Bắc Kinh muốn viết lại các quy tắc của Internet

The Atlantic, June 18, 2018

(Bản dịch của Người Bảo vệ Nhân quyền)

 

Tập Cận Bình muốn giành quyền kiểm soát quản trị mạng toàn cầu từ tay các nền kinh tế thị trường phương Tây.

Vũ Quốc Ngữ dịch: Chưa bao giờ tồi tệ đến thế đối với một công ty viễn thông Trung Quốc ở Hoa Kỳ. Tối nay, Thượng viện đã quyết định bỏ phiếu về việc liệu có nên khôi phục lệnh cấm bán công ty Mỹ cho hãng viễn thông nổi tiếng ZTE của Trung Quốc hay không, một hình phạt cho cho việc công ty này bán hàng một cách bất hợp pháp cho Iran và Bắc Triều Tiên. Dự luật cũng bao gồm biện pháp cấm các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ mua thiết bị và dịch vụ của ZTE và Huawei, một trong những đối thủ cạnh tranh của nó, để tránh các mối đe doạ mạng tới các chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ. Trong khi đó, một điều mặc khải rằng Huawei là một trong số những công ty mà Facebook có thỏa thuận chia sẻ dữ liệu, cho phép nhà sản xuất thiết bị truy cập dữ liệu người dùng và bạn bè của họ, gây ra lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc hiện đang sở hữu một kho dữ liệu nhạy cảm về công dân Hoa Kỳ. .

 

ZTE và Huawei đã trở thành điểm sáng trong cuộc đối đầu của chính quyền Trump với Bắc Kinh về an ninh mạng, đầu tư, thương mại và lãnh đạo công nghệ. Tất cả những điều này xảy ra khi chính quyền Trump đã áp thuế quan lên số hàng hóa Trung Quốc trị giá 50 tỷ đô la vào thứ Sáu tuần trước. Nhưng trong bối cảnh cuồng loạn xung quanh hai công ty này, chúng ta có thể không nhận ra một thách thức ít rõ ràng hơn nhưng có khả năng tác động mạnh hơn: tham vọng của Trung Quốc để khống chế Internet.

 

Vào cuối tháng Tư, chỉ vài ngày sau khi Bộ Thương mại công bố lệnh từ chối chống lại ZTE, Tập Cận Bình, chủ tịch của Trung Quốc, đã đưa ra một bài phát biểu quan trọng với tầm nhìn nhằm biến Trung Quốc thành một siêu cường về mạng. Bài nói chuyện này cùng nhiều tuyên bố và chính sách mà ông ta đã đưa ra từ khi nắm quyền lựch, vạch ra tham vọng của chính phủ không chỉ cho sự độc lập với công nghệ nước ngoài mà còn là nhiệm vụ viết lại các quy tắc quản trị mạng toàn cầu – các quy tắc khác biệt so với các nền kinh tế thị trường của phương Tây. Giải pháp thay thế này sẽ bao gồm các tiêu chuẩn kỹ thuật yêu cầu các công ty nước ngoài xây dựng các phiên bản sản phẩm của họ tuân thủ các tiêu chuẩn của Trung Quốc và áp lực buộc họ tuân thủ các chính sách giám sát của chính phủ. Nó sẽ yêu cầu dữ liệu được lưu trữ trên máy chủ ở Trung Quốc và hạn chế chuyển dữ liệu ra bên ngoài Trung Quốc mà không có sự cho phép của chính phủ. Nó cũng sẽ cho phép các cơ quan chính phủ và các hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng chỉ mua thiết bị từ các nhà cung cấp địa phương.

 

Trung Quốc, nói cách khác, dường như đang muốn trở thành đối tượng cạnh tranh với Internet mở – một mô hình đang phát triển nhanh chóng trên khắp thế giới. Nếu mô hình đó phát triển, cho dù là do sự cố gắng của Trung Quốc hay của một số nước đang phát triển có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc hơn là với phương Tây, sẽ không có gì đảm bảo rằng Internet là nơi có tự do ngôn luận để cho kinh tế thị trường phát triển.

