Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền từ 30/5 đến 05/6/2016: Chính phủ Việt Nam vẫn chưa công bố kết quả điều tra về cá chết hàng loạt ở ven biển Bắc Trung Bộ, đàn áp khốc liệt những cuộc biểu tình của những người hoạt động môi trường

Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền | 05-06-2016

tuần tin

Chính phủ Việt Nam từ chối công bố kết quả điều tra về sự cố môi trường gây ra cái chết hàng loạt của thủy sản ở khu vực ven biển Bắc Trung Bộ trong những tháng gần đây, và đàn áp khốc liệt những cuộc biểu tình ôn hòa của những người hoạt dộng môi trường, những người đòi chính phủ phải minh bạch trong vụ việc.

Hai tháng sau khi cá bắt đầu chết hàng loạt ở bốn tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ, chính phủ Việt Nam cho biết họ đã kết thúc điều tra về nguyên nhân gây ra ô nhiễm trầm trọng nói trên. Tuy nhiên, chính phủ giữ kết quả một cách bí mật để phản biện. Điều này đã gây ra tức giận cho hành nghìn người hoạt động môi trường và họ đã kêu gọi toàn dân xuống đường để yêu cầu chính phủ có những biện pháp giải quyết vấn đề cũng như công bố nguyên nhân và đưa thủ phạm ra trước vành móng ngựa.

Để đối phó lại, lực lượng an ninh đã tăng cường đàn áp, bắt giữ gần 100 người biểu tình ôn hòa ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và nhiều nơi khác. Nhiều người đã bị đánh đập và nhiều người khác vẫn còn bị giam giữ bởi lực lượng an ninh.

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức đồng ý rút ngắn thời gian tuyệt thực sau khi gặp được gia đình và nhận được kiến nghị của nhiều nhà hoạt động trong nước và quốc tế. Ông sẽ kết thúc 15 ngày tuyệt thực vào ngày 07/6.

Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động xã hội ở Hà Nội, đã bị lực lượng an ninh bắt cóc chỉ vài giờ trước cuộc gặp với hai quan chức ngoại giao cao cấp của EU trong ngày 02/6. Ông được trả tự do ngay trong ngày.

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp quốc đã ra thông cáo phản đối sự đàn áp của chính quyền tỉnh Gia Lai đối với cô Trần Thị Hồng, vợ của mục sư Tin lành Nguyễn Công Chính, người đang bị cầm tù vì những hoạt động về quyền tự do tôn giáo. Cô Hồng đã bị liên tục đánh đập bởi công an địa phương kể từ ngày 14/4 sau khi cô gặp gỡ với phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ.

Và một số tin tức quan trọng khác.

=========30-05==========

Công an bắt người trái luật, tra tấn giữa đêm khuya

Nghi ngờ Nguyễn Kim Thành ném bể cửa kính nhà mình, Trưởng công an xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) Huỳnh Tấn Trà đã huy động lực lượng đến nhà để bắt giữ, tra tấn anh này trong đêm khuya. Khi bị tố cáo, từ chính quyền xã cho đến lãnh đạo công an huyện đều tìm mọi cách để bao che, chạy tội cho kẻ ác.

Ngày 29/3/2016, tại đồn côn an, Thành bị khóa tay và đánh đập bởi ông Trà, người đã dùng cả roi điện để tra tấn nghi can.

Sau gần 2 tiếng đồng hồ tra tấn, Trà tháo còng cho Thành và cho anh này tự về nhà.

Anh Thành đã bị nhiều vết thương nghiêm trọng ở khắp cơ thể.

Ông Trà thừa nhận việc làm của mình là sai, và tội của ông Trà có thể cấu vào 2 tội trạng trong Bộ luật hình sự, gồm: bắt giữ người trái pháp luật và xâm phạm chỗ ở công dân.

Tuy nhiên, chiều ngày 30/5, ông Lê Ngọc Tĩnh-Chủ tịch huyện Phú Hòa cho biết, với tội trạng của ông Trà có thể chỉ bị xét xử hành chính, và có thể sẽ bị cho thôi việc.

Công an bắt người trái luật, tra tấn giữa đêm khuya

============ 01-06=============

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức sẽ rút ngắn thời gian tuyệt thực

Sau lần thăm gặp hôm nay (01/6), gia đình tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức loan báo là ông đã đồng ý ngưng tuyệt thực sau ngày 7/6 tới đây.

