Phiên tòa phúc thẩm thách thức sự tồn vong của pháp luật

Phiên tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân cấp cao (TANDCC) tại Hà Nội xét xử vụ án “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với 4 bị cáo hội anh em dân chủ, đã khép lại vào chiều tối hôm 4-6 với mức tuyên y án sơ thẩm. Các giám định viên tư tưởng đã không có mặt tại tòa theo lệnh triệu tập.

Ông Nguyễn Văn Đài và ông Trương Minh Đức tại phiên tòa.

 

Thảo Vy, Việt Nam Thời báo, ngày 06/6/2018

 

Tối 5-6, các luật sư ở Sài Gòn ra Hà Nội tham gia bào chữa trong vụ án này sẽ bay về lại Sài Gòn. Phiên tòa phúc thẩm khép lại, nhưng những nội dung thách thức sự tôn nghiêm của pháp luật, của tồn vong nền pháp chế xã hội chủ nghĩa tiếp tục là bài toán khó cho Đảng cầm quyền trong công cuộc tìm lại niềm tin trong công chúng.

Bịt miệng công lý?

Tường thuật vắn tắt của các luật sư cho biết như sau: Phiên phúc thẩm tiếp tục vắng mặt tất cả các giám định viên của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) được Tòa án triệu tập hợp lệ. Lý do Bộ TTTT có Công văn số 1718 đề ngày 31/5/2018 gửi TANDCC cho biết các giám định viên bận công tác, không tham gia phiên tòa. Các giám định viên tư tưởng “bận công tác” đó chính là những người từng buộc tội các ông, bà trong vụ án Hội Anh em dân chủ, gồm: Võ Thanh Lâm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, tổ trưởng điều phối giám định tập thể, và các tổ viên giám định tập thể là Đặng Anh Tuấn, Chánh Thanh tra; Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí; Đinh Tiến Dũng, phó Chánh Thanh tra; Trần Thị Nhị Thủy, phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

Các luật sư nhấn mạnh sự vắng mặt của các giám định viên từ phiên tòa sơ thẩm đến phiên tòa phúc thẩm gây trở ngại cho việc làm sáng tỏ vụ án, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bị cáo, đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập lại các giám định viên. Tuy nhiên tương tự như phiên sơ thẩm, chủ tọa đã bác yêu cầu này.

Khác với thẩm phán Ngô Thị Ánh ở phiên sơ thẩm, thẩm phán Nguyễn Văn Sơn – Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm đã không chấp nhận đề nghị của ông Nguyễn Bắc Truyển là Hội đồng xét xử cho nhận lại bài bào chữa được chuẩn bị mà các cán bộ quản lý Trại tạm giam B14 thu giữ. Việc đề nghị cung cấp giấy bút để ghi chép và chuẩn bị nội dung phần tự bào chữa của ông Nguyễn Bắc Truyển cũng bị từ chối.

Luật sư Lê Văn Luân đề nghị triệu tập ông Nguyễn Văn Đài tham gia phiên tòa vì ông là người đầu vụ, cũng nhận sự từ chối của thẩm phán Nguyễn Văn Sơn. Chủ tọa phiên phúc thẩm cũng từ chối yêu cầu của ông Nguyễn Minh Đức rằng nếu các giám định viên tư tưởng không có mặt, thì phải công khai toàn bộ nội dung file ghi âm để cho Hội đồng xét xử, các luật sư và mọi người nghe trong các lời hội thoại có chứa đựng nội dung bàn luận lật đổ chính quyền hay không, nếu không, việc buộc tội các bị cáo là trái quy định của pháp luật.

Bị cáo Phạm Văn Trội cho biết kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xác định không hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Bị cáo Nguyễn Trung Tôn kháng cáo cho rằng Tòa sơ thẩm xét xử thiếu khách quan, không đúng tội danh. Bị cáo Nguyễn Bắc Truyển kháng cáo với các lý do: 1. Bản án sơ thẩm buộc tội oan sai; 2. Các vấn đề vi phạm tố tụng được luật sư nêu ra tại phiên tòa không được Hội đồng xét xử xem xét và giải quyết; 3. Phiên tòa sơ thẩm vi phạm nguyên tắc xét xử công bằng. Bị cáo Trương Minh Đức kháng cáo cho rằng không phạm tội về hành vi hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Trong phần 4 bị cáo trả lời xét hỏi và 6 luật sư tham gia xét hỏi, chủ tọa liên tục cắt lời và chấn chỉnh các bị cáo và luật sư, cho rằng bị cáo chỉ được trả lời câu hỏi, không được nói thêm, luật sư không được hỏi trùng nội dung câu hỏi của Hội đồng xét xử, Viện Kiểm sát và các luật sư khác.

