Human Rights Watch: Báo cáo vi phạm nhân quyền 2015

Eight Vietnamese bloggers and activists imprisoned for exercising basic rights. Clockwise from upper left: bloggers Nguyen Quang Lap (© 2014 Private), Ta Phong Tan (© Ta Phong Tan), Tran Huynh Duy Thuc (© Tran Huynh Duy Thuc & family), Ho Thi Bich Khuong (© Ho Thi Bich Khuong), religious activists Nguyen Van Lia (© private), Mai Thi Dung (© Mai Thi Dung & family), Dang Xuan Dieu (© Thanh nien Cong giao); and Father Nguyen Van Ly (© 2010 Reuters).

Eight Vietnamese bloggers and activists imprisoned for exercising basic rights. Clockwise from upper left: bloggers Nguyen Quang Lap (© 2014 Private), Ta Phong Tan (© Ta Phong Tan), Tran Huynh Duy Thuc (© Tran Huynh Duy Thuc & family), Ho Thi Bich Khuong (© Ho Thi Bich Khuong), religious activists Nguyen Van Lia (© private), Mai Thi Dung (© Mai Thi Dung & family), Dang Xuan Dieu (© Thanh nien Cong giao); and Father Nguyen Van Ly (© 2010 Reuters).

HRW | 8/2/2015

Tình trạng nhân quyền ở Việt Nam vẫn ở mức báo động trong năm 2014. Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) tiếp tục duy trì chế độ cai trị độc đảng, được thiết lập từ năm 1975. Trong khi tiếp tục giữ thế độc quyền về quyền lực nhà nước, đảng này đang phải đối mặt với nỗi bất bình đang ngày càng gia tăng của công chúng vì tình trạng thiếu vắng các quyền tự do cơ bản. Dù con số các nhà hoạt động và các blogger bị bắt có ít hơn so với năm 2013, nhưng lực lượng an ninh vẫn gia tăng sách nhiễu và đe dọa những người lên tiếng phê bình chính phủ dưới nhiều hình thức.

Tình trạng người dân bị từ chối các quyền lợi và tham nhũng tràn lan được coi là các lực cản chính đối với các tiến bộ chính trị và kinh tế của Việt Nam. Xu hướng công khai bày tỏ ý kiến phê bình ngày một gia tăng trên các blog cá nhân, facebook và các mạng xã hội khác đang thách thức khả năng thống trị công luận của chính quyền. Và tinh thần bài Trung tiếp tục tăng cao, do tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc đang trở nên căng thẳng hơn. Tháng Năm năm 2014, các cuộc biểu tình bạo động chống Trung Quốc nổ ra ở các tỉnh Bình Dương và Hà Tĩnh, gây ra cái chết của ít nhất là một công dân Trung Quốc và cơ sở vật chất của nhiều công ty nước ngoài bị phá hủy, trong đó có các doanh nghiệp của Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc.

Việt Nam chấp thuận 182 trong số 227 điểm khuyến nghị của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (HĐNQLHQ) trong đánh giá định kỳ về thành tích nhân quyền của Việt Nam vào tháng Sáu năm 2014, nhưng từ chối các nội dung khuyến nghị thiết yếu, như phóng thích tù nhân chính trị và những người bị bắt mà không có cáo buộc hay phiên tòa xét xử, cải tổ pháp luật để chấm dứt các án tù có động cơ chính trị nhằm vào những người chỉ thực thi các quyền con người cơ bản một cách ôn hòa, thành lập một cơ quan nhân quyền độc lập cấp quốc gia, và các bước đi khác để thúc đẩy người dân tham gia vào chính trị. Trong tháng Mười Một, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Công ước Chống Tra tấn và Công ước về Quyền của Người Tàn tật của Liên Hiệp Quốc.

Tù nhân Chính trị và Việc Lạm dụng Hệ thống Tư pháp Hình sự
Các tòa án Việt Nam thiếu tính độc lập và vẫn bị sử dụng như những công cụ chính trị của ĐCSVN để đối phó với những người lên tiếng phê bình chính quyền. Các vụ xử án thường vi phạm quy trình tố tụng và chứa đựng những điều bất thường khác nhằm mục tiêu áp đặt phán quyết đã định trước với mục đích chính trị. Ví dụ như, trong một phiên xử các nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai ở phường Dương Nội (Hà Nội) bị truy tố về tội “chống người thi hành công vụ” vào tháng Chín năm 2014, tòa án từ chối triệu tập các nhân chứng có thể cung cấp lời khai có lợi cho các bị cáo và ngăn cản không cho luật sư bào chữa Trần Thu Nam thực hiện việc bào chữa.

Chính quyền thường vận dụng các điều luật về “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước” để đàn áp những người bất đồng chính kiến, dù nhiều điều luật khác như gây rối trật tự công cộng cũng được sử dụng.

