Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền 06-12/6/2016: Việt Nam bắt giữ thủ lĩnh dân oan Cấn Thị Thêu chỉ vài ngày sau khi Quốc hội Châu Âu yêu cầu Hà Nội chấm dứt đàn áp người biểu tình ôn hòa

Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền | 12-06-2016

tuần tin

Ngày 10/6, công an thành phố Hà Nội đã bắt giữ cựu tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu, thủ lĩnh của hàng trăm dân oan ở thủ đô, chỉ vài ngày sau khi Quốc hội Châu Âu ra nghị quyết lên án việc đàn áp của chính quyền Việt Nam đối với người bất đồng chính kiến, người hoạt động xã hội và người bảo vệ nhân quyền.

Bà Thêu, người được tự do vào tháng 7 năm ngoái sau bản án bất công 15 tháng, đã bị bắt lại và bị cáo buộc gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 trong Bộ luật Hình sự. Công an Hà Nội cho biết họ sẽ giam giữ bà trong hai tháng để điều tra, và nếu bị kết tội, bà có thể đối mặt với án phạt nặng nhất là bảy năm tù, theo như luật hiện hành.

Công an thành phố Hồ Chí Minh hôm 07/6 đã phải trả tự do cho bốn người hoạt động môi trường sau khi giam giữ họ ba ngày trong Trung tâm Bảo trợ Xã hội số 463, một trại giam trá hình. Cô Trần Thị Thu Nguyệt cho biết cô đã bị xúc phạm nhân phẩm bởi lực lượng an ninh trong quá trình bị giam giữ trong trung tâm.

Công an Thanh Hóa vẫn tiếp tục giam bác sỹ nha khoa Hoàng Văn Giang, thành viên Hội Anh em Dân chủ. Ngày 14/10/2016, công an tỉnh đã bắt giữ bác sỹ một cách hết sức tùy tiện, cáo buộc anh liên quan đến ma túy. Tuy nhiên, anh Giang đã phản đối và kiên quyết không nhận cáo buộc phi lý.

Và nhiều tin quan trọng khác.

========06-06=========

Giáo dân Quảng Bình bắt công an đánh đập dân

Người dân giáo xứ Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình hôm 09/6 đã bắt một công an, người đã đánh đập dã man hai người dân địa phương, về nhà thờ của giáo xứ.

Trước đó, viên công an này đã đánh đập anh Nguyễn Văn Điệp và Cao Hạnh bằng dùi cui trong một vụ việc chưa rõ nguyên nhân. Hai nạn nhân bị nhiều thương tổn ở khắp người và được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện địa phương.

Tức giận vì hành vi côn đồ của công an, hàng trăm người dân đã chận xe cảnh sát giao thông lại và yêu cầu bắt giữ kẻ đánh người, nhưng những nhân viên công lực lại từ chối càng làm người dân căm phẫn.

Chính quyền địa phương đã điều động một lực lượng cảnh sát đông đảo, sẵn sàng đàn áp trong khi điều đình để giải thoát cho viên công an đánh người.

Linh mục Phêrô Hoàng Anh Ngợi của giáo xứ Cồn Sẻ đã đứng ra giải quyết sự việc và giải hòa cho hai bên vào tối cùng ngày tại nhà xứ.

Bên phía công an hứa sẽ chi trả các khoản viện phí cho hai nạn nhân.

Giáo dân Quảng Bình bắt công an đập dân về giáo xứ

———————

Công an Thanh hóa bắt giam người tùy tiện

Chính quyền tỉnh Thanh Hóa bắt giam bác sỹ nha khoa Hoàng Văn Giang, thành viên Hội Anh em Dân chủ một cách tùy tiện từ tháng 10 năm ngoái và hiện vẫn đang giam giữ anh mà chưa đưa ra xét xử.

Theo anh Nguyễn Trung Tôn, mục sư Tin lành và cũng là thành viên của Hội Anh em Dân chủ, vào chiều 14/10/2015, bác sỹ Giang được một khách hàng cũ nhờ đưa người này tới quan cà phê để gặp bạn. Khi anh Giang vừa ngồi vào vị trí cùng với một nhóm người đã ngồi từ trước, chưa kịp gọi cà phê thì ngay lập tức một lược lượng công an của Thanh Hóa ập vào bắt tất cả nhóm người này rồi khám xét. Khi công an khám xét thì phát hiện ra, những người ngồi chung bàn với anh Giang có mang theo ma túy đá. Ngay lập tức cả nhóm người bị bắt giữ, kể cả anh Giang mặc dù công an không tìm thấy chất gây nghiện trong người anh. Khoảng 16 giờ cùng ngày công an đã kéo tới phòng mạch của bác sỹ Giang trên đường Nguyễn Trãi để khám nhà mà không hề trao lệnh khám nhà cho người thân của anh Giang. Công an Thanh Hóa đã lục soát rất kỹ phòng khám này, kể cả máy tính và các thùng hóa đơn giấy tờ của Giang nhưng không tìm thấy ma túy. Sau vài ngày, cả nhóm người bị bắt cùng anh Giang đã được trả tự do, còn anh Giang vẫn bị giữ lại để điều tra thêm.

