QUẢN LÝ TRẠI GIAM TRÊN TINH THẦN TÔN TRỌNG QUYỀN CON NGƯỜI: CHƯƠNG 13-

Cẩm nang dành cho nhân viên trại giam

Andrew Coyle

Centre International d’Etudes Pénitentiaires

Trung tâm Quốc tế nghiên cứu Trại giam

=================================

TÙ NHÂN NỮ

-BỐI CẢNH-

Tù nhân nữ chiếm số ít

Tỷ lệ tù nhân nữ ở các nước trên thế giới giao động từ 2 đến 8%. Do chiếm tỷ lệ thấp như vậy nên các nhà tù thường chỉ được tổ chức cho phù hợp với nhu cầu và đòi hỏi của tù nhân nam. Điều này liên quan đến kiến trúc nhà tù, an ninh và các thiết bị khác. Mọi điều kiện đặc biệt dành cho nữ giới trong tù thường là sửa chữa lại từ những thiết bị dành cho nam giới.

Tác động của pháp luật chống nghiện ma tuý

Ở một số nước, luật pháp chặt chẽ chống lại người nghiện ma tuý có một tác động lớn đối với số lượng phụ nữ bị bỏ tù , do vậy, tốc độ tăng tù nhân nữ thường cao hơn đối với tù nhân nam. Ở một vài nước như ở Anh, luật này cũng kéo theo sự gia tăng số lượng tù nhân quốc tịch nước ngoài, trong số này tù nhân nữ chiếm tỷ lệ lớn.

Tù nhân nữ gặp nhiều vấn đề đặc biệt

Thực tế cho thấy tình trạng phụ nữ trong tù rất khác so với nam giới, chúng ta phải đặc biệt chú ý tới tình trạng của phụ nữ. Tù nhân nữ thường bị lạm dụng thể xác và tình dục. Họ thường có nhiều vấn đề về sức khoẻ nhưng không được chữa trị. Những hậu quả của việc cầm tù và ảnh hưởng của nó đến đời sống của phụ nữ có thể rất khác với tù nhân nam.

« Ở nhiều nước, phụ nữ bị bỏ tù thường không liên quan tới bạo lực, mà thường liên quan đến vấn đề sở hữu hoặc ma tuý: họ thường bị kết vào tội « trộm cắp ». Khi họ phạm tội bạo lực, thường là liên quan đến một người thân. Khác với nam giới, tù nhân nữ thường là những bà mẹ độc thân, phần lớn trong số họ phải nuôi con, họ thường ít tái phạm tội và khoảng 1/3 đến 2/3 trong số họ đã bị lạm dụng thể xác và tình dục trước khi vào tù. »[1]

Trách nhiệm gia đình

Hầu như trong mọi xã hội, phụ nữ có vai trò chủ chốt trong gia đình, nhất là khi có con. Do vậy, khi phụ nữ bị tù, hậu quả đối với gia đình thường rất nặng nề. Khi một người cha bị tù giam, người mẹ thường đảm nhiệm được mọi trách nhiệm gia đình, cộng thêm trách nhiệm của người cha. Khi người mẹ bị tù giam, người cha thường khó đảm đương mọi trách nhiệm của cả bố lẫn mẹ, nhất là khi người bố không có được sự hỗ trợ của họ hàng. Trong nhiều trường hợp, người mẹ là người duy nhất chăm sóc gia đình. Điều đó có nghĩa là cần phải có những biện pháp đặc biệt để tù nhân nữ có thể duy trì sự tiếp xúc (rất ý nghĩa) với con cái họ. Vấn đề trẻ em nhỏ tuổi phải được xem xét một cách đặc biệt tinh tế.

Phòng tránh sự lạm dụng

Phụ nữ đang mang thai không phải chịu án tù giam, trừ khi không có bất kỳ sự thay thế nào khác. Nều điều đó xảy ra, nhà tù phải có những biện pháp đặc biệt cho tù nhân nữ trong thời gian mang thai và cho con bú. Việc áp dụng những biện pháp an ninh khi sinh đẻ là một vấn đề hết sức nhạy cảm. Tóm lại, không để một phụ nữ mang thai nào phải sinh con trong nhà tù.

Phụ nữ đang mang thai

An toàn thân thể của phụ nữ phải được đảm bảo trong khi bị giam giữ. Do vậy, họ phải được giam riêng khỏi tù nhân nam và không bao giờ được để họ bị giám sát bởi một nhân viên nam của nhà tù. Xem thêm mục về lạm dụng tình dục ở chương 3.

