Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền 11-17/4/2016: Chính quyền Việt Nam tiếp tục gia tăng đàn áp blogger và người hoạt động

Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền | 17-04-2016

tuần tin

Một tuần sau khi quốc hội bầu ra ban lãnh đạo quốc gia, lực lượng an ninh tiếp tục gia tăng đàn áp nhằm vào người hoạt động xã hội và giới blogger, bắt giữ một số người và ngăn cản việc tự do đi lại của một số người khác.

Ngày 17, công an Hà Nội đã ngăn cản một số thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN), bao gồm Chủ tịch Phạm Chí Dũng và hai phó chủ tịch Nguyễn Tường Thụy và Bùi Minh Quốc đến dự một cuộc họp tại một quán café để thảo luận về chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Barack Obama.

Ba ngày trước đó, Cơ quan Cảnh sát Điều tra của Công an Hà Nội đã lên tận Bắc Giang để ép buộc nhà hoạt động Ngô Duy Quyền về thủ đô để phục vụ điều tra về một bức thư chung của khoảng 20 tổ chức xã hội dân sự phản đối tình trạng công an lạm dụng quyền lực gây ra nhiều cái chết của dân, mà anh là người đã gửi cho lãnh đạo Việt Nam qua bưu điện. Đây là lần bắt giữ anh Quyền lần thứ 2 trong vòng ba tháng. Trước đó, ngày 4/2, công an Hà Nội đã bắt giữ anh và khám xét nhà anh để lấy đi nhiều vật dụng cá nhân, bao gồm laptop, điện thoại, sách vở và tiền, dù lực lượng công an tham gia đều không đưa ra lệnh bắt giữ hay khám nhà.

Ngày 13/4, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra báo cáo tình hình nhân quyền Trong phần đề cập đến Việt Nam, bản báo cáo đặc biệt nhấn mạnh đến những vụ đàn áp nặng tay của chính quyền nhắm vào giới bất đồng chính kiến

Theo nhận xét chung của bộ ngoại giao Mỹ, trong lãnh vực nhân quyền, các vấn đề nghiêm trọng nhất tại Việt Nam bao gồm : (1) hạn chế nghiêm ngặt các quyền chính trị của công dân, « đặc biệt là quyền thay đổi chính phủ của họ thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng » ; (2) hạn chế quyền tự do dân sự của người dân, trong đó có quyền tự do hội họp, lập hội, và ngôn luận ; (3) không bảo vệ đúng mức quyền của người dân được xét xử công bằng, bao gồm quyền được bảo vệ chống lại các hành vi giam cầm vô lý.

Và nhiều tin quan trọng khác

 

================Ngày 11/4/2016======================

Gần 1.000 công nhân đình công đòi thành lập công đoàn

RFA: Gần 1.000 công nhân ở Hải Phòng đã đình công hôm 11/4/2016 đòi thành lập công đoàn cơ sở cũng như đòi tăng lương và áp dụng giờ làm việc theo luật lao động.

Cuộc đình công xảy ra ở công ty Bluecom Vina của Hàn Quốc thuộc Khu Công nghiệp Tràng Duệ Hải Phòng. Công ty này chuyên sản xuất loa ti vi, động cơ rung và tai nghe điện thoại.

Theo truyền thông nhà nước, công nhân phản ảnh rằng công ty không thực hiện luật lao động, không qui định cụ thể chế độ và thời gian làm việc và bắt làm luôn cả thứ bảy. Do nhiều lần kiến nghị nhưng viên giám đốc đốc người Hàn Quốc làm ngơ không giải quyết, nên công nhân phản ứng bằng cuộc đình công từ sáng thứ Hai.

Sau buổi làm việc với công đoàn khu kinh tế Hải Phòng, phía công ty Hàn Quốc hứa cho thành lập công đoàn cơ sở vào ngày 15/4 sắp tới; cũng như điều chỉnh giờ làm việc theo qui định pháp luật; công ty hạ tiền chuyên cần hàng tháng nhưng tăng phụ cấp tiền xăng tiền xe.

Tuy vậy công ty không đồng ý chế độ một tháng nghỉ hai ngày thứ bảy, nên gần 1.000 công nhân vẫn tiếp tục đình công.

—————————

Hải Phòng: Nghi vấn kẻ đánh người vi phạm chấn thương sọ não có liên quan với CSGT?

Lao Động: Chiều ngày 9.4, thượng tá Trần Tiến Quang – Trưởng Công an quận Đồ Sơn (Hải Phòng) – cho biết: Hiện công an quận đang tạm giữ Phạm Văn Tiến (SN 1992, trú tại số 19/10 Lương Văn Can, P.Lê Lợi, Q.Ngô Quyền, Hải Phòng) để điều tra về việc hành hung em Phạm Quốc Tú (SN 1996), làm em này gãy hai răng cửa, chấn thương sọ não, hàm mặt.

Vụ việc xảy ra vào lúc 10h15 ngày 9.4 tại khu vực cửa nhà số 1614, đường Phạm Văn Đồng, thuộc địa bàn tổ dân phố Qúy Kim, phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn, Hải Phòng. Người dân cũng đã quay clip rồi tung lên mạng xã hội, gây xôn xao dư luận.

Theo clip ghi được, có 3 thanh niên đuổi đánh hai em học sinh tại dải vườn hoa phân cách trên đường Phạm Văn Đồng nói trên. Một em chạy thoát, người thanh niên đã quay lại, dùng chân đá thẳng vào mặt em học sinh còn lại, khiến em này gục xuống.

Theo chị Vũ Thị P – một người chứng kiến vụ việc kể lại: Lúc đó tôi đang bán hàng thì thấy hai thanh niên dùng mũ bảo hiểm đánh hai em nhỏ hơn. Sau đó, một thanh niên khác chạy lại, đá vào mặt em này khiến em chảy máu đầm đìa ở mồm, mặt, răng bị gãy. Tôi cùng một người khác đến can, đưa em về quán của mình ngồi nghỉ. Lát sau ông của em này đến và em được đưa em đi bệnh viện.

Một số nhân chứng khác chứng kiến vụ việc cho biết, mấy người đánh em học sinh ngồi trên xe ôtô màu đen BKS 15 B1 – 04511. Chiếc xe này đỗ ở khu vực từ sáng 9.4 để bắn tốc độ người đi đường, phục vụ cho đội CSGT số 2 – Phòng CSGT đường bộ Hải Phòng đang thực hiện nhiệm vụ cách đó mấy trăm mét.

Người bị đánh sau đó được xác nhận là em Phạm Quốc Tú (SN 1996, hiện ở phường Ngọc Xuyên, Q.Đồ Sơn, Hải Phòng). Người chở em là Vũ Văn Trịnh, SN 1996 trú tại phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn. Người dùng chân đá thẳng vào mặt em Tú được xác định là Phạm Văn Tiến. Ngay sau khi đánh em Tú trọng thương, người dân tụ tập lại, yêu cầu lập biên bản sự việc, nhưng Tiến vẫn cố thủ trên xe BKS 04511.

Em Tú sau đó được đưa đến Bệnh viện Y học Hải quân để điều trị. Ông Nguyễn Xuân Huệ (trú tại phường Ngọc Xuyên, Đồ Sơn) là ông ngoại của Tú – cho biết: Lúc Tú vừa bị đánh thì ông có việc đi qua khu vực nên đã yêu cầu công an phải đưa em đi cấp cứu, đồng thời đến Công an phường Hợp Đức để trình báo sự việc. Công an cũng đã đến bệnh viện gặp gia đình nói chuyện.

Chiều ngày 9.4, trao đổi với Lao Động, một cán bộ của Đội CSGT số 2, Phòng CSGT Hải Phòng – cho biết: Sáng ngày 9.4, tổ công tác do đồng chí Lê Văn Dũng làm tổ trưởng và ba đồng chí Sơn, Hưng, Tuấn có lịch làm việc tại khu vực chợ Qúy Kim, phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn từ 8–11h để tuần tra kiểm soát và đo tốc độ. Trong đó, đồng chí Sơn mặc thường phục để đo tốc độ. “Tổ công tác có thể được trưng dụng xe bên ngoài để làm nhiệm vụ, nhưng phải báo cáo lãnh đạo đội. Việc chiếc xe ôtô này có được trưng dụng không thì tôi không biết. Còn người ngồi trong xe (tức Phạm Văn Tiến – PV) không phải là người của đội” – vị cán bộ này cho biết.

Còn theo một nguồn tin của Lao Động cho biết, chiếc xe ôtô màu đen BKS 15A-04511 thường được thuê dùng để bắn tốc độ người tham gia giao thông.

