Trump, Clinton và tương lai của quan hệ Việt Nam-Mỹ

u.s department of state

Ngoài ra, Việt Nam là một con bài nổi bật trong chiến lược của Hoa Kỳ ở khu vực. Đối mặt với sự leo thang chiến thuật của Trung Quốc ở Biển Đông, từ quấy rối hàng hải đế quân sự hóa ở khu vực đảo nhân tạo, Hoa Kỳ đã tăng cường ngoại giao và quân sự của mình trong khu vực.

The Diplomat

Quan hệ song phương đã vượt qua một chặng đường dài. Mối quan hệ này tiến triển thế nào dưới thời tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ?

Roncevert Ganan Almond, ngày 11/6/2016

(Người dịch: Vũ Quốc Ngữ)

Sau chuyến viếng thăm lịch sử của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam và trong bối cảnh của cuộc đua tổng thống đang diễn ra tại Hoa Kỳ, giờ là lúc thích hợp để xem xét tương lai của quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam. Cụ thể, sau bầu cử vào ngày 08/11/2016, nước Mỹ sẽ có một tổng thống mới.

Với việc Hoa Kỳ có hai đảng lớn, tổng thống tiếp theo rất có thể là Donald Trump, người vừa nhận được sự đề cử của đảng Cộng hòa, hay Hillary Clinton, người là ứng cử viên của đảng Dân chủ [Điều quan trọng cần lưu ý là thách thức của Hillary Clinton, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của Vermont, vẫn còn tiếp tục tranh cử tại thời điểm viết của bài này, mặc dù Clinton đã đạt được nh���ng số phiếu cần thiết để khẳng định sự đề cử của bà. Đối với ý khác của bài viết, tôi sẽ giả định rằng Hillary Clinton là ứng cử viên của đảng Dân chủ.]

Nhận định về sự thay đổi trong mối quan hệ Mỹ-Việt dưới thời Tổng thống Hillary Clinton hay Tổng thống Donald Trump là cực kỳ quan trọng không chỉ đối với các bên liên quan tại Hà Nội và Washington, mà còn cho cộng đồng quốc tế, đặc biệt là cho vai trò nổi bật của Việt Nam trong vấn đề toàn cầu như  trong tranh chấp lãnh hải và lãnh thổ ở Biển Đông.

Xây dựng quan hệ đối tác toàn diện

Trước khi suy đoán về tương lai, chúng ta nên nhìn nhận mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt đã phát triển đến đâu kể từ khi Hoa Kỳ cắt đứt ngoại giao khi Việt Nam thống nhất đất nước năm 1975. Mối quan hệ đã đi theo một tiến trình ba giai đoạn hướng tới một quan hệ đối tác toàn diện.

Trong giai đoạn đầu tiên, Hoa Kỳ và Việt Nam đã tìm cách xoa dịu căng thẳng và xây dựng lòng tin. Các bước thực hiện của Hà Nội trong những năm 1980: áp dụng các cải cách kinh tế theo hướng thị trường (Đổi mới), hợp tác về các vấn đề “di sản chiến tranh” như các vấn đề quân nhân mất tích, tử trận (POW-MIA), và rút khỏi Campuchia, tạo không gian cho cải thiện quan hệ với Washington. Những năm 1990 chứng kiến thành quả của những cố gắng này. Tổng thống Bill Clinton đã dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại của Hoa Kỳ vào năm 1994, khôi phục quan hệ ngoại giao vào năm 1995, và bổ nhiệm đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên kể từ khi chiến tranh kết thúc vào năm 1997, và đã ký hiệp định thương mại song phương Hoa Kỳ-Việt Nam (BTA) năm 2000.

