Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền từ ngày 13 đến ngày 19/6/2016: Tổ chức Front Line Defenders nêu quan ngại về vụ bắt giữ nhà hoạt động về quyền đất đai Cấn Thị Thêu

Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền | 19-06-2016

tuần tin

Ngày 16/6, tổ chức Front Line Defenders có trụ sở tại Dublin, Ireland, đã ra thông cáo nêu quan ngại về vụ bắt giữ bà Cấn Thị Thêu, một nhà hoạt động về quyền đất đai.

Cho rằng vụ bắt giữ này liên quan đến những hoạt động biểu tình ôn hòa đòi bồi thường xứng đáng cho những đất đại bị tịch thu tại Việt Nam, tổ chức này yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho cựu tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu, và đảm bảo để những người bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam có thể tiến hành những sinh hoạt hợp pháp về nhân quyền mà không bị trói buộc, xách nhiễu, hăm dọa, hay trả thù; và thừa nhận công khai vai trò quan trọng của họ trong một xã hội dân sự công bằng.

Ngày 13/6, công an thành phố Hà Nội đã bắt giữ hàng chục dân oan khi họ biểu tình đòi trả tự do cho bà Cấn Thị Thêu, một người hoạt động tích cực về quyền đất đai bị bắt tuần trước đó với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 của Bộ luật Hình sự.

Trong số những người bị bắt có Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư, là hai con trai của bà Thêu, một cựu tù nhân lương tâm mới được trả tự do vào tháng 7 năm ngoái sau 15 tháng bị giam cầm. Cháu Anh Thư, mới hơn 10 tuổi, cũng bị bắt theo chị vào đồn công an.

Công an đã thẩm vấn những người bị bắt, xóa hết dữ liệu trong máy ảnh và điện thoại của họ trước khi trả tự do vào cuối buổi chiều.

Cùng ngày, nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Thạnh ở Đà Nẵng đã bị côn đồ tấn công bằng hỗn hợp có chứa mắm tôm. Trước đó tám ngày, anh đã bị lực lượng an ninh mặc thường phục của thành phố tấn công, gây thương tích nặng ở mặt.

Tổ chức Quan ngại Kitô giáo Quốc tế (ICC) đã được thông tin về một loạt nhiều cuộc đàn áp của chính phủ đối với nhiều Kitô hữu ở Việt Nam trong thời gian gần đây, bao gồm cả việc bắt giữ và tra tấn vợ một mục sư đang bị cầm tù, hành hung và bắt giữ một tín đồ Kito 14 tuổi ở miền bắc Việt Nam. Những sự việc này diễn ra chỉ vài tuần sau chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ  Barack Obama.

Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ “ngăn chặn, xử lý kiên quyết, linh hoạt các tình huống phức tạp không để bị động, bất ngờ” , Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nói trong một cuộc phỏng vấn trả lời Thông tấn xã Việt Nam. Điều này có nghĩa là quân đội có thể được sử dụng để đối phó với những cuộc biểu tình đòi dân chủ hóa đất nước và nâng cao quyền con người trong tương lai.

Và nhiều tin quan trọng khác.

======= 13-06=========

Công an Hà Nội câu lưu hàng chục dân oan khi họ biểu tình đòi trả tự do cho nhà hoạt động về quyền đất đai Cấn Thị Thêu

Ngày 13/6, lực lượng công an thành phố Hà Nội đã bắt giữ hàng chục dân oan khi họ biểu tình đòi trả tự do cho bà Cấn Thị Thêu, một người hoạt động tích cực về quyền đất đai bị bắt tuần trước đó với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 của Bộ luật Hình sự.

Trong số những người bị bắt có Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư, là hai con trai của bà Thêu, một cựu tù nhân lương tâm mới được trả tự do vào tháng 7 năm ngoái sau 15 tháng bị giam cầm.

Cảnh sát cũng bắt giữ cháu Anh Thư, mới hơn 10 tuổi.

