Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền 06-12, 2015: Kêu gọi tham gia Tổng tuyệt thực toàn cầu cho tự do của Tù nhân lương tâm tại Việt Nam

Defenders’ Weekly | 12-07-2015

 

Defenders-weekly

Ban Tổ Chức Chiến dịch We Are One – Chúng ta là Một chọn  kêu gọi những người quan tâm đến tình trạng nhân quyền tại Việt Nam dành thời gian tham gia, đồng hành và trợ giúp ban tổ chức loan tin khắp nơi trên thế giới  Ngày Tổng tuyệt thực toàn cầu cho tự do của tù nhân lương tâm tại Việt Nam.

Nhân quyền là một trong những chủ đề chính được thảo luận giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nhà Trắng trong chuyến đi của người đứng đầu đảng cộng sản cầm quyền tới Mỹ. Trước buổi gặp mặt hôm 07/7, nhiều dân biểu Mỹ và người Việt tại Mỹ đã đề nghị Tổng thống Obama gây sức ép buộc Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền.

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam kêu gọi các tổ chức giới thiệu ứng cử viên cho giải Nhân quyền Việt Nam 2015. Việc vinh danh người chiến thắng sẽ được công bố vào tháng 12 tại New York.

Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm người Việt Nam (UBBVQLNVN) vạch trần những vi phạm Quyền Phụ nữ tại Việt Nam trong một bức thư gửi lên Cơ chế chống phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) của Liên Hợp quốc.

Và nhiều tin quan trọng khác.

=====================06-07-2015===================

Tổng Tuyệt Thực trên toàn cầu cho Tự Do của Tù nhân lương tâm tại Việt Nam

Ban Tổ Chức Chiến dịch We Are One – Chúng ta là Một chọn ngày 25/7/2015 làm “Ngày Tổng Tuyệt Thực Toàn Cầu cho Tự do của Tù nhân lương tâm tại Việt Nam”.

Ngày Tổng Tuyệt Thực là bước tiếp theo của chiến dịch We Are Onenhanquyen2015.net, nhằm lên án những vi phạm Nhân quyền nghiêm trọng của nhà cầm quyền Việt Nam, yêu cầu Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và các quốc gia thành viên có những biện pháp thích ứng đối với những vi phạm này.

Ban tổ chức kêu gọi những người quan tâm đến tình trạng nhân quyền tại Việt Nam hãy dành thời gian tham gia, đồng hành và trợ giúp ban tổ chức loan tin khắp nơi trên thế giới, đánh động sự quan tâm của quốc tế, buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải tuân thủ các nội dung đã cam kết về Quyền Con Người.

Thời gian và địa điểm:

– Từ 8h sáng ngày 25/07/2015 đến 8h sáng ngày 26/07/2015 tại 15 quốc gia:

Việt Nam, Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Phần Lan, Đức, Tân Tây Lan, Cộng hoà Séc, Canada, Hàn Quốc, Lào, Na Uy, Bỉ, Campuchia, Đan Mạch.

Facebook: https://www.facebook.com/tongtuyetthuc1

Thông cáo báo chí 2

=============06-07-2015==========

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam kêu gọi đề cử ứng viên cho giải Nhân quyền Việt Nam 2015

Mạng lưới Nhân Quyền Việt Nam (MLNQVN) kêu gọi các tổ chức nhân quyền Việt Nam giới thiệu các ứng cử viên cho Giải Nhân quyền Việt Nam năm 2015 nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Nhân quyền lần thứ 67 vào tháng 12/2014 tại Little Saigon, California, Hoa Kỳ.

Kết quả việc xét giải sẽ được chính thức công bố vào trung tuần tháng 11 năm 2015.

Giải Nhân Quyền Việt Nam do Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (MLNQVN) thành lập từ năm 2002 nhằm tuyên dương thành tích tranh đấu bất bạo động cho lý tưởng nhân quyền tại Việt Nam. Giải Nhân Quyền Việt Nam còn nhằm bày tỏ tình liên đới của người Việt khắp nơi đối với những người đã và đang dấn thân bảo vệ quyền làm người và công lý cho mọi người dân Việt Nam.

Từ ngày thành lập đến nay, MLNQ đã tuyên dương những nhà đấu tranh  hàng đầu cho nhân quyền  tại Việt Nam, gồm Hoà thượng Thích Quảng Độ, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, Luật sư Lê Chí Quang, Ông Nguyễn Vũ Bình, Ông Nguyễn Khắc Toàn, Ông Phạm Quế Dương,  Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Ông Lê Quang Liêm, Linh mục Phan Văn Lợi, Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ, Ông Đỗ Nam Hải, Ông Nguyễn Chính Kết, Ông Hoàng Minh Chính, Luật sư Lê Thị Công Nhân, Luật sư Nguyễn Văn Đài, Thượng Tọa Thích Thiện Minh, Nhà báo Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Bán Nguyệt San Tự Do Ngôn Luận, Mục sư Nguyễn công Chính, Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, Ký giả Trương Minh Đức, Ông Đoàn Huy Chương, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, Cô Đỗ Thị Minh Hạnh, Nhà báo Tạ Phong Tần, Cô Phạm Thanh Nghiên, Cô Huỳnh Thục Vy, Ông Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Luật sư Lê Quốc Quân, Ông Trần Huỳnh Duy Thức, Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Bắc Truyển, và hai nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình và Việt Khang. Hiện nay một số những người đã được trao Giải Nhân Quyền Việt Nam vẫn còn đang bị tù đày hoặc cô lập. MLNQVN tiếp tục kêu gọi thế giới lưu tâm đến tình trạng nhân dân Việt Nam bị tước đoạt tự do và nhân quyền, đặc biệt là những khôi nguyên Giải Nhân Quyền VN.

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam kêu gọi đề cử ứng viên cho giải Nhân quyền Việt Nam 2015

—————————————————

Hà Nội thừa nhận sai sót trong việc chặt hạ cây xanh

Hà Nội thừa nhận nhiều thiếu sót trong việc chặt cây xanh, nhưng lại không thấy nói ai là người chịu trách nhiệm.

