Chính quyền Việt Nam cần chấm dứt giả hiệu về ‘pháp quyền’

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ ra sự ‘giả hiệu’ về cải cách ở các nước XHCN, thì nhà lãnh đạo Hà Nội cũng cần nghiêm túc lắng nghe. Hoặc chấm dứt sự ‘giả hiệu’ trong đổi thương mại lấy nhân quyền.
An Viên, Việt Nam Thời báo, ngày 26/9/2019
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã phát động một cuộc tấn công mạnh mẽ và kéo dài vào Trung Quốc về các chính sách thương mại trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 24/9.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Mỹ tuyên bố.
“Năm 2001, Trung Quốc được kết nạp vào Tổ chức Thương mại Thế giới. Các nhà lãnh đạo [tiền nhiệm] của Mỹ lập luận rằng quyết định này sẽ buộc Trung Quốc tự do hóa nền kinh tế và tăng cường các biện pháp bảo vệ tài sản tư và pháp quyền.”
“Hai thập kỷ qua đã chứng minh rằng, lý thuyết này hoàn toàn sai lầm. Trung Quốc không chỉ từ chối áp dụng các cải cách đã hứa, mà còn áp dụng mô hình kinh tế phụ thuộc vào khu vực thị trường rộng lớn, trợ cấp nhà nước, thao túng tiền tệ, bán phá giá sản phẩm, trộm cắp tài sản trí tuệ…”.
Mặt dù yếu tố “pháp quyền” chỉ được nhắc qua như một phần rất nhỏ trong toàn văn phát biểu chủ yếu đề cập đến thương mại. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ đã thẳng thắn ‘dằn mặt’ Trung Quốc và các quốc gia xã hội chủ nghĩa về sự lạm dụng thương mại và những lời ‘hứa lèo’ liên quan đến đổi thương mại để cải cách nền kinh tế trong nước, lẫn các vấn đề pháp quyền, dân chủ, nhân quyền có liên quan.
Phát triển kinh tế sẽ thúc đẩy dân chủ là một quan điểm được đặt ra khi mà Mỹ-Trung bắt đầu ngoại giao bóng bàn vào những năm 1971. Nhưng sau khi được hưởng lợi từ sự tạo điều kiện của Mỹ và phương Tây liên quan đến thương mại, Bắc Kinh không những cởi mở về dân chủ, mà còn tìm cách siết chặt hơn, điều này càng trở nên tồi tệ trong thời kỳ Tập Cận Bình – một ‘nhà lãnh đạo vĩ đại’ của ĐCSTQ.
So với Trung Quốc, và nhóm quốc gia tồi tệ như ‘Cuba, Triều Tiên, Venezuela’, Việt Nam cũng được hưởng những đối đãi thương mại tương tự từ Mỹ và EU. Và thực tế chứng minh, cách thức mà Việt Nam gia nhập WTO và những lời hứa hẹn cải cách không khác gì cách thức Trung Quốc đã làm.
Tạp chí Quốc phòng toàn dân ngày 11/12/2011 đăng tải bài viết với tiêu đề, ‘Gia nhập WTO và những vấn đề đặt ra về xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.’
“Đổi mới bằng việc dân chủ hoá hơn nữa tổ chức và phương thức hoạt động của Nhà nước, bảo đảm cho Nhà nước ta thực sự quản lý, điều hành đất nước phát triển theo đúng định hướng XHCN, đồng thời thực sự là thiết chế cơ bản bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân – một nhân tố chủ yếu để phát huy nguồn lực con người với tư cách nhân tố quan trọng nhất trong việc tận dụng thời cơ do hội nhập vào WTO mang lại.”
Nhưng kể từ thời điểm gia nhập WTO (2006) đến nay là gần 14 năm, ‘dân chủ hóa’ được cởi mở một phần thông qua sự xuất hiện của mạng internet, nhưng ‘quản lý, điều hành’ quốc gia với định hướng XHCN đã tạo ra những rào cản rất lớn để thực sự hiện diện ‘dân chủ hóa’ về mặt lập pháp. Thiết chế cơ bản bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân được thể hiện bằng Chương II về ‘Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân’ trong Hiến pháp 2013, nhưng đến nay các quyền căn bản nhất, quan trọng nhất của hệ thống pháp quyền được thể hiện ở Điều 25 vẫn chưa được thực hiện hóa.
“Điều 25 Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”.
Trong đó, Quyền lập hội và Quyền biểu tình đến nay vẫn bị treo, đến mức Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đứng lên đặt câu hỏi: ‘Tại sao chưa ban hành được Luật biểu tình?’ Và đó cũng là lý do vì sao mà khi Việt Nam ký kết TPCPP hay EVFTA, nhu cầu của những nhà hoạt động nhân quyền trong và ngoài nước yêu cầu một chế tài ràng buộc để đảm bảo những cam kết về vấn đề ‘dân chủ hóa’ phải được Nhà nước Việt Nam thực hiện.
