Các tổ chức phóng viên thế giới lên án lệnh kỷ luật báo Tuổi Trẻ

 

Tổ chức phóng viên không biên giới RSF.

Tổ chức phóng viên không biên giới RSF.
RFA, ngày 19/7/2018

Tổ chức Phóng viên Không biên giới RSF vào ngày 19 tháng 7 ra thông cáo lên án Việt Nam về biện pháp kỷ luật đình bản 3 tháng mạng báo Tuổi Trẻ với cáo buộc thông tin không đúng sự thật là hành động vi phạm nghiêm trọng tự do báo chí.

RSF cho rằng đáng báo động sau khi những kênh truyền thông độc lập tại Việt Nam bị đàn áp, nay cơ quan chức năng lại nhắm đến những kênh thường luôn theo đường lối của đảng.

Bộ Thông tin và Truyền thông hôm 16/7/2018 đã ra quyết định xử phạt báo Tuổi Trẻ 220 triệu đồng và đình bản báo Tuổi Trẻ Online trong thời gian ba tháng, buộc phải xin lỗi và cải chính thông tin bị cho là sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu.

Theo Bộ này, Tuổi trẻ Online đã có hành vi thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong bài viết có tựa ‘Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật Biểu tình’ trên báo vào ngày 19/6/2018, và thông tin gây mất đoàn kết dân tộc trong phần bình luận của bài viết ‘Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây?’ hôm 26/5/2017.

Theo danh sách xếp hạng chỉ số tự do báo chí của RSF thì hiện nay Việt Nam đang ở vị trí gần cuối, đứng thứ 175 trên 180 quốc gia trong năm 2018.

Trước đó, hôm 17 tháng 7, Ủy ban bảo vệ các nhà báo CPJ cũng đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Việt Nam gỡ bỏ lệnh cấm ngay lập tức và vô điều kiện đối với trang báo mạng Tuổi Trẻ.

Theo ông Shawn Crispin, đại diện của CPJ tại khu vực Đông Nam Á thì  biện pháp đó là sự vi phạm nghiêm trọng tự do báo chí. Ông lên án điều này và yêu cầu chính quyền Việt Nam gỡ bỏ lệnh cấm cũng như ngừng kiểm soát các phương tiện truyền thông một cách tùy tiện.

Việt Nam hiện có khoảng hơn 900 cơ quan báo, tạp chí được cấp phép hoạt động, theo thống kê trong năm nay của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tất cả các phương tiện truyền thông Việt Nam lâu nay luôn bị kiểm soát chặt chẽ bởi chính quyền Việt Nam.