Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền 28/3-03/4/2016: Việt Nam tiếp tục đàn áp bất đồng chính kiến, bỏ tù sáu người trong tám ngày

Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền | 03-04-2016

tuần tin

Chính quyền cộng sản tiếp tục gia tăng đàn áp, kết án tù ba blogger và ba dân oan trong tám ngày cuối cùng của tháng 3 trong khi giới lãnh đạo chuyển giao quyền lực.

Chỉ một tuần sau khi kết án Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm) và trợ lý Nguyễn Thị Minh Thúy với mức án năm năm và ba năm về cáo buộc “lợi dụng quyền tự do” theo Điều 258 của Bộ luật Hình sự, ngày 30/3, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kết án blogger Nguyễn Ngọc Già (tên thật là Nguyễn Đình Ngọc) với mức án bốn năm tù và ba năm quản thúc. Blogger Già bị cáo buộc đăng tải 22 bài viết nói xấu lãnh đạo đảng và nhà nước theo tội danh tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.

Cùng ngày hôm đó, Tòa án Nhân dân thành phố HCM khép tội Ngô Thị Minh Phước, Nguyễn Thị Trí và Nguyễn Thị Bé Hai với tội danh tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 88 khi ba người này giương cờ của Việt Nam Cộng hòa và đòi thay đổi chế độ trong khi biểu tình ôn hòa trước Lãnh sự quán Mỹ ở HCMC năm 2014. Bà Phước bị án bốn năm tù và ba năm quản chế trong khi bà Trí và bà Hai đều bị án ba năm và hai năm quản chế.

Ngay ngày hôm sau, một số tổ chức nhân quyền quốc tế, như Ân xá Quốc tế và Ủy ban Bảo vệ Nhà báo đã ra thông cáo phản đối các bản án dành cho sáu người trên, và yêu cầu Việt Nam trả tự do sáu người ngay lập tức và không điều kiện.

Ngày 01/4, Nguyễn Công Thủ, một tín đồ Hòa Hảo và là thành viên của Người Bảo vệ Nhân quyền ở huyện Chợ Mới tỉnh An Giang, đã bị công an và an ninh mặc thường phục đánh đập dã man khi anh đang trên đường tới thăm người vợ chưa cưới. Khi anh đến địa phận xã Long Điền A, anh bị cảnh sát giao thông chặn lại và sau đó bị nhóm an ninh thường phục quây lại đánh một cách dã man. Sau khi ngất đi khoảng 15 phút, Thụ tỉnh dậy và bỏ chạy về nhà. An ninh tiếp tục đuổi đánh cho đến khi anh về được đến nhà và có sự bảo vệ của gia đình.

Công an tiếp tục bao vây xung quanh nhà, không cho gia đình đưa Thủ đi chữa trị các vết thương. Chúng chỉ chịu rút đi vào cuối ngày 02/4, là ngày mà tín đồ Hòa Hảo thường tổ chức lễ giỗ cho Đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, người bị Việt Minh ám sát năm 1947.

Ngay sau vụ tấn công, Người Bảo vệ Nhân quyền đã ra tuyên bố lên án sự vi phạm nhân quyền của chính quyền huyện Chợ Mới. Người Bảo vệ Nhân quyền yêu cầu Bộ Công an và Sở Công an tỉnh An Giang điều tra vụ tấn công trên và đưa những kẻ vi phạm pháp luật ra trước công lý.

Và nhiều tin quan trọng khác.

============== March 28===============

Chủ trang ‘Diệt giặc nội xâm’ bị bắt

BBC: Gia đình chủ trang Facebook ‘Diệt giặc nội xâm’ khẳng định với BBC là người này “vì chống tham nhũng mà bị bắt”.

Hôm 22/3, ông Trần Minh Lợi, chủ trang Facebook ‘Diệt giặc nội xâm’ bị Công an tỉnh Đắk Nông bắt vì hành vi đưa hối lộ.

