Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 24 từ ngày 05 đến 11/6/2017: Côn đồ ở Hà Nội đe dọa tính mạng luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân và gia đình

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 11/6/2017

Ngày 08/6, một nhóm an ninh mặc thường phục đã đến nhà riêng của cựu tù nhân lương tâm Lê Quốc Quân đe dọa sẽ mạnh tay với anh và vợ cùng ba cô con gái nếu anh tiếp tục các hoạt động cổ súy nhân quyền và đa nguyên chính trị.

Vụ đe dọa này xảy ra sau hơn một tuần luật sư Quân gặp ông Thượng Nghị sỹ Hoa Kỳ John McCain và một số thượng nghị sỹ khác tại Hà Nội, và anh đã báo cáo tình hình nhân quyền tồi tệ của Việt Nam trong thời gian gần đây.

Cùng ngày, công an thành phố Buôn Ma Thuột đã bắt cóc nhà hoạt động Nguyễn Đăng Vũ (nick Facebook là Nguyễn Peng) khi anh đến thăm mấy người bạn tại đây. Những kẻ bắt cóc đã đưa anh về trụ sở công an phường Tân Lập và đánh đập anh. Nhiều công an thay nhau đạp vào bụng trong suốt thời gian khoảng 30 g từ chiều ngày 08/6 đến tối muộn ngày hôm sau khi chúng đưa anh ra bến xe và ép anh phải quay trở về Sài Gòn.

Trong khi đó, chính quyền Nghệ An tiếp tục đàn áp giáo dân ở Song Ngọc, Quỳnh Lưu. Một số côn đồ được điều động tới ném đá vào nhà thờ giáo họ Văn Thai, đái trước cửa chính của nhà thờ và tấn công một số nhà dân. Chính quyền cũng huy động một số lượng lớn cảnh sát cơ động đóng quân ở địa bàn xã, sẵn sàng trấn áp bà con giáo dân nếu họ phản ứng lại với những kích động từ phía chính quyền.

Chính quyền Việt Nam đã công bố quyết định của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tước bỏ quốc tịch của cựu tù chính trị Phạm Minh Hoàng, người có hai quốc tịch Việt Nam và Pháp. Với quyết định này, chính quyền Việt Nam có thể trục xuất ông sang Pháp.

Cô Trần Thị Hồng, vợ mục sư Tin lành Nguyễn Công Chính, người đang thụ án tù 11 năm ở Bình Phước, nói rằng công an Việt Nam đã cung cấp tin bịa đặt cho ông, nói rằng cô đã ngoại tình trong thời gian ông bị cầm tù vì hoạt động cổ súy tự do tôn giáo. Công an đã đến trại giam gặp ông để đưa tin bịa đặt trên nhằm khuất phục ông sau khi đã thất bại với những chiêu trò khác như trộn thủy tinh và bột kim loại vào thức ăn và chất độc vào nước uống của ông.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã gửi kiến nghị đề nghị Quốc hội Việt Nam hủy bỏ hoặc thay đổi Điều 19 của dự thảo Bộ luật Hình sự, nói rằng điều này đi ngược với Bộ luật Tố tụng Hình sự và tập quán quốc tế. Điều 19 trong dự thảo quy định luật sư sẽ bị trừng phạt nếu không tố giác thân chủ của mình.

Và nhiều tin khác

===== 05/6 =====

Công an Khánh Hòa kết thúc điều tra đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
Công an Khánh Hòa đã kết thúc điều tra đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và chuyển hồ sơ sang tòa án, theo luật sư của blogger, người bị cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.

Luật sư sẽ được tiếp cận với hồ sơ vụ việc để chuẩn bị cho việc bào chữa trong phiên tòa có thể được tổ chức sau vài tháng nữa.

Tuy nhiên, công an Khánh Hòa vẫn từ chối không cho gia đình thăm gặp Quỳnh, người bị biệt giam từ khi bị bắt vào ngày 10/10/2016.

Gia đình của Quỳnh là đối tượng sách nhiễu của an ninh tỉnh Khánh Hòa, khi công an thường xuyên bao vây giao đình nhằm không cho các thành viên của gia đình đi gặp gỡ các nhà ngoại giao và quan chức nước ngoài.

