu rõ, ngôn ngữ Khmer chỉ được dạy từ hai đến ba giờ một tuần không giúp họ biết tiếng mẹ đẻ Khmer một cách trôi chảy. Nhiều người trẻ Khmer Krom bây giờ không thể đọc và viết tiếng Khmer. Các tu sĩ Phật giáo Khmer Krom khi mở các lớp học ngôn ngữ trong chùa của mình sẽ phải đối mặt với áp lực từ chính quyền.

Không những thế, một nhà sư Khmer đã bị lột áo, bắt, và bị kết án sáu năm tù vào năm 2013 vì chỉ muốn dạy tiếng Khmer miễn phí trong chùa của mình.Một lớp học trong chùa Khmer được chính quyền chấp nhận. Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển.

Ở một khía cạnh khác, người Khmer lại bị ngăn cản tìm hiểu lịch sử và nguồn gốc của họ. 

Một trong số nguyên nhân quan trọng là do chính quyền lo sợ việc các nhà sư Khmer tìm hiểu về nền tảng lịch sử, nguồn gốc của họ sẽ dẫn đến việc đòi lại “quyền của người bản địa”. [12]

Trong khi đó theo quan điểm của chính quyền, nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam không tồn tại quyền của người bản địa. [13]

Thất vọng trước việc chính quyền hạn chế tìm hiểu lịch sử, nhiều nhà sư Khmer đã phải vượt biên sang Campuchia để theo đuổi nền giáo dục không hạn chế và tìm hiểu nguồn gốc của họ, bất chấp những rủi ro có thể gặp phải khi trở về Việt Nam. [14]

Chính quyền lo sợ các nhà sư sẽ gây chia rẽ sắc tộc sâu sắc, một phần nguyên nhân dẫn đến việc này xuất phát từ thời Pháp thuộc. Khi ấy, nhiều lần các vua Khmer yêu cầu Pháp giao lại lãnh thổ Nam Kỳ cho Hoàng gia Khmer. Nhưng người Pháp từ chối vì lý do nhà Nguyễn đã giao phần đất này cho Pháp vào năm 1862 và sau đó năm 1874 chứ không phải các vua Khmer. Thêm nữa vào năm 1863, Pháp ký Hiệp ước bảo hộ Vương quốc Campuchia nhưng hoàng gia Khmer lại không hề đề cập tới phần lãnh thổ phía Nam này. [15]

Tuy vậy, tổ chức Khmer Krom đã dựa vào Luật số 49-733 ban hành ngày 4/6/1949 về việc thay đổi quy chế vùng đất Nam Kỳ trong Liên hiệp Pháp. Do đó vùng đất trên thuộc lãnh thổ Liên hiệp Việt Nam chứ không còn là lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp. [16] Vì lý do này người Khmer cho rằng vùng đất này về bản chất là của họ.

Đánh dấu sự kiện này, mỗi năm cứ đến ngày 4/6, cộng đồng Khmer tổ chức xuống đường biểu tình đòi Việt Nam trả đất và tư tưởng này dường như đã ăn sâu vào tâm trí người Khmer từ đó cho đến tận ngày nay.

Cần nói thêm, suy nghĩ về việc mất vùng đất màu mỡ này đã biến thành sự oán giận trong lòng người Khmer ở Campuchia. Đỉnh điểm dưới thời Campuchia Dân chủ với nhân vật nổi tiếng Pol Pot lãnh đạo đất nước bằng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đã phát động cuộc tấn công đẫm máu qua biên giới trong một nỗ lực nhằm chiếm lại vùng đất mà ông cho là bị mất. [17] Chỉ đến khi Việt Nam phản công, đưa quân tràn qua biên giới dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Khmer Đỏ vào năm 1979 thì cuộc chiến tranh này mới kết thúc.

Cũng kể từ lúc này, tuy không còn cuộc tàn sát đẫm máu nào xảy ra nhưng sự oán hận trong lòng người Khmer về vùng đất phía Nam Việt Nam dường như vẫn chưa kết thúc.

Thường xuyên bị ngược đãi, đàn áp và phân biệt

Tháng 6/2005, một nhóm người người Khmer Krom Việt Nam tập trung biểu tình trước văn phòng Cao ủy về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc ở thủ đô Phnompenh để xin tị nạn. Chính phủ Campuchia sau đó chấp thuận cho họ được lưu lại lãnh thổ Campuchia và xem họ như là công dân nước này. [18]

Cách đó không xa, ngôi chùa Wat Samaki Rangsey nằm ở phía Tây Phnompenh là nơi tạm trú của nhiều người Khmer Krom rời bỏ Việt Nam. Tất cả những người ở đây đều cho rằng chính quyền Việt Nam đã áp bức, ngược đãi, phân biệt chủng tộc đối với họ.