Ngày 6 tháng 7, ông Vũ Hồng Khanh – Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội thừa nhận, trong quá trình thay thế cây xanh trong thành phố vừa qua bộc lộ những thiếu sót phương pháp, cách làm chưa phù hợp, có phần nóng vội, đơn giản không tạo được sự đồng thuận xã hội. Ông Khanh cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được về kinh tế-xã hội, việc thay thế cây xanh vừa qua là một trong những vấn đề hạn chế, yếu kém trong 6 tháng đầu năm 2015. Ông này cho rằng, từng bước thay thế cây xanh trên địa phận là việc làm thường xuyên, góp phần cải thiện môi trường, chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, thực hiện thay thế cây xanh cũng chưa đánh giá kỹ những phản ảnh, tác động đến xã hội. Đặc biệt là việc thông tin, tuyên truyền chưa kịp thời và đầy đủ, chưa tạo được sự đồng thuận trong xã hội.

Theo Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, việc thay thế cây xanh thời gian qua là điều khiến nhiều cử tri bất bình, nên kiến nghị thành phố làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong vụ việc thay thế cây xanh thời gian qua.

Hiện tại, hàng loạt cây mỡ được trồng thay thế những cây bị chặt hạ trên phố Nguyễn Chí Thanh đang có biểu hiện khô, chết. Hà Nội lại đang tìm cây để trồng thay những cây mỡ này. Thành phố đã giao cho Sở Xây Dựng Hà Nội thực hiện việc này. Thời điểm sẽ tiến hành trồng thay thế hiện chưa xác định rõ.

“Trách nhiệm tập thể” là phương cách mà chính quyền CSVN dùng để né tránh trách nhiệm cá nhân. Sai phạm đầy dẫy, nhưng chẳng có quan chức nào  từ chức, hay bị cách chức cả!

Hà Nội thừa nhận sai sót trong việc chặt hạ cây xanh

======================== 07/07/2015 ==========

Các dân biểu Hoa Kỳ nhắn nhủ TT Obama trước buổi gặp với ông Nguyễn Phú Trọng

Một ngày trước khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt chân vào Tòa Bạch Ốc, 9 Dân biểu Hoa Kỳ đã viết một thư chung gửi Tổng thống Barack Obama.

Trong bức thư được gởi đi vào ngày 6/7/2015, các Dân biểu Hoa Kỳ cáo buộc hệ thống độc tài độc đảng của đảng CSVN hiện nay là nguyên nhân của tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam. Các Dân biểu cũng đề nghị Hoa Kỳ cần gởi một thông điệp rõ rệt tới những người đang cầm quyền ở Hà Nội rằng tôn trọng nhân quyền là yếu tố cần thiết để thắt chặt hơn mối quan hệ kinh tế và an ninh.

Nội dung bức thư cũng đề cập việc hoan nghênh mối quan hệ chặt chẽ hơn với người dân Việt Nam, và ghi nhận tiềm năng kinh tế và an ninh của đất nước này. Do đó, cũng xem vấn đề nhân quyền là tối quan trọng và đưa lên hàng đầu trong quan hệ song phương .

Việt Nam đã ký vào Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị cũng như Công ước chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc. Việt Nam cũng đã chọn cam kết tôn trọng các quyền làm người được thế giới công nhận. Tuy nhiên, Ủy ban Điều tra về bắt giữ tùy tiện của Liên Hiệp Quốc đã phán quyết rằng Việt Nam vẫn tiếp tục bắt giữ và giam cầm các nhà hoạt động xã hội và chính trị một cách có hệ thống, vi phạm những ràng buộc của luật pháp quốc tế.

Thư viết: “Trong khi danh sách các bloggers và tù nhân lương tâm Việt Nam bị bắt giữ ngày càng gia tăng, điều quan trọng hơn bao giờ hết là Hoa Kỳ cần gởi một thông điệp rõ rệt tới giới chức trách Hà Nội rằng tôn trọng nhân quyền là yếu tố cần thiết để thắt chặt hơn mối quan hệ kinh tế và an ninh.”

Các dân biểu cũng đã mạnh mẽ kêu gọi Tổng thống Obama đòi hỏi ông Trọng phải thả ngay lập tức những nhà báo công dân, nhà hoạt động nhân quyền tiêu biểu sau đây: Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân Diệu, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Tạ Phong Tần, Trần Huỳnh Duy Thức, Ngô Hào, Trần Thị Thúy, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Ms. Nguyễn Công Chính và Lm. Nguyễn Văn Lý. Các dân biểu đồng thời đề nghị Tổng thống nêu vai trò thiết yếu của các tổ chức chính trị độc lập và các tổ chức xã hội dân sự trong một xã hội văn minh, cũng như nêu những vi phạm trầm trọng về quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam.

“Ông Trọng cần được khuyến khích việc lắng nghe người dân Việt Nam và bày tỏ sự tôn trọng xã hội dân sự, các nhóm tôn giáo, và quyền tự do chính trị tại ViệtNam.”, các dân biểu nói. Các dân biểu bày tỏ mong muốn được làm việc với bên hành pháp để hỗ trợ truyền thống của quốc gia Hoa Kỳ trong việc cổ võ nhân quyền và dân chủ.

Việc các dân biểu Mỹ gửi thư tới Tổng thống Obala có sự đóng góp rất lớn của ba người từ Việt Nam là anh Trương Minh Tam, Ms Nguyễn Mạnh Hùng, và ông Nguyễn Văn Lợi (bố TNLT Nguyễn Đặng Minh Mẫn), trong chuyến vận động cho tù nhân lương tâm (TNLT) .

Trước đó ngày 1/7/2015, theo lời mời của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia  Hoa Kỳ, một nhóm các nhà hoạt động người Mỹ gốc Việt đã vào Tòa Bạch Ốc để thảo luận về quan hệ Mỹ Việt với các viên chức cao cấp Mỹ, trước chuyến viếng thăm của ông Trọng.

