Tuần tin người bảo vệ nhân quyền 29/2-6/3/2016: Chính quyền Thanh Hóa không trả biển, người dân tiếp tục vây trụ sở hành chính

Defenders’ Weekly | 06-03-2016

tuần tin

Ngày 3/3, sau khi chính quyền tỉnh Thanh Hóa công bố chính sách hỗ trợ bởi dự án không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương thị xã Sầm Sơn, hàng trăm người dân xã Quảng Cư và các phường Trường Sơn, vẫn tiếp tục vây kín trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh để đòi chính quyền phải trả lại bãi biển cho dân.

Ngày 03/03/2016 Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế đã kêu gọi hành động khẩn cấp trên phạm vi toàn cầu để bảo vệ nhà hoạt động Trần Minh Nhật đang bị sách nhiễu, đe dọa, và phá hoại cuộc sống và có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Ngày 4/3/2016, Tòa sơ thẩm lần hai y án đối với dân oan Nguyễn Văn Thông diễn ra tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Gò Dầu.

Ngày 5/3/2016, một người dân xã Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa từng tham gia biểu tình trong những ngày qua đã bị nhiều kẻ lạ mặt tấn công, đánh đập và sung bắn ngay tại nhà riêng.

Ngoài ra còn có các tin khác.

 

**********29/2/2016**********

Chính quyền bắt học sinh phải trả tiền làm đường

Lại thêm một chuyện chỉ có ở Việt Nam chính quyền Hà Tĩnh cho rằng những em học sinh cũng được hưởng lợi từ con đường mới làm xong, nên phải có nghĩa vụ đóng tiền để bù vào kinh phí.

Vào năm 2015, chính quyền địa phương cho làm con đường dân sinh để người dân đi lại thuận tiện. Nguồn vật liệu để xây dựng được tỉnh hỗ trợ nên phường Đại Nài chỉ việc bỏ tiền thuê nhân công. Để trả tiền nhân công, chính quyền đã buộc mỗi hộ gia đình tại khu phố 7 phải đóng góp 1 triệu đồng. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, tiền người dân đã góp xong nhưng công nhân vẫn chưa được trả tiền.

Trước tình cảnh bị công nhân đòi nợ ráo riết, lãnh đạo phường ra quyết định buộc học sinh Trường Tiểu học Đại Nài phải đóng góp vì những em học sinh này được hưởng lợi từ con đường mới hoàn thành. Buộc mỗi em học sinh về xin cha mẹ 100.000 đồng để đóng góp.

SBTN: Chính quyền bắt học sinh phải trả tiền làm đường

=========================================

Dân oan Nguyễn Văn Thông sắp ra tòa sơ thẩm lần thứ hai

Ngày 4/3/2016 Tòa án ở tỉnh Tây Ninh sẽ xử sơ thẩm lần thứ hai, đối với anh Nguyễn Văn Thông, một người dân oan từng khiếu kiện chính quyền nhiều năm về việc đền bù đất trồng lúa của gia đình anh, với mức giá chưa đủ để mua 2 tô phở cho mỗi mét vuông.

Ruộng lúa 11,175 mét vuông của gia đình anh Thông bị thu hồi với mức bồi thường 68,000 đồng, tương đương 3 đô la, cho mỗi mét vuông. Anh Thông không đồng ý với mức bồi thường, cho nên đã gửi đơn khiếu nại từ địa phương lên tới trung ương. Trong lúc chờ đợi được giải quyết, ngày 3/2/2015, đột nhiên anh bị công an bắt giữ và truy tố về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ theo Điều 258 Bộ Luật Hình Sự. Lần phiên tòa sơ thẩm tuyên phạt anh Thông 3 năm 6 tháng tù giam.

SBTN: Dân oan Nguyễn Văn Thông sắp ra tòa sơ thẩm lần thứ hai

************************1/3/2016********************

Người Bảo vệ Quyền Dân sự: Việt Nam nên hợp tác với các cơ chế nhân quyền của Liên Hợp quốc

Sự hạn chế tùy tiện về quyền dân sự và chính trị ở Việt Nam đang diễn ra, mặc dù quốc gia này là thành viên của nhiều công ước nhân quyền quốc tế, bao gồm Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Sau kỳ xem xét cuối cùng của ICCPR đối với Việt Nam trong năm 2002, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ lo ngại rằng tình trạng các quyền con người được bảo vệ theo hiệp ước vẫn là “không rõ ràng” theo luật trong nước và “rằng theo luật Việt Nam thì quyền theo công ước phải được giải thích theo một cách mà có thể thỏa hiệp được hưởng các quyền của mọi cá nhân.” Báo cáo ICCPR tiếp theo của Việt Nam đã quá hạn từ tháng 8 năm 2004.

