Chủ tịch Trần Đại Quang ban hành Luật An ninh mạng bất chấp chỉ trích


Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Sáng 28/6, Văn phòng Chủ tịch nước mở họp báo dể thông báo lệnh của Chủ tịch Trần Đại Quang ban hành các luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, trong đó có Luật an ninh mạng, vốn bị cộng đồng quốc tế và các nhà tranh đấu ở trong nước chống đối.

Từ Hà Nội nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến nói ông rất thất vọng về việc Chủ tịch nước ký ban hành Luật an ninh mạng.

Có một chiến dịch ký thỉnh nguyện thư tới vài chục ngàn chữ ký do các bạn kêu gọi và lên tiếng để ông Chủ tịch nước xem xét và hoãn ban hành Luật an ninh mạng, vậy mà hôm nay báo chí trong nước loan tin ông ấy đã ký thông qua thì tôi hơi thất vọng.
Nguyễn Chí Tuyến

“Có một chiến dịch ký thỉnh nguyện thư tới vài chục ngàn chữ ký do các bạn kêu gọi và lên tiếng để ông Chủ tịch nước xem xét và hoãn ban hành Luật an ninh mạng, vậy mà hôm nay báo chí trong nước loan tin ông ấy đã ký thông qua thì tôi hơi thất vọng. Công quốc tế, các tổ chức quốc tế, cũng như người dân đã phản ứng mạnh mẽ về một số điều khoản vi phạm đến quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư của người dân vì luật trao quá nhiều quyền cho ngành công an.”

Báo chí trong nước dẫn lời Chủ tịch Trần Đại Quang khẳng định tại một cuộc tiếp xúc với cử tri ở thành phố Hồ Chí Minh vào tuần trước nói rằng Luật An ninh mạng ra đời là “cần thiết, nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân, tổ chức, chứ không xâm phạm đời tư của công dân.”

Chủ tịch Trần Đại Quang gặp cử tri ở thành phố HCM, tháng 6/2018.
Chủ tịch Trần Đại Quang gặp cử tri ở thành phố HCM, tháng 6/2018.

Nhà hoạt động Trần Thu Nguyệt ở Sài gòn nói rằng luật này trao thêm quyền cho công an để bịt miệng những tiếng nói bất đồng:

“Tôi nghĩ ông Chủ tịch nước cũng muốn bịt miệng người dân, không cho người dân lên tiếng, ông đưa cái luật đó ra để đe dọa những người bất đồng chính kiến. Họ làm vậy để ngăn chặn các tiếng nói nói lên sự thật về hiện tình đất nước Việt Nam và lấy đó làm cái cớ để bắt bớ những tiếng nói bất đồng.”

Họ làm vậy để ngăn chặn các tiếng nói nói lên sự thật về hiện tình đất nước Việt Nam và lấy đó làm cái cớ để bắt bớ những tiếng nói bất đồng.
Trần Thu Nguyệt

Báo VNEXpress trích lời Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, thuộc Bộ Công an tại buổi họp báo hôm 28/6 nói rằng Luật An ninh mạng, được Quốc hội thông qua hôm 12/6 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, quy định rằng: “Doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam.”

Ông Thuận được báo chí trong nước trích lời nói rằng thời gian qua dữ liệu của người sử dụng Việt Nam trên không gian mạng đã và đang bị sử dụng tràn lan, với mục đích thu lợi nhuận, thậm chí bị sử dụng vào các âm mưu chính trị hoặc vi phạm pháp luật.

Trong chuyến công du đến thủ đô Washington hôm 26/6, Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ đã tìm cách trấn an các nhà đầu tư Hoa Kỳ giữa lúc Hà Nội bị Mỹ chỉ trích về Luật An ninh mạng.