Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 44 từ ngày 23 đến 29/10/2017: Nhà hoạt động Phan Kim Khánh bị tuyên án 6 năm tù giam, bốn năm quản chế

Người Bảo vệ Nhân quyền, ngày 29/10/2017

Ngày 25/10, Toà án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên kết tội sinh viên Phan Kim Khánh sáu năm tù giam và bốn năm quản chế với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999.

Trog một phiên toà công khai, chỉ có bố của bị cáo được tham dự phiên toà trong khi nhiều thành viên của gia đình và người hoạt động khác bị đẩy ra xa khu vực toà án.

Trước và sau phiên toà, nhiều tổ chức nhân quyền trong nước và quốc tế, bao gồm tổ chức Quan sát Nhân quyền (HRW), Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm người Việt Nam (VCHR) và Văn bút Hoa Kỳ (Pen America) đã kêu gọi Việt Nam trả tự do cho Phan Văn Khánh.

Lực lượng an ninh Việt Nam tiếp tục chiến dịch đàn áp nhằm vào Hội Anh em Dân chủ (HAEDC) sau khi đã bắt bảy thành viên chủ chốt của tổ chức này. Trong tuần, an ninh Việt Nam đã tra khảo cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Xuân Nghĩa về HAEDC cho dù ông chỉ tham gia tổ chức này trong một thời gian ngắn.

An ninh cũng sách nhiễu gia đình của cô giáo Phạm Thuý Lan, một thành viên khác của HAEDC, người từng bị an ninh tra khảo vì những hoạt động ôn hoà của mình.

Giáo dân thuộc giáo xứ Song Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, rất hoang mang khi Hội Cờ đỏ, với sự trợ giúp của chính quyền địa phương, dự định họp mặt gần khu vực giáo xứ. Trong mấy tháng gần đây, nhiều lần nhóm cờ đò đã tấn công linh mục và giáo dân ở Diễn Châu và Đồng Nai.

Và một số tin khác

====== 24/10 ======

HRW yêu cầu Việt Nam hủy cáo trạng đối với nhà hoạt động Phan Kim Khánh

Hai ngày trước khi nhà hoạt động sinh viên Phan Kim Khánh bị đưa ra xét xử bởi Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên, tổ chức Human Rights Watch (HRW) đã lên tiếng yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc và trả tự do ngay lập tức cho anh.

HRW còn kêu gọi các nước bảo trợ cho Việt Nam và các lãnh đạo trong vùng nên yêu cầu Việt Nam trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị trước hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng sắp tới đây.

Ông Brad Adams, giám đốc Châu Á của Human Rights Watch, nói rằng tội danh giả tạo gọi là “tuyên truyền chống nhà nước” được lập ra để bịt miệng những người chỉ trích ôn hòa. Ông kêu gọi Việt Nam xoá bỏ những điều luật như vậy, và ngưng truy tố người dân chỉ vì họ nói về những vấn đề của đất nước trên mạng internet.

====== 25/10 ======

Sinh viên Phan Kim Khánh bị kết án 6 năm tù theo cáo buộc tuyên truyền chống Nhà nước

Ngày 25/10/2017, Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã kết án 6 năm tù giam và 4 năm quản chế đối với sinh viên Phan Kim Khánh, vì bị cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự,

Phan Kim Khánh sinh năm 1993, thường trú tại xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ, là sinh viên năm cuối Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên bị bắt giam hồi tháng 3 năm 2017.

Toà nhận định Phan Văn Khánh sử dụng Internet để tuyên truyền tư tưởng đa nguyên, đa đảng, phi chính trị quân đội, bầu cử tự do, tự do báo chí …Giám định viên Bộ Thông tin truyền thông thì kết luận đó là tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa, cho biết.

Phiên tòa được thông báo mở xét xử công khai. Tuy nhiên, chỉ có bố của bị cáo được phép vào phòng xử án, nhiều người khác trong gia đình và nhiều nhà hoạt động bị đẩy ra khỏi khu vực toà án.

Với phiên tòa xét xử sinh viên Phan Kim Khánh thì tính đến thời điểm này của năm nay, nhà nước Việt Nam đã bắt giữ và cầm tù ít nhất là 25 người hoạt động ôn hòa theo một báo cáo của tổ chức nhân quyền, và thường là kết án nặng nề đối với họ.

———————

Viết blog không phải là tội phạm: Văn bút Hoa Kỳ

“Viết blog không phải là một tội phạm!”, Văn bút Hoa Kỳ (PEN America), đưa ra tuyên bố này trong một thư ngỏ đăng trên trang mạng của tổ chức này ngày 25/10, ngay sau khi Việt Nam kết án nhà hoạt động sinh viên và blogger Phan Kim Khánh.

Văn bút Hoa Kỳ gọi bản án là “thêm một ví dụ đáng kinh ngạc nữa về việc Việt Nam không ngừng hình sự hóa quyền tự do ngôn luận”.