“Ông Lợi nổi tiếng tại Đắk Lắk và trên mạng xã hội với chủ trương “chống tham nhũng không phải của riêng ai”.

“Ông tố cáo nhiều lãnh đạo, cán bộ tại công an, Viện Kiểm sát liên quan đến việc chạy án, buôn lậu gỗ. 11 cán bộ liên quan tại Công an huyện Cư Kuin bị kiểm điểm, kỷ luật”.

“Ông sẵn sàng “giúp đỡ về pháp lý miễn phí cho bất cứ ai tố cáo tiêu cực.

Bằng cách dùng các thiết bị ghi âm, ghi hình bí mật, ông Lợi thu thập chứng cứ nhiều vụ tiêu cực của cán bộ công an liên quan đến việc chạy án, chạy việc sau đó gửi đơn tố cáo”, theo báo Tuổi Trẻ hôm 22/3.

‘Không ngờ’

Hôm 27/3, Trần Minh Tuyên, con trai ông Lợi, nói với BBC qua điện thoại: “Bố tôi đã nghĩ đến chuyện mình có thể bị bắt nên đã dặn dò gia đình một số việc, nhưng ông không ngờ thời điểm này”.

“Những việc bố tôi làm đều không có gì trái với lương tâm, nhưng vì ông tố cáo những người có chức quyền tại địa phương nên khiến họ, nhất là công an, thù hằn từ nhiều năm nay”, Trần Minh Tuyên nói thêm.

Con trai ông Lợi cũng cho hay rằng từ hôm ông bị bắt đến nay, gia đình chưa được phép đi thăm và chưa nắm được thông tin về thời điểm diễn ra phiên tòa xử ông.

Cùng ngày, trao đổi với BBC từ Phú Yên, luật sư Võ An Đôn nói: “Cách đây hai giờ, bà Phan Thị Thảo, vợ ông Lợi đã gọi cho tôi rút lại đơn yêu cầu tôi bào chữa cho chồng. Bà ấy chỉ nói là ‘do áp lực’ nhưng tôi giả định là có thể do chính quyền tạo áp lực buộc gia đình rút đơn mời tôi”.

Trước đó, luật sư viết trên Facebook: “Ông Lợi đã làm đơn tố cáo giúp nhiều người dân trong vùng, khiến 47 cán bộ tỉnh Đắk Lắk liên quan đến tiêu cực bị kỷ luật, cắt chức, chuyển công tác và buộc những kẻ chiếm đoạt phải trả lại tiền cho người dân hàng tỷ đồng”.

“Ông Lợi bị Công an tỉnh Đắk Nông khởi tố và bắt giam về tội “Đưa hối lộ” với vai trò là người xúi giục, theo Điều 289 Bộ luật hình sự, có khung hình phạt đến 20 năm tù”.

“Với thành tích giúp người dân tố cáo tiêu cực, lẽ ra ông phải được cơ quan phòng chống tham nhũng tặng thưởng huân chương, chứ sao lại bắt giam một người như ông? Thử hỏi xã hội còn ai dám chống tham những nữa?”.

Báo Tuổi Trẻ hôm 25/3 dẫn lời đại tá Lương Ngọc Lếp – Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông: “Với những vụ án nóng, có dư luận trái chiều và được báo chí quan tâm như vụ bắt tạm giam ông Trần Minh Lợi thì công an tỉnh sẽ tổ chức họp báo công khai”.

Báo này tường thuật “ông Lợi bị bắt về hành vi ‘đưa hối lộ’ với vai trò đồng phạm, giúp sức với nhóm bị can đã bị bắt về hành vi đưa hối lộ trước đó”.

BBC: Chủ trang ‘Diệt giặc nội xâm’ bị bắt

============30-03-2016========

Thông cáo báo chí của UBBVQLNVN về Thông tư 13 của Bộ Công an

Ủy ban bảo vệ Quyền Làm người Việt Nam (UBBVQLNVN)- PARIS, ngày 30.3.2016 — Bộ Công an vừa ra Thông tư số 13/2016/TT-BCA nhằm hạn chế và kiềm toả các cuộc biểu tình, đồng thời cho phép công an quyền đàn áp công chúng đến quan sát các phiên toà xử những nhà hoạt động nhân quyền.