Các cây bút độc lập, blogger độc lập và các nhà hoạt động nhân quyền phải đối mặt với sự dọa nạt và sách nhiễu của công an, bị bắt giữ tùy tiện, giam giữ kéo dài không được tiếp xúc với nguồn trợ giúp pháp lý hay gia đình thăm gặp.

Tháng Hai năm 2014, nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh bị bắt trên đường tới thăm bạn, là nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển, với tội danh ngụy tạo là gây cản trở giao thông. Ba người bị kết án vào tháng Tám năm 2014 về tội gây rối trật tự công cộng theo điều 245 của bộ luật hình sự và phải nhận các mức án từ hai đến ba năm tù.

Xu hướng đàn áp các blogger vẫn tiếp diễn, nổi bật là các phiên tòa trong tháng Ba năm 2014 xử Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào với tội danh được cho là “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo điều 258 của bộ luật hình sự. Trương Duy Nhất bị kết án tới hai năm tù và Phạm Viết Đào tới 15 tháng.

Tháng Năm, chính quyền bắt giữ blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh (thường được biết với bút danh Anh Ba Sàm) và người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy, cũng với cáo buộc là vi phạm điều 258. Tổng cộng có tới ít nhất là 10 người đã bị kết án theo điều 258 trong năm 2014.

Tình trạng những người vận động nhân quyền bị hành hung là rất phổ biến. Tháng Hai năm 2014, nhóm côn đồ không rõ tên tấn công và đánh đập blogger Huỳnh Ngọc Tuấn và con trai ông, Huỳnh Trọng Hiếu, ở tỉnh Quảng Nam. Hai tháng trước đó, Huỳnh Ngọc Tuấn đã bị đánh gẫy xương trong một vụ tấn công khác, khi ông đang đi vận động cho các cựu tù nhân chính trị.

Tháng Năm, côn đồ tấn công làm gẫy chân và gẫy tay nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Thúy Nga. Tháng Tám, một xe máy, do hai người không rõ tên điều khiển đâm vào blogger Nguyễn Bắc Truyển. Hai người này đã theo dõi ông và gia đình ráo riết hàng tháng trời trước khi xảy ra vụ tai nạn nói trên. Tháng Mười Một, côn đồ tấn công và làm bị thương cựu tù nhân chính trị và blogger Trương Minh Đức. Trong số các blogger và nhà hoạt động khác cũng bị côn đồ lạ mặt tấn công gồm có Lê Quốc Quyết, Lê Thị Phương Anh, Nguyễn Văn Thạnh, Trịnh Anh Tuấn, Trương Văn Dũng, Trần Ngọc Anh, Bùi Tuấn Lâm, Phạm Bá Hải và Lê Văn Sóc. Trong tất cả các vụ tấn công nêu trên, không có ai bị khởi tố.

Tự do Nhóm họp, Lập hội và Đi lại
Tất cả các đảng phái chính trị, công đoàn và tổ chức nhân quyền độc lập đều bị cấm tại Việt Nam. Chính quyền quy định những cuộc tụ tập đông người phải xin phép trước, và từ chối không cấp phép cho những cuộc hội họp, diễu hành hay biểu tình vì lý do chính trị hay một số nguyên nhân khác.

Tháng Tư năm 2014, công an thành phố Nha Trang dùng vũ lực giải tán một buổi họp mặt nhân quyền do blogger nổi tiếng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (bút danh Mẹ Nấm) và các nhà hoạt động khác tổ chức. Tháng Bảy năm 2014, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (HNBĐLVN) được thành lập. Tháng Tám và tháng Chín, công an triệu tập các thành viên của HNBĐLVN – trong đó có sáng lập viên Phạm Chí Dũng và cây bút tự do Nguyễn Thiện Nhân – để chất vấn về các bài viết của họ.

Cản trở việc đi lại trong nước là một cách ngăn chặn các blogger và các nhà hoạt động tham gia vào các sự kiện công cộng, như biểu tình chống Trung Quốc, thảo luận về nhân quyền hay tham dự các phiên tòa xử các nhà hoạt động là thân hữu của họ. Đơn cử, nhà văn Phạm Đình Trọng bị câu lưu hai lần năm 2014 khiến ông không thể tham gia một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng Năm và dự phiên xử blogger Bùi Thị Minh Hằng vào tháng Tám.

Chính quyền cũng ngăn trở không cho nhiều người có tiếng nói phê phán xuất cảnh, với lý do “an ninh quốc gia.” Tháng Hai năm 2014, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng bị cấm rời Việt Nam để tham dự phiên Đánh giá Định kỳ Toàn cầu về Việt Nam tại Geneva. Các blogger và nhà hoạt động khác từng bị chặn không cho xuất cảnh gồm có Nguyễn Thị Huyền Trang và Nguyễn Thanh Thủy (trong tháng Tư) và Phạm Đắc Đạt (trong tháng Bảy).