Ngoài ra, còn nhiều người Khmer khác cũng đi theo những bước chân vượt biên như thế từ nhiều năm nay.

Tháng 12/2010, tại Campuchia, cộng đồng người Khmer ở Campuchia tổ chức Ngày Nhân quyền Quốc tế lần thứ 62. Tại buổi lễ, họ tố cáo chính quyền Việt Nam cai trị độc tài, vi phạm quyền bày tỏ ý kiến, quyền được giáo dục và quyền tự do tín ngưỡng. [19]

Đó không phải lần duy nhất, nhiều lần liên đoàn người Khmer Krom ở Campuchia cũng đã phản đối chính quyền Việt Nam bằng nhiều hình thức. Chẳng hạn trong số đó là báo cáo đệ trình lên Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào năm 2019.

Trong báo cáo, ngoài vấn đề chính quyền hạn chế việc học tiếng Khmer thì họ còn đề cập đến những vấn đề ngược đãi hay phân biệt chủng tộc.

Cụ thể, người Khmer phải đối mặt với những hạn chế về quyền tự do ngôn luận. Dẫn chứng hiện nay trên cả nước có hơn 700 tổ chức truyền thông được chính quyền cấp phép thì hàng triệu người Khmer sống ở đồng bằng sông Cửu Long lại không có một cơ quan báo chí độc lập nào. Thậm chí một số chương trình truyền hình được phát sóng bằng tiếng Khmer lại có nội dung tuyên truyền các chính sách của chính phủ, thay vì cho phép người Khmer bày tỏ quan điểm, quan ngại một cách tự do. [20]

Hay vào ngày 28/11/2014, một cánh cổng mang tính biểu tượng Khmer Krom dẫn vào tỉnh Preah Trapeang (Trà Vinh) đã bị phá bỏ mà không có sự đồng ý hoặc tham khảo ý kiến của người Khmer. [21]

Mặc dù vậy, chính quyền luôn cho rằng các chính sách đối với Phật giáo Khmer luôn bình đẳng với các hội Phật giáo khác. Theo đó, tất cả thành viên ban chấp hành Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ đều là các tu sĩ Phật giáo Khmer. Không những thế, họ cũng được tham gia lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam và ngày càng tăng qua các nhiệm kỳ. [22] Nhưng có điều chắc chắn rằng, những tu sĩ tham gia trong ban chấp hành, ban trị sự kể trên phải được sự cho phép cũng như bảo trợ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Vì không đồng tình với chính quyền nên trong cuộc biểu tình vào năm 2007 tại Sóc Trăng, các tín đồ Khmer đã yêu cầu chính quyền cho phép các nhà lãnh đạo Phật giáo Khmer phải được độc lập, được quyền đưa ra quyết định liên quan đến việc xuất gia tu sĩ, được tự do giảng dạy các chương trình tôn giáo trong nhà chùa, tăng cường giáo dục tiếng Khmer ở cấp trung học và cung cấp tài liệu khóa học bao gồm văn hóa, lịch sử, và địa lý Campuchia. [23]Các nhà sư Khmer Krom cầu nguyện tại một ngôi chùa ở Phnom Penh trong cuộc biểu tình năm 2007. Ảnh: RFA.

Thế nhưng chỉ vài ngày sau, cảnh sát bao vây những ngôi chùa của các nhà sư dẫn đầu cuộc biểu tình và giam lỏng họ ở đó. [24]

Sau cuộc biểu tình, nhiều nhà sư bị trục xuất khỏi chùa, một số bị quản thúc tại gia hoặc bị giam giữ mà không có bất kỳ lệnh nào. Nhiều người trong họ cho biết đã bị thẩm vấn và bị đánh đập. Đến ngày 10/5/2007 cũng tại tỉnh Sóc Trăng, chính quyền đã kết án 5 nhà sư từ hai đến bốn năm tù, 25 nhà sư khác bị trục xuất khỏi Tăng đoàn và bị đưa về quê hương, tại đó họ vẫn tiếp tục bị giám sát. [25]

Bởi những lý do trên, cho đến nay nhiều tín đồ Phật giáo vẫn tiếp tục vượt qua biên giới nhằm trốn tránh sự ngược đãi và phân biệt đối xử từ chính quyền.

Quản lý Phật giáo Khmer bằng “Hội Đoàn kết sư sãi Khmer yêu nước”

Trước năm 1975, người Khmer cũng từng có các hiệp hội Phật giáo độc lập giống như các giáo hội Phật giáo khác. Sau năm 1975, các hiệp hội Phật giáo Khmer bị giải tán, buộc các tu sĩ phải gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. [26]

Đến năm 1993, chính quyền nhận thấy tình hình chính trị – xã hội ở Tây Nam Bộ nảy sinh một số vấn đề phức tạp nên đã thành lập Hội Đoàn kết sư sãi Khmer yêu nước dưới sự quản lý của chính quyền. [27] Động thái này tương tự như việc lập ra Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.