CÁC VĂN BẢN QUỐC TẾ

Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền, Điều 2:

“Mọi người đều được hưởng tất cả các quyền và tất cả các tự do đã được tuyên bố trong bản Tuyên ngôn này, không hề có sự phân biệt nào, nhất là sự phân biệt về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay mọi ý kiến khác, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, nguồn gốc sinh ra và mọi hoàn cảnh khác.”

Công ước quốc tế về Quyền dân sự và chính trị, Điều 3:

“Các quốc gia thành viên của Công ước này cam kết đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ đối với tất cả các quyền dân sự và chính trị mà Công ước này đề ra.”

Công ước về loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối với phụ nữ, Điều 2:

“Các quốc gia thành viên lên án sự phân biệt đối với phụ nữ dưới mọi hình thức, thống nhất tiếp tục theo đuổi bằng mọi cách phù hợp và không chậm trễ một chính sách hướng tới loại trừ sự phân biệt đối với phụ nữ, và vì mục đích này, cam kết:

a)      Ghi trong hiến pháp hoặc trong bất kỳ văn bản luật phù hợp nào nguyên tắc bình đẳng nam nữ, nếu điều này chưa được thực hiện, và đảm bảo thực hiện một cách hiệu quả  nguyên tắc trên bằng luật pháp hoặc các hình thức phù hợp khác ;

b)      Thông qua những biện pháp luật pháp và những biện pháp khác thích hợp đồng bộ, kể cả biện pháp trừng phạt nếu cần thiết, nhằm cấm mọi sự phân biệt đối với phụ nữ;

c)      Thiết lập sự bảo vệ tư pháp quyền bình đẳng của phụ nữ với nam giới và thông qua trung gian là các toà án cấp quốc gia có thẩm quyền và các cơ quan khác của nhà nước, bảo đảm bảo vệ hiệu quả phụ nữ khỏi mọi hành vi phân biệt;

d)      Tránh mọi hành vi và tập tục phân biệt đối với phụ nữ và làm sao để các giới chức và cơ quan nhà nước phải hành xử phù hợp với yêu cầu này;

e)      Áp dụng mọi biện pháp phù hợp để loại trừ hành vi phân biệt đối với phụ nữ của một người nào đó, một tổ chức hay một doanh nghiệp nào đó;

f)        Áp dụng mọi biện pháp phù hợp kể cả luật pháp, để sửa đổi hay xoá bỏ bất kỳ luật nào, qui định nào, phong tục hay tập quán nào tạo nên sự phân biệt đối với phụ nữ;

g)      Xoá bỏ mọi điều luật hình sự tạo nên sự phân biệt đối với phụ nữ.”

Tuyên ngôn về loại trừ bạo lực đối với phụ nữ, Điều 2:

”Bạo lực đối với phụ nữ bao gồm, không hạn chế, những hình thức sau: (c) bạo lực về thân thể, tình dục và tâm lý được thực hiện hoặc dung thứ bởi Nhà nước.”

Tuyên ngôn về loại trừ bạo lực đối với phụ nữ, Điều 4:

(i)                 Đảm bảo sao cho những nhân viên của lực lượng công lực hay nhân viên liên quan đang thực thi các chính sách phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ, đảm bảo tiến hành các điều tra, trừng phạt các thủ phạm được đào tạo để nâng cao nhận thức của họ về các nhu cầu của phụ nữ.

Bộ các qui tắc bảo vệ người bị giam giữ hay tù giam, Qui tắc 5(2):

“Các biện pháp được áp dụng phù hợp với luật pháp và đặc biệt nhằm bảo vệ quyền và các điều kiện đặc biệt của phụ nữ, nhất là phụ nữ đang mang thai và các bà mẹ nuôi con nhỏ, trẻ em, thiếu niên, người già, người bệnh hoặc người tàn tật không được xem như là những biện pháp nhằm phân biệt đối xử.”

Bộ các qui định tối thiểu về đối xử với tù nhân, Qui định 8:

“Các nhóm tù nhân khác biệt cần phải được xếp vào các nhà tù hay các khu khác nhau của nhà tù, dựa trên cơ sở giới tính, tuổi, tiền sự, lý do bị bắt giam, và các yêu cầu đối xử. Chính vì thế mà (a) trong chừng mực có thể, tù nhân nam và nữ phải được giam trong các cơ sở riêng biệt; trong những trại giam dành cho cả nam và nữ thì toàn bộ khu giam tù nhân nữ phải được hoàn toàn riêng biệt.”