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức bắt đầu tuyệt thực vô thời hạn vào ngày 24 tháng 5 để đòi nhà cầm quyền cộng sản trả tự do cho ông và tổ chức trưng cầu dân ý, trao cho người dân quyền quyết định thể chế chính trị.

Hôm nay gia đình ông Thức được gặp ông tại trại giam số 6 ở xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Vào lúc 5 giờ chiều, ông Trần Huỳnh Duy Tân là em trai ông Thức, và ba người chị của ông Thức được vào trong trại giam.

Một số bạn bè của ông Thức gồm Luật sư Lê Công Định, ông Phạm Bá Hải và ông Lê Thăng Long không có giấy phép thăm nuôi nên không được vào gặp ông Thức.

Trong lần thăm này, gia đình ông Thức mang theo một bức thư của nhiều nhà hoạt động cùng ký tên chung gửi cho ông, kêu gọi ông ngưng tuyệt thực để bảo tồn mạng sống, tiếp tục làm ngọn đuốc dẫn đường cho phong trào tranh đấu cho tự do dân chủ và nhân quyền của Việt Nam.

—————

Bà Khưu Hiền Duyên được trả tự do đang trên đường về Mỹ

Khứu Hiền Duyên, người phụ nữ Mỹ gốc Việt bị công an Cộng Sản Việt Nam bắt đi mất tích ít nhất 5 ngày qua vừa được trả tự do và đang trên đường trở về Hoa Kỳ.

Sáng hôm nay (1 tháng 6) gia đình bà Khưu Hiền Duyên cho biết bà đang trên một chuyến bay đi Hong Kong trên đường trở về Hoa Kỳ.

Bà Duyên, người mẹ của 3 đứa con, đã rời khỏi nhà ở thành phố Hampton, tiểu bang Virginia hôm 11 tháng 5 để lên đường đi Việt Nam làm việc thiện nguyện cho Love Foundation, một tổ chức bất vụ lợi chuyên hỗ trợ người nghèo và xây trường học cho trẻ em tại các vùng thôn quê hẻo lánh ở Việt Nam.

Trước đây bà đã từng tự bỏ tiền túi đi Việt Nam nhiều lần để làm việc thiện nguyện và lần nào cũng trở về nhà. Lần này bà dự trù sẽ trở về Hoa Kỳ vào ngày 27 tháng 5. Nhưng gia đình cho biết bà bị câu lưu tại Sài Gòn hôm 26 tháng 5, chỉ vài giờ trước khi lên máy bay đi Hoa Kỳ.

Vụ mất tích của bà Duyên diễn ra ngay sau chuyến công du của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đến Việt Nam. Vài ngày sau khi bà Duyên mất tích, gia đình bà đã liên lạc với các cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam. Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn xác nhận đã cử viên chức phụ trách về trường hợp của bà.

Được biết bà Khưu Hiền Duyên thường lên tiếng về những sai trái của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam trên truyền thông xã hội, nơi bà lấy tên hiệu là Mã Tiểu Linh.

Gia đình bà cho rằng đây có thể là lý do bà bị nhà cầm quyền cộng sản câu lưu.

Bà Khưu Hiền Duyên được trả tự do đang trên đường về Mỹ

=========== 02-06============

TS Nguyễn Quang A bị ngăn cản gặp đại sứ Liên Hiệp Châu Âu

RFA:  Nhà hoạt động và cũng là tiếng nói phản biện được nhiều người biết đến tại Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Quang A, vào ngày 2 tháng 6 lại bị bắt đưa đi để không thể tham gia buổi ăn trưa theo lời mời của đại sứ Liên hiệp Châu Âu tại Việt Nam.

Sau khi được trả tự do sau giờ trưa tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết hình thức bắt ông đưa đi là cách bắt cóc tương tự lần ông được mời đến dự cuộc gặp với tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Hà Nội trong ngày 24 tháng 5 vừa qua.

