Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần 46 từ ngày 07 đến 13/11/2016: Hội hỗ trợ nạn nhân bạo hành ra mắt tại Sài Gòn

dtd-6-150x150

Bản tin Người Bảo vệ Nhân quyền | 13/11/2016

Ngày 07/11, tại nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế- Sài Gòn, một nhóm người hoạt động nhân quyền tuyên bố thành lập Hội hỗ trợ nạn nhân bạo hành nhằm đấu tranh xóa bỏ bạo hành và giúp đỡ những nạn nhân.

Những người sáng lập Hội là bác sỹ Đinh Đức Long, một tiến sĩ y khoa tu nghiệp tại Hungary và cô Nguyễn Trang Nhung, cử nhân luật và thạc sỹ chuyên ngành Ngân hàng và Tài chính. Bác sỹ Long tham gia giảng dạy và chữa trị ở nhiều trường y và bệnh viện ở Việt Nam. Cựu trung tá quân đội đã tuyên bố ly khai khỏi đảng này và trở thành một nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập lâu nay.

Lực lượng an ninh thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giam giữ ba nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Văn Đức Độ và Hoan (Hoan Thanh Dia) sau vụ bắt giữ hàng loạt vào ngày chủ nhật (06/11).

Vào chủ nhật tuần trước, an ninh thành phố đã bắt giữ ít nhất bảy người được cho là có liên quan đến tổ chức Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết, một tổ chức do ông Lưu Văn Vịnh tuyên bố thành lập vào ngày 15/7. Sau vài ngày giam giữ, an ninh đã trả tự do cho bốn người. Những người được tự do cho biết cả nhóm bị đánh đập rất dã man trong quá trình thẩm vấn.

Công an nói rằng họ bắt giữ ông Vịnh và khởi tố ông theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự, tuy nhiên, gia đình ông không được xem lệnh bắt. Chưa rõ hai người còn lại có bị khởi tố không.

Chính quyền Hà Nội sẽ đưa nhà hoạt động về quyền đất đai Cấn Thị Thêu ra xử phúc thẩm vào ngày 30/11. Trước đó, vào ngày 20/9, cô Thêu đã bị Tòa án Nhân dân quận Đống Đa kết án 20 tháng tù giam vì cáo buộc gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 của Bộ luật Hình sự.

Nhiều nhà hoạt động như linh mục Phan Văn Lợi ở Huế, mục sư Nguyễn Trung Tôn ở Thanh Hóa và Ngọc Anh ở Hà Nội bị chính quyền địa phương đàn áp, đánh đập và phá rối việc làm ăn sinh sống.

Và nhiều tin khác

===== 07/11 =====

Hội hỗ trợ nạn nhân bạo hành được thành lập ở Sài Gòn
Ngày 7/11, tại Sài Gòn, một tổ chức xã hội dân sự được thành lập với tên Hội hỗ trợ nạn nhân bạo hành.

Trong lễ ra mắt diễn ra tại nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế- Sài Gòn, đại diện thứ nhất của Hội, bác sỹ Đinh Đức Long đã đọc tuyên bố chính thức thành lập và tôn chỉ. Hội hoạt động dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có công ước chống bạo hành mà nhiều nước đã ký, kể cả Việt Nam.

Tra tấn xảy ra một cách có hệ thống tại Việt Nam, theo Human Rights Watch. Hàng trăm người, kể cả người bất đồng chính kiến, người hoạt động xã hội và người bảo vệ nhân quyền, đã bị bắt giữ và đánh đập tàn bạo trong trại giam.

Trong thời gian gần đây, lực lượng an ninh của nhà cầm quyền ra sức bắt bớ những người đấu tranh ôn hòa. Chính quyền trấn áp nhiều tổ chức xã hội dân sự để ngăn không cho số lượng người tham gia phong trào phát triển.

Trong bối cảnh như vậy, việc ra đời Hội hỗ trợ nạn nhân bạo hành là một thành công ngoài dự tính của giới xã hội dân sự độc lập với nhà nước.

Trước khi ra mắt, Ban vận động của Hội hỗ trợ nạn nhân  bạo hành đã giúp đỡ nhiều tổ chức, cá nhân bị bạo hành khi đi biểu tình đòi quyền dân sinh. Một số blogger tự do khi bị bắt hoặc bị đánh đập cũng đã được Hội hỗ trợ về tài chính và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Trang web chính thức của hội hỗ trợ nạn nhân bạo hành là Asvtvn.com, viết tắt của tên tiếng Anh Association for Support of Victim of Torture.

Bác sỹ Đinh Đức Long là tiến sĩ y khoa tu nghiệp tại Hungary. Bác sỹ Long tham gia giảng dạy và chữa trị ở nhiều trường y và bệnh viện ở Việt Nam. Cựu trung tá quân đội đã tuyên bố ly khai khỏi đảng này và trở thành một nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập lâu nay.