Trong suốt thời gian anh Giang bị giam giữ cho tới nay gia đình không nhận được bất cứ một thông báo nào từ phía cơ quan chức năng về việc bắt giữ anh Giang và cũng không hay biết anh bị khới tố tội danh gì. Khoảng tháng 2 năm 2016 vợ anh Giang được công an Thanh hóa gợi ý cho vào trại giam gặp anh Giang để khuyên anh nhận đại một tội danh gì đó để họ sớm kết thúc điều tra và đưa ra xét xử để thả anh Giang về. Khi vào trại giam gặp anh Giang chỉ được trong vòng 5 phút, chị không thể cầm được nước mắt khi nghe anh Giang nói rằng anh không có tội, anh cũng không biết anh bị khởi tố tội danh gì. Anh Giang tố cáo rằng công an đã đánh đập và đối xử tàn nhẫn với anh.

Mới đây vào cuối tháng 5 năm 2016 vợ anh Giang lại vào trại giam tỉnh để tiếp tế cho chồng thì được cán bộ trại giam cho biết anh Giang đã bị chuyển đi nơi khác nên trại giam không nhận quà chị gửi nữa. Chị cố gắng gặng hỏi xem chồng mình bị chuyển đi đâu nhưng đều nhận được câu trả lời là họ không có trách nhiệm nên không biết.

Hiện nay vợ anh Giang đang hết sức lo lằng rằng anh Hoàng Văn Giang đã bị thủ tiêu hay bị ép cung tới chết trong nhà giam vì anh không có tội.

Công an Thanh hóa bắt giam người tùy tiện

==================

Phát giác chất cực độc trong lô 30 tấn cá nục ở Quảng Trị

VNTB: Theo hai tờ báo Tuổi Trẻ và Vnexpress trong nước thì có 30 tấn cá nục phát hiện có chứa chất phenol, là một chất cực độc.

Cũng theo hai tờ báo này thì lượng cá có chứa chất độc nói trên đã được phát giác trong lô cá nục tại một vựa thu mua hải sản ở Quảng Trị. Điều đáng nói là lô hàng cá nục này được thu mua ngay sau thời điểm xảy ra sự cố cá chết hàng loạt.

Tờ Tuổi Trẻ còn cho biết thêm, ông Trần Văn Thành- Giám đốc Sở y tế tỉnh Quảng Trị đã xác nhận tin tức trên, và một bản phúc trình đã được gởi lên chính quyền tỉnh để giải quyết.

Tờ Tuổi Trẻ còn đưa tin “qua xét nghiệm mẫu cá nục đông lạnh, vốn đã được thu mua ngay sau thời điểm cá chết phát hiện có chất cực độc Phenol với hàm lượng 0,037mg/kg. Đây là chất cực độc, bị cấm tuyệt đối trong thực phẩm”

Tính đến nay đã hai tháng tính từ lúc xãy ra hiện tượng cá chết hàng loạt tại miền Trung, nhưng chính quyền Việt Nam vẫn im tiếng và không hề công bố lý do tại sao cá chết. Ngược lại, chính quyền lại còn kêu gọi người dân cứ tiếp tục tắm biển và ăn các loại cá được chính quyền cấp phép an toàn. Tuy nhiên, việc kiểm định cá được thực hiện qua loa.

========07-06=========

Bốn nhà hoạt động môi trường ở HCMC được trả tự do sau ba ngày giam giữ

Ngày 07/6, công an thành phố Hồ Chí Minh đã phải trả tự do cho bốn nhà hoạt động môi trường Trần Thị Thu Nguyệt, Lưu Văn Vịnh, Mạc Văn Phi và Lê Minh Khánh sau ba ngày giam giữ họ trong Trung tâm Bảo trợ Xã hội ở 463 Nơ Trang Long.