Ông xác nhận lại 3 lần bị bắt cóc để ngăn cản việc đến gặp những nhân vật được mời:

“Đây là lần thứ ba. Lần đầu tôi có cuộc gặp với ông Tom Malinowski trước chuyến thăm VN của tổng thống Barack Obama, họ cũng chặn như thế đến khi xong bữa cơm họ mới thả tôi ra. Lần đó do phía Mỹ đến chậm nên tôi cũng đến được và nói chuyện với họ vài chục phút. Lần thứ hai là cuộc gặp với tổng thống Obama và lần này là cuộc gặp với nhà đàm phán chính của EU về thương mại song phương.

Thật sự tôi có thư gửi lại cho những người đã mời tôi để xin lỗi họ vì đã không đến ăn cơm hay buổi gặp như dự định được.”

Theo lời của tiến sĩ Nguyễn Quang A thì những người bắt ông lên xe rồi đưa ông đi lòng vòng cho qua giờ hẹn như trong thư mời đều mặc thường phục. Theo ông thì những người này làm theo lệnh của những đơn vị an ninh của chính quyền Hà Nội. Biện pháp như thế bị ông cho là vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng nhưng phía an ninh thì nói họ làm theo luật an ninh quốc gia; tuy nhiên khi được yêu cầu trao thẻ hay văn bản liên quan thì họ đều không đáp ứng.

————————–

Nhiều tổ chức xã hội dân sự, chính trị họp mặt tại Nghệ An

SBTN: Nhiều tổ chức xã hội dân sự, chính trị đã có cuộc gặp mặt tại Nghệ An hôm 02/6 để thảo luận về thực trạng và tiến trình phát triển xã hội dân sự (XHDS) tại Việt Nam.

Tham dự buổi gặp gỡ này có khoảng hơn 40 người, trong đó gồm diện Hội Anh Em Dân Chủ, Phong Trào Con Đường Việt Nam, Hội Cựu Tù nhân Lương Tâm Việt Nam, Hội Cựu Tù nhân Thanh niên Công giáo, Đảng Việt Tân và các nhà hoạt động dân chủ trong khu vực Nghệ An.

Luật sư Lê Công Định đã khái quát về tình trạng XHDS tại Việt Nam dưới sự kiểm duyệt của nhà nước CSVN. Ông nhấn mạnh đến yếu tố luật pháp, và sự cần thiết của các tổ chức XHDS độc lập cho sự phát triển và năng động của đất nước.

Luật sư Định cho rằng người dân cần biết quyền lập hội được quy định trong hiến pháp Việt Nam, để tự tin sử dụng quyền này.

Tham gia thảo luận và trả lời các thắc mắc về các yếu tố khác nhau của tiến trình hình thành XHDS còn có sự đóng góp của các cựu tù nhân lương tâm như Phạm Bá Hải, Lê Thăng Long, Thái Văn Dung, Trần Hữu Đức, Đậu Văn Dương…

Anh Dung cho biết: “Cuộc gặp mặt rất cần thiết, vì diễn ra trong bối cảnh nhà cầm quyền cộng sản nắm độc quyền quản lý và điều khiển xã hội ngày càng suy kém, bộc lộ nhiều lỗ hổng. Bên cạnh đó các tổ chức XHDS chưa thực sự độc lập và ít có đóng góp trong việc xây dựng sự thịnh vượng quốc gia.”

Anh Dương cũng chia sẻ thêm: “Mọi người trao đổi rất nhiệt tình. Cuộc họp dù vắn gọn nhưng đã phác họa những ý chính và chuẩn bị cần thiết cho sự tiến triển sinh động của các tổ chức XHDS trong tương lai.”

Ngày hôm trước, Luật sư  Định đã cùng nhiều bạn bè và gia đình tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức có chuyến viếng thăm anh trong trại giam để mang lá thư  của nhiều trí thức gởi khuyên anh ngưng tuyệt thực.

SBTN: Nhiều tổ chức xã hội dân sự, chính trị họp mặt tại Nghệ An

=======03-06=======

Chuyên gia của Liên Hợp quốc kêu gọi Việt Nam chấm dứt đàn áp và tra tấn lãnh đạo tôn giáo và người bảo vệ nhân quyền

Nhiều chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp quốc ngày hôm nay (03/6) kêu gọi Chính phủ Việt Nam chấm dứt đàn áp cô Trần Thị Hồng, người đã nhiều lần bị câu lưu và bị tra tấn như trả đũa cho việc cô thông báo cho cộng đồng quốc tế về những vi phạm nhân quyền đối với chồng cô, người đang bị cầm tù vì các hoạt động tôn giáo ôn hòa.

Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo, tín ngưỡng Heiner Bielefeldt và Báo cáo viên đặc biệt về tra tấn Juan E. Méndez cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam phải chấm dứt tất cả các cuộc đàn áp và sách nhiễu, kể cả việc hình sự hóa, đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo và người bảo vệ nhân quyền, người hoạt động vì quyền phụ nữ và thành viên gia đình của họ.

Cô Hồng, vợ của mục sư Tin lành Nguyễn Công Chính, bị bắt lần đầu tiên vào ngày 14 tháng 4 năm 2016. Cô đã bị tra tấn và cấm các hoạt động nhằm thúc đẩy tự do tôn giáo. Kể từ đó, cô đã nhiều lần bị bắt và bị quấy nhiễu bởi chính quyền địa phương, lực lượng đang cố gắng để buộc cô ‘hợp tác’ với chính phủ.

“Chúng tôi quan ngại về việc liên tục bắt giữ cô Hồng vì những hoạt động nhân quyền và thực hiện những quyền con người cơ bản. Chúng tôi cho rằng những vụ bắt giữ như thế là bắt giữ tùy tiện và yêu cầu trả tự do vô điều kiện cho cô.

Chồng cô, mục sư Chính đã bị cầm tù từ năm 2011 vì các hoạt động tôn giáo với tư cách là người đứng đầu Hội Thánh Tin Lành Việt Nam-Hoa Kỳ Lutheran, một nhóm tôn giáo bị nhà cầm quyền Việt Nam coi là “chống chính phủ” và “chống cộng”. Ông bị tra tấn và bị tước quyền được thăm viếng bởi gia đình của mình.

“Chính phủ Việt Nam có nghĩa vụ tôn trọng quyền của các cộng đồng tôn giáo độc lập, bao gồm quyền lựa chọn lãnh đạo của họ,” Báo cáo viên đặc biệt Bielefeldt nói.

“Chính quyền Việt Nam phải điều tra những cán bộ tham gia đánh đập và xác định mức độ tra tấn để đưa những kẻ phạm tội này ra trước pháp luật, phù hợp với các cam kết của Việt Nam về nhân quyền, ông Méndez bổ sung.

Các báo cáo viên đặc biệt của LHQ kết luận rằng “Việt Nam cần trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho mục sư Nguyễn Công Chính và cô Trần Thị Hồng, cũng như tất cả những người bị giam giữ vì các hoạt động hợp pháp nhằm bảo vệ quyền con người.”

Báo cáo viên đặc biệt về tình hình của người bảo vệ nhân quyền Michel Forst, Báo cáo viên đặc biệt về quyền tự do hội họp hòa bình và lập hội Maina Kiai, Báo cáo viên đặc biệt về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do ngôn luận và bày tỏ chính kiến David Kaye, Báo cáo viên đặc biệt về bạo hành đối với phụ nữ Dubravka Simonović và Nhóm công tác về bắt giữ tùy tiện tham gia ký tên vào văn bản này.

Nguồn: UN experts urge Viet Nam to stop the persecution and torture of religious leaders and rights defenders

————

Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy bị hành hung, tạt mắm tôm và ném đá vào nhà

SBTN: Gần đây công an Việt Nam đã gia tăng mức độ sách nhiễu lên các tín đồ Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy (GHPGHH TT), đặc biệt là nhắm vào các thành viên trung ương của giáo hội này.

Các vụ sách nhiễu xảy ra với nhiều người theo đạo Hòa Hảo trên nhiều địa bàn có thể là một dấu hiệu đàn áp nhằm vào tôn giáo này. Sự việc mới nhất xảy ra ngày 03/6/2016 ông Nguyễn Ngọc Tân, tổng vụ truyền thông GHPGHH TT ở thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long đã bị ném mắm tôm.

Ông Nguyễn Văn Hầu, phó trưởng Ban Từ Thiện Xã Hội GHPGHH TT tỉnh Vĩnh Long, cho biết khoảng giữa đêm ngày hôm qua nhà ông liên tục bị ném đá.  Ông Hầu nói rằng chiều hôm đó ông thấy công an xã chở một viên an ninh thị xã Bình Minh chạy xe qua và nhìn chòng chọc vào nhà ông, khi thấy ông thì chúng bỏ đi.