 

Trung Quốc đã công bố ý định của nó trong việc thay đối cách mà thế giới phát triển. Một phần trong tầm nhìn này, trong hơn thập kỷ qua, Trung Quốc đã cổ suý một cái gì đó mà giới lãnh đạo gọi là “chủ quyền không gian mạng” như một lời thách thức đối với Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản trong quản trị Internet. Để thúc đẩy kế hoạch này, Tập đã lập ra một cơ quan chính phủ quyền lực để tập trung chính sách về mạng. Ngoài việc thông qua luật An ninh mạng, Trung Quốc đã đưa ra hàng chục quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật, kết hợp, tăng cường sự kiểm soát của chính phủ lên toàn bộ Internet, từ cơ sở hạ tầng Internet, tới luồng dữ liệu, phổ biến thông tin trực tuyến, phát triển phần mềm và phần cứng tạo thành cơ sở của mọi thứ từ thương mại điện tử đến các hệ thống điều khiển công nghiệp. Trong một bài phát biểu năm 2016, Tập kêu gọi các công ty công nghệ Internet cốt lõi được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia và an ninh để “an toàn và có thể kiểm soát” —có nghĩa là chính phủ sẽ có toàn quyền quyết định trong việc bảo vệ các hệ thống thông tin, thiết bị và dữ liệu cho dù không có quy định cụ thể bằng văn bản.

Kế hoạch quản trị mạng của Trung Quốc dường như có ba mục tiêu. Một là một mong muốn hợp pháp để giải quyết những thách thức an ninh mạng đáng kể, như bảo vệ chống lại các cuộc tấn công mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân không bị bán ra thị trường chợ đen. Thứ hai là sự thúc đẩy để hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước, để giúp chính phủ thoát khỏi sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài đối với một số sản phẩm CNTT được coi là thiết yếu đối với an ninh kinh tế và quốc gia. Mục tiêu thứ ba là mở rộng quyền lực của Bắc Kinh trong giám sát và kiểm soát việc phổ biến thông tin kinh tế, xã hội và chính trị trực tuyến.

 

Để đạt được những mục tiêu này, Bắc Kinh đã thiết lập các tiêu chuẩn buộc các công ty nước ngoài xây dựng các phiên bản sản phẩm của Trung Quốc và tuân thủ các chính sách giám sát của chính phủ. Kiểm toán an ninh của chính phủ cho phép Bắc Kinh mở các sản phẩm của các công ty này và xem xét mã nguồn của họ, đưa tài sản trí tuệ của họ vào diện rủi ro, được chứng minh toàn diện lần đầu tiên vào tháng 3 năm ngoái trong một báo cáo của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ. Điều 37 của luật An ninh mạng cũng làm tăng sự kiểm soát của chính phủ đối với loại dữ liệu có thể được chuyển ra khỏi đất nước, trong khi có quy tắc bất thành văn yêu cầu các công ty lưu trữ dữ liệu trên các máy chủ tại Trung Quốc.

 

Nhiều trong số các yếu tố này phục vụ mục đích kép: hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước trong khi tiếp tục đóng cửa Internet. Freedom House xếp hạng Trung Quốc là “kẻ vi phạm tự do Internet tồi tệ nhất,” lưu ý rằng nhiều cơ quan của chính phủ “sử dụng hàng trăm ngàn hoặc thậm chí hàng triệu người để theo dõi, kiểm duyệt và điều khiển nội dung trực tuyến.”

 

Nhưng Bắc Kinh không chỉ ngăn cản Washington can thiệp vào các chính sách mạng nội bộ của nó: Trung Quốc cũng muốn đặt ra quy tắc cho phần còn lại của thế giới quản lý Internet như thế nào. Để tạo ảnh hưởng lên các đối tác, nó sử dụng kênh tiếp cận trực tiếp với chính phủ nước ngoài, cũng như đầu tư lớn vào công nghệ Internet thông qua Sáng kiến ​​Vành đai- Một con đường, hợp tác quân sự mở rộng và gia tăng sự tham gia trong các tổ chức quốc tế.