Bộ các qui tắc tối thiểu về đối xử với tù nhân, Qui tắc 23:

1)      “Trong những trại giam dành riêng cho tù nhân nữ, phải có những cơ sở thiết bị cần thiết cho phụ nữ đang mang thai, khi sinh đẻ và thời kỳ dưỡng bệnh. Trong điều kiện có thể, việc sinh đẻ phải diễn ra tại một bệnh viện dân sự. Nếu trẻ được sinh trong nhà tù, thì trong giấy khai sinh không được ghi nơi sinh là nhà tù.

2)      Khi tù nhân nữ được phép nuôi con đang bú mẹ, phải có những biện pháp để tổ chức một vườn trẻ với nhân viên có chuyên môn để giữ trẻ khi chúng không được mẹ chăm sóc.”

Bộ các qui tắc tối thiểu về đối xử với tù nhân, Qui tắc 53:

1)      “Trong trại giam chung dành cho cả nam và nữ, khu tù nhân nữ phải được đặt dưới sự điều hành của nhân viên nữ, và là người giữ tất cả các chìa khoá vào khu này.

2)      Không một nhân viên nam nào được phép vào khu tù nhân nữ khi không được một nhân viên nữ đi kèm.

3)      Chỉ duy nhất nhân viên nữ được phép giám sát tù nhân nữ.  Nhưng có những trường hợp khác, vì lý do nghề nghiệp, vẫn có các nhân viên nam như bác sĩ, giáo viên được làm việc trong khu tù nhân nữ.”

ÁP DỤNG THỰC TẾ

Nhân viên phải được tập huấn chuyên biệt

Cần phải nhận thức rằng những ảnh hưởng của sự cầm tù đối với nữ giới rất khác biệt so với nam giới. Tình trạng gia đình mà họ để lại ở ngoài xã hội thường khác so với tù nhân nam vì đa phần phụ nữ là người duy nhất hoặc là người chủ chốt chăm sóc gia đình. Trong một số nền văn hoá, tù nhân nữ thường bị gia đình bỏ rơi. Nhân viên nhà tù làm việc với tù nhân nữ phải nhận thức được tất cả những vấn đề này và phải qua các lớp đào tạo cụ thể về vai trò của họ đối với tù nhân nữ.

Phụ nữ thường là nạn nhân của sự phân biệt

Trung bình, cứ 20 tù nhân thì 19 người là nam giới. Do đó các trại giam thường được quản lý theo quan điểm nam giới. Nhìn chung, điều đó có nghĩa là các qui trình và thủ tục thường thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận tù nhân nam và được điều chỉnh (đôi khi không) cho nhu cầu của tù nhân nữ. Chính điều này dẫn đến sự phân biệt đối với tù nhân nữ ở nhiều mức độ.

Phòng giam

Một khía cạnh đầu tiên của sự phân biệt liên quan đến phòng giam. Nhiều nước chỉ có một số ít trại giam dành cho những người bị tạm giam. Do đó điều khó tránh được là nhiều tù nhân nữ phải cách xa gia đình, khiến cho việc tiếp xúc với gia đình trở nên khó khăn. Điều này thực sự trở thành vấn đề khi người tù nhân nữ này là người duy nhất chăm sóc con cái và cả những thành viên gia đình khác.

Có thể có cách thức khác là giam tù nhân nữ trong những khu nhỏ, cận kề nhà tù lớn dành cho nam giới. Điều này có thể gây ra những rủi ro lớn cho an ninh của tù nữ và cũng có nghĩa là những cơ sở thiết bị của nữ đã được thiết kế cho nhu cầu của tù nhân nam. Do đó việc tiếp cận những tiện nghi sinh hoạt và thời gian ra ngoài buồng giam có thể bị hạn chế vì lý do an ninh.

Hai hệ thống trại giam kiểu này cho tù nhân nữ đều cho thấy nhiều bất cập cần cải thiện.

An ninh không được chặt chẽ hơn mức cần thiết

Một hậu quả của việc thiếu nhà tù dành cho nữ là tù nhân nữ đôi khi bị giam với một yêu cầu về an ninh chặt chẽ hơn mức cần thiết. Tác động của nó có thể còn bị trầm trọng hơn vì những đánh giá phân loại này thường được dựa trên tiêu chí dành cho tù nhân nam.