Stockholm, ngày 01 tháng 3 năm 2016: Tuần này sẽ diễn ra phiên thứ 31 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ. Việt Nam đang trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ ba năm với tư cách là một thành viên của hội đồng. Tuy nhiên, sự hợp tác của Việt Nam với các cơ chế nhân quyền của Liên Hợp quốc vẫn còn rất yếu.

Ngoài việc sử dụng luật pháp hà khắc để bịt miệng người bất đồng chính kiến, việc sách nhiễu, tấn công và đe dọa các nhà hoạt động và các thành viên gia đình của họ đã được ghi nhận, bao gồm nhiều cuộc tấn công bạo lực của nhân viên cảnh sát hoặc nhân viên công lực mặc thường phục. Năm ngoái, ít nhất 70 nhà hoạt động và các thành viên gia đình của họ là mục tiêu của những cuộc tấn công bạo lực như vậy.

CRD: Người Bảo vệ Quyền Dân sự: Việt Nam nên hợp tác với các cơ chế nhân quyền của Liên Hợp quốc

*******************2/3/2016**********************

Các ứng viên độc lập bị cản trở bởi thủ tục hành chính

Trong những ngày vừa qua, các ứng viên độc lập tuyên bố ra tranh cử trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 5 tới đây liên tiếp bị ngăn cản bằng các thủ tục hành chính.

Việc xác nhận lý lịch tại địa phương nơi đăng ký hộ khẩu thường trú là bước đầu tiên trong chuỗi thủ tục hành chính. Đối với ứng viên độc lập Đặng Bích Phượng, bà đã phải kiên trì đấu tranh với chính quyền phường Thành Công – nơi bà đăng ký hộ khẩu thường trú về vấn đề khai lý lịch, để lấy được dấu xác nhận, bất chấp sự can thiệp ngầm của phía an ninh.

Sau khi các ứng viên có dấu xác nhận của chính quyền địa phương, họ tới Ủy ban bầu cử cấp tỉnh / thành phố trực thuộc trung ương để nộp hồ sơ ứng cử. Tại Ủy ban, hồ sơ của họ bị soi xét. Sáng ngày 1/3/2016, ba ứng viên độc lập là bà Nguyễn Thúy Hạnh, Đặng Bích Phương và ông Nguyễn Tường Thụy tới nộp hồ sơ ứng cử tại Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội và cả 3 người đều bị yêu cầu làm lại hồ sơ. Đến chiều cùng ngày, ứng viên độc lập, Tiến sỹ Nguyễn Quang A cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

SBTN: Các ứng viên độc lập bị cản trở bởi thủ tục hành chính

===============================

Phó công an huyện làm cô gái mang thai còn hành hung người tố cáo

Ngày 1/3/2016, cô Hồ Thị Du ở Thừa Thiên- Huế đã tố cáo phó trưởng công an huyện Nam Đông làm cô mang thai rồi chối bỏ trách nhiệm và hành hung người nhà khi đến trụ sở công an huyện tố cáo.

Cô Hồ Thị Du cho biết, người làm cô mang thai là ông Nguyễn Duy Hùng- Phó trưởng Công an huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế trong khi ông Hùng đã có vợ và hai con nhỏ.

Trước đó, ông Nguyễn Duy Hùng đã dùng số điện thoại lạ gọi đến cho gia đình cô Hồ Thị Du với những lời lẽ đe dọa, chửi bới và uy hiếp đến tính mạng những người thân trong gia đình cô. Và  gửi đến cô những tin nhắn có nội dung hạ nhục nhân phẩm như “loài rắn độc”, là “chó điên”,… và “Nếu đụng chạm đến người này thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.”

Sau đó, gia đình cô Hồ Thị Du đã lên trụ sở công an huyện Nam Đông để tố cáo sự việc thì bị ông Nguyễn Duy Hùng hành hung, đánh đập và dọa nạt ngay tại trụ sở công an. Hồ Thị Như (em gái cô Du) đã bị ông Nguyễn Duy Hùng tát vào mặt. Hành động này diễn ra trước sự chứng kiến của những cán bộ công an huyện Nam Đông và ông Hùng đã dừng lại khi bị mọi người can ngăn.