Theo thông báo của công an Hải Phòng: Khoảng 10h15′ ngày 9.4, em Vũ Văn Trịnh điều khiển xe môtô BKS 15B1-74963 người ngồi sau là Phạm Văn Tú đi từ ngã ba Quý Kim, Hợp Đức, Đồ Sơn về hướng trung tâm quận Đồ Sơn. Khi đi đến trước cửa số nhà 1614, Trịnh điều khiển xe quay lại, đi ngược chiều của đường một chiều hướng Hải Phòng – Đồ Sơn, va quệt vào gương chiếu hậu bên trái xe ôtô BKS 15A – 045.11. Sau đó xảy ra xô xát giữa Trịnh, Tú và nhóm bạn của Phạm Văn Tiến – làm nghề lao động tự do. Hậu quả, Tú bị gãy 2 răng cửa hàm trên và được cấp cứu tại Viện y học Hải quân.

—————————————————–

Cô gái bị nhổ nước bọt chấp nhận lời xin lỗi và tha thứ cho trung úy cảnh sát Hà Nội

Tối ngày 11/4. tại trụ sở Công an phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội, trung úy cảnh sát Nguyễn Văn Bắc (29 tuổi) đã xin lỗi chị Trần Tú Anh trước những hành động, cử chỉ chưa đúng của mình. Chị Tú Anh, người tố cáo trung úy Bắc nhổ nước bọt vào mình đã chấp nhận lời xin lỗi này.

Trước đó, vào sáng ngày 8/4, chị Tú Anh đăng tải đoạn clip dài 3 phút ghi lại cuộc cãi vã của hai người phụ nữ và người đàn ông mặc sắc phục công an.

Theo nội dung clip, khoảng 12h đêm ngày 7/4, một người đàn ông được cho là cán bộ Công an phường Trung Liệt, quận Đống Đa, đến nhà dân yêu cầu kiểm tra hành chính.

Vì chủ nhà không mở cửa do không có giấy khám nhà nên người đàn ông mặc quần áo công an nói kiểm tra tạm trú vì nghi vấn có đối tượng truy nã.

Sau khi người phụ nữ lớn tiếng, người đàn ông được cho là công an nói: “Mày bé cái mồm thôi con kia” và nhổ nước bọt vào chủ nhà.

Theo tố cáo của chị Tú Anh, công an Hà Nội đã xác định được người cán bộ công an trong video clip là Nguyễn Văn Bắc. Tuy nhiên, công an quận Đống Đa ban đầu từ chối việc nhổ nước bọt, nói rằng video clip có thể bị cắt dán.

Công an quận cũng tạm thời đình chỉ công tác của Nguyễn Văn Bắc.

 

============== Ngày 12/4==============

Thư Hội đồng Liên tôn Việt Nam gửi Đại sứ Lưu động của Hoa Kỳ David Saperstein

Việt Nam, ngày 12 tháng 04 năm 2016

Hội đồng Liên tôn Việt Nam

Nhận định về cuộc trả lời phỏng vấn của Đại sứ Lưu động của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo, ông David Saperstein trên đài RFA ngày 05-04-2016

Kính gởi

– Ông David Saperstein, Đại sứ lưu động về tự do tôn giáo của Hoa Kỳ.

Đồng kính gởi

– Ông Heiner Bielefeldt, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng,

– Các chức sắc và tín đồ mọi tôn giáo tại Việt Nam,

– Các chính phủ dân chủ và các Cơ quan Nhân quyền quốc tế.

Kính thư Ông Đại sứ

Ông vừa kết thúc chuyến thăm Thái Lan và Việt Nam từ ngày 24 đến 31 tháng 3 năm 2016. Trong chuyến đi này Ông đã gặp và nói chuyện với nhiều người tị nạn Việt Nam tại Thái Lan, nhiều quan chức chính phủ Việt Nam và một số lãnh đạo tôn giáo tại Việt Nam.

Chúng tôi, 25 chức sắc thuộc 5 tôn giáo lớn tại VN và đang quy tụ với nhau trong Hội đồng Liên tôn Việt Nam, một tổ chức xã hội dân sự tranh đấu cho tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền, đã không có hân hạnh gặp Ông lần này. Tuy nhiên, chúng tôi có đọc được bài trả lời phỏng vấn của Ông trên đài phát thanh Á châu Tự do ngày 05-04-2016, trong đó ông đã đề cập đến tình hình tôn giáo tại Việt Nam dưới hai khía cạnh: khía cạnh lý thuyết là dự Luật tôn giáo mà nhà cầm quyền sắp ban hành; khía cạnh thực tế là những cách hành xử của nhà cầm quyền đối với các cộng đồng tôn giáo được công nhận và không được công nhận. Từ đó, chúng tôi xin có những nhận định như sau:

1- Trước hết, chúng tôi xin phép tái khẳng định với Ông (mà chắc Ông đã biết) rằng Việt Nam đang sống dưới chế độ cộng sản vô thần, độc tài và toàn trị. Vì vô thần, chế độ này chẳng hề thiện cảm với tôn giáo, nếu không muốn nói là luôn coi tôn giáo như kẻ thù; vì độc tài, chế độ này luôn muốn quyền lực và luật lệ của đảng cộng sản đứng trên quyền lực và luật lệ của tôn giáo (dù đối với cả lương tâm); vì toàn trị, chế độ này luôn muốn kiểm soát các cộng đồng tôn giáo, biến họ hoặc thành công cụ phục vụ chế độ, hoặc thành những định chế đã đánh mất bản chất, hoặc thành những tập thể câm lặng trước sai lầm và tội ác của nhà cầm quyền.

Trong cụ thể, các Giáo hội tại VN đều bị nhà nước khống chế, lũng đoạn và xâm nhập. Nhà nước chưa bao giờ cho các tôn giáo có quy chế pháp nhân. Điều đó đồng nghĩa với việc họ không xác nhận tổ chức tôn giáo có quyền “tồn tại hợp pháp trước pháp luật Việt Nam” và sự vô thừa nhận này gây ra muôn vàn khó khăn cho chúng tôi về mặt luật pháp và giao dịch dân sự. Thứ đến, muốn xuất hiện và muốn sinh hoạt, các tôn giáo phải làm đơn xin phép cùng tuân thủ rất nhiều điều kiện khắt khe, rồi phải ngóng chờ sự cho phép đầy tùy tiện của nhà cầm quyền, mục đích là để nhà nước nắm chặt các tôn giáo. Cuối cùng, vì muốn lũng đoạn các tôn giáo, nhà cầm quyền đã và đang thành lập các giáo hội do họ điều khiển, như Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Chưởng quản Cao Đài, Ban Trị sự Trung ương Phật giáo Hòa Hảo, Ủy ban Đoàn kết Công giáo và một số hệ phái Tin Lành. Đây là đòn chia rẽ tôn giáo, đồng thời là trò lừa gạt quốc tế về tình hình tôn giáo tại Việt Nam. Các chức sắc tôn giáo mà ông đã được nhà cầm quyền tạo điều kiện cho gặp dễ dàng hẳn là nằm trong các Giáo hội này.

2- Ông cho rằng các giới chức Việt Nam “nói về những tiến triển của luật mới. Các bạn có thể thấy những tiến bộ trong luật mới qua các bản thảo của luật… dự thảo của luật mới đã mở rộng hơn về tự do… Từng bước một luật mới được làm theo cách mà cộng đồng tôn giáo đề nghị và đây là dấu hiệu khích lệ… (Các giới chức VN) thừa nhận rằng luật có những giới hạn lên người dân nhưng họ lập luận rằng nó cần thiết vì lý do an ninh và trật tự xã hội…”.

Hẳn ông đã biết rằng vào năm 2015, khi nhà cầm quyền VN đưa ra dự thảo Luật tín ngưỡng tôn giáo (thay thế cho Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo 2004) để lấy ý kiến các cộng đồng tôn giáo được họ công nhận, dự luật này đã bị tất cả phản đối và đòi phải viết lại hay phải hủy bỏ (như Hội đồng Liên tôn chúng tôi chẳng hạn), vì nó siết chặt hơn Pháp lệnh 2004, nó củng cố cơ chế “xin-cho” để gia tăng sự lệ thuộc của các tôn giáo, nó đi ngược với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các quyền chính trị và dân sự, thậm chí với cả Hiến pháp Việt Nam. Cho đến nay, mỗi bản dự thảo mới đều chỉ có những thay đổi vặt vãnh, phụ tùy chứ không hề có những cải tiến đích thực theo đề nghị của các tôn giáo. Đối với một nhà nước độc tài toàn trị thì chẳng bao giờ có thiện chí chân thành muốn nới lỏng tự do cho nhân dân! Còn “lý do an ninh và trật tự xã hội” là những lý do rất mơ hồ, luôn được nhà cầm quyền sử dụng để hạn chế tự do tôn giáo lẫn các tự do chính trị và dân sự khác. Dưới đây, chúng tôi sẽ đưa ra những bằng chứng về chính sách đàn áp các Giáo hội dựa trên Luật tôn giáo của nhà cầm quyền.