Thông tư số 13 “Quy định thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa của lực lượng Công an nhân dân” do Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang ký ngày 10-3-2016 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 24-4-2016. Thông tư hướng dẫn công an nhiêm vụ củng cố lực lượng an ninh nhằm “bảo vệ tuyệt đối phiên toà, Hội đồng xét xử, người tiến hành tố tụng, người tham gia phiên toà và hồ sơ, tài liệu, vật chứng của vụ án” (Điều 3). Đây là những biện pháp thường tình tại các quốc gia tôn trọng pháp quyền. Riêng Thông tư 13 hàm chứa việc “Xử lý tình huống tụ tập đông người gây rối trật tự khu vực xử án” (Điều 14, là điều vi phạm quyền tự do hội họp được Công pháp quốc tế công nhận).

Điều 14 cho phép, nếu quần chúng tụ tập bên ngoài phiên toà, công an sẽ tuyên truyền, yêu cầu giải tán, nhưng nếu quần chúng không chấp hành, thì công an phải “khai triển ngay phương án bảo vệ phiên toà đã được phê duyệt, tập trung lực lượng ngăn chặn hành vi gây rối, cô lập, bắt giữ người chống đối, chủ mưu, cầm đầu gây rối khi cần thiét”.

Điều đáng quan ngại là cách định nghĩa mơ hồ qua nhóm từ “gây rối trật tự công cộng” trong bộ Luật Hình sự Việt Nam (Điều 245), không phân biệt giữa hành vi bạo động với quyền chính đáng tự do biểu tỏ và tự do hội họp. Do đó, Thông tư 13 gần như cho lực lượng công an hoàn toàn tự quyền đàn áp các cuộc biểu tình và bắt giam các nhà hoạt động nhân quyền đang tụ tập để phản kháng những phiên toà xử láo, hoặc biểu tỏ tình liên đới với các nhà bảo vệ nhân quyền. Vừa qua, hôm 23-3-2016, trong phiên xử blogger nổi danh Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm) và người phụ tá Nguyễn Thị Minh Thuý, một số người đã bị bắt để thẩm vấn vì cớ “gậy rối trật tự công cộng”, một số người khác được giấy triệu tập đi “làm việc” với công an.

Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, phản bác rằng : “Thông tư 13 tán dương “Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật” (Điều 3), nhưng trong thực tế, Thông tư này phản chống Hiến pháp. Bộ trưởng Công an vượt xa quyền hạn của ông ta để chà đạp Hiến pháp”. Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Công an, đang chờ Quốc hội phê chuẩn để bước lên ngôi Chủ tịch Nước.

Hiến pháp sửa đổi năm 2013 bảo đảm “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. (Điều 25)

Cho đến nay, Việt Nam vẩn chưa có Luật Biểu tình. Dự thảo Luật Biểu tình trình Quốc hội bị trì hoãn vì lý do bất đồng nội dung văn bản. Các luật pháp liên quan đến Quyền Biểu tình tính đến nay gồm có Nghị định 38/2005 và Thông tư 09/2005/TT-BCA của Bộ Công an. Cả hai đều ngăn cấm việc tụ tập quá 5 (năm) người trước các công sở khi chưa có giấy chính quyền cho phép.

New restrictions on the right to demonstrate in Vietnam

============= 29-03-2016================

Mẹ cầm bích chương kêu khóc thảm thiết xin trả tự do cho con trai vô tội tại Hà Nội

Sáng 29/03, trước cổng văn phòng tiếp dân của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam toạ lạc tại đường Ngô Thì Nhậm, thành phố Hà Nội, xuất hiện một phụ nữ khóc lóc thảm thiết để cầu cứu, xin trả tự do cho con trai của mình.