Tiếp cận một cách bình đẳng các hoạt động

Do số lượng ít hơn hoặc do chất lượng hạn chế của các buồng giam, việc các tù nhân nữ được tiếp cận các hoạt động cũng ít hơn so với tù nhân nam.Ví dụ, họ ít có cơ hội được đào tạo nghề. Khả năng công việc cũng hạn chế ở một số việc thông thường dành cho phụ nữ, như may mặc và quét dọn. Giới chức nhà tù phải làm sao cho tù nhân nữ có cùng cơ hội như tù nhân nam để được hưởng cơ hội giáo dục và đào tạo. Cũng như vậy đối với cơ hội tiếp cận các cơ sở thiết bị giáo dục thể chất và thể thao. Nếu nhà tù không có đủ trang thiết bị và nhân viên chuyên nghiệp, có thể nhờ các tổ chức địa phương và các tổ chức phi chính phủ giúp hướng dẫn các hoạt động cho tù nhân nữ.

Trong chừng mực có thể, các hoạt động cho tù nhân nữ phải được xây dựng đúng cho đối tượng nữ, chứ không phải thay đổi lại từ chương trình dành cho tù nhân nam.

Các mối liên hệ gia đình

Điều đặc biệt quan trọng là tù nhân nữ có con phải được phép duy trì các mối liên hệ với con cái. Trong chừng mực có thể, phải cho phép tù nhân nữ rời nhà tù trong những khoảng thời gian ngắn để về thăm gia đình. Khi con cái đến thăm mẹ ở trại tù, người mẹ phải được phép gần gũi các con, phải được âu yếm các con nhiều nhất có thể. Các cuộc viếng thăm này không bao giờ được phép bị khép kín hay cấm tiếp xúc trực tiếp, hay bị ngăn bởi những thiết bị như lưới hay vách kính. Trong chừng mực có thể, các cuộc thăm viếng này có thể kéo dài cả ngày. Thăm viếng gia đình kéo dài hơn (được nêu ở Chương 8) có ý nghĩa đặc biệt đối với tù nhân. Mọi biện pháp an ninh khi khám xét khách đến thăm phải được lưu ý đến tính dễ tổn thương của trẻ em.

Con của tù nhân phải sinh ra trong tù

Phụ nữ mang thai chỉ phải thụ án tù trong những trường hợp nghiêm trọng nhất. Nếu điều đó là cần thiết, phải chăm sóc y tế cho họ tốt như ở bên ngoài. Đến khi sinh con, trong chừng mực có thể, tù nhân nữ này phải được chuyển đến một bệnh viên dân sự, ở đây phải đảm bảo mọi sự chăm sóc y tế chuyên nghiệp cho họ và điều này tránh cho đứa trẻ bị ghi trong giấy khai sinh: nơi sinh là trong trại tù. Trong mọi trường hợp, giấy trích lục khai sinh phải nêu nơi sinh là một địa chỉ khác với địa chỉ một trại giam.

Những hạn chế cần thiết về an ninh trong thời khắc này cũng phải kín đáo nhất có thể.

Khi phụ nữ mang thai bị tù giam, trại giam phải tính đến mọi vấn đề về văn hoá liên quan đến khi họ sinh con.

Các bà mẹ với con sơ sinh

Các bà mẹ trong tù nuôi con sơ sinh là một vấn đề khó. Trong một vài nước, các bà mẹ được phép giữ con của họ trong tù. Khi điều này xảy ra, họ phải được bố trí ở những buồng giam cho phép họ được ở bên cạnh con liên tục. Các buồng giam này phải được trang bị những thứ mà bà mẹ bình thường cần đến. Tốt nhất là để cho mẹ và con ở cùng nhau hơn là để trẻ sơ sinh với các cô giữ trẻ và mẹ chỉ có thể đến thăm con vài giờ nhất định.

Tuổi có thể xa mẹ

Khó có thể xác định độ tuổi mà trẻ sơ sinh có thể được mẹ nuôi trong tù.Vì mối liên hệ mẫu tử rất quan trọng nên một số người cho rằng trẻ sơ sinh phải được ở bên mẹ càng lâu càng tốt, có thể suốt thời gian thụ án của người mẹ. Có quan điểm cho rằng nhà tù là một môi trường không bình thường và có những tác động tiêu cực đến sự phát triển của đứa trẻ từ khi tuổi còn nhỏ. Do vậy, đứa trẻ bình thường chỉ được ở bên mẹ trong tù vài tháng. Trên thực tế, một vài nhà tù cho phép các bà mẹ nuôi con cho đến khi đứa trẻ được 9 tháng tuổi, 18 tháng tuổi hoặc 4 năm tuổi hoặc hơn nữa nếu không thể để đứa trẻ ở nơi khác.

Có thể để đứa trẻ ở đâu?