3- Ông cho rằng: “Ở những thành phố lớn và nhiều nơi khác ở Việt Nam, có một sự đồng ý khá phổ biến là đã có những cải thiện liên tục, ví dụ như có thêm các nhóm đạo và thờ phượng tại nhà được đăng ký, có thêm các nhóm tôn giáo chưa được đăng ký nhưng vẫn hoạt động mà vẫn được an toàn hơn trước”.

Việc đăng ký của các tôn giáo tại Việt Nam chẳng phải là một kiểu khai báo đơn giản theo thủ tục hành chánh, nhưng là một hình thức xin phép nhà cầm quyền với những điều kiện đầy ràng buộc, trong đó có việc không được phản đối thể chế chính trị hiện thời, không được phê phán các chủ trương, chính sách và hành vi của nhà nước (dù đó là sai lầm và tội ác), phải để nhà cầm quyền kiểm soát Giáo hội từ việc tổ chức nhân sự đến việc tổ chức các sinh hoạt. Những nhóm tôn giáo đã được đăng ký dễ dàng và hoạt động an toàn đều đã phải chấp nhận các điều kiện trên.

Ngoài ra, dù đã đăng ký và được phép sinh hoạt, các tôn giáo và tổ chức trong tôn giáo vẫn không được nhà nước cấp cho quy chế pháp nhân, như đã nói trên kia. Đó là chưa kể trong thực tế, có rất nhiều Giáo hội chẳng những không được cho đăng ký mà còn bị đặt ra ngoài vòng pháp luật và bị bách hại triền miên. Sau đây là một vài bằng chứng đàn áp tôn giáo mới nhất:

– Hội thánh Cao Đài gần đây đã bị nhà cầm quyền ủi sập Thánh thất Tuy An ở tỉnh Phú Yên, hỗ trợ cho Cao Đài quốc doanh cưỡng chiếm Thánh thất Cẩm Phả ở tỉnh Quảng Ninh, Thánh thất Phường Cao Sanh ở thành phố Hạ Long. Tín đồ ở Tuy An tổ chức lễ kỷ niệm tròn một năm Thánh thất bị ủi sập thì bị công an đe dọa, ngăn cản. Chánh trị sự Hứa Phi đi tham dự Hội nghị tự do tôn giáo tại Thái Lan thì đã bị an ninh sân bay Tân Sơn Nhất tịch thu hộ chiếu đến nay chưa trả.

– Về Giáo hội Công giáo Việt Nam, nhà cầm quyền Thừa Thiên-Huế đang muốn cướp lấy đất đai của đan viện Thiên An. Gần đây, nhà cầm quyền tỉnh Quảng Bình lại đem công an đến đàn áp giáo xứ Hướng Phương thuộc Giáo phận Vinh. Đầu năm nay, công an côn đồ đã chặn đường hành hung linh mục Antôn Đặng Hữu Nam quản xứ Phú Yên, giáo hạt Thuận Nghĩa, giáo phận Vinh.

– Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy đã bị bách hại trong nhiều thập niên qua, trên 20 chức sắc PGHH đã bị cầm tù, 2 chức sắc đã tự thiêu và gần đây nhất, trong ngày kỷ niệm 69 năm Đức Huỳnh Giáo Chủ thọ nạn, nhà cầm quyền CS đã dùng mọi thủ đoạn hăm dọa, trấn áp, bắt bớ để Giáo hội PGHH Thuần túy không thể tổ chức lễ này.

– Về Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tịnh thất Đạt Quang và chùa Phước Bửu của Thượng tọa Thích Vĩnh Phước ở Bà Rịa Vũng Tàu thường bị công an đàn áp, sách nhiễu. Thượng tọa Thích Thiên Phúc (chùa An Cư ở Đà Nẵng) đi đâu cũng gặp khó khăn, ngăn trở. Chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm, quận 2 Sài Gòn của Hòa thượng Thích Không Tánh bị công an thường trực canh gác, theo dõi ngày đêm và bị đe dọa cưỡng chế, giải tỏa sau tháng 5 hoặc cuối năm 2016.

– Giáo hội Tin Lành Liên hữu Lutheran Việt Nam-Hoa Kỳ thì từ trước đến giờ vẫn bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Mục sư Hội trưởng Nguyễn Công Chính đang bị án tù 11 năm và gia đình của Mục sư thường xuyên bị sách nhiễu, hăm dọa. Giáo hội Tin Lành Mennonite của Mục sư Nguyễn Hồng Quang thì suốt năm 2015 đã nhiều lần bị bách hại, đánh người, phá cơ sở một cách tàn độc.

Về hoạt động của các tôn giáo, chúng tôi xin thưa rằng (a) Mọi tôn giáo không được độc lập trong việc tổ chức nội bộ. Nhà cầm quyền tìm cách kiểm soát và ảnh hưởng lên việc chiêu sinh, huấn luyện, tấn phong, bổ nhiệm và thuyên chuyển hàng ngũ chức sắc lãnh đạo. (b) Mọi tôn giáo không được tự do trong sinh hoạt phụng thờ. Các sinh hoạt này chỉ được thực hiện trong những nơi thờ tự đã được nhà nước công nhận. Các lễ nghi hay lễ hội lớn đều phải xin phép nhà cầm quyền. Bằng không sẽ bị cấm cản và dẹp bỏ. Chúng tôi vừa nêu trên đây vài ví dụ về việc này.

4- Ông cho rằng: “Lần đầu tiên những người thực hành tín ngưỡng tôn giáo tại nhà được thực hiện các dịch vụ xã hội. Chúng tôi thấy có những chương trình cai nghiện cho người nghiện được điều hành bởi các nhóm đạo chưa đăng ký”.

Kính thưa ông, những hoạt động xã hội trên đây là hết sức phụ tùy, không đáng kể. Ngay cả các Giáo hội lớn cho tới nay vẫn bị nhà cầm quyền không cho thực hiện những quyền tự do tôn giáo quan trọng có liên quan đến nhân quần xã hội sau đây:

– Mọi tôn giáo không được truyền bá giáo lý bên ngoài các cơ sở của mình, ra xã hội, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, trên mạng thông tin toàn cầu. Chúng tôi không được có báo in, nhà xuất bản, đài phát thanh, đài truyền hình riêng.

– Mọi tôn giáo không được góp phần giáo dục giới trẻ qua hệ thống giáo dục từ tiểu học đến đại học. Hiện thời, các giáo hội chỉ được mở trường mẫu giáo nhưng vẫn dưới sự kiểm soát đủ mặt của chế độ. Có được mở học viện thì cũng bị nhà nước kiểm soát từ nhân sự đến chương trình.

– Mọi tôn giáo không được có tín đồ giữ các chức vụ cao trong bộ máy cai trị (quốc hội và chính quyền, nếu có vài đại biểu tôn giáo trong quốc hội thì chỉ để làm cảnh); trong hàng ngũ công an, quân đội cũng như trong hệ thống giáo dục độc quyền của đảng CS.

– Mọi tôn giáo đều bị nhà cầm quyền CS ngay từ 1954, tước đoạt vô số tài sản vật chất (điện thờ, trường học, nhà in, ruộng đất, cơ sở xã hội và tài khoản ngân hàng…) mà không bao giờ trả lại. Hiện nay, các giáo hội đều không được sở hữu đất đai, và không dễ dàng mở rộng cơ sở để vừa sinh hoạt nội bộ, vừa phục vụ xã hội.

Kết luận:

Nói tóm lại, ông cho rằng mình “có một cảm giác là tình hình đang dịch chuyển theo đúng hướng” và ông “hy vọng là những gì đang diễn ra đúng hướng sẽ cũng xảy ra đối với cộng đồng thiểu số”. Sự “đúng hướng” của Ông phải chăng là hướng đến việc tôn trọng các nhân quyền và dân quyền mà “sự cởi mở của họ (giới chức VN) trong đối thoại nhân quyền hai nước vào năm ngoái” đã gây cho ông ấn tượng là sẽ thực hiện?

Những bằng chứng mà chúng tôi vừa nêu trên kia cho thấy quyền tự do tôn giáo đã được thực hiện tại VN hay chưa! Về điều này, chúng tôi có sự hỗ trợ từ bản Báo cáo tại Genève, Thụy Sĩ ngày 10-03-2015 của Tiến sĩ Heiner Bielefeldt, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, người đã đến thăm Việt Nam từ ngày 21 đến 31 tháng 7 năm 2014.