Trong giai đoạn hai, dưới chính quyền của Tổng thống George W. Bush, hai nước đã xây dựng những nền tảng của quan hệ đối tác. Với việc thực hiện Hiệp định năm 2001, Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ thương mại có điều kiện (NTR). Việt Nam bắt đầu trải qua hiện tượng tăng trưởng kinh tế dựa một phần vào tăng kim ngạch xuất khẩu và đầu tư đến Hoa Kỳ và nước khác. Từ năm 2000, tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đạt mức trung bình hơn 6% mỗi năm, chỉ đứng sau Trung Quốc. Trong thời gian này Mỹ cũng đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2007, sau khi tự do hóa hơn nữa nền kinh tế, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), là một thành viên đầy đủ và nhận được sự đối xử bình thường trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ.

Quan hệ quân sự và an ninh cũng được tăng cường. Ví dụ, trong năm 2005, Hoa Kỳ nhận đào tạo sĩ quan quân đội Việt Nam và vào năm 2007, chính quyền Bush Hoa Kỳ giảm nhẹ Quy định Buôn bán Vũ khí Quốc tế (ITAR), cho phép xuất khẩu các mặt hàng quân sự không sát thương nhất định. Washington và Hà Nội cũng bắt đầu tổ chức hội nghị thượng đ���nh hàng năm bàn về cải cách chính trị và kinh tế, cũng như các vấn đề an ninh chiến lược ảnh hưởng đến cả hai nước. Đáng chú ý, các cuộc đối thoại chiến lược Hoa Kỳ-Việt Nam được tổ chức thường xuyên khi Trung Quốc ngày càng thể hiện sự hung hăng trong khu vực.

Giai đoạn thứ ba bắt đầu với cuộc bầu cử của Tổng thống Barack Obama và sự phát triển của quan hệ đối tác đầy đủ hơn và sâu hơn. Sau khi tham gia vào hai cuộc chiến tranh lâu dài ở Trung Đông, Obama cam kết sẽ chuyển sự chú ý của Mỹ đối với những thách thức và cơ hội trong tương lai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chính quyền Obama đặc biệt xác định Việt Nam là một trong những đối tác được phát triển theo chiến lược “tái cân bằng” của tổng thống.

Phù hợp với cách tiếp cận này, Hoa Kỳ đã nâng cao vai trò của Việt Nam trong quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại khu vực với sự tham gia của 12 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương. Nếu được phê duyệt và thực hiện đầy đủ, TPP sẽ bao gồm khoảng 40% GDP của thế giới. Việt Nam sẽ được tiếp cận nhiều hơn với thị trường Hoa Kỳ và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại của Hoa Kỳ lớn thứ năm trong số các nước thuộc TPP và có vai trò như là một điểm đến quan trọng cho xuất khẩu và vốn của Hoa Kỳ. Chính quyền Obama cũng đã sử dụng TPP như phương tiện để thuyết phục Việt Nam thực hiện những cải cách bổ sung như bảo vệ mạnh mẽ hơn quyền lợi của người lao động, sở hữu trí tuệ, và nhân quyền. Nói rộng hơn, Hoa Kỳ xem TPP như một nền tảng cho việc mở rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực và khuyến khích hội nhập khu vực lớn hơn. Trung Quốc bị lờ đi một cách có mục đích trong cuộc chơi TPP.

Ngoài ra, Việt Nam là một con bài nổi bật trong chiến lược của Hoa Kỳ ở khu vực. Đối mặt với sự leo thang chiến thuật của Trung Quốc ở Biển Đông, từ quấy rối hàng hải đế quân sự hóa ở khu vực đảo nhân tạo, Hoa Kỳ đã tăng cường ngoại giao và quân sự của mình trong khu vực. Chính quyền Obama đã tìm cách để thể chế hóa các cuộc tranh cãi chủ quyền tại các diễn đàn khu vực như ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, và thúc đẩy việc sử dụng các cơ chế hòa bình để giải quyết tranh chấp như sử dụng cơ chế trọng tài. Trong bài phát biểu gần đây của ông tại Hà Nội, Tổng thống Obama cảnh cáo rằng sẽ chống lại việc cường quốc lớn “bắt nạt” những nước nhỏ hơn. Để hỗ trợ cho những lời này, Washington đã tăng khả năng hiện diện của Hoa Kỳ để cổ súy cho tự do hàng hải và cam kết tăng cường năng lực hải quân của các đối tác như Việt Nam. Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí của Hoa Kỳ đối với Việt Nam của Tổng thống Obama có thể được xem trong bối cảnh an ninh này.