Ông Nguyễn Văn Điền Hội Trưởng GHTƯ PGHH TT và Ông Nguyễn Văn Thơ Hội trưởng tỉnh Đồng Tháp bị côn đồ đe dọa hành hung tại Chợ Mới, tỉnh An Giang vào lúc 14 giờ ngày 02/06/2016.

Nhiều người cho rằng những vụ đàn áp tôn giáo gần đây là do bắt nguồn từ chính sách thù địch tôn giáo của nhà nước Việt Nam. Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy bị coi là cái gai mà nhà cầm quyền muốn nhổ từ lâu.

Các dịp lễ kỷ niệm và họp mặt của GHPGHH TT thường bị an ninh ngăn cản và phá rối. Nhiều người đã bị thương tích nặng do thực hiện quyền tự do tôn giáo của mình.

Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy bị hành hung, tạt mắm tôm và ném đá vào nhà

——————————-

Cảnh sát Hong Kong phá vỡ đường dây buôn người từ Việt Nam

Một đường dây đưa người Việt Nam nhập cư lậu vào Hong Kong vừa bị phá vỡ sau khi các nhân viên công lực Hoa Lục và Hong Kong bắt giữ 42 người.

Cảnh sát Hong Kong hôm nay cho biết là từ tháng 3, họ đã cùng với cảnh sát Quảng Đông theo dõi đường dây buôn người Việt Nam này. Cuộc điều tra sơ khởi cho thấy nhóm này đã hoạt động được chừng một năm, và đã đưa hơn 100 người Việt nhập cư lậu vào Hong Kong. Đường dây này đưa người tới Hong Kong qua ngả Hoa Lục và thu của mỗi người khoảng 30,000 đô la Hong Kong, tương đương khoảng 3,900 Mỹ kim. Theo các nhà điều tra, người Việt được đưa sang Quảng Tây, rồi đến Thiên Tân, từ đó họ đi sang Hong Kong bằng thuyền cao tốc. Tại Hong Kong họ sẽ được minibus đến đón và đưa đến chỗ trú ẩn.

Một nguồn tin của cảnh sát cho hay, người nhập cư lậu được cung cấp thẻ căn cước giả để giúp họ tìm việc. Hầu hết trong số họ tìm được việc làm trong ngành xây dựng. Cảnh sát Hoa Lục và Hong Kong đã bắt đầu các cuộc bố ráp hôm Thứ Tư tuần này. Cảnh sát Hoa Lục bắt giữ 31 người trong những nơi trú ẩn như nhà nghỉ ở Quảng Châu và Thiên Tân. Tại Hong Kong, cảnh sát bố ráp hơn 20 địa điểm trên khắp thành phố và bắt giữ 11 người, bao gồm 9 nhân vật chủ chốt trong đường dây và 2 người Việt nhập cư lậu. Trong số các thành viên chủ chốt, có 5 người là người Việt từng xin tị nạn tại Hong Kong.

Giới chức đứng đầu về di trú của Hong Kong, ông Lau Wing-kei cho biết con số người nhập cư lậu từ Việt Nam bị bắt trung bình hàng tháng đã giảm xuống còn 112 người trong năm nay, so với 189 người trong năm ngoái. Hong Kong hiện có hơn 11,000 đơn xin nhập cư trên cơ sở tị nạn và bị tra tấn chưa xem xét. Khoảng 2,500 đơn trong số này là của người Việt nhập cư lậu.

Cảnh sát Hong Kong phá vỡ đường dây buôn người từ Việt Nam

======== 04-06========

Nghệ sĩ Tạ Trí Hải bị bắt vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội

Đêm 3/6, khoảng 1h sáng, cụ Tạ Trí Hải, một nghệ sỹ đường phố, đang chơi đàn ở hồ Gươm thì bị một nhóm người đến bắt cụ đưa lên xe chở đi và giam giữ tại Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội 1 ở thôn Đồng Dầu, xã Dục Tú, huyện Đông Anh.

Ông được những bạn bè giải cứu ra khỏi trung tâm vài ngày sau đó.