Cả bốn người bị bắt trong ngày Chủ nhật (05/6) khi định tham gia biểu tình ôn hòa ở trung tâm thành phố. Mạc Văn Phi đã bị đánh đập tàn nhẫn bởi lực lượng an ninh trước khi bị đưa đến giam giữ ở trung tâm.

Cô Nguyệt cho biết cô đã tuyệt thực trong thời gian bị giam giữ để phản đối việc xúc phạm nhân phẩm của lực lượng công an đối với cá nhân cô: cô bị bắt cởi quần áo trước mặt nhiều nam giới.

Bốn người cho biết họ không bị đánh đập trong thời gian giam giữ ở trung tâm, như lực lượng an ninh đã đối xử với hàng trăm người biểu tình ôn hòa bị giam giữ ở cơ sở này vào ngày 15 và 22/5.

——————

Nhà cầm quyền Lào Cai đàn áp dân để cưỡng chế đất

SBTN:Sáng ngày 07.06.2016, chính quyền tỉnh Lào Cai điều động hàng trăm công an, cảnh sát cơ động, dân quân tự vệ và các lực lượng khác để bao vây và tổ chức cưỡng chế đất thô bạo và đàn áp người dân tại thị trấn Bát Xát tỉnh Lào Cai.

Các lực lượng này được trang bị dùi cui, bình chữa cháy và phương tiện chống bạo động để tiến hành tháo dỡ lều bạt, tịch thu tài sản, đánh đập người dân trong tiếng khóc than, la hét và van xin.

Một video clip dài khoảng 8 phút lan truyền trên các trang mạng xã hội cho thấy người dân đã đưa quan tài ra khu vực cưỡng chế, trong khi rất nhiều người nông dân đeo khăn tang kêu khóc thảm thiết, kêu la xin công an dừng tay.

Nhiều mật vụ đã trà trộn vào nhóm người bị cưỡng chế và tấn công cả những ai chống đối.

Được biết khu đất cưỡng chế được quy hoạch làm cơ quan bảo hiểm xã hội huyện. Báo Lào Cai khẳng định: “…Công tác thống kê, đền bù giải phóng mặt bằng và thu hồi đất được triển khai đúng qui trình và qui định của pháp luật. Các hộ có diện tích đất bị thu hồi đã được chi trả kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng đúng quy định, đã ký nhận đủ 100% số kinh phí được phê duyệt…”

Người dân trong các vụ án bị thu hồi, cưỡng chế đất canh tác cho rằng nguyên nhân chính bà con phản đối cái gọi là “đúng quy trình”, là vì thu hồi đất với giá quá rẻ mạt, bồi thường không thỏa đáng, không hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp.  Nơi tái định cư điều kiện sống không bảo đảm, cuộc sống người dân điêu đứng sau khi bị thu hồi đất. Sau khi cưỡng chế các quan chức lại bán lại với giá cao gấp hàng trăm lần.

Ở Việt Nam, Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai…”.

Hiện nay có hàng ngàn gia đình đã mất tất cả, thành dân oan sau một đêm do bị nhà cầm quyền cộng sản cưỡng cướp đất đai. Uất ức hơn nhiều người đã phải vướng vòng lao lý vì bảo vệ tài sản của mình và bị khép tội để đẩy vào lao tù.

Nhà cầm quyền Lào Cai đàn áp dân để cưỡng chế đất

====== 08-06======

Hoa Kỳ ngỏ lời giúp Việt Nam tìm hiểu nguyên nhân cá chết nhưng bị từ chối

Trong buổi nói chuyện tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ở Washington DC sáng hôm 08/6, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius cho biết Hà Nội không tiếp nhận sự hỗ trợ của Hoa Kỳ để tìm hiểu lý do cá chết.

Trong buổi thảo luận xung quanh chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng Thống Obama và quan hệ của 2 nước sau chuyến thăm này, Đại sứ Osius cho biết một thông tin quan trọng liên quan đến vụ cá chết tại Việt Nam, đó là Hoa Kỳ đã chính thức ngỏ lời giúp đỡ Việt Nam tìm hiểu lý do cá chết, nhưng thiện chí của Hoa Kỳ đã bị Hà Nội từ chối.