 Các dân biểu Hoa Kỳ nhắn nhủ TT Obama trước buổi gặp với ông Nguyễn Phú Trọng

======================== 08/7/2015 ============

TBT Nguyễn Phú Trọng trao đổi với TT Obama về những vấn đề ‘vướng mắc’

Thông cáo Tòa Bạch Ốc gửi ra trước buổi gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm 7/7 cho biết vấn đề TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương), vấn đề nhân quyền và hợp tác quốc phòng song phương sẽ là những chủ đề được bàn đến bên cạnh vấn đề hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Đây cũng được xem là những vấn đề còn nhiều ‘vướng mắc’ trong việc đào sâu mối quan hệ giữa hai nước Việt–Mỹ.

Tổng thống Obama ngay từ đầu khẳng định đây là một cơ hội tốt để trao đổi nhằm tăng cường mối quan hệ giữa hai nước Việt–Mỹ. Ông cho biết về những vấn đề đã được thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo:

“Đây là một cơ hội tuyệt vời cho chúng tôi làm sâu sắc thêm các cuộc thảo luận của hai nước quanh viễn kiến của chúng tôi cho một mối quan hệ đối tác toàn diện. Chúng tôi đã thảo luận về TPP và tiềm năng to lớn của một thỏa thuận thương mại tiêu chuẩn cao mà sẽ nâng cao những tiêu chuẩn lao động, những tiêu chuẩn về môi trường và có tiềm năng tạo nên tăng trưởng việc làm và sự thịnh vượng to lớn cho cả người Việt Nam và người Mỹ.”

“Chúng tôi đã thảo luận về tầm quan trọng của việc giải quyết những tranh chấp hàng hải ở Biển Đông và khắp châu Á-Thái Bình Dương theo luật pháp quốc tế để đảm bảo sự thịnh vượng và tự do hàng hải, vốn đã tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế to lớn diễn ra trong khu vực, tiếp tục trong nhiều thập kỷ tới.”

Những ‘vướng mắc’

Tuy cả hai phía đều có những lợi ích chung cho việc xích lại gần nhau hơn, nhưng những vấn đề nổi cộm khác về nhân quyền như việc giam giữ tù nhân lương tâm, đàn áp những tiếng nói đối lập hay tự do tôn giáo… vẫn còn là những cản trở cho việc phát triển hơn nữa mối quan hệ song phương.

Trong khi các nhà lãnh đạo hai nước hội đàm bên trong Tòa Bạch Ốc thì bên ngoài có khoảng hơn 1.000 người Việt biểu tình với nhiều biểu ngữ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho các tù nhân lương tâm, tôn trọng những tiếng nói đối lập, tự do tôn giáo và chống lại hành động xâm lấn lãnh hải của Trung Quốc.

Trước đó một ngày, 9 vị dân biểu Mỹ đã gửi thư yêu cầu Tổng thống Obama đề cập đến vấn đề tù nhân chính trị và tôn giáo tại Việt Nam và đòi Việt Nam phóng thích các nhà hoạt động hiện đang bị giam giữ, đồng thời tôn trọng xã hội dân sự, các nhóm tôn giáo và quyền tự do chính trị tại Việt Nam.

Trong buổi họp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Obama cho biết hai bên đã thảo luận thẳng thắn về một số khác biệt quanh vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo và ông cho là những căng thẳng trên có thể được giải quyết song phương và đa phương.

TBT Nguyễn Phú Trọng trao đổi với TT Obama về những vấn đề vướng mắc

======================== 09/7/2015=============

Tổng Thống Obama nhắc ông Trọng nhân quyền, hứa thăm Việt Nam

WASHINGTON, DC (NV) – Tổng Thống Barack Obama hôm Thứ Ba, 7 tháng Bảy, đã tiếp ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, trong Phòng Bầu Dục của Tòa Bạch Ốc, và nói về sự hợp tác sâu rộng về y tế, biện đổi khí hậu và nhiều lãnh vực khác, mặc dù hai quốc gia có khác nhau về “quan điểm chính trị.”

Nhân dịp này, ông Obama và ông Trọng cũng bàn về Biển Ðông, và nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cũng nhắc nhở ông Trọng vấn đề nhân quyền, cũng như nhận lời của ông Trọng đến viếng thăm Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói: “Tôi chắc chắn mong đợi có dịp đến thăm đất nước xinh đẹp của ông một lúc nào đó trong tương lai.”

Thông cáo cho biết thêm, ông Trọng cũng nói rằng, “với một phong cách rất xây dựng, chúng tôi đã thảo luận về những khác biệt,” qua đề tài TPP và nhân quyền.

Tổng Thống Obama nhắc ông Trọng nhân quyền, hứa thăm Việt Nam

———————————————-

Ông Nguyễn Phú Trọng: Không nên để nhân quyền cản trở quan hệ Việt-Mỹ

Người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam tuyên bố không nên để những bất đồng về nhân quyền cản trở các mối quan hệ đang ngày càng sâu đậm giữa hai nước cựu thù Việt-Mỹ.

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington hôm 8/7 một ngày sau khi hội kiến Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm lịch sử, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi hai nước đẩy bang giao lên một tầm mới và tiếp tục đối thoại để thu hẹp các cách biệt về quan điểm trong vấn đề nhân quyền.

Ông Trọng nói ‘Tôi hiểu hai nước còn nhiều khác biệt trong quan niệm về nhân quyền. Chúng ta cần tiếp tục các cuộc đối thoại thẳng thắn và xây dựng nhằm đạt điểm chung về nhân quyền và đạt được sự đánh giá công bằng đối với những thay đổi cơ bản và hệ thống về tình hình nhân quyền tại Việt Nam’.

Nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam khẳng định Việt Nam mong muốn phát huy và bảo vệ nhân quyền cho mọi công dân, kể cả người nghèo và các cư dân miền núi, nhưng quyền của mỗi cá nhân phải được đặt trong bối cảnh của cộng đồng xã hội.

Hoa Kỳ lâu nay là nước đi đầu trong việc thúc đẩy Việt Nam cải thiện nhân quyền, trở ngại chính cho mối bang giao song phương trong suốt 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao từ năm 1995.