Các luật sư khi tiến hành việc hỏi các bị cáo đã liên tục bị chủ tọa ngắt lời không cho hỏi tiếp, khác ở hẳn phiên sơ thẩm thẩm phán chủ tọa đã tôn trọng các quy định tố tụng trong việc xét hỏi của các luật sư tham gia bào chữa.

Chủ tọa phiên tòa đã nhiều lần nhắc nhở bị cáo Nguyễn Trung Tôn cần xem lại thái độ khai báo, nếu nhận tội và thành khẩn thì sẽ được giảm án. Bị cáo Tôn khẳng định không xin giảm án, yêu cầu xác định bị cáo không phạm tội và trả tự do cho bị cáo.

Khi dân chủ chỉ là ‘trang sức’ của chế độ?

Bị cáo Phạm Văn Trội tự bào chữa: Mục tiêu của Hội Anh em dân chủ là nâng cao nhận thức cho người tham gia: kiến thức xã hội, công nghệ, tiếng Anh và mở rộng kiến thức về dân chủ; trong quá trình sinh hoạt có đề cập tới vấn đề đa nguyên, đa đảng…; bản thân không tham gia đào tạo, huấn luyện, hướng dẫn hội viên. Rút khỏi Hội vào tháng 6/2016: do có kế hoạch cá nhân riêng sau khi hết quản chế; chờ luật về hội được thông qua thì có thể quay lại sinh hoạt. Ông Trội thực tâm mong muốn một đất nước dân chủ, tiến bộ. Trong suốt thời gian hoạt động, thông qua các cuộc họp không có bất cứ nội dung nào liên quan tới việc đòi lật đổ chính quyền.

Ông Trội nói rằng có thể ông từng phát biểu hơi thái quá về tiến trình dân chủ ở Việt Nam, song ông không có mục đích lật đổ chính quyền.

Ông Nguyễn Trung Tôn tái khẳng định gia đình của ông có truyền thống cách mạng, bản thân ông vốn là một quân nhân nên không có lý do gì để có hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Ông cho rằng công tố đã cẩu thả trong việc cáo buộc với nhiều sai sót ảnh hưởng đến ông. Do đó, ông yêu cầu cần đối chất tất cả các hội viên tại phiên tòa để làm rõ cáo buộc của các hội viên khác. Khi ấy nội dung nào trong các buổi họp được ghi âm mang tính chất tuyên truyền chống nhà nước, xin hãy đưa ra làm rõ.

Các cơ quan ngoại giao đóng tại Việt Nam đã từng tiếp xúc với các anh em dân chủ khẳng định những người này vận động đa nguyên hay có mục đích lật đổ chính quyền hay không? Cần xác minh rõ từ các cơ quan này.

Ông Tôn cũng nhắc lại điều mà phiên sơ thẩm ông đã lên tiếng là cần xác định nguồn tiền từ nước ngoài về chỗ bị cáo Nguyễn Văn Đài là tiền của cá nhân ông ấy, chứ không liên quan tới quỹ của Hội Anh em dân chủ nên không thể quy kết tiền đó là để phục vụ hội.

Trong phần tự bào chữa, ông Trương Minh Đức nói gọn rằng “cơ quan tiến hành tố tụng vu khống chúng tôi, vì chúng tôi không có hoạt động nhằm lật đổ chính quyền…”.

Ông Nguyễn Bắc Truyển nói rằng ông có chuẩn bị bài bào chữa, nhưng bị chủ tọa liên tục yêu cầu chỉ được bổ sung nội dung bài bào chữa của luật sư, nên ông Truyển đành chuyển sang tuyên bố ngắn gọn: “Lời buộc tội oan sai đối với tôi biến tôi thành tù nhân lương tâm, lời buộc tội oan sai đối với tôi đã khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ. Tôi yêu cầu các điều tra viên và những người đã có hành vi đánh đập tôi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Phiên tòa hôm nay tôi và các luật sư bị phân biệt đối xử, bị đối xử bất công. Phiên tòa hôm nay thực chất không phải là phiên tòa công khai…”.

Khi Công Lý chỉ là tên của một anh hề được gắn mác nghệ sĩ ưu tú

Nhóm luật sư tham gia bào chữa phiên phúc thẩm đã nói rằng: “Ý thức được khả năng là tất cả nỗ lực của bị cáo và luật sư không làm thay đổi được định kiến về tính chất vụ án và tội danh đã được xác định, chúng tôi không kiến nghị về phán quyết của Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm. Chúng tôi chỉ nỗ lực làm rõ nội dung và sự thật khách quan vụ án và các vấn đề đặt ra theo đơn kháng cáo của bị cáo, theo phận sự của mình, còn lại phán quyết là tùy vào Hội đồng xét xử”.

Vậy là một lần nữa, chốn pháp đình, Công Lý chỉ là tên của một anh hề được Nhà nước gắn mác nghệ sĩ ưu tú!