”  …Về vụ cá chết chúng tôi có phản ứng ngay, tôi mở lời đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ kỹ thuật, nếu chính quyền Việt Nam muốn, để tìm hiểu xem chuyện gì xảy ra, từ đâu ra, lý do gì mà cá chết hàng loạt dọc bờ biển miền Trung. Lời đề nghị hỗ trợ ngay lúc đó không được đón nhận. Tuy nhiên có một vài sự hợp tác giữa một số khoa học gia Mỹ và Việt để truy tìm nguyên nhân cá chết, nhưng việc hợp tác đó không đến từ đề nghị chính thức của chúng tôi.” – Đại sứ Osius nói.

Trả lời câu hỏi liên quan đến những cuộc biểu tình tại Việt Nam. Đại sứ Osius cho biết quan điểm của Hoa Kỳ ủng hộ các biểu tình ôn hòa, tuy nhiên Hoa Kỳ không can dự vào việc này ở bất cứ khía cạnh nào

Đại sứ Osius khẳng định: “Đây là vấn đề nội bộ của Việt Nam. Chúng tôi có thể đề nghị chính quyền Việt Nam nên đối xứ với các cuộc biểu tình một cách nào đó, nhưng cuối cùng thì đây không phải là quyết định của chúng tôi. Đây là quyết định của chính quyền, và người dân Việt Nam về cách đối xử với cuộc biểu tình khi xảy ra. Luật lệ về hội họp và luật tương lai về tụ họp sẽ là bộ luật xác định một cách tốt nhất về cách đối xử trong tương lai. Tuy nhiên, chúng tôi có quan điểm về việc soạn thảo, đặt ra các điều luật này. Chúng tôi cũng sẽ cho chính quyền Việt Nam biết rõ về suy nghĩ của chúng tôi, về cách nào tốt nhất để soạn lại các luật này…”.

Trước đó một thỉnh nguyện thư với hơn 140 ngàn người ký vào để kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ làm rõ thảm họa môi trường khiến hàng ngàn người xuống đường ở Hà Nội và Sài Gòn trong nhiều tuần lễ liền.

Tính đến nay đã hơn hai tháng từ khi việc cá chết hàng loạt ven biển các tỉnh miền Trung xảy ra, nhưng nhà cầm quyền Hà Nội vẫn chưa công bố nguyên nhân gây ra thảm họa môi sinh nghiêm trọng này.

Hoa Kỳ ngỏ lời giúp Việt Nam tìm hiểu nguyên nhân cá chết nhưng bị từ chối

——————

Công an Việt Nam tra hỏi người Thượng tị nạn ở Phnom Penh

Đài Châu Á Tự do: Công an Việt Nam thẩm vấn một nhóm người Thượng sống ở Phnom Penh, những người mà phía Việt Nam dường như đã thất bại trong việc bắt họ trở về tổ quốc, theo đài RFA tiếng Khmer.

Hành động đe dọa người Thượng của nhà chức trách Việt vào thứ Ba đã bị lên án bởi nhiều tổ chức xã hội dân sự. Theo nhiều nhiều tổ chức nhân quyền thì nhóm người Thượng nói trên là nạn nhân của khủng bố và đàn áp tại Việt Nam.

“Những người Thượng trốn khỏi đất nước của họ do bị đàn áp về chủng tộc, chính trị và tôn giáo, và các mối đe dọa khác,” ông Suon Bunsak, tổng thư ký của Liên minh Hành động vì Nhân quyền Campuchia (CHRAC) nói với Khmer RFA.

“Việc các quan chức an ninh từ Việt Nam đến gặp người Thượng là mối đe dọa đến sự an toàn cá nhân của họ,” ông nói thêm.

Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cũng đặt câu hỏi về cuộc gặp nói trên.

“Không có một người tìm kiếm tị nạn nào bị buộc phải gặp đại diện của chính phủ mà họ đã cáo buộc tội hành hạ họ,” cô Vivian Tan, đại diện chính thức của UNHCR nói với RFA.

Giám đốc công an tỉnh Gia Lai là một trong số quan chức Việt Nam đã thẩm vấn một nhóm khoảng 150 người Thượng, những người bị thẩm vấn nói với RFA.

Tây Nguyên của Việt Nam là quê hương của 30 bộ tộc bản địa, được gọi chung là người Thượng hoặc Degar. Nhóm người Thượng này đến từ khu vực miền núi của các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Kon Tum thuộc miền Trung của Việt Nam, giáp với hai tỉnh Rattanakiri và Mondulkiri của Campuchia

Họ là một trong số hơn 200 người Thượng trốn khỏi Việt Nam và vượt qua biên giới sang Campuchia tìm kiếm sự giúp đỡ từ UNHCR, với lý do tránh sự đàn áp của chính phủ của Việt Nam.