Tay cầm bích chương có ghi hàng chữ “Kêu cứu, xin trả tự do cho con trai” kèm theo nhiều hình ảnh ở phía dưới, bà cho biết tên là Đỗ Thị Thu, cư dân thành phố Thanh Hoá. Bà Thu xác nhận rằng, bà là một trong số hàng trăm tiểu thương đang kinh doanh tại một ngôi chợ nhỏ gần nơi cư ngụ đã bị buộc phải dời đi. Mặc dù tất cả các tiểu thương đều đóng thuế môn bài đầy đủ, ngày 6 tháng Giêng vừa qua, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam tại địa phương ra lệnh thu hồi đất và cưỡng chế để buộc tất cả những ai không chịu thi hành lệnh giải toả phải ra khỏi chợ. Vẫn theo lời kể của bà Thu, lực lượng công an địa phương không xuất trình bất kỳ một văn bản pháp luật nào, đã đập phá các sạp chợ, và đánh đập những ai chống lại để bảo vệ tài sản của mình. Con trai của bà Đỗ Thị Thu tên là Lê Đức Giang, 25 tuổi bị đánh xỉu tại chỗ, được cô bác chung quanh đưa vào bệnh viện cấp cứu. Khoảng 4 ngày sau, khi vừa rời bệnh viện, ông Giang được công an mời đến trụ sở làm việc để thẩm vấn và giữ luôn cho đến nay.

Ràn rụa hai hàng nước mắt không ngừng chảy, bà Thu lên án bạo quyền Cộng sản Việt Nam bắt giữ con trai của mình bất chấp luật pháp. Bà kêu gọi các tổ chức xã hội dân sự can thiệp để cứu lấy sinh mệnh của Lê Đức Giang.

Mẹ cầm bích chương kêu khóc thảm thiết xin trả tự do cho con trai vô tội tại Hà Nội

============30-03-2016==========

Việt Nam bỏ tù blogger Nguyễn Ngọc Già và ba dân oan

 Defend the Defenders: Chính quyền Việt Nam ngày 30/3 kết án blogger Nguyễn Ngọc Già, tên thật là Nguyễn Đình Ngọc và ba dân oan Ngô Thị Minh Phước, Nguyễn Thị Trí và Nguyễn Thị Bé Hai với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.

Trong một phiên tòa, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã kết án blogger Già bốn năm tù giam và ba năm quản chế vì cáo buộc đăng tải 22 bài viết nói xấu lãnh đạo đảng và nhà nước.

Tại một phiên tòa khác, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kết án bà Phước bốn năm tù giam và ba năm quản chế, cô Trí và cô Hai mỗi người ba năm tù giam và hai năm quản chế. Cả ba người bị buộc tội chống nhà nước, cụ thể là đã phất cờ Việt Nam Cộng hòa và đòi thay đổi chế độ trong khi biểu tình trước Lãnh sự quán Mỹ năm 2014.

Việc bỏ tù bốn người chỉ một tuần sau khi Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội kết án blogger Nguyễn Hữu Vinh, chủ trang blog Anh Ba Sam, và trợ lý, cô Nguyễn Thị Minh Thúy với án tù năm năm và ba năm tương ứng theo cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 258 của Bộ luật Hình sự.

Chính quyền bỏ tù sáu người chỉ trong tám ngày khi chuyển giao quyền lực đang diễn ra ở Ba Đình, với việc Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Thị Kim Ngân thay thế Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Sinh Hùng ở các vị trí chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội. Điều này cho thấy chính quyền mới sẽ tiếp tục đàn áp những người bất đồng chính kiến, người hoạt động xã hội và người hoạt động nhân quyền.

================ 31-03-2016==================

Việt Nam: Tăng cường đàn áp với việc kết án sáu người trong tám ngày

Amnesty International, ngày 31/3/2016: Việt Nam phải chấm dứt đàn áp bằng việc bỏ tù, và trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho sáu nhà hoạt động bị kết án trong tám ngày qua, Tổ chức Ân xá Quốc tế nói.