Tóm lại, chuyến thăm của Obama tới Việt Nam là đỉnh cao của một quá trình gồm ba giai đoạn theo đó Hoa Kỳ và Việt Nam đã xây dựng một quan hệ đối tác toàn diện. Chuyến thăm của ông cũng là một bước ngoặt trong quan hệ hai nước. Triển vọng lạc quan về tương lai – không quá chú trọng đến quá khứ, là nền tảng của mối quan hệ song phương. Trước mắt sẽ thấy cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Và cuộc đua tổng thống năm 2016 có ý nghĩa quan trọng cho quan hệ đối tác Hoa Kỳ-Việt và hơn thế nữa.

Với Hillary Clinton là tổng thống: Tính liên tục và tăng cam kết

Nếu Hillary Clinton được bầu làm tổng thống, bà ấy sẽ rất có thể tiếp tục cách tiếp cận của Tổng thống Obama với Việt Nam và thậm chí có thể tăng cam kết của Washington với Hà Nội. Hillary Clinton không chỉ phục vụ như Bộ trưởng Ngoại giao của ông Obama, nhưng bà cũng hoàn toàn thu mình trong truyền thống và tục lệ của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Về vấn đề này, bà sẽ là một tổng thống hay thăm viếng và có nhiều kinh nghiệm trong lịch sử Hoa Kỳ hiện đại, đặc biệt là trong quan hệ với Việt Nam. Ví dụ, với tư cách Đệ nhất phu nhân, bà đi cùng Tổng thống Bill Clinton trong chuyến công du lịch sử của ông đến Việt Nam vào năm 2000, chuyến thăm của tổng thống đầu tiên kể từ chuyến thăm của Tổng thống Richard Nixon năm 1969 tới nước Đông Nam Á.

Liên quan đến vấn đề kinh tế, bà Hillary Clinton sẽ tìm cách mở rộng các thỏa thuận thương mại của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Như Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà đã hỗ trợ nhiều cho các cuộc đàm phán TPP. Ví dụ, trong năm 2012, trong khi ở Singapore, bà đã đưa ra một bài phát biểu nhấn mạnh tiềm năng cho TPP trong việc hạ thấp các rào cản, nâng cao tiêu chuẩn, và thúc đẩy tăng trưởng lâu dài trong khu vực. Sau khi kết luận chính thức của TTP vào tháng Hai, Hillary Clinton ra dấu hiệu phản đối các chi tiết của thỏa thuận, do đó có thể là một sự đảo ngược trong chính sách của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cử chỉ này có thể đơn giản chỉ là một thủ đoạn chiến thuật trong bối cảnh không khí chính trị thù địch với tự do thương mại hiện nay ở Hoa Kỳ.

Trong suốt nhiệm kỳ của mình với chính quyền Obama, Hillary Clinton đã được biết đến là một trong những thành viên “diều hâu” của nội các. Ví dụ, bà đã vận động để can thiệp Libya và sự tham gia lớn hơn của Mỹ ở Syria, chẳng hạn như việc thực hiện vùng cấm bay của do NATO quản lý. Thật vậy, bà có thể mạnh mẽ hơn Obama trong việc khẳng định chính sách của Mỹ ở châu Á –Thái Bình Dương. Trong suốt chiến dịch, bà Hillary Clinton đã hứa sẽ buộc Trung Quốc “có trách nhiệm” về những hành động hung hăng của mình trong khu vực và tái khẳng định vai trò của Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương. Ngày 02/6/2016, trong khi nói về các vấn đề an ninh quốc gia, bà nhấn mạnh vai trò quan trọng của mạng lưới các đồng minh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Bà cũng đã lên án mạnh mẽ Donald Trump về những ý kiến của ông này về NATO và đồng minh của Hoa Kỳ ở châu Á (như được đề cập dưới đây).

