Indonesia trục xuất người xin tỵ từ Việt Nam dù tổ chức nhân quyền phản đối

The New York Times, ngày 14/12/2017

(Bản dịch của Người Bảo vệ Nhân quyền)

Vào ngày 13/12, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Indonesia đã trục xuất bốn người Việt Nam xin tị nạn mặc dù một tổ chức nhân quyền cho rằng những người Việt Nam này đang phải đối mặt với mối đe dọa bức hại thực sự ở quê nhà.

Hôm thứ Tư, Mạng lưới Quyền Người Tỵ nạn Châu Á Thái Bình Dương (Asia Pacific Refugee Rights Network- APRRN) đã viết một lá thư ngỏ cho Tổng thống Joko Widodo, đề nghị ông bảo trợ những người xin tị nạn và ngăn cản các cơ quan nhập cư đưa họ về Việt Nam.

“Chúng tôi kêu gọi Tổng thống chấm dứt ngay việc trục xuất bốn người xin tị nạn và hợp tác hoàn toàn với (Cao ủy về Tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc (United Nation High Commissioner for Refugee- UNHCR) để cho phép người xin tỵ nạn tiếp cận các thủ tục xác định tình trạng tỵ nạn,” Evan Jones, điều phối viên chương trình của APRRN, cho biết trong một tuyên bố gửi đến Jakarta Globe.

Jones trích dẫn một báo cáo của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) từ đầu năm 2017 về cuộc bức hại ngày càng gia tăng của chính quyền Việt Nam đối với các nhà hoạt động chính trị ở Việt Nam. Tuy nhiên, ông không giải thích tại sao người Việt bị trục xuất lại xin tỵ nạn ở Indonesia.

Agung Sampurno, phát ngôn viên của Tổng giám đốc Cơ quan Nhập cư (Bộ Tư pháp), đã khẳng định với Jakarta Globe rằng bốn người Việt Nam đã bị trục xuất vào chiều thứ Tư.

Chính phủ Indonesia đã bố trí và chịu phí tổn cho chuyến bay về cố quốc của họ.

Theo Agung, một chiếc thuyền chở 40 người đàn ông nước ngoài và phụ nữ đã được giải cứu trong vùng biển ngoài khơi Nusa Tenggara vào cuối tháng 10 bởi một đơn vị tuần tra cảnh sát biển.

Hành khách của thuyền nói rằng họ đang hướng tới Australia.

Cảnh sát giao những người này cho cơ quan nhập cư.

UNHCR đã hỗ trợ 36 người đàn ông và đàn bà trở về nước của họ bằng chính tiền của họ.

“Chúng tôi quyết định trục xuất bốn người này vì, dựa trên cuộc điều tra của chúng tôi, họ là những người nhập cư bất hợp pháp chứ không phải là những người tìm tỵ nạn,” Agung nói.

Indonesia chưa bao giờ ký kết Công ước 1951 của UNHCR liên quan đến người tỵ nạn.

Tổng thống Jokowi đã ban hành một quyết định vào tháng 12 năm 2016 để điều chỉnh việc xử lý người xin tỵ nạn ở Indonesia. Đây là công cụ pháp lý duy nhất mà nước này phải xử lý người xin tỵ nạn.

APRRN, một mạng lưới của hơn 300 tổ chức xã hội dân sự và cá nhân từ 28 quốc gia, đã chỉ ra rằng Indonesia là thành viên của Công ước Liên hiệp quốc về chống tra tấn.

“Theo Công ước chống Tra tấn và luật pháp quốc tế, Indonesia có nghĩa vụ không buộc những cá nhân có thể bị khủng bố hoặc tra tấn trở về nước họ,” Jones nói.

Nguyên tắc không tái xuất trong luật tập quán quốc tế cấm người gửi tỵ nạn tới quốc gia mà họ sẽ bị bức hại do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, quan điểm chính trị hoặc sự tham gia vào một nhóm xã hội.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Agus của Tư pháp cho biết, các cuộc thẩm vấn do Văn phòng đại diện của UNHCR tiến hành tại Indonesia chứng minh rằng bốn người Việt Nam không phải là người xin tỵ nạn.

Ông nói các cơ quan nhập cư sẽ bảo vệ những người xin tỵ nạn đích thực theo như quy định của tổng thống năm 2016.

UNHCR hiện không có phản hồi về vấn đề này.

Mặc dù Indonesia không phải là thành viên của Công ước về Tỵ nạn của UNHCR, chính phủ đã cho phép cơ quan này của LHQ hoạt động trong nước kể từ năm 1979 – vào lúc cao điểm của cuộc khủng hoảng người tỵ nạn ở Việt Nam – để giúp đỡ những người bỏ nước để tìm kiếm sự bảo vệ cộng đồng quốc tế.

Theo UNHCR, hơn 14.000 người xin tị nạn từ 54 quốc gia hiện đang bị mắc kẹt tại Indonesia.