Cần phải có chế tài, hoặc buộc các nước độc tài phải hành xử có trách nhiệm nếu như không muốn trở thành một nền kinh tế tồi tệ và bị lật đổ bởi bạo lực cách mạng.
Một bài viết của tác giả Daniel Treisman trên The Washington vào tháng 12/2014 với tiêu đề ‘Economic development promotes democracy, but there’s a catch’ đã lý giải vì sao, có những ngoại lệ liên quan đến phát triển kinh tế nhằm thúc đẩy dân chủ.
“Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao sẽ củng cố quyền lực cho nhà độc tài, còn thu nhập quốc dân cao lại làm suy yếu chế độ độc tài đó. Sự tăng trưởng vượt bậc – thúc đẩy cả thu nhập hộ gia đình và thu nhập của chính phủ – giúp nhà độc tài có khả năng cầm quyền lâu hơn. Nhưng theo thời gian, chính sự tăng trưởng [kinh tế] đó lại thay đổi cả xã hội và giới tinh hoa cầm quyền theo những cách thức khiến chế độ đó dễ sụp đổ sau khi nhà độc tài thôi nắm quyền.”
Vẫn chưa thể hiểu rõ ‘những cách thức’ mà Daniel Treisman đề cập là gì, nhưng Trung Quốc sẽ vẫn tồn tại chính thể độc quyền gắn liền với chính danh ĐCS khi mà nền kinh tế vẫn đạt được sự tăng trưởng. Còn ngược lại, khi kinh tế gặp vấn đề, thì chính giới tinh hoa Trung Quốc, ở đây là Phó Thủ tướng Lưu Hạc cảnh báo sự suy thoái kinh tế tư nhân có khả năng gây nguy cơ tồn vong chính trị và khả năng ‘dân chúng nổi dậy’.
Việt Nam cũng không thể thoát được quy trình nêu trên, khi gần đây, trang tin của Tập đoàn dầu khí Việt Nam – PVN, đã đăng tải loạt bài về ‘Gia tăng trữ lượng dầu khí’, và coi đây là ‘yếu tố sống còn.’
“Vì vậy, làm thế nào để đạt được mục tiêu gia tăng trữ lượng dầu khí trong hiện tại và tương lai là vấn đề sống còn, hệ trọng của an ninh năng lượng quốc gia, sự phát triển ổn định của nền kinh tế.”, Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 theo Nghị quyết số 41-NQ/TƯ ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị ĐCSVN.
Nếu ổn định của nền kinh tế không được duy trì, thì sự chính danh của ĐCSVN cũng sẽ bị lôi kéo theo. Trường hợp của Việt Nam sẽ không thể so sánh với nền kinh tế đóng kín của Triều Tiên, hay nền kinh tế bao cấp của Cuba,… Sự tự do internet của Việt Nam khiến cho hệ lụy và tác động xã hội từ vấn đề khủng hoảng kinh tế trở nên tồi tệ hơn so với mức độ cùng cấp của Trung Quốc. Nói cách khác, khi con số tăng trưởng nhưng không đem lại hiệu quả về mặt thu nhập quốc dân thực tế, thì nó kéo theo suy thoái về mặt chính trị. Và hiện tượng ‘di tản’ kinh tế, chính trị ra bên ngoài sẽ hiện diện tại Việt Nam.
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ ra sự ‘giả hiệu’ về cải cách ở các nước XHCN, thì nhà lãnh đạo Hà Nội cũng cần nghiêm túc lắng nghe. Hoặc chấm dứt sự ‘giả hiệu’ trong đổi thương mại lấy nhân quyền, thực tâm cải cách pháp quyền trong nước, trở thành quốc gia hành xử có trách nhiệm với chính nhân dân trong nước, trả lại quyền làm chủ cho nhân dân để phát huy tối đa nội lực quốc gia và hưởng lợi chân thành hơn từ các gói thương mại với Mỹ và EU; hoặc trở nên suy toàn theo cách không ai ngờ đến, như hiện tượng Liên Xô vào thập niên 90 của thế kỷ XX.
“Venezuela nhắc nhở tất chúng ta rằng Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản tồn tại không vì công lý, không vì bình đẳng, không vì cứu vớt người nghèo, và chắc chắn là nó không vì những điều tốt đẹp cho đất nước. Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản chỉ tồn tại vì một điều duy nhất: Quyền lực cho những kẻ thống trị.” – Tổng thống Donald Trump phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.