Trong thư ngỏ của Văn bút Hoa Kỳ, ông James Tager, quản trị viên cao cấp của Các Chương trình Biểu đạt Tự do nói rằng: “Đây là một ví dụ rõ ràng về một blogger Việt Nam bị trừng phạt vì sự biểu đạt tự do của mình. Viết blog không phải là một tội phạm, bất chấp các nỗ lực liên tục của Việt Nam nhằm coi đó là một tội. Phan Kim Khánh phải được trả tự do ngay lập tức, và chính phủ Việt Nam nên công nhận rằng Điều 88 hoàn toàn không phù hợp với các cam kết quốc tế liên quan đến quyền tự do ngôn luận”.

Văn Bút Hoa Kỳ trước đây đã nêu mối quan tâm đối với các blogger Việt Nam bao gồm Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thuý, và Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Tổ chức đại diện cho người cầm bút ở Hoa Kỳ tự nhận có “sứ mạng đoàn kết những người viết và và các đồng minh của họ để vinh danh sự biểu đạt sáng tạo và bảo vệ các quyền tự do giúp đưa đến điều này”.

———————–

Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm người Việt Nam phản đối Hà Nội bỏ tù Phan Kim Khánh

Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm người Việt Nam (VCHR) lên án việc Việt Nam sử dụng các điều khoản “an ninh quốc gia” của Bộ luật Hình sự (BLHS) để tước quyền công dân của họ

Ngày 25/10, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm người Việt Nam ra thong cáo phản đối mạnh mẽ việc Việt Nam đàn áp các quyền cơ bản của người dân đối với quyền tự do ngôn luận, liên kết, tôn giáo hoặc niềm tin và quyền tham gia vào các hoạt động công cộng với cái cớ là bảo vệ “an ninh quốc gia.” Việc kết án sinh viên Phan Kim Khánh đến sáu năm tù giam và bốn năm quản chế vì cáo buộc “tuyên truyền tuyên truyền chống lại nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 88 của BLHS) là ví dụ mới nhất của xu hướng đáng báo động này.

“Một trong những’tội’ của Phan Kim Khánh là bày tỏ một cách ôn hòa quan điểm chính đáng của mình. Việc xét xử không công bằng và việc kết án thiếu căn cứ cho thấy một điều duy nhất: Việt Nam sợ chỉ trích; chính quyền cảm thấy bị đe doạ khi công dân của mình giao tiếp, tập hợp và chia sẻ mối quan tâm về tương lai của đất nước họ “, Chủ tịch VCHR Võ Văn Ái nói.

Việc kết tội Phan Kim Khánh hôm nay xảy ra trong bối cảnh đàn áp leo thang ở Việt Nam, trong đó nhiều blogger, người bảo vệ nhân quyền, bất đồng chính kiến ​​về chính trị và tôn giáo đã bị bắt và kết án với mức án tù nặng. Một số đã bị kết án theo Điều 88 tai tiếng, chẳng hạn như blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) với bản án 10 năm trong vụ xử ngày 29/6/2017, hoặc nhà hoạt động vệ quyền người lao động và đất đai Trần Thị Nga với mức án tù 9 năm trong vụ xử ngày 25/7/2017.

VCHR đặc biệt quan ngại về số lần bắt giữ của công dân gần đây vì cáo buộc lật đổ (“các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” – Điều 79 BLHS). Cáo buộc này mang tính mơ hồ, không phân biệt giữa các hành động bạo lực và việc sử dụng hợp pháp quyền tự do ngôn luận hoặc tham gia vào các hoạt động công cộng, có thể bị trừng phạt bằng cái chết.

====== 26/10 ======

Cộng đồng Công giáo Song Ngọc quan ngại về nhóm Cờ đỏ

Cộng đồng Công giáo ở giáo xứ Song Ngọc (Diễn Châu, Nghệ An) rất quan ngại về an ninh của cộng đồng sau khi Hội Cờ đỏ thành lập và dự kiến sẽ tập trung tại khu vực gần giáo xứ vào ngày 29/10.

Vào ngày 26/10, linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc và giáo họ Đông Kiều, có thư yêu cầu chính quyền địa phương giải thích về kế hoạch họp của nhóm Cờ đỏ’ sát cơ sở tôn giáo vào chiều tối chủ nhật.

Thư yêu cầu giải thích do linh mục Nguyễn Đình Thục ký được gửi đến các cơ quan chức năng xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu và tỉnh Nghệ An.

Theo linh mục Nguyễn Đình Thục thì sau khi có những cuộc tập trung của ‘nhóm cờ đỏ’ thì lại xảy ra những vụ côn đồ tấn công giáo dân, ném đá vào nhà thờ, hay đấu tố các linh mục. Cụ thể sau cuộc họp của Hội Cờ Đỏ ở Sơn Hải vào tháng tư thì xảy ra vụ đàn áp giáo họ Văn Thai; sau cuộc họp của những thành viên Hội Cờ đỏ vào tháng 9 thì xảy ra vụ việc ở giáo xứ Đông Kiều.