 

Ví dụ, năm 2015, Trung Quốc đã chọn Tanzania (Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Tanzania) là một nước thí điểm cho xây dựng năng lực Trung Quốc – Châu Phi, tạo ảnh hưởng đáng kể của Bắc Kinh lên chính phủ Tanzania. Trung Quốc đã sử dụng ảnh hưởng đó để thúc đẩy sự hợp tác xung quanh quản trị không gian mạng. Kể từ năm 2015, Tanzania đã thông qua luật về tội phạm mạng và các hạn chế tiếp theo về nội dung và hoạt động viết blog song song với việc kiểm soát nội dung của Trung Quốc. Cả hai chương trình đã được hỗ trợ kỹ thuật từ chính phủ Trung Quốc. Tại một hội nghị bàn tròn ở Dar es Salaam, Bắc Kinh, Edwin Ngonyani, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải và truyền thông Tanzania, giải thích, “Những người bạn Trung Quốc của chúng tôi đã chặn các mạng xã hội đó ở quốc gia của họ và thay thế chúng bằng các mạng của họ một cách an toàn.” Trong số các quốc gia khác mà Trung Quốc đầu tư rất nhiều, Nigeria đã áp dụng các biện pháp yêu cầu dữ liệu người tiêu dùng được lưu trữ ở Nigeria, trong khi Ai Cập đang xây dựng luật với yêu cầu các công ty chứa dữ liệu trong nước và tăng quyền kiểm soát của chính phủ. Các đối tác của Trung Quốc như Ethiopia, Sudan và Ai Cập tích cực tham gia vào kiểm soát nội dung trực tuyến.

 

Các quốc gia khác, trong khi đó, chỉ áp dụng một phần của luật Trung Quốc. Độc lập với Bắc Kinh, Nga đã xây dựng một mô hình giống như Trung Quốc, với sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ trên không gian mạng. Tuần trước, Việt Nam đã thông qua luật An ninh mạng giống hệt Trung Quốc. Ấn Độ đã áp đặt một số tiêu chuẩn kỹ thuật bản địa, và đang xem xét luật pháp để ban hành các yêu cầu tìm nguồn cung ứng trong nước cho các công nghệ an ninh mạng.

 

Mô hình của Trung Quốc thu hút các quốc gia này bởi vì nó cung cấp cho họ các công cụ để kiểm soát Internet mở. Các nền tảng trực tuyến được sử dụng cho khủng bố và bất đồng chính trị đe dọa sự ổn định của quốc gia. Những tiết lộ của Edward Snowden và các cuộc tấn công mạng như WannaCry và Mirai tạo ra một cảm giác dễ bị tổn thương mà mô hình của Trung Quốc hứa hẹn sẽ đối phó được.

 

Tính năng hấp dẫn nhất của mô hình Trung Quốc dường như là kiểm soát nội dung, vì hàng loạt các quốc gia láng giềng và đối tác của Trung Quốc tham gia chặn, lọc và thao túng nội dung Internet. Những điểm cũng lôi cuốn là yêu cầu đặt máy chủ lưu trữ dữ liệu trong nước, có thể giúp các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo có quyền truy cập vào thông tin người dùng.

 

Vấn đề với mô hình của Trung Quốc là nó đánh vào các nguyên tắc nền tảng của Internet trong nền dân chủ dựa trên thị trường: tự do trực tuyến, quyền riêng tư, thị trường quốc tế tự do và hợp tác quốc tế rộng lớn. Mô hình của Trung Quốc có thể thậm chí còn không hiệu quả trong việc thực hiện những lời hứa của nó. Ví dụ, các biện pháp kiểm soát nội dung do chính phủ áp dụng đã chứng minh là những công cụ kém trong việc chống lại chủ nghĩa cực đoan trực tuyến. Việc lọc hoặc xóa nội dung trực tuyến đã được so sánh với trò chơi Whack-A-Mole (đập chuột chũi) khiến nó không hiệu quả và có chi phí cao.

 

Các tác động đối với sức mạnh và khả năng phục hồi của hệ sinh thái internet toàn cầu đang gây rắc rối. Mô hình theo hướng kiểm soát của Trung Quốc gây tổn hại sự cởi mở quốc tế, khả năng tương tác và cộng tác, nền tảng của quản trị internet toàn cầu và cuối cùng là của chính internet. Thế kỷ 21 sẽ thấy một trận chiến nhằm thống trị quản trị an ninh mạng toàn cầu giữa Trung Quốc và các nguyên tắc hợp tác minh bạch hơn.