Cảnh sát đưa những người bị bắt về giam ở Quang Trung, Hà Đông để thẩm vấn nhằm buộc tội Phương và Tư gây rối trật tự công cộng. Cảnh sát đã tịch thu máy ảnh và điện thoại của nhiều người, xóa các dữ liệu trong đó trước khi trả lại cho người bị câu lưu.

Cuối buổi chiều, cảnh sát đã trả tự do cho những người bị bắt.

———————-

Nhà hoạt động Nguyễn Văn Thạnh bị tấn công bằng mắm tôm

Nguyễn Văn Thạnh, người có nhiều bài viết kêu gọi đa nguyên và tôn trọng quyền con người, đã bị vài kẻ lạ mặt tấn công bằng hỗn hợp có chứa mắm tôm vào ngày 13/6.

Trước đó, ngày 5/6, anh đã bị tấn công bởi lực lượng an ninh mặc thường phục ở thành phố Đà Nẵng.

Hôm 12/3, anh Thạn thuê xe máy đi tiêm thuốc để chữa trị vết thương trên mặt sau vụ hành hung một tuần trước đó thì bị hai kẻ côn đồ ép anh về đồn công an Phường Khuê Mỹ-Ngũ Hành Sơn.

Tại đây cơ quan công an nói anh đi xe không có nguồn gốc nên thu giữ. Họ nói mang giấy tờ đến thì trả lại. Khi anh đi cùng chủ xe đến thì người trực ban nói không biết, chỉ lòng vòng, lung tung. Cuối cùng họ hẹn 8h sáng hôm sau, chính là hôm anh bị tấn công bằng mắm tôm. Khi ra ra về thì có kẻ lạ đi theo có ý định hành hung.

Anh Thạnh đã nhiều lần bị hành hung bởi nhân viên an ninh mặc thường phục trong vài năm gần đây.

======= 14-06========

Một thành viên Đảng Dân chủ Việt Nam bị giữ ở Thái Lan

RFA: Một người Việt Nam ở Nga về Hà Nội nhưng không được nhập cảnh hiện đang bị cơ quan chức năng Thái Lan tạm giữ ở phi trường quốc tế Suvarnabhumi.

Người đàn ông bị giữ có tên Phạm Văn Điệp. Vào sáng ngày 13 tháng 6, qua skype, ông này cho Đài Á Châu Tự Do biết như sau:

“Theo tôi nghĩ trong trường hợp này Thái Lan giữ tôi lại là vô cớ vì tôi không có nguyện vọng gì ở lại Thái Lan. Còn nguyện vọng chính của tôi là về Việt Nam; không biết trong trường hợp này bàn bạc giữa Việt Nam và Thái Lan như thế nào. Việt Nam nói không hoan nghênh; thế nhưng không hoan nghênh một công dân của mình thì chưa chắc thế giới họ cho rằng Việt Nam có lý. Bởi vì con đường về nước của một công dân, không muốn đi đâu cả thì buộc Việt Nam phải chấp nhận thôi.

Tôi về (Việt Nam) lần này có hai mục đích. Mục đích cá nhân là thăm ông bố 97 tuổi. Còn mục đích thứ hai là trong suốt 10 năm nay, chính quyền Việt Nam liên tục có những hành vi sách nhiễu, bịa đặt làm mất uy tín, danh dự của tôi đối với bạn bè vì họ cho rằng tôi là thành phẩn phản động… Nên tôi cần phải làm sáng tỏ vụ việc liên quan chuyện trù dập như thế, đưa vấn đề ra pháp luật.”

Theo lời của ông Phạm Văn Điệp thì bản thân ông là một thành viên Đảng Dân chủ Việt Nam. Ông Điệp từng về Việt Nam tham gia một số hoạt động như biểu tình chống Trung Quốc.

Từ năm 2013 cho đến nay khi trở về Việt Nam ông bị chính quyền Hà Nội từ chối không cho nhập cảnh 5 lần; tuy vậy ông vẫn cương quyết trở về như trình bày vừa nêu.

