Vì sao chỉ dừng lại ở việc hô khẩu hiệu về dự án Luật Về hội?

Việt Nam Thời báo, ngày 05/3/2018
Tại sao chưa chịu đưa dự án Luật Về hội vào chương trình nghị sự của Quốc hội trong năm 2018 này?
TBT Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Cựu Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa đã nói trong phiên bế mạc Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam hồi cuối tháng 12-2015 (khi ấy bà là Giám đốc WB tại Việt Nam), rằng: “Cần thiết phải soạn thảo và thực hiện một bộ luật có hiệu lực mạnh về hội và hiệp hội. Chính điều đó sẽ giúp thực hiện chương trình nghị sự của Chính phủ”.

Thời điểm thích hợp là thời đểm nào?

Thế nhưng dự Luật Về hội lại được Chính phủ xin phép Quốc hội được rút ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Lý do: cần có thời gian nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện và trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp. Thế nhưng mãi cho đến nay, thời điểm thích hợp ấy là bao giờ? Quốc hội cũng dễ dãi, không đưa ra dự kiến về thời gian buộc phải trình dự luật này.

Tương tự như khuyến cáo của WB, theo các tổ chức phi Chính phủ thì thể chế kinh tế thị trường hiện đại không thể vắng bóng vai trò quản lý vĩ mô của Chính phủ, cũng như vai trò thúc đẩy của xã hội dân sự và tinh thần hiệp hội. Vì vậy, việc ban hành Luật Về hội được cho là sẽ giúp người dân và doanh nghiệp có cơ sở pháp lý lập hội nhằm thúc đẩy trao đổi thông tin, công nghệ và bảo vệ lợi ích của mình tốt hơn trong cũng như ngoài nước.

Kiến nghị cụ thể của các tổ chức phi chính phủ là Luật Về hội cần đảm bảo tính tự nguyện, tự chủ và tự do trong hoạt động, không bị can thiệp tùy tiện bởi các cơ quan Nhà nước vào điều lệ, lãnh đạo cũng như lĩnh vực hoạt động của hội. Có như vậy hội mới tập hợp được nhân tài, đáp ứng được nhu cầu của thành viên cũng như bảo vệ được lợi ích của hội viên. Khi đó, hội có thể giúp các thành viên tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng lực góp ý cho chính sách phát triển ngành, và đặc biệt bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam tốt hơn.

Khái quát lại, quan điểm của các tổ chức phi chính phủ là một Luật Về hội đúng với tinh thần của Hiến pháp, thì hội sẽ không phải xin phép thành lập theo thủ tục rườm rà, mà chỉ đăng ký với cơ quan Nhà nước. Cơ quan Nhà nước không phê duyệt điều lệ cũng như lãnh đạo của hội, không giới hạn số hội hoạt động trong cùng một lĩnh vực. Các lĩnh vực cấm hoạt động nếu có thì được liệt kê cụ thể rõ ràng trong luật và hội hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính.

Các tổ chức phi chính phủ “tin rằng một luật về hội bảo vệ quyền hiệp hội của người dân, doanh nghiệp sẽ thổi luồng sinh khí mới vào xã hội Việt Nam, giống như khi đổi mới cho kinh tế tư nhân ra đời đã dẫn đến sự cất cánh của đất nước”.

Trái ý Tổng Bí thư?

Thế nhưng vì sao tuy hô hào là chính phủ kiến tạo, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn tiếp tục im lặng trong chỉnh sửa, soạn trình Quốc hội dự Luật Về hội? Không chỉ vậy, trong năm vừa qua dự Luật Về hội đã chìm vào im lặng, bất chấp trước đó tại phiên thảo luận dự án Luật Về hội ngày 25/10/2016, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã xin được tiếp thu và trình lại ở kỳ họp sau của Quốc hội.

Theo một số nguồn tin không chính thức, nếu sắp tới đây dự Luật Về hội được trình Quốc hội, nhiều khả năng một số điều khoản sẽ làm khó những ai là đảng viên Đảng Cộng sản muốn gia nhập vào các hội, đoàn xã hội dân sự.

Với văn bản có tên “Quy định số 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”, Bộ Chính trị ban hành ngày 15 tháng 11 năm 2017, thì cấm tuyệt đối các đảng viên có ý kiến phản biện các chính sách của Đảng, cấm đảng viên đòi hỏi có sự hiện diện của “xã hội dân sự”, của “tam quyền phân lập”, của “đa nguyên, đa đảng” (Trích Điều 7.3.b, Quy định 102-QĐ/TW).

Như vậy, dễ thấy rằng quy định nói trên của Bộ Chính trị hoàn toàn đi ngược lại yêu cầu phải thúc đẩy xã hội dân sự phát triển, nếu như Việt Nam muốn có nền kinh tế thị trường phù hợp với cộng đồng chung toàn cầu, được thể hiện qua các hiệp định thương mại, các điều ước mà Việt Nam đã ký kết, cũng như đang đàm phán.

Một Hội nghị trực tuyến quán triệt Quy định số 102-QĐ/TW

Hội, về bản chất là sự liên kết giữa của một cá nhân với người khác để cùng nhau hay phối hợp thực hiện các quyền dân sự của mình đã được pháp luật thừa nhận, với mục tiêu căn bản là hỗ trợ lẫn nhau hoặc hỗ trợ người khác, đặc biệt là các nhóm yếu thế, trong đời sống và sinh hoạt hàng ngày mà không cần đến sự bao cấp hay can thiệp của Nhà nước.

Nói một cách khác, về cơ bản, hội chia sẻ trách nhiệm của chính Nhà nước trong nghĩa vụ bảo đảm xã hội cho người dân. Khái niệm hội theo nghĩa rộng bao hàm cả hội có mục đích kinh tế (ví dụ các hội doanh nghiệp) và các hội phi kinh tế và tổ chức phi lợi nhuận (ví dụ quỹ từ thiện, tổ chức phi chính phủ).

Như vậy, nếu không ủng hộ việc lập hội, phải chăng Nhà nước Việt Nam không thừa nhận sự tồn tại của đời sống tự nhiên và bình thường?

Bên lề lý giải chuyện vì sao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc im lặng về dự Luật Về hội, có ít kiến rằng ông đang ngại ngài Tổng Bí thư vốn không mấy mặn mà chuyện về quyền lập hội, vì Tổng Bí thư sợ sẽ có “đa nguyên, đa đảng” cạnh tranh với Đảng Cộng sản của ông.

Ai cũng biết trong Hiến pháp có bảo hộ quyền tự do chính trị của công dân. Điều 28 hiến định rằng công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.

Cũng theo Hiến pháp, Nhà nước phải tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân. Chính điều đó cho thấy một khi các công dân tập họp lại thành một tổ chức hội theo quyền hiến định tại điều 25, sẽ đưa đến những phản biện được tập họp bằng sức mạnh của đám đông trong tổ chức hội, đoàn. Khi ấy, Bộ Chính trị của ngài Tổng Bí thư ắt hẳn sẽ không thể xử lý xuể những đảng viên vi phạm Quy định 102-QĐ/TW.

Xem ra ông Tổng Bí thư luôn e sợ về quyền tự do lập hội sẽ cản trở ông trong giấc mộng “nhất thể hóa” Đảng – Nhà nước mà ông đang chăm chăm nhắm đến trong vai trò “minh quân”!