Chúng tôi cũng có thêm bằng chứng mới về não trạng độc tài toàn trị của nhà cầm quyền Cộng sản VN. Đó là Luật mới về báo chí vừa ban hành (05-04-2016) tiếp tục không cho tư nhân ra báo, nghĩa là chỉ có đảng Cộng sản là nguồn sự thật duy nhất; và nhiều biện pháp lưu manh thô bỉ đang được thực hiện khắp cả Việt Nam nhằm loại các ứng viên tự do khỏi cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 5, để Quốc hội này sẽ hoàn toàn gồm người của đảng Cộng sản.

Làm tại Việt Nam ngày 12 tháng 04 năm 2016

Các chức sắc trong Hội đồng Liên tôn VN đồng ký tên.

Cao Đài:

– Chánh trị sự Hứa Phi (điện thoại: 0163.3273.240)

– Chánh trị sự Nguyễn Kim Lân (điện thoại: 0988.971.117)

– Chánh trị sự Nguyễn Bạch Phụng (điện thoại: 0988.477.719)

Công Giáo:

– Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi (điện thoại: 0984.236.371)

– Linh mục Giu-se Đinh Hữu Thoại (điện thoại: 0935.569.205)

– Linh mục An-tôn Lê Ngọc Thanh (điện thoại: 0993.598.820)

– Linh mục Phao-lô Lê Xuân Lộc (điện thoại: 0122.596.9335)

– Linh mục Giu-se Nguyễn Công Bình (điện thoại: 01692498463)

Phật Giáo:

– Hòa thượng Thích Không Tánh (điện thoại: 0165.6789.881)

– Thượng tọa Thích Viên Hỷ (điện thoại: 0937.777.312)

– Thượng tọa Thích Đồng Minh (điện thoại: 0933.738.591)

Phật Giáo Hoà Hảo:

– Ông Nguyễn Văn Điền (điện thoại: 0122.870.7160)

– Ông Lê Quang Hiển (điện thoại: 0167.292.1234)

– Ông Lê Văn Sóc (điện thoại: 096.4199.039)

– Ông Phan Tấn Hòa (điện thoại: 0162.6301.082)

– Ông Tống Văn Chính (điện thoại: 0163.574.5430)

– Ông Bùi Văn Luốc (điện thoại: 0169.612.9094)

– Ông Hà Văn Duy Hồ (điện thoại 012.33.77.29.29).

– Ông Trần Văn Quang (điện thoại 0169.303.22.77)

Tin Lành:

– Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa (điện thoại: 0121.9460.045)

– Mục sư Đinh Uỷ (điện thoại: 0163.5847.464)

– Mục sư Đinh Thanh Trường (điện thoại: 0120.2352.348)

– Mục sư Nguyễn Trung Tôn (điện thoại: 0162.838.7716)

– Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng (điện thoại: 0906.342.908)

– Mục sư Lê Quang Du (điện thoại: 0121.2002.001)

============= Ngày 13/4===========

Bộ Ngoại Giao Mỹ lại tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền

Vào hôm qua, 13/04/2016, bộ Ngoại Giao Mỹ đã công bố bản báo cáo thường niên về tình trạng nhân quyền trên thế giới năm 2015. Trong phần đề cập đến Việt Nam, bản báo cáo đặc biệt nhấn mạnh đến những vụ đàn áp nặng tay của chính quyền nhắm vào giới bất đồng chính kiến

Theo nhận xét chung của bộ ngoại giao Mỹ, trong lãnh vực nhân quyền, các vấn đề nghiêm trọng nhất tại Việt Nam bao gồm : (1) hạn chế nghiêm ngặt các quyền chính trị của công dân, « đặc biệt là quyền thay đổi chính phủ của họ thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng » ; (2) hạn chế quyền tự do dân sự của người dân, trong đó có quyền tự do hội họp, lập hội, và ngôn luận ; (3) không bảo vệ đúng mức quyền của người dân được xét xử công bằng, bao gồm quyền được bảo vệ chống lại các hành vi giam cầm vô lý.

Báo cáo Nhân Quyền 2015 của bộ Ngoại Giao Mỹ cũng nêu bật các vụ đàn áp giới bất đồng chính kiến, kiểm soát chặt chẽ mạng Internet và báo chí, và duy trì tình trạng « giám sát thường là nặng tay đối với giới hoạt động (nhân quyền) ».

Bản báo cáo cũng nêu lên tình trạng chính quyền Việt Nam tiếp tục kiểm soát gắt gao việc đăng ký các tổ chức phi chính phủ, trong đó có các tổ chức nhân quyền, hạn chế các chuyến viếng thăm của các tổ chức nhân quyền quốc tế không chấp nhận quyền giám sát của chính phủ.

Điểm tích cực hiếm hoi được bộ Ngoại Giao Mỹ nêu lên trong phần tóm lược chương về Việt Nam là « chính quyền đôi khi cũng có hành động sửa sai, bao gồm cả việc truy tố, nhắm vào những giới chức vi phạm luật pháp».

Toàn văn báo cáo thường niên Country Reports on Human Rights Practices for 2015

————————————–

Chính quyền Myanmar, Việt Nam, Campuchia ngược đãi dân chúng: Báo cáo thường niên Hoa Kỳ

RFA- Defend the Defenders: Việc đối xử khắc nghiệt đối với dân tộc thiểu số Rohingya của Myanmar vẫn tiếp tục trong năm cuối cùng của chế độ mang danh nghĩa dân sự nhưng được quân đội hậu thuẫn, trong khi quân đội chính phủ đã ngược đãi dân thường ở vùng xung đột, Bộ Ngoại giao Mỹ nói hôm thứ Tư trong một báo cáo thường niên về thực hành quyền con người trên toàn thế giới.

Báo cáo nhân quyền năm 2015 cũng lưu ý rằng chính quyền ở Việt Nam sử dụng các vụ bắt giữ và xét xử mang động cơ chính trị của các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền năm ngoái để đàn áp tự do ngôn luận trên mạng và các quyền hội họp, lập hội và quyền đi lại.

Trong khi đó ở Campuchia, côn đồ được bảo kê của chính phủ đã tấn công nhiều thành viên của các đảng chính trị đối lập, báo cáo cho biết, và thêm rằng đảng cầm quyền của Campuchia thường xuyên sử dụng “hệ thống tư pháp bị chính trị hóa và không có hiệu quả” để kết án các nhà hoạt động và những người chỉ trích chính phủ, với những án tù nhiều năm.

Nhóm thiểu số Hồi giáo Rohingya ở Myanmar bị “phân biệt đối xử nghiêm trọng trong các lĩnh vực pháp luật, kinh tế và xã hội ” trong năm 2015, và chính phủ hạn chế quyền tiếp cận giáo dục đại học, chăm sóc sức khỏe, và các dịch vụ cơ bản khác, Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong báo cáo của mình.

“Chính phủ yêu cầu họ phải nhận được sự chấp thuận trước cho việc đi lại bên ngoài ngôi làng của họ. . . và cấm họ làm việc như công chức, kể cả như bác sĩ, y tá, hay giáo viên “, báo cáo cho biết.

Tước quyền bầu cử

Đảng cầm quyền Liên minh Đoàn kết và Phát triển Đảng (USDP) tước quyền bầu cử của nhiều người Rohingya, những người đã tham gia nhiều cuộc bầu cử trước đó, và ngăn chặn “gần như tất cả người Rohingya và nhiều người Hồi giáo khác” ứng cử vào cuộc bầu cử toàn quốc lần thứ 8, Bộ Ngoại giao cho biết.

Trong cuộc bầu cử đó mang lại chiến thắng vang dội cho Liên mình vì Dân chủ (NLD) của biểu tượng dân chủ Aung San Suu Kyi, nuôi hy vọng cho một sự thay đổi trong chính sách đàn áp của chính phủ ở Myanmar trong những năm tới.

Trong khi đó, hơn 130.000 người Rohingya vẫn đang mòn mỏi trong trại tị nạn ở Myanmar sau cuộc đụng độ bạo lực với nhóm theo đạo Phật đa số tại bang Rakhine nằm ở phía tây bắc của đất nước trong những năm gần đây, báo cáo cho biết.

Trong khi đó, quân đội chính phủ Myanmar được cho là đã tiến hành bắt cóc, tra tấn và giết hại dân thường ở các khu vực xung đột trong cuộc đụng độ với các lực lượng ly khai dân tộc trong năm 2015, Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

“Thường dân cũng bị giết bởi bạo lực của lực lượng quân đội”, báo cáo cho biết.

Tăng cường giám sát

Ở Việt Nam, chính phủ hạn chế nghiêm trọng các quyền chính trị của công dân, “đặc biệt là quyền thay đổi chính phủ của họ thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng”, Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

Chính phủ cũng bị đàn áp bất đồng chính kiến, kiểm soát chặt chẽ mạng Internet và báo chí, và duy trì “giám sát chặt chẽ các nhà hoạt động”, báo cáo nói.