——————–

Phóng viên Không Biên giới nói đối thoại nhân quyền với Chính quyền Việt Nam phản tác dụng
Đối thoại về nhân quyền với chính quyền cộng Sản Việt Nam không mang lại kết quả mà thậm chí còn phản tác dụng. Đó là điều mà tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) đã nghiệm ra, khiến họ đi đến quyết định tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch nhắm vào các cá nhân vi phạm nhân quyền trong chế độ cộng sản tại Việt Nam.

Hôm 2 tháng 11, nhân Ngày Quốc Tế Chấm Dứt Sự Bãi Miễn Dành Cho Tội Ác Chống Nhà Báo, tổ chức này công bố danh sách 35 kẻ thù của tự do truyền thông, bao gồm những nguyên thủ, chính khách, lãnh tụ tôn giáo, tổ chức võ trang và tổ chức tội phạm có thành tích đàn áp, bức hại, bỏ tù và giết nhà báo. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cũng được liệt vào danh sách này bên cạnh hàng loạt nhà độc tài và tổ chức khủng bố trên thế giới.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây với BBC, ông Benjamin Ismail, trưởng ban Châu Á – Thái Bình Dương của RSF giải thích việc đưa ông Nguyễn Phú Trọng vào danh sách này. Theo ông Ismail, RSF muốn điểm mặt chỉ tên và tạo áp lực với những cá nhân dính dáng vào việc trấn áp tự do báo chí.

Ông Ismail nhận định rằng, tự do báo chí luôn là một phần trong các cuộc đối thoại song phương về nhân quyền giữa Cộng sản Việt Nam và một số quốc gia Tây phương, nhưng trớ trêu là dường như càng đối thoại nhiều thì lại có thêm nhà báo và blogger bị bắt, bị đem ra xét xử và bị nhận án tù.

Ông Ismail cũng lưu ý rằng ở Việt Nam không chỉ các nhà báo và blogger bị trấn áp, mà người thân hay bạn bè của họ cũng bị sách nhiễu, và thậm chí côn đồ được thuê để hành hung các nhà báo, blogger và người nhà của họ.

Những vụ bắt bớ tiếng nói đối lập mới nhất diễn trong vài tuần trở lại đây, khi nhà cầm quyền CSVN bắt hai blogger đó là Mẹ Nấm và Bác sĩ Hồ Hải, với tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo điều 88 Bộ luật hình sự.

Phóng Viên Không Biên Giới nói đối thoại nhân quyền với CSVN phản tác dụng

——————–

Nhà hoạt động Ngọc Anh bị tấn công lần thứ 2 bởi lực lượng an ninh Hà Nội
Nhà hoạt động Ngọc Anh ở Hà Nội hôm 05/11 đã bị tấn công bởi lực lượng an ninh thành phố, vì những hoạt động ôn hòa chống Trung Quốc xâm lược ở Biển Đông, và cổ súy cho phong trào dân chủ đòi đa nguyên đa đảng.

Đây là vụ tấn công thứ 2 nhằm vào anh trong vòng 10 ngày. Anh kể trên Facebook rằng anh bị một nhóm bốn tên bịt mặt hành hung khi anh trên đường đi làm về. Anh đã bị nhiều vết thương ở người, và mũi bị chảy máu.

Lần trước, anh bị tấn công vào ngày 26/10 bởi một nhóm mặc thường phục. Chúng đã dùng gạch đá và gậy gỗ để đánh anh, gây một vết thương khá sâu ở đỉnh đầu.

Anh là một trong nhiều người đấu tranh bị tấn công bởi lực lượng an ninh gần đây.

Trong khi đó, chính quyền tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có những hành vi đàn áp gia đình mục sư Nguyên Trung Tôn. Bên cạnh việc sử dụng loa đài công cộng để bôi xấu anh, an ninh mặc thường phục còn ném chất thải vào gian hàng thực phẩm của vợ anh tại chợ địa phương, nhằm triệt đường sinh sống của gia đình anh.

Khu vực mồ mả của dòng họ nhà anh cũng bị chúng ném chất thải.

===== 08/11 =====

Việt Nam: Đàn áp nhân quyền trong phong trào bảo vệ môi trường liên quan đến Formosa
Việt Nam đang tiến hành chiến dịch đàn áp dữ dội chống lại người bảo vệ nhận quyền và những nhà hoạt động, những người kêu gọi chính phủ minh bạch và trách nhiệm trong việc xử lý thảm họa môi trường biển miền Trung. Một làn sóng bắt bớ được tiến hành gần đây ở nhiều vùng khác nhau của Việt Nam cùng với sự đe dọa, quấy rối, sách nhiễu và theo dõi những người trên khắp đất nước tham gia vào các hoạt động liên quan đến thảm họa.

