Những ca khúc tiêu biểu của giới đấu tranh trong năm 2016

SBTN | 30.12.2016
Năm 2016 đang khép lại. Một năm đầy biến động đối với giới đấu tranh trong nước Việt Nam. Mức độ đàn áp của chính quyền CSVN đối với các cuộc biểu tình ôn hòa của người dân không thuyên giảm. Số lượng các nhà đấu tranh bị bắt bớ, tù đày, hành hung nhiều hơn so với những năm trước. Tuy nhiên, vẫn có những tín hiệu vui cho phong trào đấu tranh trong năm 2016. Số người tham gia vào hàng ngũ những người đấu tranh ngày càng đông. Các hình thức đấu tranh bất bạo động được giới đấu tranh sử dụng thuần thục hơn. Và phải kể đến những ca khúc đấu tranh xuất hiện ngày càng nhiều, làm nung nấu thêm tinh thần bất khuất, kiên cường của người dân trước sự đàn áp của chính quyền.

Xin mời quí độc giả cùng SBTN điểm qua một số ca khúc tiêu biểu của giới đấu tranh trong năm 2016.
Hiện tượng nổi bật nhất của nước Việt Nam trong năm 2016 chính là thảm họa cá chết gây ra bởi Formosa, dưới sự bao che của chính quyền CSVN. Bài thơ nổi tiếng nhất nói lên thảm họa này chính là Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh của một cô giáo Hà Tĩnh- Trần Thị Lam. Sài Gòn Báo, SBTN, Viet News đã đứng ra phát động cuộc thi trên mạng phổ nhạc ca khúc này, và được sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân Việt trong và ngoài nước. Giải nhất của cuộc thi đã được trao cho một tác giả trong nước – Phan Đình Trường. Tác giả đã tự trình bày sáng tác của mình với một cây đàn thùng. Câu hát cuối vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp cho toàn dân Việt Nam trong những ngày cuối năm 2016:

…Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời giùm đất nước sẽ về đâu…
Giới đấu tranh trong nước không xa lạ với nhạc sĩ Tuấn Khanh. Vào những ngày cuối tháng 4/2016, trong lúc cả nước đang sục sôi với phong trào biểu tình phản đối Formosa, nhạc sĩ Tuấn Khanh đã giới ca khúc “Hãy Gấp Trang Báo, Và Tắt Tivi”. Bài hát đã được lan truyền nhanh trên mạng Việt Nam. Tác giả kêu gọi mọi người hãy thức tỉnh, đừng tin vào những trang báo và chương trình truyền hình mộng mị, để đối diện với thực tế tang thương của đất nước. Để thấy thật rõ đằng sau những hình ảnh tuyên truyền tốt đẹp là một Việt Nam trên đà trượt dốc xuống vực thẳm. Cảm nhận và xúc động trước thông điệp đó của nhạc sĩ Tuấn Khanh, Đài Truyền Hình SBTN đã giới thiệu ca khúc này với sự trình bày bởi các ca sĩ Đoàn Phi, Nguyên Khang, Đăng Vinh và Mai Thanh Sơn. Phần hòa âm theo phong cách trẻ, hiện đại của nhạc sĩ Trúc Hồ. Phần dạo đầu với tiếng guitar hoang man, dằn vặt, như tâm trạng hoài nghi của tuổi trẻ Việt Nam hôm nay:
Tôi đã thấy đất nước mình được gọi tên là thiên đường
Và tôi cũng thấy những bóng tối phủ vây trên từng phố phường
Và tôi thấy từng mẹ già được quay hình để gắn huân chương
Và tôi cũng thấy bao người già sống lây lất trên đường
Việt Nam (x 2) là Việt Nam
Tôi đã thấy đất nước này được gọi tên là thiên đường
Và tôi cũng thấy đất quê mình bị xâu xé từ bốn phương
Tôi đã thấy dân tộc mình có tên gọi tự do
Và tôi cũng thấy đời ngư dân ra khơi trong phiền lo
Việt Nam (x 2) là Việt Nam …
Và sau đó, nhịp điệu bài hát trở nên hối thúc, dồn dập, như lời nhắc nhở người dân Việt Nam hãy thức tỉnh trước khi quá muộn:

…Hãy gấp trang báo Hãy tắt Tivi
Để thấy quanh ta chỉ là những trò hề
Mở mắt đi nhé Hãy lắng tai nghe
Quê hương Việt Nam nghe sao bỗng muộn màng
Việt Nam nhìn nhau
Việt Nam nhìn mai sau…
Nói đến giới đấu tranh trong nước, không thể không nhắc đến Tù Nhân Lương Tâm Trần Huỳnh Duy Thức, người đang chịu bản án 16 năm tù dưới chế độ CSVN. Vào cuối tháng 5/2016, Đài Truyền Hình SBTN thực hiện bài hát Con Đường Việt Nam, để thương tặng đến những tù nhân lương tâm, và đặc biệt là anh Trần Huỳnh Duy Thức. Bài hát được sáng tác bởi một cựu Tù Nhân Lương Tâm, và được trình bày bởi ca sĩ Thế Sơn, đã làm xúc động hàng triệu người Việt trong và ngoài nước. Giai điệu chậm buồn, nhưng bi tráng, kể lại những nỗi nhọc nhằn, oan khiên của những người tù Việt Nam vì tội “yêu nước”:
Trong bóng tối trại giam nơi cầm tù những người có tội
Nhưng trớ trêu tình đời có những người đi tù vì Quê Hương
Bao người vì yêu nước vẫn dấn thân dẫu ngục tù đọa đày
Dẫu chông gai để còn có ngày mai
Vẫn hiên ngang bước đường dài miệt mài
Đi lao tù, vì đồng bào vì quê hương
Trong bóng tối trại giam
Đêm gục đầu anh ngồi nhớ nhà
Anh nhớ cha mẹ già , nhớ vợ hiền nhớ cả đàn con ngoan
Ôi ngày về xa quá , biết mẫu thân có chờ được ngày về
Đến khi hay tin người đã tàn hơi
Nén đau thương, nén dòng lệ tủi hờn
Anh chưa về, chưa đội được vành khăn tang…
Trong đoạn cuối của bài hát là lời tri ân đến anh Trần huỳnh Duy Thức, và cũng là lời kêu gọi người Việt hãy đoàn kết lại, cùng nhau đi trên con đường đấu tranh chông gai mang tên Việt Nam:

…Anh Trần Huỳnh Duy Thức vẫn dấn thân dẫu ngục tù đọa đày
Dẫu chông gai để còn có ngày mai
Vẫn đôi chân bước đường dài miệt mài
Đi cho trọn ,trọn Con Đường Việt Nam …

Nghe lại những ca khúc đấu tranh 2016, để hy vọng trong năm 2017 ngọn lửa đấu tranh vì một nước VIệt Nam tự do, dân chủ không bị dập tắt. Mỗi một người dân Việt dám đứng vào hàng ngũ đấu tranh sẽ là một ngọn đuốc. Ngày nào ngọn đuốc đấu tranh chung được cùng thắp lên bởi hàng trăm ngàn ngọn đuốc nhỏ, ngày đó quê hương Việt Nam sẽ có được sự thay đổi…

Cung Mi / SBTN