——————–

An ninh Hà Nội tung tin bịa đặt về vợ của Mục sư Nguyễn Công Chính
An ninh Việt Nam đã vào tận nhà tù nơi giam giữ Mục sư Nguyễn Công Chính để tìm cách gạt ông rằng vợ ông ở ngoài đang ngoại tình, cô Trần Thị Hồng nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Công giáo Á Châu UCA News.

Cô Hồng, một thành viên của Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, biết được thông tin này sau khi đi thăm chồng hôm 11/5. Cô nhận định đây là phương cách nham hiểm mà chính quyền Việt Nam đã thực hiện hòng chia rẽ gia đình và buộc chồng cô phải nhận tội để được trả tự do.

Mục sư Nguyễn Công Chính, một nhà truyền giáo bộc trực và cũng là nhà hoạt động dân chủ, đang thụ án tù 11 năm, sau khi bị bắt năm 2011 và bị vu cho tội hợp tác với nhóm kháng chiến FULRO đã hết hoạt động từ lâu.

Cô Hồng đã khuyên chồng không nên mắc bẫy của an ninh Việt Nam, và thông báo cho chồng rằng mọi người bên ngoài đang nỗ lực làm việc để cho ông sớm được tự do.

——————–

Công an Hà Nội tiếp tục sách nhiễu đội bóng No-U
Ngày 04/6, công an Hà Nội đã quấy nhiễu đội bóng No-U, không cho đội bóng sinh hoạt bình thường trong ngày chủ nhật hàng tuần.

Do bị an ninh thành phố can thiệp không cho chủ sân cho thuê sân đá nên No-U phải di chuyển từ sân này đến sân khác trong mấy năm gần đây.

Chủ nhật vừa rồi, khi đội bóng đang đá ở sân Định Công thì một nhóm công an khoảng 10 người tràn vào sân, ép đội bóng không được chơi tiếp. Khi bị chất vấn tại sao không cho No-U đá bóng thì các sỹ quan công an im lặng, chỉ nói là làm theo lệnh cấp trên.

Đội bóng No-U của những người chống sự bành trướng của Trung Cộng ở Biển Đông là đối tượng bị sách nhiễu bởi công an thành phố Hà Nội. Bên cạnh việc phá đám can thiệp chủ sân không cho thuê, công an còn theo dõi và đánh đập một số thành viên của đội bóng và sử dụng côn đồ để gây rối ở buổi sinh nhật của đội.

===== 07/6 =====

Phóng viên Không Biên giới phản đối việc tước bỏ quốc tịch của giáo sư Phạm Minh Hoàng
Phóng viên Không Biên giới (RSF) hôm 07/6 ra thông cáo bày tỏ lo ngại về sự việc nhà cầm quyền Việt Nam sắp sửa ban hành lệnh trục xuất giáo sư Phạm Minh Hoàng, một blogger công khai lên tiếng về các vấn đề tại Việt Nam.

Thông cáo của RSF cho biết, ông Phạm Minh Hoàng là một giáo sư đại học, được nhận quốc tịch Pháp trong thời gian ở Pháp. Bản thân ông cũng là một thành viên của đảng Việt Tân tranh đấu cho dân chủ của Việt Nam.

Theo RSF, trang blog của ông Hoàng đăng những bài viết về giáo dục, môi trường và mối hiểm họa Trung Cộng đe dọa chủ quyền Việt Nam. Các bài viết trên blog này được cho là nguyên nhân khiến ông bị tuyên án 17 tháng tù và 3 năm quản chế hồi năm 2011. Gia đình ông Hoàng cũng là mục tiêu của những vụ đe dọa.

RSF cho rằng việc tước bỏ quốc tịch của giáo sư Hoàng là biện pháp mới nhất của chính quyền Việt Nam nhằm đe dọa và bịt miệng các tiếng nói đối lập. Biện pháp trục xuất công dân trong trường hợp của ông Hoàng là phi lý và thái quá. Nhưng dường như đây là cách thức tiêu biểu để sách nhiễu tất cả những ai dám nêu ra những vấn đề gây tranh cãi tại Việt Nam.