Ông Hải và các bạn hữu cho biết nhiều người đang bị giam giữ trái phép trong cơ sở này.

Nhạc sĩ Tạ Trí Hải là một hình ảnh quen thuộc của hoạt động xã hội dân sự tại Hồ Chí Minh và Hà Nội ngày nay. Từ nhiều năm qua, ông thường xuyên xuất hiện và chơi vĩ cầm trong các cuộc biểu tình chống Trung Cộng, biểu tình đòi đất cùng dân oan và mới đây, biểu tình vì môi trường.

============05-06============

Biểu tình bảo vệ môi trường nổ ra tại Hà Nội và Sài Gòn

Vào lúc 9 giờ sáng tại Hà Nội ngày Chủ Nhật 5 tháng 6, một đoàn biểu tình gồm khoảng 40 người đã xuất phát từ Nhà Thờ Lớn – Hà Nội và tuần hành với các biểu ngữ bảo vệ môi trường đi về hướng bờ Hồ.

Khi đi qua các phố, đoàn người vừa đi vừa hô to các khẩu hiệu  “Biển chết, cá chết, bà con ơi!”, “Im lặng là chết”, “Cá chết, người sẽ chết”, “Bà con đừng im lặng nữa”… Đoàn tuần hành đã cẩn thận chọn các tuyến đường cấm không cho xe bus vào để tránh trường hợp công an đưa xe bus đến bắt người.

Trên các tuyến đường đi qua, đoàn biểu tình lên tiếng giải thích với những người chung quanh đứng xem lý do tuần hành của nhóm là báo động về tình trạng cá chết và biển chết đang xảy ra.

Nhóm tuần hành biểu tình được rất nhiều người đi đường quan tâm và họ đã cho xe chạy chậm lại như để hòa vào đoàn biểu tình tuần hành. Chỉ 10 phút sau khi xuất phát từ điểm khởi hành thừ Nhà Thớ Lớn,  cảnh sát giao thông bắt đầu xuất hiện và ép sát, chận đầu đoàn biểu tình để buộc đoàn người phải dừng lại, lui lại hoặc phải rẽ vào một con đường khác.

Khi đoàn biểu tình tuần hành đến Hàng Gai thì xe bus, công an, an ninh mật vụ và dân phòng đổ xuống bắt tất cả người biểu tình lên xe bus và đưa sang đồn Công an huyện Long Biên.

Một số khác bị bắt và đưa về Hà Đông cũng như một số đồn công an khác. Trong buổi chiều, toàn bộ những người bị bắt được trả tự do.

Trong khi đó thì tại Bờ Hồ, công an, và an ninh ngăn chận rất chặt chẽ. Những rào cản đã được công an dàn ra để ngăn chận cuộc biểu tình có thể nổ ra.

Nhằm ngăn chận người biểu có thể nhập thành nhóm lớn, an ninh cộng sản lượn qua các phố chung quanh bằng xe gắn máy, và khi phát hiện bất cứ người nào đang đi lẻ tẻ về khu vực biểu tình thì chúng liền điều quân đến  và bắt ngay người có dấu hiệu khả nghi đi biểu tình trước khi người này có đủ thời gian để tập hợp thành nhóm lớn.

Trong khi đó thì tại Saigon, ngay khu vực Nhà Thờ Đức Bà, rất nhiều ngươi tuần hành đã bị an ninh và công an cộng sản bắt đi ngay, nhiều người chỉ ngồi không, chưa kịp nói hay có bất cứ hành động gì thì đã bị bắt và đưa ngay lên xe bus.

Một nguồn tin cho biết các quán cà phê chung quanh khu vực Nhà Thờ Đức Bà đã bị yêu cầu tắt Wi-Fi. Công an cũng sử dụng máy phá sóng làm cho mạng 3G chập chờn và gặp rất nhiều khó khăn khi kết nối.

An ninh Sài Gòn trả tự do cho một số người và còn giữ nhiều người khác tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội ở 463 Nơ Trang Long, nơi giam giữ hàng trăm người biểu tình ôn hòa bị bắt vào ngày 15/5. Những người bị bắt vào trung tâm này đã bị tra tấn trong quá trình hỏi cung bởi sỹ quan an ninh.

SBTN: Biểu tình bảo vệ môi trường nổ ra tại Hà Nội và Sài Gòn