Hillary Clinton cũng nhận thức được sự phát triển của các tranh chấp Biển Đông. Vào tháng 7/2010, tại Diễn đàn thường niên Khu vực ASEAN với sự hiện diện của bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên tại Hà Nội, Ngoại trưởng Clinton khi đó tuyên bố rằng tự do trên biển là “lợi ích quốc gia” của Mỹ và Hoa Kỳ phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa vũ lực bởi bất kỳ yêu sách nào ở Biển Đông. Để phản đối yêu sách chín đoạn Trung Quốc đối với toàn bộ biển, bà cho rằng “tuyên bố hợp pháp về không gian hàng hải ở Biển Đông nên được bắt nguồn chỉ từ tuyên bố hợp pháp trên các tuyên bố chủ quyền về đất đai.” Theo Luật Hợp Quốc về Công ước Biển năm 1982 (UNCLOS), hòn đảo nhân tạo hoặc cấu trúc nhân tạo không có lãnh hải hoặc vùng biển.

Với lịch sử của mình và các bài nói trong chiến dịch tranh cử, sẽ là  hợp lý cho chúng ta mong đợi một tổng thống Hillary Clinton tiếp tục mở rộng quan hệ thương mại với Việt Nam, thúc đẩy thể chế hóa các tranh chấp Biển Đông trong tổ chức đa phương như ASEAN, tăng cường năng lực hàng hải và quân sự của các đối tác quan trọng như Việt Nam, thách thức Trung Quốc tuân thủ quy tắc được thừa nhận của tự do hàng hải, và mạnh mẽ duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không.

Tổng thống Donald Trump: điều chỉnh và tính không chắc chắn

Nếu Donald Trump đã được bầu làm tổng thống, chúng ta có thể mong đợi những bất ngờ. Ông là một ứng cử viên độc đáo cho chức tổng thống Hoa Kỳ. Đây là chiến dịch đầu tiên của ông chạy đua vào một vị trí công quyền, trước khi công bố quyết định tham gia ứng cử, hình ảnh của ông gắn liền với bất động sản, trên truyền hình và các tờ báo lá cải. Có lẽ không ngạc nhiên, Donald Trump đã tiến hành một chiến dịch thách thức những giả định chung cơ bản chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, cả về đề nghị giao thức và chính sách. Tóm lại, Donald Trump đang chạy đua như một “người ngoài” tìm cách phá vỡ tiến trình chính trị của Hoa Kỳ.

Trong bài phát biểu chính về chính sách đối ngoại của mình, Donald Trump đã công bố một chủ đề – Nước Mỹ đầu tiên – dường như mang tính tiêu chuẩn (tất cả các nước khẳng định lợi ích cá nhân của họ), nhưng các chi tiết của chính sách của ông khác biệt với các nguyên tắc truyền thống trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Ví dụ, trong một nỗ lực để chống nhập cư bất hợp pháp và tội phạm có liên quan, ông đã hứa sẽ “xây dựng một bức tường” giữa Hoa Kỳ và Mexico, một trong ba đối tác thương mại lớn nhất nước mình. Trong cuộc chiến chống khủng bố, Donald Trump đưa ra ý tưởng của việc tra tấn nghi phạm khủng bố và tấn công gia đình của chúng. Để đối phó với các cuộc tấn công khủng bố tại California vào tháng 12/2015, ông đề xuất một lệnh cấm tạm thời đối với người Hồi giáo vào nước này.

Đối với Việt Nam và rộng hơn là châu Á-Thái Bình Dương với, có ít nhất bốn lĩnh vực mà Donald Trump sẽ điều chỉnh lại trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, và do đó, tạo ra sự không chắc chắn.