RSF kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam bãi bỏ lệnh trục xuất đối với ông Phạm Minh Hoàng.

Theo bảng xếp hạng tự do báo chí của RSF năm 2016, Việt Nam ở hạng 175 trên 180, tức gần cuối bảng.

===== 08/6 =====

Côn đồ Hà Nội đe dọa gia đình luật sư Lê Quốc Quân
Cựu tù nhân lương tâm, luật sư Lê Quốc Quân, cho biết vào sáng 8/6, anh bị chừng chục người mặc thường phục chặn tại cổng chính tòa nhà nơi gia đình anh đang sống, không cho phép đi đâu và gặp ai nếu không được nhóm người đó cho phép.

Một tên trong nhóm tên Thắng đã túm cổ luật sư Quân và đe dọa anh và gia đình nếu anh tiếp tục các hoạt động nhằm cổ súy nhân quyền và dân chủ.

Vụ đe dọa xảy ra hơn một tuần sau khi anh đi gặp Thượng Nghị sỹ John Mccain và một số nghị sỹ khác của Quốc hội Hoa Kỳ khi họ viếng thăm Việt Nam trên đường đi dự Hội nghị An ninh Shangri-La ở Singapore. Tại buổi gặp đó, luật sư cùng một số nhà hoạt động dân sự khác đã báo cáo tình trạng nhân quyền tồi tệ trong thời gian gần đây ở Việt Nam.

Luật sư Quân có đơn trình báo sự việc với Công an phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, là cơ quan quản lý an ninh khu vực tại địa bàn nơi có khu nhà của gia đình luật sư.

Anh nêu rõ trong đơn trình báo rằng bản thân là công dân tự do nên có quyền đi lại và gặp gỡ người khác; biện pháp ngăn cản là vi phạm Điều 22, 23 Hiến pháp Việt Nam năm 2013.

Người đe dọa ông có tên là Thắng phạm tội đe dọa giết người qui định tại Điều 103 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Luật sư Lê Quốc Quân, 46 tuổi, bị bắt vào ngày 27 tháng 12 năm 2012 với cáo buộc ‘trốn thuế’ và bị tòa kết án 30 tháng tù. Gia đình anh ở Hà Nội, nhưng anh bị đưa vào giam tại trại An Điềm ở Quảng Nam.

Trước đó anh từng bị bắt một số lần gồm lần giam 3 tháng vào năm 2007 sau khi tham gia khóa học của tổ chức National Endowment For Democracy ở Hoa Kỳ về; tiếp đó là lần vào năm 2011 cùng với bác sĩ Phạm Hồng Sơn khi đến tham dự phiên xử công khai tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ ở Hà Nội.

Ngoài những lần bị bắt giam, anh còn bị những đối tượng mặc thường phục hành hung dù rằng theo anh thì không hề có mâu thuẫn với ai.

Bản thân anh tham gia lên tiếng cho công bằng xã hội, chống hoạt động gây hấn, lấn chiếm của Trung Quốc đối với Việt Nam.

===== 09/6 =====

Nhà hoạt động Nguyễn Peng bị công an Đak Lak bắt cóc, đánh đập
Nhà hoạt động Nguyễn Đặng Vũ, người được biết đến với nick Facebook Nguyễn Peng, đã bị công an Buôn Ma Thuột bắt cóc ngay khi anh vừa từ Sài Gòn đến và đánh đập tàn nhẫn trong thời gian giam giữ khoảng 30 giờ.

Vũ, một người tham gia nhiều cuộc tuần hành về vấn đề môi trường và nhiều vấn đề xã hội khác ở thành phố Hồ Chí Minh cũng như có nhiều bài viết phê phán chính phủ trên Facebook, bị bắt cóc lúc 16h ngày 08/6 bởi một nhóm người mặc thường phục, bị đưa về đồn công an phường Tân Lập.

Trong suốt thời gian trong đồn từ khi bị đưa về chiều hôm thứ Năm đến tối thứ Sáu, Vũ bị công an thay nhau đánh đập, đạp vào bụng anh. Anh không được cung cấp thức ăn trong gần 30 giờ giam giữ tại đồn. Công an cũng tịch thu một số vật dụng của anh, bao gồm điện thoại.