Trước khi ông Trọng đặt chân tới Hoa Kỳ, một nhóm 9 nhà lập pháp Hoa Kỳ thuộc cả hai đảng đã yêu cầu Tổng thống Barack Obama kêu gọi lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam phóng thích tù nhân lương tâm, đồng thời thúc giục nhà lãnh đạo Mỹ nói rõ với Hà Nội rằng muốn có quan hệ kinh tế và an ninh gần gũi hơn với Hoa Kỳ, tôn trọng nhân quyền là điều kiện tối quan trọng.

Theo đánh giá của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch có trụ sở tại New York, những liên hệ hợp tác thăng tiến giữa Việt Nam với Hoa Kỳ xem ra không đưa tới sự cải cách hay bất kỳ hành động nào từ phía Hà Nội trong việc cải thiện thành tích nhân quyền.

Human Rights Watch nói nếu không nâng cao hơn nữa mức quan ngại về nhân quyền Việt Nam, Hoa Kỳ đang gửi đi tín hiệu rằng ‘Chúng tôi muốn anh cải cách, nhưng cho dù anh không làm, chúng tôi vẫn tưởng thưởng cho anh.’

Phản hồi trước lời kêu gọi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Human Rights Watch, ông Phil Robertson, nói với VOA Việt ngữ:

“Hoa Kỳ không thể nhất trí với các luận điệu như thế. Chính quyền của Tổng thống Obama nên nói với nhà lãnh đạo Việt Nam rằng không thể chấp nhận điều đó. Mối quan hệ Việt-Mỹ sâu đậm hơn là một gói thỏa thuận không chỉ có lợi ích thương mại và trao đổi quân sự mà thôi, mà nó bao gồm cả sự cải thiện về nhân quyền. Cho nên cả hành pháp lẫn lập pháp Mỹ cần mạnh mẽ bác bỏ thái độ phớt lờ vấn đề nhân quyền như thế.”

Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tính tới cuối năm ngoái có 125 tù nhân chính trị đang bị Việt Nam giam cầm mặc dù, vẫn theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, số người bất đồng chính kiến bị Hà Nội truy tố có giảm đi trong thời gian gần đây.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài diễn văn tại CSIS hôm qua phủ nhận chuyện Việt Nam bỏ tù công dân vì quan điểm chính trị hay niềm tin tôn giáo. Ông nhắc lại lập luận lâu nay của Hà Nội rằng các cá nhân bị xử lý là những người vi phạm pháp luật.

Ông Phil Robertson gọi đây là ‘trò chơi chữ’ của giới lãnh đạo Hà Nội:

“Ai cũng hiểu rằng nhân quyền chỉ có một định nghĩa mà thôi, nó gắn kết với các chuẩn mực quốc tế có trong những Công ước mà Việt Nam đã phê chuẩn. Cần có những kết quả chứ không chỉ là những cuộc đối thoại, bởi lẽ Hà Nội đang cảm thấy là họ chỉ cần nói mà không cần làm mà cũng đạt được quyền lợi. Hoa Kỳ phải thay đổi nhận thức đó, phải cho họ thấy không thể tiến triển trong quan hệ Việt-Mỹ trừ phi có tiến triển về nhân quyền Việt Nam, chẳng hạn như phải cải cách các luật lệ vi phạm nhân quyền, phóng thích tù nhân lương tâm, chấm dứt sách nhiễu người bất đồng chính kiến.”

Sau cuộc đón tiếp ông Trọng tại Phòng Bầu Dục hôm thứ ba, Tổng thống Obama cho biết đôi bên đã trao đổi thẳng thắn về vấn đề nhân quyền và quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Tuy nhiên, tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Human Rights Watch tỏ ra không mấy hài lòng về các bước đi hiện nay của hành pháp Mỹ trong vấn đề nhân quyền Việt Nam.

Ông Phil Robertson cho biết tổ chức của ông sẽ tiếp tục vận động Quốc hội Hoa Kỳ có biện pháp hữu hiệu hơn.

“Có sự nhất trí mạnh mẽ giữa các nhà lập pháp thuộc cả hai đảng ở Hạ viện và Thượng viện Mỹ rằng chính sách và hành động về nhân quyền của nhà nước Việt Nam có nhiều vấn đề. Nếu chính quyền của Tổng thống Obama không lắng nghe thì Quốc hội phải tìm cách thay đổi chính sách của bên hành pháp bằng quyền lực của mình.”

Washington xem các mối quan hệ mật thiết hơn với Hà Nội là yếu tố quan trọng trong chính sách xoay trục về Châu Á của Tổng thống Obama để cân bằng quyền lực trước thái độ ‘giương oai diễu võ’ của Trung Quốc tại khu vực.

Nhưng bang giao tiến triển tốt đẹp hay nồng ấm thế nào tùy vào thiện chí cải cách của chính phủ Hà Nội về mặt nhân quyền, điều kiện tiên quyết trong mối quan hệ Việt-Mỹ.

Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách nhân quyền-dân chủ-lao động, Tom Malinowski, đã khẳng định với VOA Việt ngữ như vậy trong một cuộc phỏng vấn gần đây và ông kỳ vọng hợp tác quân sự, chính trị, ngoại giao, thương mại Việt-Mỹ sẽ là nguồn lực giúp hiện thực hóa các cải cách nhân quyền tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Phú Trọng: Không nên để nhân quyền cản trở quan hệ Việt-Mỹ

—————————————————

Nữ Dân Biểu Loretta Sanchez thúc giục gây sức ép nhân quyền với Việt Nam

Vào sáng ngày Thứ Năm 9 tháng 7 2015, nữ dân biểu Loretta Sanchez đã có bài phát biểu trước Quốc Hội Hoa Kỳ, thúc giục tổng thống Obama, chính phủ Hoa Kỳ phải tạo thêm sức ép hơn nữa với CSVN về vấn đề nhân quyền.

Bài phát biểu 5 phút trước Hạ Viện Quốc Hội Hoa Kỳ này của bà Sanchez có ý nghĩa đặc biệt, vì nó diễn ra trong lúc tổng bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng đang viếng thăm Hoa Kỳ, gặp gỡ tổng thống Obama.  Trong phần phát biểu, bà không dành thời gian để nói về quan hệ Mỹ-Việt, không bàn về vấn đề thương mại. Bà dùng tiếng nói của mình để vận động cho sự tự do của các tù nhân lương tâm Việt Nam. Bà nêu lên bốn tù nhân lương tâm hiện đang phải chịu những bản án dài bất công, những điều kiện giam cầm khắc nghiệt, bao gồm Nguyễn Đặng Minh Mẫn (9 năm tù) Đặng Xuân Diệu (13 năm tù), Hồ Đức Hoà (13 năm tù), Trần Huỳnh Duy Thức (16 năm tù).