Vào ngày 30/3/2016, bốn nhà hoạt động bị kết án với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự trong hai phiên tòa riêng biệt. Trong một trường hợp, ba người phụ nữ – Ngô Thị Minh Ước, Nguyễn Thị Trí, và Nguyễn Thị Bé Hai – đã bị Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khép tội. Bà Ngô Thị Minh Ước bị kết án 4 năm tù giam với thêm 3 năm quản thúc tại gia, trong khi Nguyễn Thị Trí, và Nguyễn Thị Bé Hải bị bản án 3 năm tù và 2 năm quản thúc tại nhà. Truyền thông nhà nước viết rẳng bà Ngô Thị Minh Ước bị kết án thêm 3 tháng mà không đưa ra tội danh hoặc giải thích cho bản án bổ sung này.

Có rất ít thông tin được công bố về ba người phụ nữ này. Truyền thông nhà nước cho biết họ đã thừa nhận việc tham gia một tổ chức có tên là Phong Trào Cách Mạng Dân Oan Phục Quốc Cứu Nước. Có thông tin đăng tải ở đâu đó cho biết ba người là những nạn nhân của thu hồi đất và rằng họ đã mang lá cờ tự làm của chính quyền Sài Gòn đến Tổng Lãnh sự Mỹ trong tháng 7/2014, nơi họ được cho là đã kêu gọi thay đổi chính quyền.

Trong một phiên tòa riêng biệt khác kéo dài hai tiếng đồng hồ, blogger Nguyễn Ngọc Già, tên thật là Nguyễn Đình Ngọc, đã bị kết án 4 năm tù giam và 3 năm quản thúc tại nhà. Blogger Già, người đã bị giam giữ trước khi xét xử kể từ ngày 27/12/2014, là một cây viết với nhiều bài đăng tải trên các trang web độc lập như Dân Làm Báo và Dân Luận, bao gồm các bài báo liên quan đến việc kết án hình sự đối với nhiều nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng ở Việt Nam . Một thời gian ngắn trước khi bị bắt, blogger Già trả lời phỏng vấn đài Á Châu, trong đó ông lên án việc tra tấn các tù nhân lương tâm.

Bốn người bị kết án chỉ một tuần sau phiên tòa xét xử blogger Nguyễn Hữu Vinh, người sáng lập blogsite nổi tiếng Anh Ba Sam, và trợ lý của ông, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, theo Điều 258- “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. Blogger Vinh và trợ lý Thúy đã bị kết án tù tương ứng 5 năm và 3 năm sau khi đã bị giam giữ trước xét xử gần 2 năm.

Việc tăng cường kết án hình sự đối với những hành động thực hiện quyền biểu đạt chính đáng xảy ra hai tháng kể từ khi Việt Nam có sự thay đổi trong giới lãnh đạo cao cấp. Việc bỏ tù này cũng trùng với việc Bộ Công an đưa ra quy định mới nhằm kiểm soát các cuộc biểu tình liên quan đến phiên tòa. Theo Điều 14 của Thông tư 13/2016 / TT-BCA, sau cảnh báo bằng lời nói, cảnh sát có thể “triển khai lực lượng để ngăn chặn gây rối trật tự công cộng, cô lập và bắt giữ những yếu nhân đối lập, chủ mưu và những người cầm đầu các vụ gây rối.” Thông tư được ký bởi Bộ trưởng Trần Đại Quang, người được sắp xếp để trở thành chủ tịch nước trong vài tuần tới.

Thông tin bổ sung

Việt Nam là một thành viên tham gia Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị và quốc gia này cam kết duy trì quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, và tự do hội họp. Tuy nhiên, chính phủ nước này vẫn thường sử dụng nhiều điều luật mơ hồ như Điều 88 và 258 trong Bộ luật Hình sự để bỏ tù những người đấu tranh đòi thực thi các quyền trên. Nhiều nhà hoạt động khác, bao gồm luật sư nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Văn Đài và đồng nghiệp của ông, cô Lê Thu Hà, đang bị giam giữ chờ xét xử về cáo buộc cho các hoạt động nhân quyền hợp pháp. Tổng thống Mỹ Barack Obama có kế hoạch thăm viếng Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 5 hoặc tháng 6 năm nay.