Một thành viên Đảng Dân chủ Việt Nam bị giữ ở Thái Lan

=========15-06========

Công trình thi công trái phép trên đất của các nữ tu Phaolô tạm thời đã dừng lại

Sau khi quý soeurs Phaolô đưa đơn khiếu lại khẩn cấp đến các cấp chính quyền Hà Nội về tình trạng chủ đầu tư thi công trái phép trên mảnh đất số 5 đường Quang Trung, vốn là mảnh đất của quý soeurs thì lúc 14 giờ chiều nay, 15.6, Ủy Ban Nhân dân phường Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã có thư mời quý soeurs đến Ủy Ban Phường họp về vụ việc liên quan.

Lúc 16 giờ khoảng 20 soeurs đã lên phường Trần Hưng Đạo để họp bàn theo thư mời. Tại đây có hai mẹ con bà Trần Hương Ly là chủ đầu tư đang thi công trên mảnh đất của quý sơ.

Quý sơ đã yêu cầu phải dừng thi công công trình và giải tán nhóm bảo kê.

Tại cuộc họp, phía chính quyền cũng nhất trí với yêu cầu của các soeurs.

Hiện tại, các xe ba gác của nhóm bảo kê cho chủ đầu tư thi công trái phép trên mảnh đất của quý soeurs dòng Phalô Hà Nội đã rút đi và công trình đã dừng lại.

Công trình thi công trái phép trên đất của các nữ tu Phaolô tạm thời đã dừng lại

========= 16-06=========

Tổ chức nhân quyền Front Line Defenders lên án việc bắt giam nhà hoạt động về quyền đất đai Cấn Thị Thêu

Ngày 16/6, Tổ chức nhân quyền Front Line Defenders có trụ sở tại Dublin, Ireland ra tuyên bố lên án  việc nhà cầm quyền bắt giữ nhà hoạt động về quyền đất đai Cấn Thị Thêu, cho rằng những hành động của bà là “hợp pháp và ôn hòa để đòi bồi thường xứng đáng cho những đất đại bị tịch thu tại Việt Nam”.

Tổ chức này thúc giục nhà cầm quyền Việt Nam phải thả bà Cấn Thị Thêu vô điều kiện; phải bảo đảm an ninh về thể xác lẫn tinh thần cho bà; và phải để cho những người bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam tiến hành các sinh hoạt hợp pháp mà không bị sách nhiễu, hăm dọa, hoặc trả thù, cũng như thừa nhận vai trò của họ trong một xã hội dân sự công bằng.

Tổ chức nhân quyền Front Line Defenders lên án việc bắt giam bà Cấn Thị Thêu

———————–

Hàng triệu người Việt Nam không có hộ khẩu

SBTN, World Bank: Ít nhất 5.6 triệu người dân Việt Nam hiện không có nơi cư trú chính thức, khiến cho họ gặp rất nhiều khó khăn khi tìm việc làm và tiếp cận các dịch vụ xã hội.

Con số này được các chuyên gia tiết lộ trong buổi hôi thảo công bố báo cáo nghiên cứu “Hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam” do Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam và Ngân Hàng Thế Giới tổ chức sáng ngày 16 tháng 6 tại Hà Nội.

Cuộc nghiên cứu này chỉ được thực hiện ở 5 tỉnh và thành phố của Việt Nam gồm Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Bình Dương và Đắc Nông.

Số người không có hộ khẩu, tức là không được ghi danh trong hệ thống kiểm soát cư trú của chính quyền, chắc chắn sẽ còn cao hơn nhiều lần so với con số 5.6 triệu người.

Cuộc nghiên cứu cho thấy 36% dân cư của Sài Gòn và 18% dân cư của Hà Nội không có hộ khẩu.

Hầu hết những người không có hộ khẩu làm việc trong khu vực tư nhân. Họ thường khó có cơ hội làm việc trong khu vực công, và gặp khó khăn để nhận những dịch vụ xã hội, như giáo dục và bảo hiểm y tế cho trẻ em, tín dụng và các thủ tục dân sự.

Đa số người được hỏi ý kiến cho rằng hệ thống hộ khẩu đã hạn chế quyền lợi của người dân, tạo cơ hội cho nạn quan liêu cửa quyền đầy nhũng lạm, bởi vì người dân đi đâu, làm gì cũng bị các viên chức nhà nước hạch hỏi “sổ hộ khẩu”.