Thứ nhất, về vấn đề thương mại, Donald Trump đã chống lại các hiệp định thương mại tự do. Ông đã kịch liệt phản đối TPP – mô tả nó như là “một thỏa thuận khủng khiếp” chủ yếu mang lại lợi ích cho Trung Quốc và gây hại cho nước Mỹ (mặc dù Trung Quốc không tham gia TPP). Donald Trump cũng nghi ngờ WTO và đã chỉ trích sự có mặt của Trung Quốc với tư cách thành viên trong tổ chức này. Để hỗ trợ các công ty và người lao động Hoa Kỳ chống cạnh tranh “không công bằng”, ông đã cam kết thực hiện một loạt các biện pháp trả đũa chống lại Trung Quốc trong việc thao túng tiền tệ, trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, và trộm cắp tài sản trí tuệ. Chính sách này có thể được mở rộng đối với các nước châu Á khác mà Hoa Kỳ có thâm hụt thương mại, chẳng hạn như Việt Nam.

Thứ hai, Donald Trump đã chỉ trích vai trò của hệ thống liên minh của Hoa Kỳ trên toàn thế giới, từ NATO đến Thái Bình Dương. Ông tin rằng các liên minh đang mất cân đối và đồng minh của Mỹ nên gánh thêm trách nhiệm hoặc Mỹ sẽ không tham gia nữa nếu quá tốn kém đối với Hoa Kỳ. Ví dụ, Donald Trump đã đề xuất rằng các đồng minh hiện đang được bảo vệ bởi những chiếc ô hạt nhân của Hoa Kỳ, như Saudi Arabia, Nhật Bản và Hàn Quốc, nên tìm kiếm vũ khí hạt nhân cho riêng mình.

Thứ ba, Donald Trump đã tuyên bố sẽ không can thiệp vào các cuộc xung đột mà không trực tiếp đe dọa an ninh Hoa Kỳ. Ông đã chỉ trích nặng nề sự can thiệp của Mỹ tại Iraq và Libya, coi đây là sai lầm và gây hại cho lợi ích của Mỹ. Donald Trump đã không đưa ra một quan điểm rõ ràng về vùng Biển Đông, nhưng cho rằng Hoa Kỳ không phải nước có yêu cầu chủ quyền và do đó không có cam kết với khu vực. Thái độ của ông là để cho các nước như Việt Nam và Philippines tự bảo vệ lợi ích của mình.

Thứ tư và rộng hơn, Donald Trump đã nhìn một cách hoài nghi về vai trò của Hoa Kỳ như người bảo lãnh của trật tự quốc tế. Kể từ khi chiến tranh thế giới thứ 2, Hoa Kỳ đã trở thành nước cung cấp các giá trị toàn cầu, chẳng hạn như phát triển các tổ chức quốc tế, duy trì sự tự do trên biển, phát huy giá trị dân chủ, và phục vụ như là lực lượng cân bằng trong các xung đột quốc tế. Các chính sách của ông trong “Nước Mỹ đầu tiên” chưa rõ ràng và có nhiều nghi ngờ liệu Donald Trump có tiếp tục đường lối như ông đã nói. Yếu tố này tạo ra sự không chắc chắn lớn cho tương lai của quan hệ quốc tế.

Cho dù Donald Trump hay Hillary Clinton, ngày 08811/2016, Mỹ sẽ chọn một tổng thống mới và sự lựa chọn này sẽ mang lại tác động lớn đến Việt Nam và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Roncevert Ganan Almond là một đối tác của Wicks Group, có trụ sở tại Washington DC. Ông làm việc với tư cách cố vấn các chính phủ ở châu Á, châu Âu, Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh về các vấn đề luật pháp quốc tế. Ông từng là trợ lý chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton năm 2008, nhưng hiện tại không liên kết với bất kỳ chiến dịch nào.

Nguồn: Trump, Clinton and the Future of US-Vietnam Relations

(http://thediplomat.com/2016/06/trump-clinton-and-the-future-of-us-vietnam-relations/)