Nền giáo dục thiếu lương tâm: khẩn thiết thành lập tổ tư vấn giáo dục – văn hóa?

Ánh Liên, Việt Nam Thời báo, ngày 14/4/2018
 ‘Trời ơi, chúng ta đã làm gì với nền giáo dục phi nhân tính này?’
Ảnh minh họa.

Ngày 12.04, báo Tuổi Trẻ đưa tin, một cô giáo mầm non Sao Mai (thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) liên tục bị chửi bới, thúc ép phá thai vì sinh con thứ ba sẽ ảnh hưởng đến thành tích của trường. Đoạn băng ghi âm ghi rõ lời bà hiều trưởng Phan Thị Hậu: ‘Nếu không biết, tao dẫn mày đi. Chỉ cần xuống kia hút trong tích tắc chứ mấy. Cái mặt mày ngu dốt để nỗ lực của mọi người mấy năm qua mất hết’.

Cũng trong những ngày này, một giáo viên mầm non 30/4 (phường Bến Nghé, quận 1, Tp. HCM) đã có hành vi đánh, la mắng một nhóm trẻ đang được giữ tại cơ sở này ‘là thú hay là người’.

Đây là hệ quả của một nền giáo dục – xã hội lai căng? Là kết quả của nhiều chương trình cải cách tốn tiền tỷ từ Bộ giáo dục & Đào tạo? Là hệ quả của một nền giáo dục mà thành tích là trên hết, và nhân văn đã bị vứt bỏ đằng sau?

Hãy xem chúng ta đã còn lại những gì? Dù cố gắng tìm một điểm sáng để tránh phải quy nạp về một nền giáo dục xã hội chủ nghĩa thừa tiền nhưng thiếu tính người, nhưng người viết đã không thấy nỗi điều ấy. Tháng 3 và tháng 4 xứng đáng được ghi vào thời điểm mà những vết ố, nứt rạn của sự ‘đồi bại về phẩm chất, đạo đức’ của nền giáo dục nước nhà.

Khi bạn đọc TTO là Võ Danh phải phẫn uất mà phản hồi rằng: ‘Trời ơi, chúng ta đã làm gì với con cái của mình!? Cái hệ thống giáo dục này đã tạo ra sản phẩm thế nào mà ta lại tụt xa so với Indonesia, Malaysia, Singapore đến vậy, trong khi con cái thì tuyệt vọng thế đó!’. Thì người viết phải bổ sung nhiều hơn: Trời ơi, chúng ta đã làm gì với nền giáo dục phi nhân tính này?

Không gì hết, tất cả những đóng góp ý kiến nhân văn trong nhiều năm qua chìm vào trong im lặng, chỉ những cải cách đề án tiền tỷ được nổi lên. Câu chuyện phát ngôn của Bộ trưởng Bộ giáo dục không còn là tâm điểm chú ý, bởi người nào lên cũng vậy, cũng mạnh miệng tuyên bố rồi sau khi họ rời nhiệm kỳ, để lại một ‘bãi shit’ khổng lồ, hổ lốn. Hãy hỏi xem, một bà Hiệu trưởng vô nhân tính như thế có phải là một? Không, mà ngược lại là vô số, vô số như số từ trong Thông tư số 02 /2014 (quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia), hay Thông tư 47/2012 (Quy chế công nhận trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia) đã khiến hàng trăm ngàn trường học hình thành nên tính hèn, dối trá và vô nhân đạo nêu trên.

Ngay cả bây giờ, có cụm từ nào để diễn tả về nền giáo dục nước nhà không? Xin thưa là: nát.

Chúng ta thiếu gì? Tiền ư? Nhưng 20% ngân sách dành cho giáo dục vẫn là câu nói tự hào của ngành! Giáo sư và chuyên gia ư? Chúng ta vẫn đang trong tiến trình ‘phổ cập’ bậc học hàm này! Chỉ là, chúng ta thiếu gì một cái tâm thực sự trong ứng xử với giáo dục quốc gia!

Người viết thích thú với quan điểm của tác giả Nguyễn Trọng Bình, đó là giáo dục đã vỡ trận toàn tập và cần thiết phải thành lập tổ ‘Tư vấn về văn hóa – giáo dục’. Bởi theo ông, nếu chúng ta cứ ngụy biện hoặc lạc quan tiếu bằng con số giáo viên, trường học hay số giáo sư – tiến sĩ thì nên giáo dục nước nhà còn tiếp tục trượt dài. Bởi ‘mục tiêu và sứ mạng cao cả nhất của giáo dục là phải làm sao giúp cho con người hoàn thiện hơn về nhân cách và phẩm giá’.

Những nhận định nêu trên là xác đáng, và ‘con người’ ở đây không chỉ là trò, thầy, mà cả đối với hệ thống cán bộ quản lý giáo dục nữa. Nếu không quán triệt một tư duy ‘vì con người’ thì mãi mãi, giáo dục xã hội chủ nghĩa cũng chỉ xoay quanh sự tung hô về thành tích, chèn ép về đạo đức, xóa sổ về nhân phẩm con người như cách mà dư luận bắt đầu ví von: kiến ăn cá và cá ăn kiến.

Câu chuyện tiếp theo là loại bỏ yếu tố mang tính đao to búa lớn nhưng việc đề án ‘Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục’, mà vấn đề là thúc đẩy một chính sách từ cấp Chính phủ liên quan thực tế nhằm cải tạo văn hóa – giáo dục. Một ‘Tổ tư vấn văn hóa – giáo dục’ là cần thiết một cách tương xứng bên cạnh ‘Tổ tư vấn kinh tế’. Ít nhất, văn hóa, giáo dục phải là nền tảng của phát triển như cách mà Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh từ xác định trong lần trao giải lần 8 cách đây 3 năm (2015).

‘Thiếu giáo dục và văn hóa là thiếu nền tảng văn minh và dân chủ, cho nên phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa,’ bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước. Và thực tế những cảnh báo của năm 2015 tiếp tục hiện hữu trong năm 2018.

Hãy tập hợp những người vì giáo dục nhất trong xã hội này, không phân biệt trong hay ngoài nước, để tiến tới thành lập một Tổ tư vấn. Và đây là phương cách chính yếu nhất (chứ không phải là những đề án cải cách tiền tỷ do Bộ Giáo dục & Đào tạo đẻ ra) để chấm nhất hệ quả kéo dài và ngày càng vỡ trận hơn nữa của giáo dục – văn hóa.

Giáo dục Việt Nam! Văn hóa Việt nam đang cần những người có tâm!