Đài VOV dẫn lời Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Nguyên Anh, Viện phó Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam, cho rằng hệ thống kiểm soát hộ khẩu không còn phù hợp ở Việt Nam, một quốc gia đang nỗ lực hội nhập quốc tế. Theo Tiến sĩ Anh, hệ thống này cần được thay thế bằng những công cụ hiện đại và khoa học hơn để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho cuộc sống người dân.

Được biết hệ thống hộ khẩu hiện nay chỉ còn được áp dụng ở một số nước Châu Á gồm Trung Cộng, Nhật Bản, Đài Loan, Bắc Hàn và Việt Nam.

Vietnam: Reforms Needed to Close the Gap in Social Service Access for Migrants

========= 17-06=========

Việt Nam gia tặng đàn áp sau chuyến thăm của Obama

Charisma News, Defend the Defenders: Tổ chức Quan ngại Kitô giáo Quốc tế (ICC) đã được thông tin về một loạt nhiều cuộc đàn áp của chính phủ đối với nhiều Kitô hữu ở Việt Nam trong thời gian gần đây, bao gồm cả việc bắt giữ và tra tấn vợ một mục sư đang bị cầm tù, hành hung và bắt giữ một tín đồ Kito 14 tuổi ở miền bắc Việt Nam. Những sự việc này diễn ra chỉ vài tuần sau chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ  Barack Obama.

Vào ngày 13/6, hơn 30 nhân viên chính phủ, bao gồm cả quan chức cao cấp, đã xông vào một nhà thờ địa phương gần biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Trong cuộc đàn áp khốc liệt này, nhiều tín đồ bị đánh đập và hai người bị bắt, trong đó có một cháu bé mới 14 tuổi. Linh mục đã bị đưa đi thẩm vấn và chính quyền địa phương đã cố gắng buộc ông ký vào một văn bản thừa nhận rằng các hoạt động của nhà thờ gây nguy hại đến cộng đồng và an ninh quốc gia.

Gần một tuần trước sự kiện này, nhiều quan chức Liên Hợp quốc công khai lên án việc tra tấn và bắt giữ vợ của một mục sư  Tin lành, người đang bị cầm tù ở Việt Nam. Việc lên án này được thực hiện sau khi có sự phản đối rộng rãi trên truyền thông.

Theo nhiều báo cáo, vợ mục sư Nguyễn Công Chính, cô Trần Thị Hồng, đã bị bắt giữ và tra tấn trong ngày 14/4/2016 bởi chính quyền địa phương ở tỉnh Gia Lai. Mục đích của việc tra tấn cô nhằm lấy thông tin liên quan đến một cuộc gặp mặt gần đây giữa cô và một nhóm quan chức ngoại giao Hoa Kỳ, bao gồm Đại sứ về Tự do Tôn giáo Quốc tế David Saperstein vào ngày 30/3. Cô Hồng đã bị nhiều nhân viên mặc thường phục ngăn chặn không cho đến cuộc hẹn, buộc phái đoàn Mỹ đến thăm gia đình cô Hồng tại nơi cư trú.

Trong khi nhiều thành viên của cộng đồng quốc tế công khai lên án các vụ tra tấn và đàn áp của chính phủ Việt Nam gần đây đối với nhiều tín đồ của các tôn giáo nhỏ, các Kitô hữu đang sống và làm việc tại Việt Nam không biết tình hình có được cải thiện không.

“Tôi không tin rằng Chính phủ Việt Nam sẽ giải quyết vấn đề này”, một chuyên gia khu vực nói với ICC. “Tôi tin rằng chúng ta đang chứng kiến Chính phủ cộng sản thể hiện sức mạnh cơ bắp của họ chứ không phải là sự ôn hòa.”