Tổ chức Ân xá Quốc tế đã lập hồ sơ về tra tấn và các hình thức đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo, hay hạ nhục tù nhân lương tâm tại Việt Nam, bao gồm cả trong lúc bị giam trước khi xét xử khi nó được sử dụng nhằm mục đích buộc nhận tội.

Miền Nam Việt Nam, tên chính thức là Việt Nam Cộng hòa, là nhà nước quản lý nửa phía nam của Việt Nam từ năm 1955 tới năm 1975 trước khi bị thống nhất bởi Bắc Việt Nam, với tên chính thức là nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam, sau chiến tranh Mỹ-Việt.

——————————————-

Thêm một blogger bị kết án tù trong bối cảnh đàn áp gia tăng tại Việt Nam

CPJ- Bangkok, ngày 31/3/2016 – Trong chiến dịch đàn áp giới bất đồng chính kiến, vào hôm thứ Tư, Việt Nam đã kết án một blogger nổi tiếng bốn năm tù về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”. Ủy ban Bảo vệ Nhà báo phản đối bản án và kêu gọi trả tự do ngay lập tức tất cả các nhà báo bị giam giữ sai trái sau song sắt ở Việt Nam.

Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kết án blogger Nguyễn Ngọc Già, còn được gọi là Nguyễn Đình Ngọc, bốn năm tù giam và ba năm quản chế theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự, một điều có khung hình phạt tối đa 20 năm tù cho cho cáo buộc “tuyên truyền” chống nhà nước. Các công tố viên cho rằng 22 bài viết của ông, 14 trong số đó được đăng tải trực tuyến, làm ảnh hưởng danh dự của nhiều lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam và nhà nước, báo cáo cho biết.

Blogger Già đã bị giam giữ 15 tháng trước khi xét xử. Hiện chưa rõ ràng liệu thời gian đó có được khấu trừ vào bản án bốn năm hay không.

“Việc kết tội blogger Nguyễn Ngọc Gia cho thấy lãnh đạo Việt Nam sẽ tiếp tục đàn áp để ngăn chặn sự chỉ trích đối với sự cai trị của họ,” ông Shawn Crispin, đại diện cao cấp khu vực Đông Nam Á của CPJ nói. “Thay vì bỏ tù các nhà báo bằng những tội danh bịa đặt, Việt Nam cần phải xoá bỏ các luật mơ hồ mà chính quyền thường xuyên sử dụng để đàn áp tự do ngôn luận và báo chí độc lập.”

Blogger Già bị bắt tháng 12 năm 2014 tại nhà riêng ở thành phố HCM. Ông là một cộng tác viên thường xuyên của nhiều blog độc lập như Lam Bao Dan và Dân Luận, theo tin tức đưa ra tại thời điểm bắt giữ. Ông cũng là người đóng góp thường xuyên cho Đài Á Châu Tự do. Báo cáo cho biết trước khi bị bắt, ông đã đăng tải bài viết của mình trên blog và bình luận ở đài Á Châu Tự Do về trường hợp bắt giữ ba blogger trước đó với cáo buộc chống nhà nước..

Việc kết án blogger Già là một phần của chiến dịch tăng cường đàn áp giới bất đồng chính kiến. Vào ngày 23/3, blogger Nguyễn Hữu Vinh và trợ lý Nguyễn Thị Minh Thúy bị kết án năm và ba năm tương ứng theo Điều 258 của Bộ luật Hình sự, một điều luật cho cáo buộc với mức án tối đa là bảy năm tù vì tội “lạm dụng tự do dân chủ”, theo nghiên cứu của CPJ.