SBTN: Phó công an huyện làm cô gái mang thai còn hành hung người tố cáo

*********************4/3/2016*************************

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế kêu gọi quốc tế hành động khẩn đối với cựu TNLT Trần Minh Nhật

Ngày 03/03/2016 Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế đã kêu gọi hành động khẩn cấp trên phạm vi toàn cầu để bảo vệ nhà hoạt động Trần Minh Nhật đang bị sách nhiễu, đe dọa, và phá hoại cuộc sống và có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế đã mô tả việc cựu TNLT Trần Minh Nhật bị công an Lâm Đồng ném đá chảy máu đầu, ngăn cản đưa đi bệnh viện và bị bao vây tấn công trong đêm 22/2. Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế cũng đã vạch rõ những hành động sách nhiễu và bố ráp mà gia đình nhà hoạt động này phải gánh chịu, như bị phá hoại vườn tiêu và cafe, bị ném đá vào nhà dịp tết, bị phóng hỏa đốt nhà và cả bị đánh đập ngay trong đồn công an.

Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế kêu gọi mọi người gửi kiến nghị thư tới ông Trần Đại Quang – Bộ Trưởng Bộ Công An, và ông Trần Văn Tiến – Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Lâm Đồng để yêu cầu chấm dứt cách hành vi sách nhiễu và khủng bố người dân, bảo đảm an toàn cho Trần Minh Nhật, và yêu cầu điều tra và đem thủ phạm ra trước công lý.

SBTN: Tổ chức Ân Xá Quốc Tế kêu gọi quốc tế hành động khẩn đối với cựu TNLT Trần Minh Nhật

================================

Chính quyền Thanh Hóa không trả biển, dân tiếp tục vây trụ sở hành chính

Chiều ngày 3/3, sau khi chính quyền tỉnh Thanh Hóa công bố chính sách hỗ trợ bởi dự án không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương thị xã Sầm Sơn, hàng trăm người dân xã Quảng Cư và các phường Trường Sơn, Trung Sơn và Bắc Sơn vẫn tiếp tục vây kín trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh để đòi chính quyền phải trả lại bãi biển cho dân.

Vụ biểu tình đã kéo dài từ ngày 26/2 cho đến chiều ngày 3/3 vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Những yêu sách của người dân đưa ra đã không được phía chính quyền chấp nhận.

Người dân cho biết, từ hàng trăm năm nay, cha ông họ đã sống với biển đột nhiên chính quyền đòi bàn giao vùng biển ở thị xã Sậm Sơn cho Tập đoàn FLC để xây dựng resort, sân golf…để phát triển du lịch. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của họ.

Biết không thể chống lại chính quyền khi trong tay họ có công an, quân đội được trang bị vũ khí, người dân trong vùng buộc phải di dời. Họ chỉ muốn chính quyền tỉnh giữ lại cho họ 500m bãi biển để tàu thuyền đi đánh bắt về có nơi neo đậu. Tuy nhiên, mong muốn này của người dân đã không được chính quyền đáp ứng.

SBTN: Chính quyền Thanh Hóa không trả biển, dân tiếp tục vây trụ sở hành chính

Người dân Sầm Sơn Thanh Hóa tiếp tục biểu tình

========================================

Tòa sơ thẩm lần hai y án dân oan Nguyễn Văn Thông

Ngày 4/3/2016, Tòa sơ thẩm lần hai y án đối với dân oan Nguyễn Văn Thông diễn ra tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Gò Dầu.

Bản án giữ nguyên đã làm người theo dõi hụt hẫng vì cảm thấy quyết định của tòa Phúc thẩm trước đây không được tòa sơ thẩm điều chỉnh cho đúng trình tự tranh tụng trước tòa khi không cho phép luật sư tham gia tranh luận về các yếu tố bị Viện kiểm sát cho là phạm tội.

Anh Nguyễn Văn Thông là dân oan trong dự án Khu liên hợp Công nghiệp đô thị và dịch vụ Phước Đông, gia đình anh bị thu hồi hơn 11 ngàn mét vuông đất nhưng không đền bù thỏa đáng. Anh cùng một số dân oan Tây Ninh gần trăm người ra Hà nội khiếu kiện cho sự oan ức của mình. Anh sống suốt 7 tháng trời thiếu thốn trước cửa Nhà tiếp dân Trung ương Hà Hội và liên tiếp tranh đấu cho dân oan của vụ án này. Và anh bị bắt vào ngày 3/2/2015.