Trong số 200 người, một số đã bị trả về Việt nam bởi nhà chức trách Campuchia, trong khi 13 người khác đã được công nhận bởi chính phủ Campuchia là người tị nạn hợp pháp vào đầu năm 2016. Họ đã được chuyển tới Philippines bởi Liên Hiệp Quốc vào tháng Năm.

Những người còn lại đang trải qua quá trình xác định tình trạng bởi nhà chức trách Campuchia. Cô Tan, đại diện của UNHCR nói rằng một số trong số họ đã được phỏng vấn, nhưng cô không biết kết quả nào.

Trong năm 2015, có ít nhất 36 người Thượng bị trục xuất về Việt Nam bởi chính quyền Campuchia sau khi họ bị phát hiện trốn trong rừng, những người Thượng khác nói với RFA tại thời điểm mất tích của họ.

Người Thượng đã đụng độ với chính quyền Việt Nam trước đây, và họ là đồng minh với Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam.

Đầu thập kỷ qua, hàng ngàn người Thượng tổ chức nhiều cuộc biểu tình bạo lực chống lại việc tịch thu đất đai mà tổ tiên của họ để lại, và sự kiểm soát tôn giáo của chính quyền Việt Nam. Lực lượng an ninh Việt Nam đã đàn áp tàn bạo và buộc tội hàng trăm người với cáo buộc vi phạm an ninh quốc gia.

Nguồn: Vietnamese Police Question Montagnards Living in Phnom Penh

=======09-06=========

Nghị viện Châu Âu ra Nghị quyết phản đối vi phạm nhân quyền tại Việt Nam

Người Bảo vệ Nhân quyền: Ngày thứ Năm (09/6/2016), Quốc hội Châu Âu đã thông qua ba nghị quyết không tán thành với việc đàn áp phe đối lập và người hoạt động nhân quyền ở Campuchia, kêu gọi Tajikistan cho phép các nhóm đối lập, luật sư và nhà báo được hoạt động một cách tự do, và thúc giục Việt Nam chấm dứt ngay lập tức việc sách nhiễu, hăm dọa, và đàn áp các nhà hoạt động chính trị, các nhà báo, các blogger, các nhà đối kháng và người bảo vệ nhân quyền.

Nghị quyết về Việt Nam

Nghị viên của Nghị viện Châu Âu phàn nàn về vi phạm nhân quyền đang diễn ra tại Việt Nam, bao gồm cả “đe dọa chính trị, sách nhiễu, hành hung, bắt bớ tùy tiện, kết án tù với những bản án nặng nề và xét xử không công bằng đối với những người bất đồng chính kiến, nhà báo, blogger, và người bảo vệ nhân quyền”, và kêu gọi Chính phủ Việt Nam “ngay lập tức dừng lại tất cả những hành động sách nhiễu, hăm dọa, và đàn áp” đối với các cá nhân trên.

Các nghị viên thuộc Nghị viện Châu Âu lưu ý về “mức độ bạo lực gia tăng đáng lo ngại nhằm vào người biểu tình Việt Nam ở phạm vi cả nước trong tháng 5 năm 2016, những người bày tỏ sự tức giận của họ” trong vụ việc thảm họa sinh thái ảnh hưởng đến nguồn cá quốc gia. Chính phủ Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do hội họp phù hợp với nghĩa vụ nhân quyền quốc tế, các kết quả của cuộc điều tra về thảm họa môi trường phải được công bố và những người có trách nhiệm phải chịu trách nhiệm, những nhà làm luật Châu Âu nói thêm.

Nghị quyết cũng kêu gọi Chính phủ Việt Nam chấm dứt đàn áp tôn giáo, sửa đổi pháp luật về tình trạng của các tôn giáo thiểu số và thu hồi dự thảo thứ năm của dự luật về tín ngưỡng, tôn giáo, hiện đang được thảo luận tại Quốc hội, vì nó “không tương thích với các chuẩn mực quốc tế về tôn giáo và tự do tín ngưỡng”.

Nguồn: Human rights: opposition in Cambodia, prisoners of conscience in Tajikistan, continuing violations of human rights in Vietnam

=====10-06====

Thủ lĩnh dân oan Dương Nội’ lại bị bắt vì tội ‘gây rối’

Một dân oan từng bị bỏ tù vì chống cưỡng chế đất bất công sau trở thành người đấu tranh đòi nhân quyền, dân chủ ở Hà Nội, bị bắt giam trở lại và bị vu cho tội “gây rối trật tự công cộng.”

