RSF và Đảng Việt Tân kêu gọi tự do internet cho Việt Nam

 

Tổ chức Phóng viên không biên giới (RFS) và Đảng Việt Tân hôm 20 tháng 6 có thư lên tiếng về vấn đề tự do Internet tại Việt Nam.(Ảnh minh họa)

Tổ chức Phóng viên không biên giới (RFS) và Đảng Việt Tân hôm 20 tháng 6 có thư lên tiếng về vấn đề tự do Internet tại Việt Nam.
RFA, ngày 21, 2018

Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) và Đảng Việt Tân hôm 20 tháng 6 có thư lên tiếng về vấn đề tự do Internet tại Việt Nam.

Bức thư với tựa ‘Hanoi’ digital crackdown’, tạm dịch ‘Biện pháp cấm đoán mạng của chính quyền Hà Nội’ nêu lên tầm quan trọng của không gian mạng xã hội đối với người dân Việt Nam.

Tuy nhiên theo thư vừa nêu thì việc thông qua Luật An ninh mạng mới của Việt Nam càng làm thu hẹp tự do phát biểu trên internet và áp đặt những hạn chế gây phiền toái đối với các doanh nghiệp nước ngoài bằng cách cho phép chính quyền yêu cầu các công ty công nghệ và các nhà cung cấp dịch vụ phải chia sẻ dữ liệu về thông tin cá nhân của người dùng, từ chối cung cấp dịch vụ và kiểm duyệt bài đăng của người dùng mà không cần đến quyết định của tòa án. Luật an ninh mạng có thể được chính quyền sử dụng để đàn áp những tiếng nói bất đồng.

Thư cũng cho biết bộ luật này chứa đựng những điều khoản đi ngược lại với những cam kết của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam đã ký.

Thư kêu gọi hai công ty Facebook và Google ủng hộ tự do internet tại Việt Nam thông qua các biện pháp được đề nghị gồm không lưu trữ cơ sở dữ liệu trong lãnh thổ Việt Nam, nơi mà Bộ Công an có thể thu giữ dữ liệu bất kỳ lúc nào.

Tuân thủ các nguyên tắc nhất quán và minh bạch đối với nội dung cho dù đó là bài đăng trên Facebook hoặc video trên YouTube. Google và Facebook có thể xóa nội dung vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng rõ ràng.

Google và Facebook không thể chấp nhận những yên cầu vì mục đích chính trị từ chính quyền Việt Nam hoặc những kẻ lừa đảo do chính phủ ủng hộ.

Google và Facebook phải nhanh chóng công bố tất cả các trường hợp chia sẻ dữ liệu hoặc hành động xóa nội dung theo chỉ thị của chính quyền Việt Nam.

RFS và Đảng Việt Tân mong muốn được nghe ý kiến của Google và Facebook nếu chính phủ Việt Nam buộc các công ty này phải hỗ trợ và kiểm duyệt dữ liệu.

Quốc hội Việt Nam ngày 12 tháng 6 đã chính thức thông qua Luật An ninh mạng với hơn 86% đại biểu tán thành; bất chấp mọi kêu gọi và phản đối dự luật này.

Hãng AFP cho biết trong số 466 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết luật an ninh mạng 2018, thì có đến 423 người tán thành, 15 người không tán thành và 28 người không biểu quyết.

Vừa qua Amnesty International đã viết thư ngỏ gửi đến cấp điều hành chính của các tập đoàn Apple, Facebook, Google, Microsoft, Samsung để bày tỏ quan ngại về dự luật An Ninh Mạng mà quốc hội Việt Nam đưa ra bàn thảo.