Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ): rất nhiều nhà báo trên thế giới bị cầm tù

Thời báo New York, ngày 14/12/2017

(Bản dịch của Người Bảo vệ Nhân quyền)

Việt Nam hiện đang giam giữ 10 nhà báo, theo báo cáo mới nhất của CPJ.

Theo một báo cáo mới nhất của Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (Committee to Protect Journalists- CPJ), số lượng các nhà báo bị bỏ tù khắp thế giới liên quan đến công việc báo chí đã lên tới mức cao kỷ lục 262, hơn một nửa trong số đó bị bỏ tù ở Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc hay Ai Cập.

Gần ba phần tư các nhà báo bị giam giữ đã bị kết án tù sau khi bị buộc tội các hoạt động chống chính quyền, nhiều người trong số họ bị kết tội theo luật chống khủng bố mơ hồ. Một con số kỷ lục, 21 người, đã bị kết án vì cáo buộc “đưa tin sai.”

CPJ, một nhóm vận động thu thập dữ liệu về số nhà báo bị bắt hàng năm, cho biết trong báo cáo của mình rằng ông Trump hành động rất ít để bảo vệ nhân quyền và bảo vệ các nhà báo dũng cảm.

Trong một cuộc biểu tình tháng tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), một người biểu tình đã mang một biểu ngữ cho biết, nhà báo Ahmet Sik vẫn ở trong tù. Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều nhà báo bị bắt giam vì tội liên quan đến công việc của họ.

“Tuyên bố về tinh thần dân tộc của Tổng thống Donald Trump, chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, và những cáo buộc về ‘đưa tin giả’ là những nguyên nhân chính cho phép nhiều quốc gia gia tăng đàn áp nhằm vào giới ký giả,” CPJ nhấn mạnh.

Theo Elana Beiser, tác giả của báo cáo, 262 nhà báo giam cầm cho đến ngày 1 /12, nhiều hơn con số 259 ghi nhận trong năm ngoái.

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đứng đầu với số lượng nhà báo bị giam cầm là 73, tiếp theo là Trung Quốc- 41 và Ai Cập- 20. Những nước có số nhà báo bị giam cầm cao là Eritrea (15), Việt Nam và Azerbaijan (cùng 10 người), Uganda (8), Saudi Arabia và Syria (cùng 7), Bahrain (6) và Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Iran và Nga (4 nhà báo mỗi nước).

CPJ nói rằng con số thực tế có thể cao hơn.

Theo CPJ, ở Thổ Nhĩ Kỳ, việc đàn áp giới ký giả bắt đầu cào đầu năm ngoái và tình trạng này gia tăng sau cuộc đảo chính vào tháng 7 năm 2016.

CPJ trích dẫn trường hợp của Ahmet Sik, một nhà báo điều tra bị bắt giam từ năm 2011. Anh bị buộc tội sau khi phơi bày ảnh hưởng của các tín đồ của giáo sĩ Fethullah Gulen trong chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ; bây giờ, sau khi quan hệ giữa Gulen và chính phủ bị phá vỡ, Sik đã bị cáo buộc là hợp tác với những người thuộc nhóm của Gulen.

Báo cáo của CPJ đã trích dẫn trường hợp của một số nhà báo Trung Quốc bị bắt giam cho dù họ có sức khoẻ tồi tệ, bao gồm Yang Tongyan, người đã chết vì khối u não vào tháng 11 ngay sau khi anh được trả tự do, và Huang Qi, một nhà báo bị bệnh thận.

Tương tự, một nhiếp ảnh gia ở Ai Cập, Mahmoud Abou Zeid, được gọi là Shawkan, bị thiếu máu và cần truyền máu nhưng đã bị từ chối chăm sóc tại bệnh viện, CPJ cho biết. Ông bị tống giam sau khi đưa tin về các cuộc đụng độ đẫm máu giữa quân đội và những người ủng hộ Mohamed Morsi, tổng thống Hồi giáo bị lật đổ, vào tháng 8 năm 2013.

Ngay sau khi tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đến thăm Nhà Trắng hồi tháng 4, chính phủ Ai Cập đã thông qua một đạo luật chống khủng bố mới cho phép các nhà chức trách đưa các nhà báo với những cáo buộc liên quan đến khủng bố vào danh sách theo dõi nhằm tước quyền và hạn chế hoạt động tài chính của họ.

Báo cáo của CPJ cho biết 97% trong tổng số các nhà báo nói trên bị giam ở nước sở tại; 22 nhà báo (tương đương 8%) là nữ; và 75 nhà báo tự do, chiếm 29% tổng số.

Theo CPJ, cuộc điều tra giới hạn trong số các nhà báo đang bị chính quyền giam giữ; con số này không bao gồm những người đã biến mất hoặc được cho là bị bắt giữ bởi các nhóm không thuộc chính phủ, như phiến quân Houthi ở Yemen, tổ chức này đã đã bắt cóc một số nhà báo.

CPJ nói rằng nhà báo bị giam giữ lâu nhất trong cuộc điều tra là Yusuf Ruzimuradov, bị bắt vào năm 1999 tại Uzbekistan. CPJ nói rằng 15 nhà báo bị giam cầm ở Eritrea mà không có cáo buộc, bao gồm Ghebrehiwet Keleta, phóng viên bị bắt vào năm 2000, và 11 nhà báo bị bắt năm sau.