“Các nhà hoạt động chính trị và tôn giáo và gia đình họ bị quấy rối bởi lực lượng công an và mật vụ, từ hăm dọa và xúc phạm tới đàn áp mạnh tay hơn, chẳng hạn như cảnh sát mặc thường phục tấn công bằng cách ném đá vào nhà của họ”

Nhiều cuộc tấn công của cảnh sát đối với nhiều nhà hoạt động và thành viên gia đình của họ nhiều khi gây ra chấn thương nghiêm trọng và người bị tấn công phải nhập viện “, Bộ Ngoại giao nói, lưu ý thêm rằng có ít nhất 14 trường hợp bị chết trong đồn cảnh sát trong năm.

Các vụ xét xử không công bằng

Tại Campuchia, một tòa án ở thủ đô Phnom Penh đã xét xử 55 người “một cách không công bằng và vì những lý do chủ yếu là chính trị”, dẫn đến kết tội theo một loạt các tội danh từ dàn dựng một cuộc khởi nghĩa vũ trang tới ngăn chặn giao thông, Bộ Ngoại giao cho biết, trích dẫn báo cáo của một tổ chức phi chính phủ (NGO) giấu tên.

“Tính đến ngày 20 tháng 11, NGO này ước tính chính quyền bắt giữ ít nhất 15 tù nhân chính trị”, Bộ Ngoại giao cho biết.

11 nhà hoạt động về quyền đất đai nhận được đặc xá của hoàng gia vào tháng Tư và được giải thoát khỏi nhà tù, Bộ Ngoại giao nói thêm.

Bạo lực đối với một số nhân vật đối lập chính trị và việc bắt giữ những người khác về tội danh ngụy tạo tiếp tục trong suốt cả năm, bao gồm Thượng nghị sĩ Hong Sok Hour bị bỏ tù vì cho đăng trực tuyến một “hiệp ước biên giới giả 1979” giữa Campuchia và nước láng giềng Việt Nam.

“Nhiều nhà quan sát giải thích những hành động đó nhằm gây sức ép với đảng Cứu quốc Campuchia không cho đảng này chỉ trích chính phủ vì thất bại trong việc phân định biên giới đúng với Việt Nam”, báo cáo cho biết.

————————————-

Nhà hoạt động Ngô Duy Quyền bị Công an Hà Nội tạm giữ

Vào lúc hơn 8 giờ sáng ngày 13/4, công an Hà Nội, dẫn đầu là Trung tá Ngô Quang Du cùng vài công an địa phương đã về tận nhà bố mẹ của anh Ngô Duye Quyền ở Hiệp Hoà, Bắc Giang đọc quyết định dẫn giải và áp giải anh về Hà Nội ‘làm việc’.

Khi công an đến nhà, họ gặp anh ở ngoài cổng khi anh định chở gà vịt đi bán. Công an đã chặn anh lại và yêu cầu anh lên xe về Hà Nội để điều tra về vụ anh gửi qua bưu điện một bức thư của nhiều tổ chức xã hội dân sự gửi Bộ trưởng Công an yêu cầu điều tra tình trạng lạm dụng quyền lực gây ra nhiều cái chết của người bị tạm giam ở đồn công an gần đây.

Tại trụ sở cơ quan An ninh điều tra thành phố Hà Nội – 89 Trần Hưng Đạo, anh Quyền, một nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền, đã bị tra hỏi về bức thư, rằng ai là người khởi xướng và chắp bút cho bức thư đó.

Anh Quyền, chồng của cựu tù nhân lương tâm Lê Thị Công Nhân, đã từ chối trả lời, vì anh cho rằng công an đã đưa anh đến đồn công an một cách bất hợp pháp.

Trước đó nhiều lần công an Hà Nội đã đưa giấy triệu tập yêu cầu anh Quyền đến cơ quan công an để điều tra về vụ thư ngỏ, tuy nhiên anh Quyền từ chối vì cho rằng giấy triệu tập không hợp pháp, không nêu rõ vai trò của anh trong quá trình điều tra về vụ thư ngỏ.

Trả lời phỏng vấn của đài Châu Á tự do sau khi được trả tự do vào buổi chiều cùng ngày, anh Quyền cho biết 19 tổ chức xã hội dân sự đã cùng viết một lá thư gửi Đại tướng Trần Đại Quang, khi đó là bộ trưởng công an, yêu cầu ông này điều tra tình trạng lạm dụng quyền lực của lực lượng công an mà hậu quả là nhiều người bị chết trong đồn công an và nhiều người hoạt động xã hội như Nguyễn Chí Tuyến, Đinh Quang Tuyến và Trịnh Anh Tuấn bị lực lượng mật vụ đánh đập gây thương tích nghiêm trọng. Thấy nội dung lá thư phù hợp với lương tâm và hiểu biết của mình nên anh Quyền in ra và gửi theo đường bưu điện. Vì lý do này mà công an Hà Nội liên tục gửi 7 giấy triệu tập và hai lần cưỡng bức anh đến cơ quan công an.

“Tôi nghĩ công dân gửi thư cho ông bộ trưởng là việc hoàn toàn rất bình thường; còn nếu có (không bình thường) thì chỉ ở lĩnh vực hành chính thôi. Ít ra thư gửi cho cơ quan Nhà nước thì các ông phải có hồi đáp chứ. Nói tóm lại nếu như ông ta bận quá thì ủy quyền cho trợ lý hay người nào đó… Việc xác định có phải tôi gửi thư cho ông bộ trưởng hay không thì việc đó quá đơn giản. Còn việc tôi gửi thư cho ông bộ trưởng mà công an lại triệu tập tôi với lý do rất mơ hồ, chung chung. Tôi yêu cầu ghi rõ, cụ thể thì họ không đáp ứng. Tôi bất tuân thì họ bắt bớ, chặn đường, làm đủ trò rồi đến nhà lục soát lấy đồ đi, khủng bố gia đình.”

Anh Quyền cũng là một thành viên của Hội Bầu bí Tương thân chuyên hỗ trợ tinh thần và tài chính cho gia đình cựu tù nhân lương tâm và những người bị chính quyền cộng sản sách nhiễu.

Theo anh Quyền thì quyền lập hội, tự do ngôn luận… là quyền căn bản của công dân và hệ thống luật pháp của Việt Nam còn có nhiều điều, qui định xâm phạm quyền của người dân. Chính quyền Việt Nam luôn vin vào luật pháp của họ như vậy mặc dù Việt Nam đã trở thành thành viên của Liên hiệp quốc và cam kết thực thi những qui định chung ví dụ như những công ước về quyền con người- Công ước về các quyền dân sự và chính trị… Khi những qui định của luật pháp trong nước mà trái với những qui định các công ước mà Việt Nam đã tham gia ký kết thì buộc Việt Nam phải thực hiện các cam kết quốc tế: các hiệp định, các công ước mà Việt Nam tham gia ký kết. Nếu các luật pháp của Việt Nam chưa tiến kịp thì phải ưu tiên áp dụng các công ước quốc tế.

Thế nhưng ở đây tôi thấy họ luôn vin vào luật pháp Việt Nam; họ ký công ước, ký cam kết rồi nhưng không thực hiện. Họ nói nhân quyền mỗi nơi một khác, anh cho biết thêm.

Nhà hoạt động Ngô Duy Quyền trả lời RFA ngay sau khi rời đồn công an

————————————

Dũng Phi Hổ, thanh niên biểu tình mặc quân phục VNCH được tự do

SBTN: Vào lúc 8 giờ 55 phút sáng 13 tháng 4 năm 2016, thanh niên yêu nước Nguyễn Viết Dũng (tức Dũng Phi Hổ) đã được tự do, sau 12 tháng tù giam tại trại giam số 2, Hà Nội.

Dũng bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt giam với cáo buộc tội danh “gây rối trật tự công cộng”, khi anh tham gia tuàn hành bảo vệ cây xanh Hà Nội. Sau khi được tự do, Nguyễn Viết Dũng bước ra khỏi nhà tù với chiếc áo có gắn lá cờ vàng ba sọc đỏ ngay ngực trái và trên tay trái có săm dòng chữ “Sát Cộng”, “Governments should be afraid of their people” và “We can not trust freedom”.

Bố của Dũng cho phóng viên SBTN biết: “Sức khỏe của Dũng tạm ổn và tinh thần vẫn luôn kiên vững. Dũng cho biết là trong quá trình tạm giam thì Dũng luôn được các tù nhân, cán bộ quản giáo yêu mến và nể phục, dù luôn bị chuyển phòng giam liên tục.”