———————

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức được nhận đèn pin do gia đình gửi vào

Gia đình của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức vừa cho biết, nhà tù đang giam giữ ông ở tỉnh Nghệ An đã có một số biện pháp nới lỏng sự đối xử khắt khe và tàn bạo, khi cho phép gia đình gửi đèn pin vào tù cho ông.

Em trai ông Thức là Trần Huỳnh Duy Tân cho biết, trại giam đã đồng ý cho ông Thức nhận đèn pin bằng nhựa và một số pin, sau khi gia đình “đấu tranh nhiều lần”.

Do bị giam trong phòng tối và luôn bị cúp điện, mắt của ông Thức trở nên kém và có những dấu hiệu như tăng nhãn áp và không còn thấy rõ. Khi gia đình gửi các đồ dùng tiếp tế cho tình trạng này, thì đều bị trại giam trả về.

Ông Tân cho biết, nhờ có đèn pin nên mắt ông Thứ nay đã đỡ hơn, không gặp những vấn đề nghiêm trọng như trước.

Ông Tân cũng loan báo một thay đổi bất ngờ khác trong chính sách của trại giam, là các sáng tác thơ và nhạc của ông Thức đã được gửi về nhà bằng đường chuyển phát nhanh.

Gia đình ông Thức cho rằng sở dĩ có sự thay đổi là nhờ các cuộc vận động không ngừng của các cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước.

————————

Con gái blogger Mẹ Nấm gửi thư cho đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ

Nhân chuyến thăm Việt Nam sắp tới của vợ chồng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, con gái tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh- blogger Mẹ Nấm- vừa viết một bức thư gửi cho Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Melania Trump.

Thư được bà ngoại của bé là bà Nguyễn Tuyết Lan công bố trên Facebook. Được biết, đây không phải lần đầu tiên cô bé Nguyễn Bảo Nguyên, tên ở nhà là Nấm, viết thư cho phu nhân tổng thống Hoa Kỳ.

Theo bà Tuyết Lan, những bức thư trước đã được gửi đi, nhưng không rõ có tới tay bà Melania hay không. Lần này, bà ngoại bé quyết định đăng bức thư lên mạng, với mong muốn được các cơ quan truyền thông giúp công bố và dịch qua tiếng Anh để chuyển tới phu nhân tổng thống Hoa Kỳ.

Trong thư, bé Nấm cầu xin Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ giúp cho mẹ bé được tự do, vì bé biết mẹ mình “chẳng làm gì sai cả”. Bé Nấm cũng nhắc lại rằng, chính Đệ nhất phu nhân Melania đã trao tặng giải thưởng Phụ Nữ Can Đảm cho mẹ của bé.

Giải thưởng Phụ Nữ Can Đảm năm 2017 đã được trao tặng vào hôm 29 tháng 3 cho 14 người phụ nữ trên toàn cầu, trong đó bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh không có mặt để nhận giải. Theo lời Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius, giải thưởng này thường tôn vinh những phụ nữ đã bị giam giữ, tra tấn, bị đe dọa tới tính mạng hoặc chịu tổn thương nghiêm trọng vì đã đứng lên cho công lý, nhân quyền và pháp trị.

Blogger Mẹ Nấm đang chịu án 10 năm trong nhà tù CSVN.

====== 28/10 ======

Nhà báo viết về sai phạm của dự án đô thị “Vũ Nhôm” bị công an Đà Nẵng cấm xuất cảnh

Giới truyền thông và dư luận trong nước đang phản đối quyết định của công an Đà Nẵng, cấm xuất cảnh đối với một nhà báo đã viết về những sai trái của dự án khu đô thị.

Báo mạng Pháp Luật Plus ngày 28/10 đăng một đơn khiếu nại của nhà báo Dương Hằng Nga của Tạp chí Giao thông, gửi cho thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng một loạt quan chức chính quyền. Theo đó, vào sáng ngày 5/8/2017, cô đang làm thủ tục xuất cảnh đi Myanmar tại phi trường Tân Sơn Nhất thì công an cửa khẩu thông báo rằng, cô “là người thuộc diện chưa được xuất cảnh, theo đề nghị của công an thành phố Đà Nẵng.” Cô Nga cho biết cô không hề hay biết mình bị cấm xuất cảnh, cơ quan nào cấm, cũng như cấm kể từ khi nào và cấm vì lý do gì.

Được biết trước đó, từ tháng 4 đến tháng 5 năm nay, nhà báo này đăng một thiên phóng sự gồm 8 kỳ trên Tạp chí Giao thông, phanh phui những sai trái của dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước do ông Phan Văn Anh Vũ, biệt hiệu “Vũ Nhôm”, làm chủ đầu tư. Sau loạt bài này, dự án Đa Phước bị chính quyền thanh tra toàn diện.

Trong một hành động rõ ràng để trả đũa nhà báo, ông “Vũ Nhôm” đâm đơn kiện nhà báo Dương Hằng Nga ra tòa án quận Hải Châu. Sau tiến trình pháp lý kéo dài 5 tháng, tòa đình chỉ vụ án.

====================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin.

Quý vị có thể đọc bản Anh ngữ tại đây