Đến tối ngày 09/6, công an đưa Vũ ra bến xe và ép anh trở lại Sài Gòn.

Vũ từng bị mật vụ đánh lén hai lần, và bị bắt bởi công an thành phố Hồ Chí Minh vì những hoạt động cổ súy nhân quyền, bảo vệ môi trường và phản đối bất công xã hội.

Vũ cũng tham gia nhiều chương trình từ thiện tại các vùng sâu, vùng xa.

——————–

Liên đoàn Luật sư kiến nghị bỏ điều luật buộc luật sư tố giác thân chủ
Ông Đỗ Ngọc Thịnh – Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam vừa ký công văn gửi Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội về việc góp ý cho Khoản 3 Điều 19 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 về trách nhiệm tố giác thân chủ của luật sư.

Khoản 3 điều 19 của dự thảo quy định luật sư bị xử lý hình sự nếu không tố giác tội phạm mà thân chủ mình thực hiện. Quy định này đang gây tranh cãi gay gắt, không chỉ trong quá trình thảo luận tại Quốc hội mà đang khiến những người hành nghề luật sư đặc biệt quan tâm.

Theo công văn, Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã họp để thảo luận và thống nhất ý kiến đưa ra 2 phương án đề nghị đối với khoản 3 điều 19 BLHS 2015: hoặc là bỏ hẳn hoặc là sửa đổi.

Theo Liên đoàn luật sư Việt Nam, quy định tại khoản 3 điều 19 quy định buộc luật sư phải tố cáo khi biết thân chủ phạm tội sẽ tạo ra sự xung đột pháp luật đối với quy định tại điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) hiện hành.

Điều 73 Bộ luật TTHT quy định luật sư: “…Không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản và không được sử dụng thông tin đó vào mục đích xâm phạm lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân”.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, nếu không bỏ khoản 3 điều 19 thì phải xem xét sửa quy định của Bộ luật TTHS 2015. Mà như vậy sẽ làm giảm đi tính khả thi của quá trình thi hành pháp luật trong xã hội, bởi điều Bộ luật TTHS 2015 vừa có hiệu lực từ 1-7-2016 đã phải sửa.

Liên đoàn luật sư cũng kiến nghị phương án thứ hai là sửa đổi khoản 3 điều 19 theo hướng người bào chữa chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tiết lộ thông tin về tội phạm do chính người mà mình bào chữa thực hiện đối với tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia.

Kiến nghị cũng cho rằng theo thông lệ quốc tế và quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư thì nhiều quốc gia cũng cân nhắc cụm từ “tố giác tội phạm” đối với luật sư mà thường dùng cụm từ “tiết lộ thông tin tội phạm” cho các cơ quan có thẩm quyền.

Điều này nghĩa đây không chỉ là nghĩa vụ của luật sư mà còn hiểu là quyền và nghĩa vụ bảo mật của luật sư để ngăn chặn những tội phạm đang thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện có nguy cơ đe dọa đến an nguy độc lập, chủ quyền quốc gia và sinh mạng con người.

Do đó, Liên đoàn Luật sư cho rằng cần phải giới hạn phạm vi về các tội mà các luật sư có thể tiết lộ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phù hợp với thông lệ quốc tế.

Khoản 3 điều 19 BLHS 2015 là điều khoản gây tranh cãi và làm hoang mang giới hành nghề luật khi quy định:

“Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của bộ luật này.”

===== 10/6 =====

Người dùng Facebook ở Việt Nam có thể bị phạt 2,200 USD vì đăng nội dung “có hại”
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa đề nghị mức phạt tới 2,200 USD đối với những người dùng mạng xã hội Facebook nào đăng tải nội dung bị cho là “có hại”.

Trong dự thảo nghị định, bộ này đề nghị mức phạt từ 20 đến 30 triệu đồng đối với người sử dụng mạng xã hội có hành vi tiết lộ bí mật đời tư hoặc “bí mật khác” khi chưa được sự đồng ý của cá nhân hoặc tổ chức có liên quan. Các hành vi khác có thể bị phạt theo nghị định này bao gồm: miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, chém giết, tai nạn rùng rợn trong các tin bài, phim, ảnh, cung cấp thông tin không hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam…

Việt Nam hiện có 49 triệu người sử dụng Internet, chiếm hơn nửa dân số, và hơn 45 triệu trương mục truyền thông xã hội. Facebook là mạng xã hội thịnh hành nhất, với khoảng 35 triệu người sử dụng.