Khi được hỏi lý do vì sao Nguyễn Viết Dũng bị bắt ngày 12/4/2015 nhưng lại được thả tự do ngày 13/4/2016 thì bố Dũng cho biết: “Dũng bị công an quận Hoàn Kiếm bắt ngày 12/4 nhưng sau đó một ngày tức 13/4/2015 mới có lệnh tạm giam. Trong mọi giấy tờ liên quan thì tất cả đều ghi là Nguyễn Viết Dũng bị bắt ngày 13/4/2015.”

Xin được nhắc lại, vào ngày 12/4/2015, Nguyễn Viết Dũng cùng với khoảng 200 người dân cùng tham gia tuần hành bảo vệ cây xanh Hà Nội tại khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm. Sau khi kết thúc buổi tuần hành, Nguyễn Viết Dũng và 5 bạn trẻ khác bị công an quận Hoàn Kiếm bắt giữ khi đang ngồi uống nước ngay quán café. 5 bạn trẻ được thả tự do, còn riêng Nguyễn Viết Dũng bị bắt giam và bị truy tố với cáo buộc tội danh “gây rối trật tự công cộng” theo điều 245, bộ Luật hình sự. Khi tham gia tuần hành, Nguyễn Viết Dũng và 5 bạn trẻ đã mặc đồ rằn ri, trên áo có gắn huy hiệu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, và có in dòng chữ “Chính phủ phải sợ người dân; Người dân không sợ chính phủ” rồi tham gia tuần hành cùng với mọi người.

Trước đó, vào ngày 02/4/2015, Nguyễn Viết Dũng cũng đã thành lập Đảng Cộng Hòa và Hội những người yêu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

Khi còn là học sinh trường Trung học Phổ thông Bắc Yên Thành thuộc tỉnh Nghệ An, Nguyễn Viết Dũng từng tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm 2003 – 2004 và đạt giải nhất cuộc thi tháng. Sau đó, Nguyễn Viết Dũng xuất sắc giành thủ khoa ngành Công nghệ thông tin, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, nhưng bị đuổi học vào cuối năm 2006 do “tham gia biểu tình chống Trung Cộng”.

Đọc thêm: Nguyễn Viết Dũng: Bộ quân phục VNCH đã đẩy tôi vào tù

============= Ngày 14/4================

Phu nhân Mục sư Nguyễn Công Chính bị công an hành hung ngay tại trụ sở

SBTB: Sáng ngày 14 tháng 4 năm 2016, cô Trần Thị Hồng, vợ của Mục sư Tin lành Nguyễn Công Chính, bị công an thành phố Pleiku, Gia Lai bị đánh đập ngay tại trụ sở công an phường Hoa Lư khi cô được mời lên làm việc.

Cô Trần Thị Hồng cho phóng viên SBTN biết: “Khoảng 8 giờ 30 phút sáng, khi tôi vừa ra khỏi nhà để đưa con đi học thì có mấy người cán bộ địa phương đến yêu cầu tôi lên phương để làm việc. Tuy nhiên, tôi không chấp nhận đi với họ vì phải đưa con đi học, với lại họ mời tôi mà không có gửi giấy mời hay báo trước lịch hẹn. Tuy nhiên, họ đã cưỡng chế bằng cách kẹp cổ, khiêng tôi lên xe 4 chỗ rồi chở đi tới trụ sở công an phường Hoa Lư, Tp Pleiku luôn. Khi đến nơi, họ đưa tôi vào phòng và đóng cửa lại. Lúc này, họ bắt đầu đánh đập, giật tóc, tát vào mặt, và đá vào bụng. Họ yêu cầu tôi khai báo, tường trình lại sự việc hôm phái đoàn tự do tôn giáo đã đến thăm gia đình tôi vào ngày 30/3/2016 vừa qua. Tuy nhiên, tôi không chấp nhận việc họ làm việc bằng cách đánh đập, hành hung người khách một cách vô cớ như vậy nên tôi không hợp tác với họ. Chính vì vậy mà họ lại tiếp tục đánh đập, hành hạ tôi. Cho đến 11 giờ 30 thì họ cho người đến quay phim chụp hình, rồi thả tôi về. Nhưng lúc này tôi không thể đi được mà chỉ bò ra khỏi cửa để về mà thôi. Sau đó, có 3 người đến kẹp nách rồi đưa lên xe và chở tôi về trước cổng nhà rồi bỏ đi.”

Cô Hồng cho biết, hiện giờ cô đang bị chấn thương khắp thân thể, toàn thân đau nhói, và mặt mày bị sưng vù do bị đánh.

Xin được nhắc lại, vào ngày 30/3/2016, phái đoàn điều tra tôn giáo quốc tế gồm ông David V. Muehlke, Tùy viên chính trị của Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam; Ông David Saperstain, Đại sứ Lưu Động về Tự do Tôn giáo Quốc tế; ông Garrett Harkins, Tuỳ viên chính trị của Tòa lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn và bà Victoria L. Thoman đã đến thăm gia đình Mục sư Nguyễn Công Chính ngay tại tư gia. Được biết, mục đích phái đoàn là để điều tra, tìm hiểu tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam, tình trạng Mục sư Nguyễn Công Chính đang bị phân biệt đối xử trong tù. Theo dự kiến thì cô Hồng sẽ gặp phái đoàn tại Khách sạn số 1 Hoàng Anh Gia Lai, Tp.Pleiku. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ đã bị ngăn cản và gây khó khăn, nên phái đoàn đã đến gặp trực tiếp ngay tại tư gia.

———————

Công an Sài Gòn đánh thanh niên bán hàng rong chấn thương sọ não

SBTB: Ngày 14 tháng 4 năm 2016, anh Phạm Thiện Minh Phong 27 tuổi, trú tại phường 3, quận 6, Tp Sài Gòn đang bán hàng rong tại khu vực chợ Bình Tiên thuộc quận 6, Tp Sài Gòn đã bị công an Lương Việt Hà đánh ngất xỉu, gây chấn thương sọ não.

Theo người dân cho biết, khoảng 9 giờ sáng, tổ tuần tra của Công an phường 4 gồm thượng sĩ công an Lương Việt Hà và lực lượng trật tự đi tuần tra khu vực chợ Bình Tiên. Họ đã chặn xe bán hàng rong của anh Phạm Thiện Minh Phong đang bán trái cây và đòi tịch thu. Tuy nhiên, anh Phong đã không đồng ý và xảy ra tranh cãi giữa đôi bên. Ngay lúc đó, công an Hà đã quật lại anh Phong ngã xuống đường bất tỉnh, chấn thương sọ não. Ngay lúc đó, người dân xung quanh đã bao vây công an Hà, một số khác đã đưa anh Phong đi cấp cứu tại bệnh viện 115. Người nhà anh Phong cho biết: “Anh Phong nhiều lần bất tỉnh, thiếp đi; phần đầu bị sưng và các bác sĩ đang tiếp tục theo dõi bệnh tình.” Một bác sĩ cho biết, anh Phong bị chấn thương sọ não, xuất huyết lưới nhện chưa có chỉ định mổ. Hiện tại đang phải theo dõi thêm 72 giờ nữa mới có quyết định mổ hay không.

Theo báo Pháp Luật cho biết, ông Dương Ngọc Thanh, Phó trưởng công an quận 6, xác nhận có xảy ra xô xát giữa Thượng sĩ Lương Việt Hà và anh Phong là có thật. Công an tại Sài Gòn cũng đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Lương Việt Hà để điều tra sự việc.

Cũng trong buổi chiều cùng ngày, lãnh đạo công an phường 4, quận 6, Tp Sài Gòn cũng đã đến bệnh viện xin lỗi gia đình anh Phạm Thiện Minh Phong, hứa sẽ chi trả viện phí trong quá trình điều trị.

============== Ngày 16/4================

Kiến nghị với Bộ công an yêu cầu chấm dứt bạo lực với nhân dân

Tình trạng một số công an trở thành những kẻ du côn ngang ngược ngày càng phổ biến. Nó không là hiện tượng đơn lẻ và có tính địa phương. Nó là một đại dịch, xảy ra gần như khắp vùng miền, kể cả hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn. Trong nhiều trường hợp, công an lại là những người chà đạp luật pháp hơn là thượng tôn pháp luật. Trong nhiều trường hợp, họ xem dân như kẻ thù và không hề “kính trọng lễ phép” như một trong những điều luật qui định đối với “công an nhân dân”.