Nếu đứa trẻ không thể ở trong tù với người mẹ, trại giam phải có những biện pháp thích hợp, hoặc để đứa trẻ ở gia đình hoặc ở những tổ chức chăm trẻ thiếu bố mẹ. Chúng ta phải thiết lập những biện pháp phù hợp trên cơ sở lợi ích của đứa trẻ và phải dự tính mọi yếu tố liên quan. Do vậy, quyết định cần phải được thẩm tra bởi các tổ chức có chuyên môn và trại giam không được đơn phương quyết định.

“Luật hình sự của Nga cho phép các bà mẹ bị kết án vì những vi phạm ít nghiêm trọng (án tù ít hơn hoặc bằng 5 năm) được phép lùi lại việc thụ án cho đến khi đứa con nhỏ nhất được 8 tuổi. Khi đó, bản án có thể được xem xét lại để xem có cần thi hành hay không. Một yếu tố quan trọng của quyết định này là xem bà mẹ liên quan có tái phạm tội không”.

Trẻ con lớn lên trong nhà tù

Trong thời gian đứa trẻ ở trong tù, môi trường xung quanh phải được bố trí như bình thường nhất có thể cho đứa trẻ và bà mẹ. Sự phát triển của đứa trẻ không được phép hạn chế chỉ vì mẹ của chúng ở trong tù. Ngoài ra, cần phải có những biện pháp đặc biệt để trợ giúp đứa trẻ và người mẹ khi được trả tự do.

Những người liên quan khác

Nhiều khi, phụ nữ là người duy nhất hoặc là người chủ chốt chăm sóc những người thân khác ngoài con họ. Trại giam phải tính đến các biện pháp cần áp dụng trong những hoàn cảnh này.

Chăm sóc y tế

Chương 4 của cuốn cẩm nang này tập trung vào nhu cầu y tế của tù nhân. Phụ nữ trong tù có nhu cầu đặc biệt về sức khoẻ cần phải được công nhận và đáp ứng. Trong chừng mực có thể, họ phải được chăm sóc bởi các nữ y tá và nữ bác sỹ và các chuyên gia về vấn đề sức khoẻ phụ nữ phải luôn có mặt để tư vấn cho họ. Trong nhiều trường hợp những lo lắng nhiều về con cái họ có tác động mạnh ới tinh thần tù nhân nữ và khiến cho cuộc sống tâm lý trong tù của họ khó khăn hơn so với tù nhân nam. Việc chăm sóc y tế cho tù nhân nữ phải tính đến vấn đề này.

Nhân viên trại giam làm việc với tù nhân nữ

Tù nhân nữ đặc biệt dễ bị tổn thương trong môi trường khép kín của nhà tù và phải được bảo vệ thường xuyên khỏi những lạm dụng về thể xác và tình dục do những nhân viên nam giới. Các văn bản quốc tế qui định rằng tù nhân nữ phải được giám sát bởi các nhân viên nữ. Nếu nhân viên nam phụ trách trại giam nữ thì một nhân viên nữ phải cùng làm việc với họ, một mình nhân viên nam không được phụ trách tù nhân nữ.

Khám xét

Chương 5 của cuốn cẩm nang này đề cập các qui trình khám xét tù nhân. Nhân viên trại giam phải rất tế nhị khi khám xét tù nhân nữ. Nhân viên nam không được khám xét tù nhân nữ. Cần thiết phải tôn trọng sự tế nhị của mọi tù nhân nữ, ví dụ không được yêu cầu tù nhân lột trần quần áo khi khám xét.

Chuẩn bị trả lại tự do cho tù nhân

Trại giam phải chuẩn bị cho tù nhân khi họ trở về với đời sống dân sự, đòi hỏi này được đề cập ở Chương 7. Cần phải đặc biệt lưu ý tới nhu cầu của tù nhân nữ khi họ sắp được trả lại tự do. Trong một vài trường hợp, họ có thể không thể tái hoà nhập lại được với gia đình vì họ đã là một phần của nhà tù. Trại giam phải hợp tác chặt chẽ với các tổ chức hỗ trợ của cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ để giúp họ tái hoà nhập lại cộng đồng. Điều đặc biệt hữu ích là hướng dẫn cho họ những thói quen để giúp họ trở nên tự chủ.

[1] Julita Lemgruber, Phụ nữ trong hệ thống Tư  pháp hình sự. Diễn văn khai mạc thảo luận diễn ra trong khuôn khổ Đại hội lần thứ 10 của Liên hiệp quốc về Phòng chống tội phạm và đối xử với kẻ phạm tội, tháng 4 năm 2000, HEUNI, Vienne 1 149.