Hồi tháng Tư năm nay, một đại diện của Facebook đã đến Việt Nam, và cam kết hợp tác với nhà cầm quyền nhằm ngăn chặn những nội dung “xấu, độc” trên mạng xã hội.

===== 11/6 =====

18,000 người Việt Nam ‘xuất khẩu lao động’ vì thảm họa Fomosa
Gần 18 ngàn người Việt Nam đã phải rời khỏi đất nước để đi làm việc ở nước ngoài do thảm họa Formosa, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Người lao động từ bốn tỉnh miền Trung đi làm việc ở Đài Loan đông nhất, lên tới 10,255 người, trong đó Hà Tĩnh có 6,135 người, Quảng Bình có 3,340 người, Quảng Trị có 696 người và Thừa Thiên – Huế có 84 người.

Nhật Bản tiếp nhận 4,498 người từ các tỉnh vừa kể. Trong khi đó, Nam Hàn tiếp nhận 1,122 người.

Cũng theo bộ này, người lao động Việt Nam sang ba thị trường châu Á tập trung ở các ngành nghề như đánh cá, sản xuất kỹ nghệ và dịch vụ y tế trong các trung tâm dưỡng lão và gia đình. Mặc dù Nam Hàn đang áp đặt những giới hạn khắt khe lên số người lao động từ Việt Nam do tình trạng công nhân Việt Nam bỏ trốn quá nhiều, nhưng chính phủ Nam Hàn dành ngoại lệ cho người lao động Việt Nam đến từ một số địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do thảm họa môi trường.

Trong tháng 4 năm 2017, Nam Hàn chấp thuận kế hoạch của Việt Nam tổ chức thi tuyển cho người lao động nghề cá tại một số địa phương, gồm các huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà, Kỳ Anh thuộc tỉnh Hà Tĩnh, và Bố Trạch, Ba Đồn, Đồng Hới thuộc tỉnh Quảng Bình.

Khoảng 263,000 người lao động đang bị ảnh hưởng bởi thảm họa Formosa, theo Bộ LĐTBXH.

——————–

Chính quyền Nghệ An tiếp tục đàn áp giáo dân, đưa côn đồ ném đá và phóng uế trước nhà thờ
Chính quyền tỉnh Nghệ An tiếp tục đàn áp giáo dân địa phương, đưa côn đồ tấn công nhà thờ và phóng uế nơi linh thiêng.

Camera của nhà thờ ghi lại vào đêm thứ Tư (07/6), hai tên côn đồ đã ném đá vào nhà thờ giáo họ Văn Thai thuộc giáo xứ Song Ngọc, gây vỡ nhiều cửa kính của nhà thờ. Sau đó, một trong hai tên đã tiểu tiện vào cửa ra vào của nhà thờ.

Côn đồ còn tấn công bằng gạch đá nhiều nhà dân ở xung quanh nhà thờ.

Chính quyền Nghệ An đã đưa số lượng lớn công an, kể cả cảnh sát cơ động về xã Song Ngọc, nhưng tình trạng côn đồ tấn công nhà thờ và giáo dân vẫn ngang nhiên xảy ra.

Giáo dân còn cho biết chính quyền địa phương liên tục gây rối bằng cách cho nhiều thanh niên nam nữ cầm cờ đỏ sao vàng và ngồi trên xe gắn máy rú ga chạy vào vùng công giáo.

Linh mục và giáo dân xứ Song Ngọc là những người đi đầu đòi Formosa bồi thường thiệt hại do thảm họa môi trường mà nó gây ra ở ven biển miền Trung. Thay vì giúp nhân dân đòi Công ty Đài Loan phải bồi thường thiệt hại thì chính quyền tỉnh Nghệ An tìm cách đàn áp giáo dân và bắt giữ những người hoạt động môi trường.

==================================

Quý vị có thể đọc bản tin Anh ngữ tại đây