Bà Sanchez thấy tầm quan trọng của Hoa Kỳ tiếp tục phát triển quan hệ với Việt Nam, nhưng cần đi chung với sự bảo đảm tự do internet, nới lỏng các hạn chế về tự do ngôn luận, và đảm bảo cải cách luật pháp để phù hợp với chủ trương giúp các công ty kinh doanh có thể phát triển tại Việt Nam. Hai quốc gia không thể phát triển nếu các công ty đầu tư lo lắng về dân quyền của họ sẽ bị đàn áp bất cứ lúc nào.

Bà Sanchez kêu gọi Quốc Hội phải tiếp tục làm việc với chính quyền Obama, để gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng trong lúc Hoa Kỳ tăng cường mối quan hệ song phương với Việt Nam, Bộ Ngoại Giao cần phải thúc đẩy nhà cầm quyền Việt Nam chấp nhận thay đổi những điều luật hình sự vi phạm quyền căn bản của người dân, được dùng để bắt bớ những người hoạt động yêu nước một cách ôn hoà. Đây là thời điểm thích hợp để làm việc này, vì Nguyễn Phú Trọng vừa có lời mời tổng thống Obama viếng thăm Việt Nam trong năm nay.

Nữ dân biểu Loretta Sanchez đã kết thúc bài phát biểu bằng lời nhắc nhở Quốc Hội Hoa Kỳ rằng, cả thế giới luôn nhìn về đất nước Hoa Kỳ như là một chuẩn mực cho các quyền tự do của con người, cho các thể chế dân chủ của nhân loại. Phải thúc ép Việt Nam nếu muốn phát triển quan hệ với Hoa Kỳ thì cũng phải biết tôn trọng dân chủ, nhân quyền.

Nữ dân biểu Loretta Sanchez thúc giục gây sức ép nhân quyền với Việt Nam

———————————-

Đại sứ Mỹ ‘sẽ thăm Little Saigon’

Một số Dân biểu Liên Bang Hoa Kỳ đang lên kế hoạch tổ chức một buổi gặp gỡ với cộng đồng và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius vào cuối tuần này.

Thông cáo của Dân Biểu Liên Bang Alan Lowenthal gửi tới BBC cho hay buổi gặp gỡ và trao đổi này sẽ tập trung vào các chủ đề như đàm phán Hiệp Ước Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP), tình hình nhân quyền, và phong trào đấu tranh dân chủ tại Việt Nam.

“Đây cũng là dịp để Đại Sứ Ted Osius và các Dân Biểu Hoa Kỳ lắng nghe ý kiến cộng đồng về sự bang giao Mỹ-Việt nhân 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước,” thông cáo báo chí từ Văn phòng Dân biểu Lowenthal viết.

Được biết buổi gặp gỡ cộng đồng với ông Đại Sứ sẽ được tổ chức từ 13:30 tới 15:30 ngày Chủ nhật 12/07/2015 tại một địa điểm cạnh Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, thành phố Westminster, California.

Thông cáo cho hay buổi gặp gỡ này do Dân Biểu Alan Lowenthal (CA-47), cùng tổ chức với các Dân Biểu Ed Royce (CA-39) là Chủ Tịch Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện Quốc Hội Hoa Kỳ, Dân Biểu Loretta Sanchez (CA-48) là Chủ Tịch Nhóm Quốc Hội Hoa Kỳ về Việt Nam, và Dân Biểu Dana Rohrabacher (CA-48) và được sự bảo trợ của Đại Học Cộng Đồng Coastline.

Khác với một số đại sứ Mỹ tiền nhiệm, dường như Đại sứ Ted Oisus chưa có buổi tiếp xúc có qui mô với cộng đồng người Mỹ gốc Việt trước khi ông nhậm chức tại Hà Nội.

Little Saigon được xem là thủ đô của người Việt tị nạn với cả trăm ngàn người sống và làm việc tại đây kể từ khi kết thúc chiến tranh tại Việt Nam cách đây 40 năm.

Đại sứ Mỹ sẽ thăm Little Saigon

———————————–

UBBVQLNVN vạch trần những vi phạm Quyền Phụ nữ tại Việt Nam

GENÈVE, 9 tháng 7 năm 2015 (UBBVQLNVN) — Vào lúc Uỷ ban Xóa bỏ tất cả các Hình thức Phân biệt đối xử với Phụ nữ (CEDAW) của LHQ xem xét Phúc trình của Việt Nam tại khoá họp lần thứ 61, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, nói lên mối quan tâm nghiêm trọng về sự tiếp diễn những vi phạm Quyền Phụ nữ tại Việt Nam. Ông Ái đã gửi đến các Chuyên gia LHQ bản Phúc trình phản bác thực hiện chung với Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), và kêu gọi LHQ áp lực Việt Nam có những bước cải cách cụ thể.

Việt Nam tham gia ký kết Công ước Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt đối xử với Phụ nữ (CEDAW) năm 1982. Ông Võ Văn Ái nói rằng “Tiếc thay 33 năm sau, người phụ nữ Việt Nam vẫn chẳng hay biết gì về các quyền tự do và quyền phụ nữ cơ bản của họ”.

Ông Ái cho biết “Bản Phúc trình của Việt Nam đệ nạp Uỷ ban CEDAW đưa ra những ghi chép quá trình hoàn hảo về sự thăng tiến quyền phụ nữ và bao che những thiếu sót được nại ra vì lý do thiếu phương tiện” rồi nói tiếp “Bản Phúc trình của chúng tôi tiết lộ một thực tại hoàn toàn khác và đầy đủ. Người phụ nữ tại Việt Nam ngày nay là những nạn nhân của độc tố trộn lẫn giữa kinh tế đổi mới và đàn áp chính trị. Nhà nước tạo dựng một không khí sợ hãi bao trùm khiến người phụ nữ không dám bảo vệ thực hữu các quyền của mình. Chẳng những nhà cầm quyền lơ là trước khối dân bị xúc phạm, mà còn đàn áp bất cứ ai đứng lên bảo vệ quyền phụ nữ”.