Ngày 2/6/2022, liên đoàn người Khmer Krom ở Campuchia gửi yêu cầuđến chính phủ Việt Nam về việc đảm bảo nhân quyền cho người Khmer ở khu vực Nam Bộ. Trong đó, họ cũng yêu cầu cho phép được thành lập tổ chức Phật giáo Theravada độc lập khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam. [28]

Tuy nhiên trong thực tế, Hội Đoàn kết sư sãi Khmer yêu nước mặc dù do chính quyền thành lập nhưng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, các hoạt động lấn át hay chồng chéo với ban trị sự Phật giáo tỉnh.

Chẳng hạn, nhiều lần Hội Đoàn kết sư sãi Khmer yêu nước ra quyết định kỷ luật, cử tăng sĩ đi dự khóa học, bổ nhiệm trụ trì một ngôi chùa mà không thông báo hay xin phép Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở cấp tỉnh. Ngay cả chính quyền cũng thừa nhận sự chồng chéo giữa hai tổ chức này đã làm giảm vai trò của ban trị sự, gây ra những mâu thuẫn của nội bộ Phật giáo, mặt khác dẫn đến nhiều vấn đề cho công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. [29]

Trên hết, các tăng sĩ của Hội Đoàn kết sư sãi Khmer yêu nước như một cánh tay đắc lực của chính quyền trong việc quản lý và giải quyết những vấn đề nội bộ của Phật giáo Khmer.

Điển hình vào ngày 16/5/2013, chính quyền ngang nhiên xông vào chùa Tà Sết ở tỉnh Sóc Trăng để bắt hai nhà sư Thach Thuol và Lieu Ny do có cáo buộc về hoạt động chống nhà nước. [30] Tuy nhiên cả hai đã kịp trốn thoát nhờ sự giúp đỡ của hàng trăm tín đồ đứng ra ngăn cản cảnh sát xông vào chùa. 

Trước sự việc này xảy ra, Hội Đoàn kết sư sãi Khmer yêu nước tỉnh Sóc Trăng đã ra tuyên bố buộc hai nhà sư phải cởi áo và tước bỏ địa vị mặc dù họ không vi phạm điều cấm của nhà Phật. [31]

Không lâu sau, cả hai bị bắt khi đang cố gắng vượt biên sang Campuchia và bị kết án từ bốn đến sáu năm tù giam.

Cũng trong cùng ngày, Hội Đoàn kết sư sãi Khmer yêu nước ra lệnh cho nhà sự Ly Chanh Da tại chùa Prey Chop ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng, phải xả áo tu hành, nhưng ông không nghe. Ngay sau đó, hội đã yêu cầu chính quyền can thiệp buộc ông phải thực hiện. [32]

Trước đó vào năm 2007, sau cuộc biểu tình đòi độc lập của các tín đồ Phật giáo Khmer, chính quyền địa phương và các nhà sư thuộc Hội Đoàn kết sư sãi Khmer yêu nước đã lột áo ít nhất 20 nhà sư và trục xuất họ khỏi chùa. [33]

Ngoài ra, chính quyền cùng Hội Đoàn kết sư sãi Khmer yêu nước còn đưa ra quyết định buộc một tu sĩ Phật giáo phải từ bỏ bộ y phục màu nghệ tây và loại ông ta khỏi tăng đoàn do có hành vi chống đối lại họ. [34]

Có thể nói, chính quyền đang thực hiện hành động dập khuôn một cách có hệ thống đối với các tôn giáo, đó là thành lập một giáo hội do mình điều hành và dùng giáo hội đó để quản lý các tín đồ.

***

Song hành với chiều dài lịch sử biến động, Phật giáo Khmer vẫn là một cộng đồng khá nhỏ bé. Dưới sự ảnh hưởng đa chiều, đặc biệt là những ảnh hưởng tiêu cực, khiến nhóm người này ngày càng bị phân hóa.

Ngoài những ảnh hưởng được nêu trên không thể không nói đến sự chuyển đạo của các tín đồ nơi cộng đồng này. Tính đến năm 2015, có hơn 2.000 người Khmer ở chín tỉnh trong vùng cải đạo sang Tin Lành. [35] Phải chăng bầu trời đen tối vẫn đang phủ trên họ và màu áo nghệ tây dần mất đi sự sặc sỡ. (Luật Khoa tạp chí)