Bản án bất công và vô đạo đối với những người phản đối dự thảo Luật đặc khu

 

20 bị cáo bị TAND Tp. Biên Hòa áp tội ‘Gây rối trật tự công cộng’.

“Bán án quá nặng !” là chia sẻ của thân nhân 02 trong số 20 bị cáo vào hôm 307/2018 bị Tòa án nhân dân (TAND) TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đưa ra xét xử với cáo buộc tội “Gây rối trật tự công cộng” do trước đó xuống đường phản đối dự thảo Luật Đặc khu…

 

Minh Hải, Việt Nam Thời báo, ngày 10/8/2018

 

Tờ báo mạng Người Lao Động cho biết, vào hôm 30/7/2018 vừa qua TAND TP.Biên Hòa đã đưa 20 bị cáo ra xét xử sơ thẩm với cáo buộc tội “Gây rối trật tự công cộng”. Kết thúc phiên xử, Hội đồng xét xử tuyên bản án từ 1 năm tù không giam giữ cho đến 18 tháng tù giam dành cho các bị cáo.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát TP.Biên Hòa thì vào ngày 10/6/2018, rất nhiều người dân ở Đồng Nai đã xuống đường tuần hành phản đối dự thảo Luật Đặc khu trong đó có nhiều người đã lợi dụng tình hình cố tình gây rối, lấn chiếm lòng đường, gây trở ngại cho các phương tiện giao thông qua lại. Trước tình hình đó, Công an TP.Biên Hòa đã bắt giữ 52 người tham gia tuần hành và qua quá trình sàng lọc đã khởi tố 20 người, tức là 20 bị cáo bị TAND đưa ra xét xử như đã nêu trên.

Một trong hai người có bản án cao nhất trong số 20 bị cáo là chị Phạm Ngọc Hạnh chịu bản án 16 tháng tù giam hiện đang bị giam tại trại tạm giam của Công an TP.Biên Hòa. Nhận xét về bản án, thân nhân chị Hạnh chia sẻ với Việt Nam Thời Báo (VNTB) là Tòa án đã tuyên bản án quá nặng dành cho chị Hạnh vì chị Hạnh chỉ hưởng ứng tuần hành ôn hòa, có hô hào chứ không gây cản trở giao thông và cũng không tham gia đập phá gì.

“Đợt rồi họ xử về tội Gây rối trật tự công cộng. Hạnh bị xử đến 16 tháng tù giam. Hạnh đi đường đâu có gây rối gì, đâu có đập phá gì mà gọi gây rối. Hạnh chỉ đi hô hào vậy thôi chứ đâu có đập phá gì. Giờ xử án như vậy là nặng quá !”

“Án quá nặng! Hạnh bị tới 16 tháng tù còn một bạn nhỏ tuổi hơn thì bị 18 tháng. Qúa nặng ! Nếu bình thường như trước đây thì làm gì tới, bây giờ xử như vậy là quá nặng.”

“Hạnh không có đập phá gì đâu, Hạnh đi bình thường thôi. Lúc đầu công an còn dẹp đường cho mình đi…nói chung là có tắc nghẽn một, hai chổ . Giờ quy vào tội gây rồi theo như vậy là nặng quá.”

Bản án quá nặng cũng là chia sẻ của thân nhân chị Nguyễn Thị Ngọc Liễu, bị cáo trong vụ án này. Thân nhân của chị Liễu bày tỏ bức xúc về vụ án.