Tại sao công an ngày càng khinh miệt và xem thường người dân? Có lẽ vì luật không nghiêm trị những công an đánh hoặc giết chết người. Một bức ảnh chụp công an Lê Minh Phát nở nụ cười với tâm trạng thoải mái khi bị còng ra tòa trong phiên xử mình – cùng “đồng bọn công an”, can tội đánh chết em Tu Ngọc Thạch (sinh năm 1999, học sinh lớp 9, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) – có thể khiến không ít người kinh rợn. Là công an lại gây tử vong đối với một nạn nhân thiếu niên nhưng Lê Minh Phát vẫn thản nhiên. Tại sao anh ta cười? Có phải anh ta biết rằng bản án dành cho mình chỉ là một bản án “lụi” nhằm trấn an dư luận? Hay vì anh ta biết có rất nhiều công an như mình đánh chết dân mà chưa ai bị tử hình hoặc chung thân?

Trong nhiều trường hợp, công an giết người dễ quá. Chỉ vì không đội nón bảo hiểm cũng có thể bị giết chết! Chương Mỹ, Quỳ Hợp, Mỹ Phước…, những địa danh đã được Google lưu lại với những nắm đấm in máu thi thể nạn nhân từ các vụ công an đánh chết người, những cái chết uẩn khuất trong đồn công an, những vụ “tự tử” kỳ lạ sau khi bị bắt, đã làm nặng thêm bộ hồ sơ đen đối với ngành công an. Gần như chưa bao giờ sự thực được phơi bày và ánh sáng công lý được phép rọi đến đối với những trường hợp này.

Báo Tiền Phong ngày 16-2-2016 cho biết, nạn nhân Nguyễn Văn Triển, sinh năm 1968, thuộc thị trấn Tân Dân, huyện Yên Dũng, Bắc Giang, bị công an bắt cách đây 11 năm vì “có khả năng biết về vụ trộm 2,2 tấn sắt”. Nhưng từ đó đến nay gia đình ông Triển đã không bao giờ thấy ông lần nữa, dù họ, hơn 10 năm nay, tìm kiếm ông từ Bắc xuống Nam! Ngày 30-3-2016, báo Pháp Luật TPHCM cho biết: khi bắt nghi can Nguyễn Hữu Thâu (tình nghi trộm sắt) về đồn, Lê Viết Hùng, công an xã Phú Xuân, huyện Krông Năng, Đắk Lắk, đã yêu cầu ông Thâu viết bản tự khai. Rồi “khi viết đến bản tự khai thứ năm thì ông Thâu kêu đau đầu rồi gục mặt xuống bàn ngủ. Thấy vậy, Hùng tiếp tục túm tóc và tát vào mặt ông Thâu. Một lúc sau khi ông Thâu đang ngồi trên ghế thì tự ngã đập đầu xuống nền nhà, đến lần thứ ba, nghĩ ông Thâu say rượu nên Hùng và mọi người đã để ông Thâu nằm luôn dưới nền nhà. Đến sáng thì ông Thâu hôn mê sâu, bất tỉnh và tử vong”! Đã có bao nhiêu người “tự ngã chết trong đồn công an”?

Ngày 18-3-2013, một số người dân cung cấp báo chí băng ghi âm ghi lại cảnh nhóm cảnh sát 141 đánh nạn nhân Nghiêm Duy Hoàng (23 tuổi, quê huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Họ dùng gậy đập ngang mặt anh Hoàng khi anh này không đội mũ bảo hiểm. Một nhân chứng phụ nữ kể: “Nó (anh Hoàng) đi xe không đội mũ, có hai chiến sĩ tổ công tác 141 ra chặn, còn người chiến sĩ thứ ba cầm dùi cui vụt vào mặt anh Hoàng khiến anh nằm gục tại hiện trường. Người thứ hai, người thứ ba vụt, mấy người tranh nhau vụt gẫy cả cái dùi cui. Trên hiện trường có rất nhiều vết máu. Mọi người cứ tưởng nó (anh Hoàng) chết nên hô toáng hết cả lên”…

Từ việc mang súng vào trường hù dọa ban giám hiệu (Trần Vũ Khiêm, thiếu tá trưởng công an xã Ia Dơk, Đức Cơ), phun nước bọt vào dân (trung úy Nguyễn Văn Bắc, phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội), đến hành động quật ngã một người bán rong (thượng sĩ Lương Việt Hà, phường 4, quận 6, Sài Gòn), hình ảnh “công an nhân dân” ngày càng bị bôi nhọ bởi chính những người mặc áo công an. Nếu không chấn chỉnh bộ máy công an nghiêm nhặt hơn, công an dưới mắt người dân sẽ trở thành thế lực đại diện cho bạo quyền. Hiển nhiên ngành công an không muốn như vậy. Nếu không mạnh tay hơn trong việc xử lý các trường hợp công an vi phạm “đạo đức công an nhân dân”, mà chỉ bằng “khiển trách”, người dân sẽ nghĩ rằng công lý đang nằm trong tay kẻ thế lực và pháp luật đang bị chà đạp và phỉ nhổ. Hơn 210.000 clip là kết quả với yêu cầu tìm kiếm “công an đánh dân” trên Youtube là con số quá khủng khiếp đối với một xã hội mà thượng tôn pháp luật luôn là điều được chính quyền nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Bằng thái độ ôn hòa nhưng dứt khoát, chúng ta hãy kiến nghị những điều sau:

– Yêu cầu công an chấm dứt dùng bạo lực đối với người dân

– Yêu cầu điều tra làm rõ và xử lý thích đáng đối với các trường hợp nghi can tử vong trong đồn công an

– Yêu cầu sa thải lập tức đối với các trường hợp công an hà hiếp người dân

– Yêu cầu xử tù đối với các trường hợp công an đánh dân trọng thương

– Yêu cầu truy tố và xử tử hình hoặc chung thân với các trường hợp công an cố tình giết chết người

Bằng thái độ ôn hòa nhưng dứt khoát, chúng ta hãy ký vào bản kiến nghị để thấy rằng công lý và pháp luật chưa bao giờ ngưng tồn tại ở đất nước này và công an chưa bao giờ ngưng lắng nghe tiếng nói người dân.

This petition will be delivered to:

Bộ công an Việt Nam

mail.aav@actionaid.org

hrwpress@hrw.org

paris@hrw.org

info@freedomhouse.org

https://www.change.org

————————————

Tin khó tin: Chín mạng trẻ, ba lời xin lỗi và cái chân 23 triệu đồng

Lao Động: Tin khó tin hôm nay là những câu hỏi rất khó trả lời. Chín bé trai chết đuối hôm qua tại Quảng Ngãi được dạy kỹ năng sống sót hay những điều cao siêu? Ai còn nhớ Bộ trưởng Tiến hứa miễn viện phí toàn bộ cho cô bé bị cưa nhầm chân trên Đắk Lắk hay phải trả 23 triệu viện phí vì nằm dịch vụ? Anh hàng rong trong Sài Gòn bị quật ngã xuất huyết não nên chấp nhận lời xin lỗi của thượng sĩ Hà? Có sống được như bà giáo già ở Thanh Hóa với lương hưu chưa đầy 500.000đ/tháng?

  1. Chín mạng trẻ và những điều cao siêu

Hôm qua, ngồi gõ những dòng này tôi cay sông mũi và hụt hẫng như mất mát điều gì. Chín đứa trẻ mãi mãi xa cha mẹ, bạn bè vì đuối nước. Sau thảm kịch này chắc người ta lại kêu gào ầm ĩ hãy dạy bơi, rèn kĩ năng sống cho trẻ rồi lại mau quên như mọi khi. Bạn tôi- nhà báo Lê Đức Dương chua xót “Chúng ta đang bắt trẻ học bao kiến thức để làm tiến sỹ giáo sư, để làm quan mũ cao áo dài viển vông. Trong khi kỹ năng sinh tồn trước vũng nước, đám cháy, giao thông thì chẳng đếm xỉa”.

Một bạn khác viết “ Tuổi trẻ rất thích khám phá, nhà trường và gia đình lại không thể bên các em mọi lúc mọi nơi. Nếu không thể cấm chạy thôi thì hãy vẽ đường cho hưu chạy. Thay vì học những thứ vô bổ, hãy dạy thêm môn kỹ năng sống sót , có cả bơi lội”. Họ sẽ biện hộ, có dạy đấy chứ, rồi lại bảo răn chúng mãi nhưng ngoài trường đành chịu. Đất nước biển trải dài, sông ngòi rộng khắp, ao hồ nơi nào cũng thấy, luôn tự hào với những trận thủy chiến vậy mà lâu lâu lại vài đưa trẻ cùng về với Thủy thần. Bớt nhồi nhét những trận đánh lớn, chiến dịch to cùng những mỹ từ cao siêu đi quan bác ạ! Các em cần kỹ năng sống để làm người trước khi thành thần đồng và quan chức .

