KỶ NIỆM 10 NĂM KHỐI 8406: MỘT TẤM HÌNH HIỆN NGÀY 27 THÁNG 7 NĂM 2006

khối 8406

Sự kiện gặp nhau như vậy 10 năm trước là một sự can đảm khác thường, bởi ai dám công khai tức là chọn lấy con đường chông gai: hoặc tù, hoặc bị quấy nhiễu hoặc rút lui khỏi giới đấu tranh hay tỵ nạn nước ngoài. Kỷ niệm 10 năm, phong trào dân chủ nhân quyền có lớn, nhưng chưa mạnh, có nhiều nhưng chưa đủ. Các thách thức mới luôn ập tới.

FB Hai Ba Pham | 09-04-2016

Đã 10 năm, ngỡ là ngắn nhưng khi điểm lại từng gương mặt trên tấm hình với những mẫu chuyện thăng trầm, 10 năm lại dài đăng đẳng.

Vào khoảng 5g chiều ngày 27/7/2006, anh Nguyễn Ngọc Quang đưa tôi đến một cuộc gặp với anh em dân chủ ở SG tại quán cà phê Non Nước trên đường Võ Văn Tần. Bên ngoài lực lượng thường phục ẩn hiện, bên trong khách ngồi “quan sát” vây kín các bàn của tầng lầu gỗ.

Vì đã lên kế hoạch trước khi về VN và thời gian còn ở lại VN chỉ hai ngày, nên tôi có vẻ quyết tâm và cảm thấy rằng cần phải trao đổi thẳng thắn với anh em về tình hình nhân quyền dân chủ và các hoạt động tương ứng.

Hai ngày sau, tôi đã bị chặn lại khi quay về Singapore báo cáo kêt quả nghiên cứu thị trường cho công ty Mayur. Ba cuộc thẩm vấn liên tục của an ninh mà nội dung của nó lần đầu tiên được phổ biến công khai trên RFA. Nhiều người bị bắt, bị đánh, Khối 8406 bắt đầu thời kỳ lắng xuống: nhóm Bạch Đằng Giang bị bắt vào tháng 9/2006; Cha Lý bị giam vào tháng 12/2006; nhóm của Đài bị truy tố vào tháng 3 năm sau; nhóm của Trần Quốc Hiền bị đưa vào Phan Đăng Lưu tháng 5/2007. Các anh chị em khác thì chạy sang nước khác xin tỵ nạn…Người ở lại, nếu không bị tù thì cũng phải đối mặt với canh gác hàng ngày như bị tù tại gia.

Tấm hình ghi ngày 27/7/2006:

Từ trái hàng ngồi là chị Phương Thi, đã đi Mỹ định cư; Gs Nguyễn Chính Kết, chạy sang Thái ngay sau đó và hiện đang ở Hoa Kỳ. Người thứ ba là MS Nguyễn Hồng Quang. Kế là anh Đỗ Nam Hải – bị quản chế dài hạn tại SG. Cô Quỳnh Trâm lúc ấy cũng chỉ mới bước vào làng dân chủ. Bên phải Trâm là Trần Quốc Hiền. Sau khi ra tù, anh Hiền xin tỵ nạn ở Thái, và hiện đang định cư tại Hà Lan. Người ngồi rìa phải là MS Phạm Ngọc Thạch, hiện đang ở Đắc Lắc.

Từ trái hàng đứng, người đầu tiên là Lê Trí Tuệ. Sau khi tôi bị cấm xuất cảnh, Tuệ đã về nhà tôi ở cho đến khi tôi bị bắt. Tuệ sau đó đã vượt biên sang Cambodia và đã mất tích tại đó. Tôi đã nổ lực tìm và cố gắng đưa tên của Tuệ lên các diễn đàn nhân quyền quốc tế như một trường hợp mất tích vì lý do chính trị (enforced disappearance). Bên trái tôi là Trương Quốc Huy, bị bắt trước tôi, hiện đang làm báo tại Hoa Kỳ. Kế Huy là một bạn trẻ, sau cuộc gặp gỡ này đã không còn xuất hiện trong giới dân chủ nữa. Người kế tiếp là Nguyễn Ngọc Quang. Anh Quang bị kết án 3 năm tù giam. Hết án tù, anh cùng gia đình xin tỵ nạn tại Thái và hiện đang ở Texas.

Người đứng thứ 6 từ trái là Ls Nguyễn Văn Đài. Sau cuộc họp mặt, Đài bước ra bắt tay tôi, chúng tôi nói nhanh về các hoạt động và hướng hợp tác trong tương lai gần. Sau khi gặp Cha Lý và Cha Lợi ở Huế, tôi và Tuệ bị an ninh đeo bám và quấy nhiễu. Tại Hà Nội, vì không muốn bị đeo bám sớm, tôi đã không gặp Đài trước mà đi Thái Bình gặp Trung tá Trần Anh Kim. Vừa ra khỏi nhà anh Kim, tôi bị bắt, cơ hội sớm cho tôi và Đài làm việc chung đã không có. Đài bị bắt sau tôi 6 tháng, nhưng lại ra sớm hơn 6 tháng vì án Đài 4 năm. Từ lời nói hợp tác nhau từ năm 2006, nên sau này khi mãn hạn 5 năm tù, tôi và Đài bắt tay vào làm việc chung, bản thảo cùng nhau hầu như mọi vấn đề. Người đứng cuối cùng bên phải là Bạch Ngọc Dương. Nghe nói sau đó không lâu, Dương cũng đã đi định cư Hoa Kỳ.

Sự kiện gặp nhau như vậy 10 năm trước là một sự can đảm khác thường, bởi ai dám công khai tức là chọn lấy con đường chông gai: hoặc tù, hoặc bị quấy nhiễu hoặc rút lui khỏi giới đấu tranh hay tỵ nạn nước ngoài.

Kỷ niệm 10 năm, phong trào dân chủ nhân quyền có lớn, nhưng chưa mạnh, có nhiều nhưng chưa đủ. Các thách thức mới luôn ập tới.

Mười năm bôn ba, lại nhớ người em Nguyễn Văn Đài trong lao tù.

Sài Gòn, ngày 7/4/2016.

Người bảo vệ Nhân quyền Phạm Bá Hải.