Bản Phúc trình phản bác của Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền cho rằng chướng ngại chính yếu cho việc thực thi quyền phụ nữ không vì thiếu phương tiện, mà do cấu trúc chính trị độc đảng, với sự thiếu minh bạch và các tự do chính trị, cùng sự kiểm soát toàn bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Không hề có các xã hội dân sự thực thụ và độc lập cho giới phụ nữ tại Việt Nam, không có các công đoàn tự do, không có tự do báo chí, không có nền tư pháp độc lập, cũng không có bất cứ cơ cấu nào khác ngoài đảng Cộng sản, để qua đó, người phụ nữ có thể biểu tỏ nỗi bất bình của họ hầu tìm phương sửa chữa. Dưới các điều luật định nghĩa mơ hồ về “an ninh quốc gia”, các hành xử xem như “xâm phạm quyền lợi nhà nước” bị kết án tù nặng nề. Vì vậy, những phụ nữ nạn nhân của sự lạm quyền không dám tố cáo trước các cơ cấu nhà nước, hay công khai nói lớn để bảo vệ quyền của mình. Gần đây, công an bạo hành, sách nhiễu, đe doạ và ngay cả tấn công tình dục những phụ nữ bảo vệ nhân quyền, các bloggers và các nhà hoạt động nữ, gia tăng một cách đáng ngại, và những phụ nữ bị cầm tù vì đấu tranh cho nhân quyền lâm tình trạng giam giữ vô cùng khắc nghiệt.

Bản Phúc trình phản bác còn đưa ra tình trạng bất bình đẳng giới tính thông qua cơ cấu kiểm soát của chính quyền, như cơ chế hộ khẩu. Hộ khẩu quy định mọi biện pháp hành chính, như xin cho con đi học, xin chăm sóc y tế cùng những công vụ khác, mà khi không có hộ khẩu hầu như người ta mất quyền công dân. Bởi vì các cán bộ đảng ở địa phương có toàn quyền cung cấp hay rút bỏ hộ khẩu, trong khi nạn tham nhũng và sự lạm quyền phát triển phổ biến. 70% khối di dân từ nông thôn ra thành thị, là phụ nữ, không có hộ khẩu. Những người này phải trả giá cao tiền nước, điện, và bị mất tiền trợ cấp của chính quyền hay các công vụ xã hội khác. Các trẻ em sinh từ giới phụ nữ ở hải ngoại qua đường dây bán dâm mất hộ khẩu và quyền công dân khi về lại nước.

Bạn đọc có thể vào trang nhà LHQ để đọc toàn văn Phúc trình phản bác do Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền thực hiện theo link :

http://tbinternet.ohchr.org/_layouts/treatybodyexternal/SessionDetails1.aspx?SessionID=944&Lang=en

UBBVQLNVN vạch trần những vi phạm Quyền Phụ nữ tại Việt Nam

—————————————–

Các cựu tù nhân lương tâm gặp mặt và chúc mừng luật sư Lê Quốc Quân

Vào ngày 09 tháng 7 năm 2015, các cựu tù nhân lương tâm, nhiều nhà hoạt động dân chủ khu vực Nghệ An đã đến tặng hoa, chúc mừng Luật sư Lê Quốc Quân mãn hạn 30 tháng tù giam.

Nhận được tin anh Lê Quốc Quân về thăm quê hương, và ở lại sau Thánh Lễ Tạ Ơn vào tối 08 tháng 7 năm 2015, các tù nhân lương tâm ở khu vực Nghệ An gồm: Chu Mạnh Sơn, Trần Hữu Đức, Đậu Văn Dương, Hồ Văn Oanh, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Xuân Anh đã đến chúc mừng Luật sư Lê Quốc Quân.  Đây cũng là dịp hội ngộ đầy đủ các tù nhân lương tâm ở khu vực Nghệ An bị nhà cầm quyền CSVN bắt bớ bỏ tù.

Các cựu tù nhân lương tâm gặp mặt và chúc mừng luật sư Lê Quốc Quân

———————————–

Nhiều tù nhân lương tâm Nghệ An sắp mãn hạn tù

Trong tháng 8/2015, nhiều Tù nhân lương tâm trong vụ án 17 thanh niên công giáo ở Nghệ An sẽ mãn hạn tù giam.

Theo nguồn tin từ Hội Bầu Bí Tương Thân, ngày 8/7/2015 anh Trần Khắc Hiển (anh trai), anh Nguyễn Văn Linh (anh rể) và đại diện của Hội Bầu Bí Tương Thân đã đến trại giam Phú Sơn 4 – tỉnh Thái Nguyên để thăm tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật.

Anh Trần Minh Nhật là một trong 17 thanh niên Công giáo và Tin lành bị bắt vào ngày 27/8/2011. Anh bị tòa án nhân dân Nghệ An kết án 4 năm tù giam và 5 năm quản chế với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền” theo điều 79 của Bộ Luật hình sự. Trước phiên toà diễn ra ngày 08 tháng 01 năm 2013, Nhật không nhận tội vì cho rằng mình chẳng làm gì sai với pháp luật, và không sai quy định của Giáo luật Công Giáo. Ngày 27/8/2015 tới đây, anh Nhật sẽ mãn hạn 4 năm tù đày bất công.

Thay mặt các nhà hảo tâm, anh Trần Khắc Hiển, Hội Bầu Bí Tương Thân đã trao tới Trần Minh Nhật phần hỗ trợ 3 triệu đồng. Sau khi thăm, anh Hiển cho biết: “Hiện tại sức khoẻ của Trần Minh Nhật cũng bình thường. Lần này gia đình ra thăm chỉ để gởi chút ít quà và động viên Nhật cố gắng lên. Nhật gởi lời cám ơn tới tất cả mọi người đã quan tâm đến tình trạng của mình. Lần này Nhật chỉ còn hơn 1 tháng nữa là được tự do. Nhật gửi lời mời tất cả mọi người đến chung vui với Nhật trong ngày trở về.”

