Giải thích về tăng cường bắt bớ đối lập

RFA, ngày 05/10/2017

Từ trái qua: Ký giả Trương Minh Đức, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, ông Phạm Văn Trội, ông Nguyễn Bắc Truyển.
Từ trái qua: Ký giả Trương Minh Đức, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, ông Phạm Văn Trội, ông Nguyễn Bắc Truyển.

Dọn đường đón APEC?

Sau Đại hội Đảng lần thứ 12 và đặc biệt trong mấy tháng gần đây, chính phủ Hà Nội tăng cường bắt giữ nhiều nhà hoạt động, những tiếng nói không cùng quan điểm chính trị.
Chỉ trong vài tháng qua, Việt Nam đã bắt giữ và kết án ít nhất 11 nhà hoạt động xã hội vì các hoạt động ôn hòa chỉ trích chính quyền. Trong đó chỉ trong vòng 1 tuần lễ vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 vừa qua, 5 thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ đã bị bắt. Bốn trong số năm người bị bắt với cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền theo điều 79 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Người bị bắt giữ gần đây nhất là anh Nguyễn Việt Dũng, bị bắt hôm 27/9 theo điều 88 Bộ luật hình sự – Tuyên truyền chống Nhà nước.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) gọi năm 2017 là năm tồi tệ nhất cho nhân quyền Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn RFA vào hôm 4/10, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, cho rằng có nhiều lý do dẫn đến tình trạng Việt Nam tăng cường đàn áp tiếng nói bất đồng trong thời gian gần đây. Trước hết ông nhận định rằng Đảng Cộng sản Việt Nam từ trước đến nay luôn tìm kiếm cơ hội để dập tắt tiếng nói của các tổ chức dân sự và đàn áp những người bất đồng quan điểm chính trị với họ:
Tôi nghĩ họ thực sự lo lắng sau thảm họa Formosa xảy ra vào năm ngoái tại các tỉnh miền Trung. Chính phủ đã tỏ ra lúng túng trong việc giải quyết thảm họa một cách hiệu quả. Vì vậy họ sợ hãi và phản ứng dữ dội với những tiếng nói chỉ trích họ trong vấn đề này.
Đồng thời họ cũng phản ứng mạnh với bối cảnh thế giới. Đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump không quan tâm đến nhân quyền.
Và đặc biệt bây giờ họ đang ra sức đàn áp các nhà bất đồng chính kiến trước Hội nghị Thưởng đỉnh APEC diễn ra tại Việt Nam vào tháng 11 tới đây. Họ muốn đảm bảo rằng hội nghị sẽ diễn ra một cách bình yên và suôn sẻ, mà không có bất cứ vụ biểu tình hay kiến nghị gì về nhân quyền.
Họ muốn đảm bảo rằng hội nghị sẽ diễn ra một cách bình yên và suôn sẻ, mà không có bất cứ vụ biểu tình hay kiến nghị gì về nhân quyền.
– Ông Phil Robertson
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự ở Hà Nội cũng đồng tình với quan điểm của ông Phil Robertson rằng chính phủ Việt Nam có vẻ đang ráo riết chuẩn bị cho Hội nghị APEC và việc dập tắt, bỏ tù những tiếng nói đối lập có thể nằm trong kế hoạch chuẩn bị của họ. Ông nói:
Trước kia cứ hễ chuẩn bị đến Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam chẳng hạn hoặc Tết, họ cũng tìm mọi cách dẹp những lực lượng mà cho coi là gây mất trật tự bây giờ có thể họ cũng nghĩ những nhà đấu tranh là những người gây rối mất trật tự và họ tìm cách chặn trước.
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, thì APEC chỉ là “cái cớ nhất thời” mà thôi. Bản chất sâu xa, theo ông, là kể từ sau Đại hội Đảng XII, chính quyền mới lên lãnh đạo và chủ trương tích cực đàn áp tiếng nói bất đồng:
Càng ngày họ càng đẩy mạnh chuyện này lên. Họ vẫn suy nghĩ rằng họ có sức mạnh trong tay nào là vũ khí, công an với lực lượng hung hậu. Nhưng những hoạt động cảu họ nhiều khi vi phạm luật chính họ đề ra.
Họ tưởng như vậy là họ rất mạnh, nhưng để phải dùng đến những biện pháp như thế chứng tỏ họ đang trong một thế rất yếu và rất lo sợ. Chính nỗi lo sợ đó thúc đẩy họ dùng đến những biện pháp rất cổ điển của các chế độ độc tài đó là tăng cường đàn áp tư tưởng như tuyên truyền, phỉ báng những người đấu tranh, mị dân. Mặt khác, dùng sức mạnh cơ bắp để đè bẹp những tiếng nói khác với chính quyền.
Tuy nhiên ông cho rằng những biện pháp nêu trên về ngắn hạn có thể làm một số người sợ nhưng về dài hạn sẽ hoàn toàn phản tác dụng.
Lên tiếng với RFA, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thiện Nhân cho rằng có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đàn áp tiếng nói bất đồng chính trị ở Việt Nam như hiện nay. Thứ nhất, ông nhận định là do áp lực từ quốc tế không đủ mạnh và không bài bản, đặc biệt là Mỹ và châu Âu. Ông nói tiếp:
Thứ hai, phong trào đấu tranh ở trong nước, do sự đàn áp bắt bớ từ những năm trước đã làm phong trào tạm thời lắng xuống. Nhà cầm quyền đã lợi dụng tình thế này để gia tăng thêm nữa để dập tắt phong trào.