Việt Nam giam giữ ít nhất sáu phóng viên sau song sắt, trong số đó có blogger Già, Vinh và Thúy, khi CPJ tiến hành điều tra số lượng các nhà báo bị bắt giam trên toàn thế giới vào ngày 01 tháng 12 năm 2015.

————————————

Hội CTNLT: Hãy xóa bỏ các bản án theo Điều 88 đối với blogger và các nhà hoạt động đất đai

Hôm qua, ngày 30/3/2016, Tòa án Nhân dân tpHCM đã mở hai phiên tòa xét xử những người bất đồng chính kiến ôn hòa và tuyên án blogger Nguyễn Đình Ngọc (50 tuổi, tpHCM) 4 năm tù giam, 3 năm quản chế, các dân oan Ngô Thị Minh Ước (57 tuổi, ngụ tại Bình Phước) 4 năm tù giam, Nguyễn Thị Trí (58 tuổi, ngụ Bình Dương) và Nguyễn Thị Bé Hai (58 tuổi, ngụ An Giang) 3 năm tù giam cho mỗi người.

Những gì mà cựu nhân viên Đài truyền hình HTV, blogger Nguyễn Ngọc Già làm là bày tỏ ôn hòa quan điểm chính kiến của bản thân về các vấn nạn xã hội, tham nhũng, kinh tế yếu kém và sự lạm quyền của cơ quan công quyền.

Trong số 16 bài viết mà cơ quan điều tra đã truy cứu, bài viết “Chế độ Cộng sản cần phải được loại bỏ” mà quan tòa đã cho là chống lại chế độ, cũng thể hiện hoàn toàn quyền căn bản được bày tỏ thái độ phản đối, không đồng tình hoặc ủng hộ một quan điểm, phương thức, tổ chức nào đó một cách ôn hòa.

Đối với ba dân oan, Ngô Thị Minh Ước, Nguyễn Thị Trí và Nguyễn Thị Bé Hai bản án thể hiện ý đồ chính trị đẩy các dân oan khiếu kiện nhiều năm vào chốn lao tù. Đã có rất nhiều dân oan, bằng hình thức này hay hình thức khác đã bị tống giam. Quyền được bày tỏ ước vọng tìm công bình cho bản thân, bày tỏ một mình, hay với nhiều người, tại nhà riêng hay nơi công cộng một cách ôn hòa cần phải được nhà nước tôn trọng và bảo vệ.

Các bài viết của blogger Nguyễn Ngọc Già và các họat động của ba dân oan Ước, Trí và Hai hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế ở Điều 19, Công ước về quyền Dân sự và Chính trị:

Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp.

Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ.

Khoản 3 Điều này cũng nói thêm rằng việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt, trong đó có thể phải chịu một số hạn chế nhất định. Chính quyền VN không thể tùy tiện áp dụng Khoản 3 điều này như lý do gìn giữ trật tự xã hội hay an ninh quốc gia để xử lý hình sự những người thực thi quyền căn bản của họ.

Hội CTNLT khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ ôn hòa nơi công cộng phủ nhận hoàn toàn giá trị các bản án theo Điều 88 mà Tòa án tpHCM đã tuyên hôm qua.

Hai bản án nhằm đàn áp người bất đồng chính kiến blogger Nguyễn Ngọc Già, dân oan Ngô Thị Minh Ước, Nguyễn Thị Trí và Nguyễn Thị Bé Hai phải bị hủy bỏ và thả họ vô điều kiện.

HỘI CTNLT: HÃY XÓA BỎ CÁC BẢN ÁN THEO ĐIỀU 88 ĐỐI VỚI BLOGGER VÀ CÁC NHÀ HOẠT ĐỘNG ĐẤT ĐAI

============ 01-04-2016========

Người bảo vệ nhân quyền, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo bị công an và an ninh mặc thường phục ở An Giang tấn công

Vào ngày 01/4/2016, anh Nguyễn Công Thủ, thành viên của Người Bảo vệ Nhân quyền (DTD) đã bị đánh đập dã man bởi hàng chục công an và an ninh mặc thường phục ở tỉnh An Giang.