William Stark, Giám đốc khu vực vùng Nam Á nói “Chúng ta quan sát các hành động của chính phủ Việt Nam đối với giáo dân Kitô giáo cả trước và sau chuyến thăm của tổng thống. Trong một nỗ lực để mang mở ra một chương mới trong quan hệ Mỹ-Việt, Tổng thống Obama đã dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với nhiều hy vọng về một tương lai tốt hơn. Thật không may, Tổng thống Obama đã từ bỏ con bài cuối cùng mà Mỹ đã sử dụng cho dù những vi phạm nhân quyền tồi tệ của Việt Nam. Những cuộc đàn áp gần đây đối với nhiều nhà thờ và việc bắt giữ và tra tấn vợ một mục sư bị cầm tù đã thể hiện đúng bản chất của lãnh đạo Việt Nam.”

Heavy Persecution Crackdowns Follow US Delegation Visit

========= 18-06============

Hạ viện Mỹ điều trần “… Cơ hội bỏ lỡ để thúc đẩy nhân quyền”

VNTB: Theo Mạch Sống, một thông báo của Uỷ Ban Đối Ngoại của Hạ Viện Hoa Kỳ cho biết ngày 22 tháng 6 tới đây sẽ có buổi điều trần về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam với chủ đề “Chuyến công du Việt Nam của Tổng Thống: Cơ hội bỏ lỡ để thúc đẩy nhân quyền”.

Nhiều nhà Lập Pháp Hoa Kỳ không hài lòng với chuyến công du này vì TT Obama đã không mạnh mẽ đòi hỏi Việt Nam phải nhượng bộ nhân quyền để đổi lấy những lợi ích từ Hoa Kỳ, như được bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương và tham gia Hiệp Ước Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương TPP.

Một lĩnh vực đang được Quốc Hội Hoa Kỳ quan tâm là tình trạng đàn áp tôn giáo vẫn nghiêm trọng ở Việt Nam, nhưng Hành Pháp Obama tiếp tục tránh né không đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia phải quan tâm đặc biệt (CPC) với những biện pháp chế tài kèm theo.

Dân Biểu Christopher Smith, người chủ toạ buổi điều trần, muốn lắng nghe những thông tin cập nhật về tình trạng của các tôn giáo ở Việt Nam, cần thiết cho các quyết định lập pháp ở Quốc Hội trong năm nay.

Các nhân chứng được mời gồm có Mục Sư Rmah Loan thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Miền Nam; cô Katie Dương, đại diện hải ngoại của Khối Nhơn Sanh Đạo Cao Đài; Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS; và Ông T. Kumar, Giám Đốc Quốc Tế Vận của tổ chức Ân Xá Quốc Tế.

Rmah Loan, đến từ Greensboro, North Carolina, là cựu Mục Sư quản nhiệm Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Tỉnh Đắk Nông, với 36 nghìn tín đồ. Tuy nhiên, Mục Sư Rmah Loan đã bị cấm không được lên tiếng sau khi một tín đồ của Ông bị công an tra tấn đến chết; vợ con cùng thân nhân của người ấy đã phải chạy trốn sang Thái Lan lánh nạn.

Cô Katie Dương, đến từ Dallas, Texas, sẽ trình bày về sự đàn áp của chính quyền đối với Đạo Cao Đài. Đây là lần đầu tiên tiếng nói của Đạo Cao Đài được chính thức lắng nghe bởi Quốc Hội Hoa Kỳ.

Ts. Nguyễn Đình Thắng được mời trình bày về hiện tình của các tôn giáo ở Việt Nam nói chung. Dưới sự điều hành của Ông, từ năm 1998 BPSOS đã đặt trọng tâm vào lĩnh vực tự do tôn giáo như là điểm nhọn cho nỗ lực quốc tế vận để đòi hỏi Việt Nam tôn trọng nhân quyền.

Ông T. Kumar, thuộc văn phòng Ân Xá Quốc Tế ở ngay thủ đô Hoa Kỳ, sẽ cập nhật tổng lược về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Buổi điều trần sẽ diễn ra tại phòng 2200 Rayburn House Office Building, bắt đầu lúc 2:00 PM giờ Hoa Thịnh Đốn. Buổi điều trần sẽ được trực tiếp truyền hình tại:http://www.ForeignAffairs.house.gov

Hạ viện Mỹ điều trần “… Cơ hội bỏ lỡ để thúc đẩy nhân quyền”