Tự do Tôn giáo
Chính quyền theo dõi, sách nhiễu và đôi khi dùng vũ lực đàn áp các nhóm tôn giáo hoạt động bên ngoài các tổ chức tôn giáo có đăng ký chính thức và do chính quyền quản lý. Trong năm 2014, các đối tượng bị đặt vào tầm ngắm gồm có các chi phái không được công nhận của đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, các nhà thờ Tin lành và Công giáo tại gia ở Tây nguyên và các nơi khác, các chùa Phật giáo Khmer Krom và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Có ít nhất 20 người bị kết án tù trong chín tháng đầu năm 2014 vì tham gia vào các nhóm tôn giáo độc lập không được chính quyền phê chuẩn.

Trong tháng Bảy, giữa lúc Giáo sư Heiner Bielefeldt, đặc sứ của LHQ về tự do tôn giáo và tín ngưỡng đang thăm và làm việc chính thức tại Việt Nam, công an đe dọa và quản chế tại gia rất nhiều nhà bất đồng chính kiến và hoạt động tôn giáo để họ không thể tiếp xúc với ông. Do lo ngại về sự an toàn của các nhà hoạt động, Bielefeldt đã phải cắt ngắn chuyến thăm đã được lên kế hoạch từ trước tới các tỉnh An Giang, Gia Lai và Kon Tum.

Tình trạng lạm dụng trong khi giam, giữ
Nạn công an bạo hành, thậm chí gây chết người trong khi bị công an giam giữ, là một vấn đề thu hút mối quan tâm ngày một tăng của dư luận Việt Nam. Trong năm 2014, ngay cả báo chí do chính phủ kiểm soát gắt gao cũng thường đưa tin, bài về nạn công an bạo hành. Trong nhiều vụ việc, những người bị chết ở nơi giam, giữ chỉ bị công an tạm giam về các lỗi nhỏ. Công an thường cố bao biện, bao gồm cả việc tuyên bố rằng người bị tạm giam đã tự tử. Nhiều người bị tạm giam nói họ từng bị đánh để buộc nhận tội, nhiều khi về các hành vi họ không thực hiện. Những người khác nói họ bị đánh vì đã phê phán hay cố cãi lý với công an. Trong số các nạn nhân bị đánh đập có cả trẻ vị thành niên.

Tháng Bảy, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 28 trong nỗ lực ngăn chặn việc bạo hành và các vi phạm khác của công an trong quá trình điều tra. Tháng Chín, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên điều trần đầu tiên về tình trạng ép cung, tra tấn và các vi phạm khác của công an trong quá trình điều tra.

Lạm dụng trong các Trung tâm Cai nghiện Ma túy
Những người nghiện ma túy, trong đó có trẻ vị thành niên, vẫn bị quản chế trong các trung tâm cai nghiện của nhà nước, ở đó họ bị buộc lao động nặng dưới danh nghĩa “lao động trị liệu.” Nếu vi phạm nội quy của trung tâm hay không hoàn thành định mức công việc sẽ bị phạt bằng hình thức đánh đập hoặc nhốt vào các phòng kỷ luật, nơi những người từng bị nhốt cho biết sẽ bị cắt khẩu phần ăn uống. Năm 2014, chính phủ xây dựng một kế hoạch “cải tổ” hệ thống này, nhưng không chấm dứt tình trạng lao động cưỡng ép, và dù có cam kết đóng cửa một số trung tâm và giảm tổng số người bị quản chế, vẫn duy trì khoảng hơn 10,000 người trong hệ thống các trung tâm này vào năm 2020.

Các Đối tác Quốc tế Chủ chốt
Đối tác ngoại giao quan trọng nhất của Việt Nam là Trung Quốc và Hoa Kỳ, dù quan hệ với Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU), Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á và Úc cũng quan trọng.

Quan hệ với Trung Quốc trở nên phức tạp hơn trong năm 2014 vì tranh chấp chủ quyền trên biển, dẫn tới những cuộc biểu tình lớn trên đường phố và các vụ bạo động ở Việt Nam.

Trong bối cảnh “xoay trục châu Á” nhằm kiềm chế Trung Quốc, việc Hoa Kỳ theo đuổi chính sách cải thiện quan hệ quân sự và kinh tế với Việt Nam trong khi vẫn nỗ lực gây sức ép để Việt Nam cải thiện thành tích nhân quyền đã tạo ra một thông điệp không nhất quán. Nhật Bản, Liên minh Châu Âu và Úc chỉ tập trung vào quan hệ thương mại, còn thiếu nỗ lực trong việc hỗ trợ những nhà hoạt động bị giam giữ hay vận động để các quyền con người cơ bản phải được tôn trọng hơn nữa ở Việt Nam.