RFA: Tòa sơ thẩm lần hai y án dân oan Nguyễn Văn Thông

Vietnam Court Upholds 42-month Imprisonment for Land Petitioner in Unfair Trial

**************************5/3/2016**************************

Phiên tòa phúc thẩm trẻ em Nguyễn Mai Trung Tuấn vi phạm nghiêm trọng BLTTHS

Tòa án tỉnh Long An tuyên án trẻ em Nguyễn Mai Trung Tuấn 2 năm 6 tháng tù giam về tội danh là “cố ý gây thương tích”, bất chấp các ý kiến của các Luật sư chứng minh “Tòa vi phạm, em Tuấn vô tội” vào ngày 02.03.2016, tại tòa TAND tỉnh Long An.

LS Nguyễn Văn Miếng, một trong những LS tham gia bào chữa cho trẻ em Nguyễn Mai Trung Tuấn khẳng định Tòa phúc thẩm vi phạm nghiêm trọng các thủ tục trong Bộ Luật Tố Tụng Hình sự.

GNsP: Phiên tòa phúc thẩm trẻ em Nguyễn Mai Trung Tuấn vi phạm nghiêm trọng BLTTHS

=====================================

Người dân biểu tình phản đối trạm thu phí qua cầu

Từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016, việc tăng giá các trạm thu phí đã làm cho người dân nhiều nơi phản đối. Để bày tỏ thái độ, người dân đã tràn xuống đường, chặn hai đầu trạm thu phí, yêu cầu chủ đầu tư và chính quyền phải có những biện pháp nhằm tránh gây bất lợi cho người dân.

Ngày 4/3, đông đảo người dân sống tại phường Bạch Hạc (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) đã biểu tình phản đối trạm thu phí qua cầu Hạc Trì vì giá vé quá cao và chủ đầu tư đã cho xây dựng 3 cọc trụ nhằm ngăn chặn không cho người dân đi lại trên cây cầu cũ, buộc người dân phải đi trên cầu mới để thu phí.

Dù đã rất nhiều lần người dân yêu cầu chủ đầu tư phải tháo dỡ 3 trụ cọc trên đường, nhưng phía chủ đầu tư từ chối.

Đến chiều ngày 4/3, bất chấp việc chủ đầu tư vẫn không chịu tháo dỡ 3 trụ cọc, người dân trong vùng đã dỡ bỏ trụ cọc bê-tông giữa đường lên cầu Việt Trì để cho xe cộ qua lại.

SBTN: Người dân biểu tình phản đối trạm thu phí qua cầu

===========================================

Những người biểu tình ở Thanh Hóa có thể bị bắt giữ

Lúc 22g ngày 4-3-2016, Sở Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết đã ban hành Quyết định số 116 khởi tố vụ án hình sự “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra trên địa bàn thành phố Thanh Hóa theo quy định tại Điều 245 Bộ luật Hình sự. Nếu sáng 5-3 cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn, khả năng nhiều người dân tham gia biểu tình sẽ bị bắt.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan Cảnh sát Điều tra đã họp với Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thanh Hóa để khởi tố vụ án hình sự Gây rối trật tự công cộng xảy ra trên địa bàn thành phố Thanh Hóa. Quyết định khởi tố bị can cũng đã có, nhưng không tiết lộ danh sách đã được Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thanh Hóa phê chuẩn.

SBTN: Những người biểu tình ở Thanh Hóa có thể bị bắt giữ

*******************6/3/2016*********************

Diễn biến mới ở cuộc biểu tình Sầm Sơn: có nổ súng vào trưa ngày 5 tháng 3

13 giờ chiều ngày 5/3/2016, một người dân xã Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa từng tham gia biểu tình trong những ngày qua đã bị nhiều kẻ lạ mặt tấn công, đánh đập và sung bắn ngay tại nhà riêng.

Người bị bắn là bà Văn Thị Thắng, 44 tuổi, vợ ông Trần Văn Hải – trưởng bến tàu thị xã Sầm Sơn nơi đang bị Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cưỡng chế di dời để bàn giao cho tập đoàn FLC xây khu du lịch sinh thái.

Sau khi sự việc xảy ra, hàng trăm người dân đã kéo đến vây cổng trụ sở công an phường Trường Sơn, sau đó kéo đến cổng ủy ban thị xã Sầm Sơn yêu cầu làm sáng tỏ vụ việc nói trên, vì cho rằng việc chị Thắng bị hành hung có liên quan đến việc ngư dân phản đối dự án quy hoạch không gian du lịch ven biển Sầm Sơn. Đặc biệt là công an tỉnh vừa khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng” qua việc biểu tình trong suốt tuần lễ qua.

SBTN: Diễn biến mới ở cuộc biểu tình Sầm Sơn: có nổ súng vào trưa ngày 5 tháng 3