“Nói chung vụ án này nó quy vào tội gây rối. Xét xử là Liễu bị 10 tháng tù giam, còn người nặng nhất lá 18 tháng, người 14 tháng, người 16 tháng…”

“Nói chung là không ai hợp lý hết. Không ai bằng lòng với bản án này hết bởi vì nó quá nặng. Mình đi biểu tình rồi bị quy vào tội gây rối…bản án này so với mọi người là hơi nặng đấy, chứ coi tội người ta có gì nặng mà giam người ta tới 10 tháng, 16 tháng, 18 tháng…bản án này hơi nặng đấy…”

Không riêng gì người dân ở tỉnh Đồng Nai mà người dân ở nhiều tỉnh thành trong cả nước vào ngày 10/6/2018 đã rầm rộ xuống đường tuần hành bày tỏ chính kiến phản đối dự thảo Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng 2018. Kết quả là Quốc hội Việt Nam hiện tại đã thông qua Luật An ninh mạng 2018, còn dự thảo Luật Đặc khu sẽ họp thảo trở lại tại phiên họp cuối năm của Quốc hội.

Rất nhiều người tham gia tuần hành sau đó bị Công an ở các địa phương bắt giữ và khởi tố đa phần là với cáo buộc tội “Gây rối trật tự công cộng”, tình hình căng thẳng nhất có lẽ diễn ra tại Phan Rí tỉnh Bình Thuận, nơi đây vào ngày 10-11/6/2018 cuộc tuần hành ôn hòa sau đó với nhiều nguyên do đã trở thành cuộc đụng độ quyết liệt giữa người tuần hành với lực lượng Công an nói chung.

Báo đài Việt Nam thường hay nói những người tham gia tuần hành bị những thế lực thù địch với chế độ xúi giục, kích động. Tuy nhiên, không ít người tham gia tuần hành đã chia sẻ với VNTB rằng họ xuống đường vì tinh thần quan tâm, lo lắng cho hiện tình đất nước chứ không có ý chống chế độ, càng không phải bị lợi dụng. Người Việt Nam phải biết thương yêu và phải có trách nhiệm với đất nước Việt Nam như lời của thân nhân chị Hạnh.

“Theo tôi nghĩ mình yêu nước Việt Nam mình, mình sợ mất nước chứ còn chế độ của mình thì vẫn là chế độ của mình, mình là người Việt Nam mình phải coi trọng đất nước Việt Nam mình chứ, mình thương đất nước Việt Nam mình sợ mất vào tay người khác chứ mình đâu có làm gì sai trái đâu.”

Vì lẽ này mà chắc chắn người tham gia tuần hành cũng như thân nhân của họ sẽ khó lòng chấp nhận một bản án hình sự, khó lòng chấp nhận bị quy chụp là do bị xúi giục đi gây rối trật tự công cộng.

“Không đúng cái gì cả. Bản án nó xử quá nặng. Không chỉ 20 người mà ở ngoài đời người ta vẫn nói là sao chúng nó biểu tình mà phạt nặng vậy”- Thân nhân chị Liễu chia sẻ.

Không chấp nhận bản án sơ thẩm, thân nhân chị Phạm Ngọc Hạnh góp ý cho chị Hạnh là làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Tuy nhiên chia sẻ với VNTB, thân nhân Hạnh cho biết là có viên cán bộ ở trại tạm giam nói chị Hạnh không nên làm đơn kháng cáo. Thân nhân chị Hạnh cảm thấy khó hiểu điều này?

“Hôm rồi gia đình có vào thăm Hạnh nói Hạnh là làm đơn kháng cáo nhưng lúc đi ra thì có cán bộ ở đây nói là không nên làm đơn kháng cáo. Gia đình vẫn nói Hạnh cố gắng làm đơn kháng cáo để xem tòa phúc thẩm có giảm án cho mình hay không chứ án như thế này thì nặng quá.”

Qua những gì chia sẻ của thân nhân chị Phạm Ngọc Hạnh, thân nhân chị Nguyễn Thị Ngọc Liễu thì VNTB đoán chừng sẽ có bị cáo trong số 20 bị cáo ở vụ án “Gây rối trật tự công cộng” này sẽ làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Nếu họ thực sự có làm đơn thì không biết đơn của họ có được chấp nhận để họ tìm kiếm hy vọng ở phiên xử phúc thẩm hay không?./.