Trông chờ quốc tế

Trung tuần tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu, ông Bernd Lange nói rằng nhân quyền sẽ là vấn đề trọng tâm trong đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu – EU. Ông Bernd Lange nói tiếp rằng nếu Việt Nam không giải quyết đầy đủ các quan ngại về nhân quyền thì e rằng chuyện thương thảo giữa đôi bên sẽ gặp rắc rối.
Còn ông Daniel J. Kritenbrink, người dự kiến sẽ được bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ tại Hà Nội, trình bày trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ vào ngày 27 tháng 9 rằng nhân quyền là một trong những quan tâm của ông.
Họ tưởng như vậy là họ rất mạnh, nhưng để phải dùng đến những biện pháp như thế chứng tỏ họ đang trong một thế rất yếu và rất lo sợ.
– TS. Nguyến Quang A
Ông Phil Robertson cho rằng đại sứ Mỹ tại Việt Nam hiện tại là ông Ted Osius cũng rất năng nổ trong vấn đề nhân quyền, tuy nhiên điều tiên quyết là liệu họ có nhận được sự hậu thuẫn từ Washington hay không, bởi vì một mình họ không có đủ thẩm quyền để can thiệp vào nhiều quyết định.
Ông Robertson cho rằng điều duy nhất có thể cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam là tăng cường áp lực quốc tế:
Các quốc gia khác, trong đó có những nước tài trợ cho Việt Nam phải đứng lên và làm nhiều việc liên quan đến nhân quyền ở Việt Nam thì mới có thể cải thiện được tình hình. Chúng tôi rất thất vọng với Nhật Bản vì chúng tôi đã bàn thảo với họ về tình hình ở Việt Nam nhưng họ chưa hề làm gì để giúp đỡ. Chúng tôi cũng ngỏ ý với Nam Hàn về chuyện giúp nhân quyền Việt Nam. Chúng tôi đã làm việc với hầu hết các chính phủ tài trợ cho Việt Nam hay những chính phủ có tầm ảnh hưởng lớn đến Việt Nam nhưng họ không làm gì nhiều.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A dự đoán rằng trong tương lai gần tình trạng bắt bớ tiếng nói bất đồng sẽ chưa được cải thiện. Ông cũng cho rằng các nhà tranh đấu không nên “kỳ vọng hão” vào sự giúp đỡ của quốc tế vì “họ còn nhiều việc phải làm”.
Nhà hoạt động Nguyễn Thiện Nhân lại nghĩ rằng ngoài áp lực quốc tế ra, phong trào đấu tranh trong nước cần được đẩy mạnh thì mới có đủ sức để phản kháng lại sự đàn áp của nhà cầm quyền.
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương năm nay sẽ được tổ chức ở Đà Nẵng, Việt Nam với sự tham gia của lãnh đạo 21 nước thành viên. Nhà Trắng cuối tháng 9 vừa qua ra thông cáo xác nhận Tổng thống Donald Trump và phu nhân sẽ tham dự Hội nghị APEC .