Được biết thêm trong tháng 8/2015 có 3 Tù nhân lương tâm cũng sẽ mãn hạn tù. Đó là các anh: Anh Lê Văn Sơn (Paulus Lê Sơn) và Nguyễn Văn Oai sẽ mãn hạn tù vào ngày 02 tháng 8 năm 2015. Anh Thái Văn Dung vào ngày 19 tháng 8 năm 2015. Riêng anh Nguyễn Đình Cương sẽ mãn hạn tù vào ngày 24/12/2015.  Tất cả các tù nhân lương tâm nói  trên đều bị bắt năm 2011 và bị gán ghép tội danh “âm mưu hoạt động lật đổ chính quyền”.

Sau khi 5 người này trở về, vụ án chỉ còn lại hai anh Hồ Đức Hoà, Đặng Xuân Diệu và cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn là 3 người bị kêu án nặng nhất từ 8 đến 13 năm.

Nhiều tù nhân lương tâm Nghệ An sắp mãn hạn tù

—————————————————

Lại có người treo cổ chết trong đồn công an xã

Chỉ vì nghi ngờ trộm cắp tài sản, anh Trần Văn Bé Tư đã bị công an xã đưa về đồn để điều tra. Sáng hôm sau, người nhà anh nhận được hung tin anh đã treo cổ tự tử, mà tư thế chết rất bất thường.

Chiều tối ngày 8/7, đại tá Phạm Văn Ngân, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Vĩnh Long xác nhận có một vụ chết người tại đồn công an xã Lục Sĩ Thành (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long). Ông này cho biết đang chỉ đạo điều tra vụ án mạng này.

Ông Ngân cho hay, người chết là anh Trần Ngọc Bé Tư (sinh năm 1977, ngụ tại xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn). Anh đã chết trong tư thế treo cổ sau khi bị công an xã mời về đồn để điều tra. Trước đó, anh Bé Tư bị người dân trình báo là đột nhập vào nhà người khác để trộm cắp tài sản. Hiện kết quả giám định tử thi chưa có, nên chưa thể cung cấp thêm thông tin.

Trong khi đó, người nhà của anh Bé Tư nói rằng, tối ngày 7/7, anh Tư nhậu say và đi qua nhà bạn nhưng lại vào nhầm phòng mẹ của bạn. Mẹ của bạn anh Tư kêu ông này về nhưng do anh cứ ngồi lì không chịu về. Bực mình, bà này đi trình báo công an và công an xã bắt anh Tư về đồn làm việc.

“Việc Tư bị bắt không ai trong nhà hay biết. Cho đến khoảng 9h sáng hôm sau, công an xã đến báo tin thì gia đình tôi mới biết. Tại trụ sở công an xã, tôi thấy Tư chết trong tư thế quỳ gối dưới sàn nhà, hai tay co cụm lại trước ngực, treo cổ lên cửa sổ bằng một cái mền”- ông Trần Ngọc Bé Ba- anh trai của Bé Tư- cho biết.

Sau đó, công an tỉnh Vĩnh Long đã cho khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi trước sự chứng kiến của người nhà, và bàn giao thi thể anh Bé Tư cho gia đình đem về mai táng.

Lâu nay, có rất nhiều vụ nghi phạm treo cổ trong đồn công an chết nhưng khi điều tra mới phát hiện kẻ giết người chính là công an. Trước tư thế chết vô cùng kỳ lạ của anh Bé Tư, dư luận nghi ngờ anh này đã bị công an đánh chết, rồi sau đó dựng hiện trường giả.

Lại có người treo cổ chết trong đồn công an xã

======================== 10-07-2015=============

Nguyễn Phú Trọng nói về nhân quyền Tại CSIS

Hôm 8 tháng 7 tại thủ đô Washington, sau khi hội kiến Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm lịch sử, tổng bí thư Nguyễn Phú Trong đã nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).

Ông Trọng kêu gọi hai nước đẩy bang giao lên một mức độ mới, và tiếp tục đối thoại để thu hẹp các cách biệt quan điểm trong vấn đề nhân quyền. Cả hai cần tiếp tục các cuộc đối thoại thẳng thắn và xây dựng, nhằm đạt điểm chung về nhân quyền.

Ông Trọng còn tuyên bố rằng không nên để những bất đồng về nhân quyền cản trở các mối quan hệ đang ngày càng sâu đậm giữa hai nước cựu thù Việt-Mỹ. Về tình hình nhân quyền Việt Nam, ông Trọng cho rằng chưa bao giờ người dân Việt Nam được sống trong bầu không khí dân chủ như hiện nay. Hiến pháp Việt Nam có chương riêng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, và đang dần được luật hóa. Ông Trọng vẫn dùng luận điệu cũ, cho rằng các vụ người bị bắt ở Việt Nam không phải do vấn đề dân tộc hay tôn giáo, mà là họ vi phạm pháp luật.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Human Rights Watch gọi đây là trò chơi chữ của giới lãnh đạo Hà Nội. HRW tỏ ra không hài lòng về các bước đi hiện nay của hành pháp Hoa kỳ trong vấn đề nhân quyền Việt Nam. Ông Phil Robertson cho biết tổ chức của ông sẽ tiếp tục vận động Quốc hội Hoa Kỳ có biện pháp hữu hiệu hơn.

Trước khi ông Trọng đặt chân tới Hoa Kỳ, một nhóm 9 nhà lập pháp Hoa Kỳ thuộc cả hai đảng đã yêu cầu Tổng thống Barack Obama kêu gọi lãnh đạo đảng CSVN phóng thích tù nhân lương tâm. Đồng thời, họ thúc giục nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói rõ với Hà Nội rằng muốn có quan hệ kinh tế và an ninh gần gũi hơn với Hoa Kỳ, tôn trọng nhân quyền là điều kiện tối quan trọng.

Nguyễn Phú Trọng nói về nhân quyền tại CSIS

———————————

Công an: Trả lời phỏng vấn VOA, RFI, RFA… là trả lời giặc!