  1. Ba lời xin lỗi

Tuần qua dư luận dậy sóng với ba lời xin lỗi. Trung úy Bắc ngoài Hà Nội xin lỗi Tú Anh-cô gái tố anh nhổ nước bọt vào người. Thượng sĩ Hà ở Sài Gòn ân hận với cú quật Phong, làm người bán hàng rong xuất huyết não. Trung tá Dũng xin nhà báo Thu Trang tha thứ sau lời dọa cô hãy mua quan tài cho cả nhà. Tú Anh chấp nhận, Thu Trang có lẽ cũng muốn bỏ qua còn gia đình Phong, hôm qua vẫn lắc đầu. Xem ra xin lỗi cũng không dễ quý vị nhỉ? Mà cúi đầu hay bồi thường đôi khi cũng đã thừa.

Có vị bảo sao phải xin lỗi anh bán hàng rong vị phạm? Đừng lầm lẫn và lập lờ. Người ta lên án thượng sĩ lạm quyền dẫn đến chấn thương cho người bán hàng rong không có nghĩa họ ủng hộ Phong đâu mấy thánh ạ! Cũng chẳng ai ném đá trung úy Bắc nếu chỉ kiểm tra hành chính. Còn ông trung tá xin miễn bàn. Ai đời sai lè còn dọa cả nhà Trang mua quan tài! Dân mình trọng tình nhưng đùng có viện nông nổi, nóng giận, thiếu kiềm chế… hoài nhé! Nghe mãi hơi chướng đấy. Đòn hiểm của thượng sĩ, cú nghiêng người như nhổ nước bọt của trung úy và lời đe dọa như giang hồ của trung tá. Ứng xử ấy sao lại dành cho dân? Đồng bào đấy không phải kẻ thù đâu. Nhớ cho kỹ mấy ông anh ạ!

  1. Bộ trưởng Tiến hứa một đằng, Giám đốc Sở Y làm một nẻo

Cuối cùng thì lời hứa của Bộ trưởng Tiến miễn toàn bộ viện phí và lo cho tương lai của Vi-cô bé bị cưa nhầm chân ở Đắk Lăk gây bão tháng trước đang “sứt mẻ” dần các bác ạ! Chuẩn bị xuất viện, gia đình nạn nhân được thông báo nộp 23 triệu viện phí. Họ ngơ ngác vì mới tháng 3/2016, Bộ trưởng Tiến đến thăm, hứa và chỉ đạo các BV miễn phí toàn bộ và dành những dịch vụ tốt nhất cho Vi. Nhưng nay GĐ Sở Y tế Đắk Lắk đổ tại nhà Vi nằm phòng dịch vụ nên trả viện phí đương nhiên rồi! Gia đình lại thêm một lần mắt chữ A mồm chữ O vì “họ đưa thẳng con tôi vào đấy, gia đình tiền đâu mà yêu cầu phòng”.

Có thể Bộ trưởng bận và tin vào uy của mình. Nhưng cấp dưới thì không. Ông Gđ Sở Y còn thản nhiên bảo BV cưa chân Vi có giúp đồng nào thì hỗ trợ nhân đạo thôi, còn bồi thường cứ chờ đấy! Buồn không hề nhẹ Vi nhỉ? Rồi lắp chân giả,lo cho tương lai và hứa hẹn sẽ giúp em vào trường Y liệu có bay theo gió và lật ngang lật ngửa như viện phí không? 23 triệu có thể rất lớn với gia đình cô gái nghèo nhưng rất nhỏ với uy tín của ngành y. Thủ phạm cưa nhầm chân Vi và cấp trên anh ta đã tuôn bao lời hối lỗi, sẽ thế này hứa thế nọ. Cụ thể hóa đi chứ những người đàn ông? Dân đang chờ các vị đấy.

  1. Ấn tượng cuối tuần: Lương hưu chỉ đủ mua ngày ký gạo

Có người phải sống với 500.000 đồng mỗi tháng đấy quý vị à! Chúng ta ngạc nhiên một họ chua chát mười. Cô Phạm Thị Sang (57 tuổi, nguyên Hiệu trưởng Trường mầm non xã Trường Sơn, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) cho hay sau 40 năm công tác về nghỉ chế độ với mức lương chưa đến 440.000/tháng!. Bà giáo già tủi phận” hồi đầu năm đi lĩnh lương hưu 3 tháng được vỏn vẹn hơn 1,3 triệu đồng, về nhà tủi thân quá nên ngồi khóc mãi”. Hơn 100 đồng nghiệp ở xứ Thanh từ 20 đến 40 năm công tác cũng đang cùng cảnh ngộ với cô.

Người ta nại quy định thế biết làm sao? Nhưng tất tần tần cuộc sống gói gọn chưa đến 500.000 đ thì quy định ấy vẫn tồn tại ở 2016 này thì quả là nhà làm chính sách đại tài. Hoặc họ nghĩ ai cũng chẳng cần lương như mình hoặc họ bê chế độ của thế kỷ trước áp vào. Lâu lâu lại nghe quan phán giá sản phẩm này, dịch vụ nọ còn thua một vài nước. Các bác ấy có biết dân mình đang có người lương hưu ngày chỉ đủ mua ký gạo rồi chấm hết không nhỉ?

============= 17/4/2016=============

Một loạt Hội viên Hội nhà báo độc lập Việt nam bị chặn, giữ

Vietnam Thời báo: Sáng nay, 17/7/2016 một loạt hội viên Hội nhà báo độc lập Việt Nam bị chặn tại nhà hoặc tạo cớ đưa về đồn công an câu lưu, không cho đến tham dự tọa đàm “Obama đến Việt Nam – The change we need”.

Việc chặn, bắt giữ người cho thấy công an tăng cường lối hành xử theo luật rừng. Ảnh: minh họa

Tại Thanh Trì, vào lúc 7 giờ sáng, khi tôi – Nguyễn Tường Thụy, phó chủ tịch Hội ra khỏi nhà để đi dự họp thì gặp rất đông an ninh mai phục sẵn từ trước kiên quyết không cho đi. Họ chỉ nói đây là lệnh không được đi đâu cả. Họ rất sợ chụp ảnh nên ngăn cản việc ghi hình một cách thô bạo. Họ còn đòi tôi mở khóa cho vào nhà để “nói chuyện đàng hoàng”. Tôi trả lời các anh không phải là người đàng hoàng nên tôi từ chối mở cửa. Khi tôi vào nhà cài cửa phía ngoài, họ thò tay vào lỗ khóa tự động mở. Họ theo sát để canh chừng tất cả cuộc gọi điện thoại của tôi một cách rất trơ trẽn.

Cũng tại Thanh Trì, anh Vũ Quốc Ngữ cho biết, anh cũng bị rất đông công an đến chặn, không cho ra khỏi nhà.

Nhà báo Nguyễn Đình Ấm bị chặn nhưng lợi dụng lúc công an lơ là, anh thoát ra được.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội từ Sài Gòn và Nhà thơ Bùi Minh Quốc từ Đà Lạt ra Hà Nội từ hôm trước để tham dự tọa đàm. Sáng nay Phạm Chí Dũng mượn xe máy của một người bạn, chưa kịp đi thì có một xe khác tông vào rất khó hiểu (!?) Lấy lý do đụng xe, anh bị đưa đến công an phường Giảng Võ để câu lưu.

Nhà thơ Bùi Minh Quốc bị giữ ở công an phường Kim Liên với lý do kiểm tra hộ khẩu.

Vào lúc 5 giờ chiều cùng ngày, gần như cùng một lệnh, cả hai nơi mới trả tự do cho Ts Phạm Chí Dũng và Nhà thơ Bùi Minh Quốc.

Nhà báo Phạm Đoan Trang là khách mời bị giữ trên đường đi. Cô bị ép lên vỉa hè lúc 8 giờ và bị đưa về đồn công an. Họ giữ cô ở đó đến 12 giờ thì thả.

Mặc dù toàn bộ ban lãnh đạo Hội Nhà báo độc lập bị chặn, giữ nhưng buổi tọa đàm vẫn diễn ra dưới sự chủ trì của Nhà báo Nguyễn Đình Ấm, phó chi hội trưởng chi hội phía Bắc.

Qua những diễn biến trên, có thể khẳng định công an Hà Nội chặn, giữ người nhằm phá cuộc tọa đàm. Ngoài việc chứng minh ngành công an tăng cường lối hành xử theo luật rừng, còn cho thấy họ rất non kém trong tư duy chính trị. Tọa đàm “Obama đến Việt Nam – The change we need” chỉ có thể đem lại những điều tốt đẹp cho quan hệ Việt – Mỹ, tạo điều kiện cởi mở hơn trong quan hệ giữa hai nhà nước trong chuyến thăm Việt nam của Tổng thống Obama vào tháng 5 tới đây.