Dân oan Cấn Thị Thêu vừa bị lực lượng công an tỉnh Hòa Bình và Hà Nội bắt đi vào lúc hơn 5 giờ sáng ngày 10/6 tại xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Anh Trịnh Bá Phương, con trai bà Cấn Thị Thêu cho biết chính quyền đã huy động khoảng 70 công an, cảnh sát, cơ động để bắt mẹ anh.

Lực lượng công an được trang bị đầy đủ dùi cui, áo chống đạn, súng ống và roi điện, anh Phương cho biết.

“Họ đọc lệnh bắt tạm giam mẹ tôi 60 ngày theo điều 245, lúc đó chỉ có ba tôi là Trịnh Bá Khiêm chứng kiến. Họ cũng khám nhà, nhưng không thu giữ bất cứ cái gì hết. Chỉ có lấy cái điện thoại iPhone của mẹ tôi,” anh Phương nói.

Bà Cấn Thị Thêu là một nông dân, đồng thời là dân oan Dương Nội. Bà là người phụ nữ can đảm, kiên cường đấu tranh bảo vệ đất đai cho những người nông dân bị cướp đất, nhiều người cho rằng bà là ‘thủ lĩnh’ của các cuộc đấu tranh này.

Bà Thêu, năm nay 54 tuổi, cùng chồng là ông Trịnh Bá Khiêm, từng bị nhà cầm quyền Việt Nam bỏ tù 15 tháng khi chống cưỡng chế đất ruộng đền bù rẻ mạt kiểu cướp ngày tại phường Dương Nội, huyện Hà Đông, Hà Nội, hồi tháng Tư năm 2014. Chính quyền “thu hồi” đất rồi trao cho tập đoàn Nam Cường xây dựng kiếm lời, đẩy nông dân vào đường cùng.

Sau khi mãn án tù ngày 25 Tháng Bảy, 2015, bà đã trở thành một trong những người đấu tranh chống bất công xã hội, tham dự tất cả các cuộc biểu tình tập thể tại Hà Nội mà mới đây là các cuộc biểu tình chống công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa xả chất thải độc hại ra biển giết hết tôm cá và các loài thủy sản.

Ngay khi mẹ vừa bị bắt giam trở lại, anh Trịnh Bá Phương đã gửi ngay một lá đơn thông báo khẩn cấp đến Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế và tòa án quốc tế (IJC) về việc bà Cấn Thị Thêu bị bắt.

Hàng trăm người bị thu hồi đất đai và những nạn nhân của việc xét xử không công bằng kiên gan khiếu kiện từ năm này sang năm khác ở hai cơ quan tiếp dân của chính phủ ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Từng có những người khiếu kiện mãi mà không nhìn thấy kết quả đã tự thiêu.

Thủ lĩnh dân oan Dương Nội’ lại bị bắt vì tội ‘gây rối’

======12-06======

Trung tâm bảo trợ xã hội hay nơi giam giữ để trả thù?

Ngày 3/6/2016, cụ Tạ Trí Hải, nghệ sĩ đường phố bất ngờ bị bắt vào Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1 nằm ở xã Dục Tú, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Cụ Hải, 77 tuổi, là người tham gia nhiệt tình trong các buổi biểu tình ôn hòa chống việc Trung Quốc xâm hại chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông cũng như những cuộc xuống đường về môi trường hay đòi hỏi chính quyền Việt Nam tôn trọng nhân quyền.

Để ngăn không cho cụ tham gia vào những sự kiện kể trên, công an thành phố Hà Nội đã bắt cụ đưa vào trung tâm, nơi giam giữ nhiều người già và những người có hoàn cảnh đặc biệt khác. Một số người đi khiếu kiện cũng bị đưa về giam giữ tại trung tâm, trái với ý muốn của họ.

Tại đây, họ bị đối xử như tù nhân, với chế độ ăn uống rất kham khổ.

Được biết chính quyền thành phố chi trả 600,000 đồng cho nhân viên trung tâm cho mỗi lần bắt được một người để đưa vào đây.

Cụ Hải rất quen thuộc với người dân thủ đô và du khách. Hàng đêm, cụ chơi nhạc ở Hồ Gươm cho người đi dạo và khách vãng lai.

VNTB- Trung tâm bảo trợ xã hội hay nơi giam giữ để trả thù?

Trung tâm bảo trợ Xã hội ở VN là nơi giam giữ người trái pháp luật, nơi dễ tham ô và là nơi lừa đảo