Nhà báo Phạm Chí Dũng tiếp tục bị Công an TP. Hồ Chí Minh sách nhiễu và khủng bố tinh thần. Ngày 9/7/2015, anh Dũng tiếp tục bị triệu tập đến Cơ quan an ninh điều tra – Công an TP.HCM để “hỏi rõ một số bài viết đăng trên mạng Internet”.

Tại buổi làm việc mà thực chất là cuộc hỏi cung này, cơ quan công an một mực cho rằng những bài viết của nhà báo Phạm Chí Dũng, chẳng hạn như bài “Luật biểu tình: Hãy vì quyền hiến định của người dân” mà anh là tác giả, là “tuyên truyền chống nhà nước” và “nhằm lật đổ chính quyền”.

Cơ quan công an cũng thẩm vấn về cuộc trả lời phỏng vấn gần đây của nhà báo Phạm Chí Dũng với các đài BBC và VOA, liên quan đến quan hệ Việt – Mỹ, và cho rằng “Trả lời phỏng vấn VOA, RFI, RFA… là trả lời giặc”.

Công an: “Trả lời phỏng vấn VOA, RFI, RFA là trả lời giặc”

=========== 11-07-2015============

Một người dân bị máy xúc cán qua người khi cưỡng chế đất

Vào lúc 8 giờ sáng ngày 10 tháng 7 năm 2015, bà Lê Thị Châm, 54 tuổi đã bị máy xúc cán lên người khi ngăn cản san lấp mặt bằng trước cổng vào dự án thi công khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền thuộc xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Bà Lương Thị Miền, ở cùng thôn Hoàng Xá cho biết: bà Lê Thị Châm người xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Bà Châm đã bị chiếc máy xúc chèn lên người dẫn đến bị gãy 2 xương bả vai, vỡ xương mặt, máu chảy lênh láng. Người dân đã xúm lại tìm cách đưa bà Châm ra ngoài nhưng không được, phải yêu cầu người điều khiển máy xúc lùi xuống.

Sáng nay tại đây cũng xuất hiện một số côn đồ với nhiều hình xăm trên người, mang theo dao, kim tiêm đến đe dọa, thậm chí đứng trên máy xúc chửi bới và có hành động đe doạ với người dân.

Ông Nguyễn Văn Công, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng, người phát ngôn về dự án thi công khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền cho biết bà Châm đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.

Ông Công nói đã xác minh từ trưởng trạm công an, nói có những đối tượng lạ mặt xuất hiện tại khu vực cổng dự án, nhưng không mang theo hung khí, bơm kim tiêm đe dọa người dân. Việc này sẽ được Công an huyện điều tra.

Được biết, tổng công ty Vsip đã mua lại KCN Cẩm Điền – Lương Điền nằm trên tuyến đường 5 thuộc địa phận 2 xã Lương Điền, Cẩm Điền từ Công ty TNHH Phúc Hưng. Trước đó, nhiều hộ dân có ruộng bị thu hồi làm dự án khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền đã biểu tình, khiếu kiện để phản đối việc bồi thường ruộng với mức giá quá thấp. Nhiều hộ dân đã yêu cầu bồi thường 250 triệu đồng/sào ruộng nhưng chưa đạt được thoả thuận. Công ty Vsip vẫn tiếp tục cho thi công công trình và bị người dân ngăn cản dẫn đến sự việc đáng tiếc trên.

Một người dân bị máy xúc cán qua người khi cưỡng chế đất

================= 12-07-2015============

An ninh Việt Nam ngăn cản một số blogger đi ra nước ngoài

An ninh tại cửa khẩu quốc tế Nội Bài- Hà Nội và Tân Sơn Nhất- Hồ Chí Minh đã không cho một số blogger xuất cảnh khi họ định ra nước ngoài tham dự một cuộc gặp mặt với Phóng viên Không Biên giới.

Trong số những người bị ngăn cản xuất cảnh có nhà báo tự do Vũ Quốc Ngữ ở Hà Nội và cô Huỳnh Thục Vy, thành viên của Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam.

An ninh Việt Nam ngăn cản blogger Vũ Quốc Ngữ ra nước ngoài gặp RSF

Vietnam Security Forces Block Activist from Foreign Meeting of RSF

Huỳnh Thục Vy bị cấm xuất cảnh và tịch thu hộ chiếu

————————-

Tình cảnh bị đàn áp của phụ nữ hoạt động vì nhân quyền ở Việt Nam

Hiệp hội phụ nữ Nhân quyền Việt Nam vừa đưa ra bản báo cáo về tình trạng phân biệt đối xử của chính quyền Việt Nam đối với những phụ nữ hoạt động nhân quyền, các nữ bất đồng chính quyền.

Huỳnh Thục Vy, điều phối viên của Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, cho biết năm nay là năm đầu tiên Hiệp hội phụ nữ Nhân quyền Việt Nam kết hợp với một tổ chức khác là BPSOS để viết báo cáo đó đệ trình lên uỷ ban CEDAW của Liên Hợp Quốc.

Đây là một bản báo cáo chỉ đè cập riêng đến việc thực hiện công ước CEDAW. Hội cho rằng những vụ tra tấn bắt bớ, sách nhiễu đối với những nhà bất đồng chính kiến nữ, với các nhà hoạt động nhân quyền nữ cũng là một hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Trong bản báo cáo Hội đã nói rõ về những trường hợp này, những trường hợp nữ tù nhân lương tâm, nữ bất đồng chính kiến, nữ hoạt động nhân quyền, nữ dân oan. Hội đã đưa cho người ta một danh sách những nữ tù nhân lương tâm đang còn bị giam cầm ở Việt Nam.

Chị Trần Thị Nga, một thành viên ban điều hành của Hội, là nạn nhân trực tiếp của chính sách đàn áp và phân biệt đối xử của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đối với phụ nữ. Chị đã nhiều lần bị đe doạ giết, bị đánh đập ngay trước mặt các con nhỏ của chị.

Tình cảnh bị đàn áp của phụ nữ hoạt động vì nhân quyền ở Việt Nam