Khi đang trên đường tới nhà người vợ chưa cưới, anh Thủ đã bị cảnh sát giao thông chặn ở khu vực xã Long Điền A huyện Chợ Mới. Sau đó hàng chục nhân viên mặc thường phục đã quây đánh Thụ một cách dã man. Thủ đã bị ngất đi một lúc rồi tỉnh lại và lên xe máy bỏ chạy về nhà. Những kẻ tấn công tiếp tục đuổi đánh Thụ thêm cho tới tận khi anh lê lết tới nhà mình ở xã Mỹ An.

Thủ nhận ra một người là trưởng công an xã Long Điền A, và một sỹ quan an ninh thuộc công an huyện Chợ Mới.

Trong khi đánh, những kẻ côn đồ đe dọa sẽ đánh chết Thủ nếu anh tiếp tục các hoạt động nhân quyền.

Công an và nhân viên thường phục vẫn bao vây nhà, không cho người nhà đưa Thụ đi chữa trị vết thương.

Công an chỉ rút vào cuối ngày 02/4, là ngày giỗ của Đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ của Phật giáo Hòa Hảo, người bị Việt Minh ám sát năm 1947.

Ngày 01/4, một số tín đồ Phật giáo Hòa Hảo cũng bị đánh khi họ định đi đến chùa Quang Minh tự để dự lễ giỗ của Đức Giáo chủ.

Facebook Nguyễn Công Thủ (Nguyen Huu)

—————

Tuyên bố của Người Bảo vệ Nhân quyền về vụ tấn công thành viên Nguyễn Công Thủ

Ngày 01/4/2016, hàng chục công an và nhân viên mặc thường phục của tỉnh An Giang đã đánh đập dã man Nguyễn Công Thủ, thành viên của Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders- DTD) khi anh đang trên đường tới thăm gia đình của người vợ sắp cưới ở xã Long Điền B, huyện Chợ Mới.

Anh Thủ, một tín đồ Hòa Hảo, đã bị nhiều chấn thương khắp người gây ra bởi sỹ quan công an và mật vụ, mà anh đã nhận ra một người là trưởng công an xã Long Điền B và một sỹ quan an ninh của huyện Chợ Mới. Những kẻ tấn công đe dọa sẽ giết chết anh nếu anh vẫn còn tiếp tục hoạt động nhân quyền.

Sauk hi đuổi đánh anh Thủ đến tận nhà anh ở xã Mỹ An, cảnh sát đã bao vây nhà và không cho người trong gia đình đưa anh đi bệnh viện để điều trị vết thương.

Người Bảo vệ Nhân quyền lên án vụ tấn công bạo lực nhằm vào anh Thủ, coi đây là một vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của chính quyền tỉnh An Giang.

Người Bảo vệ Nhân quyền yêu cẩu Bộ Công an và Công an tỉnh An Giang nghiêm túc điều tra vụ việc và đưa những kẻ tấn công ra trước công lý.

Công an tỉnh Kiên Giang và Công an huyện Chợ Mới phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tình trạng sức khỏe cũng như sự an toàn của anh Thủ và gia đình.

Anh Thủ không phải là thành viên duy nhất của Người Bảo vệ Nhân quyền bị tấn công bởi lực lượng an ninh trong những năm gần đây. Ông Vũ Quốc Ngữ, trưởng nhóm Người Bảo vệ Nhân quyền, cũng đã bị tấn công bởi hai nhân viên mật vụ ở huyện Thanh Trì, Hà Nội vào tháng 3 năm ngoái.

Lực lượng an ninh Việt Nam liên tục sách nhiễu thành viên của Người Bảo vệ Nhân quyền, bao gồm cả ông Phạm Bá Hải, người sáng lập của tổ chức.

Ông Hải và ông Ngữ đều bị nhà cầm quyền Việt Nam cấm xuất cảnh.

Ngày 02/4/2016

Người Bảo vệ Nhân quyền