Kể từ tháng 4 năm 2016, Việt Nam đã rung chuyển bởi một thảm họa môi trường với việc cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung. Các hậu quả do thảm họa được cho là đã ảnh hưởng đến đời sống của 270.000 người tại các tỉnh bị ảnh hưởng. Trong tháng 6, sau những lời kêu gọi công bố thông tin về nguyên nhân của thảm họa, một nhà máy thép thuộc sở hữu của một tập đoàn Đài Loan có tên là Formosa Plastics Group đã nhận trách nhiệm trước chính phủ.

Mặc dù Formosa công khai nhận trách nhiệm về vụ việc và cam kết sẽ trả 500 triệu USD để bồi thường cho những người bị ảnh hưởng, những nhà hoạt động môi trường kêu gọi trách nhiệm và tăng tính minh bạch trong thông tin về thảm họa và sự phân bổ số tiền bồi thường. Những hoạt động này đã được tiến hành liên tục trong nhiều tháng, với những cuộc biểu tình lớn chưa từng có và cơn sốt những bình luận trực tuyến.

Vào ngày 06/11, Lưu Văn Vịnh, một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ, trở thành nạn nhân mới nhất trong nỗ lực của chính quyền nhằm đàn áp những người chỉ trích về cách xử lý của chính phủ trong thảm họa môi trường. Ông bị bắt ở thành phố Hồ Chí Minh và bị buộc tội “thực hiện các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự, một cáo buộc với mức án từ năm năm đến tù chung thân, hoặc tử hình.

Lưu Văn Vịnh sinh ra ở tỉnh Hải Dương, ông chuyển đến sống ở thành phố Hồ Chí Minh năm ngoái, nơi ông đã tham gia vào một số cuộc biểu tình, bao gồm cả những cuộc biểu tình có liên quan đến Formosa. Trong tháng 7, ông đã thành lập Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết với mục tiêu chấm dứt sự cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông được cho là đã rời khỏi liên minh gần đây.

Ân xá Quốc tế đã nhận được thông tin nói rằng ba người khác có liên quan đến Lưu Văn Vịnh cũng đã bị bắt giữ vào cùng ngày. Đỗ Phi Trường và Tuấn Đoàn được cho là đã bị bắt giữ tại một cuộc họp với Lưu Văn Vịnh, trong khi người thứ ba, Nguyễn Văn Đức Độ, một nhà hoạt động từ thành phố Huế, được cho là đã bị bắt giữ sau khi thăm nhà Lưu Văn Vịnh. Đỗ Phi Trường đang bị giam tại đồn cảnh sát Bình Hòa Hưng, Tuấn Đoàn bị giam tại trạm cảnh sát số 4 Phạm Văn Lưu trong khi Nguyễn Văn Đức Độ bị giam tại số 4 Phan Đăng Lưu ở quận Phú Nhuận.

Vụ bắt giữ này tiếp theo vụ bắt giữ bác sỹ Hồ Văn Hải, một nhà hoạt động trực tuyến sử dụng blog của mình để kêu gọi sự tính minh bạch và trách nhiệm của chính phủ trong thảm họa môi trường ở miền Trung. Bác sỹ Hải đã bị bắt vào ngày 02/11 tại thành phố Hồ Chí Minh. Ân xá Quốc tế được biết bác sỹ Hải đang đối mặt với cáo buộc theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự, “tuyên truyền chống nhà nước”, có thể bị án tù từ ba năm đến 20 năm.

Một blogger khác, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, còn được gọi là blogger Mẹ Nấm, đã bị bắt vào ngày 10/10 tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Cô cũng tham gia vào các hoạt động liên quan đến môi trường và cũng đã bị buộc tội theo Điều 88 .

Các vụ bắt giữ cá nhân trên cho thấy Việt Nam đang sử dụng hệ thống tư pháp hình sự để đàn áp người bảo vệ nhân quyền và người hoạt động xã hội bên cạnh việc đe dọa, quấy rối và theo dõi những người hoạt động.

Ngày 5711, cựu tù nhân lương tâm Trương Minh Tâm đã bị câu lưu tại thủ đô Hà Nộivà bị thẩm vấn về chuyến đi gần đây của ông đến Ninh Thuận. Trương Minh Tâm đã tham gia vào các hoạt động liên quan nhằm minh bạch các thông tin về thảm họa biển ở miền Trung. Vào cuối tháng 4, ông bị bắt và bị tra tấn bởi cảnh sát khi ông đến các vùng bị ảnh hưởng để đưa tin.

Vụ câu lưu ông trùng hợp với thời gian của kỳ thi tốt nghiệp khóa luật và ông đã bị lỡ kỳ thi này. Trương Minh Tâm là thành viên của phong trào Con Đường Việt Nam, một tổ chức nhằm mục tiêu thúc đẩy nhân quyền và những người ủng hộ cải cách chính trị tại Việt Nam.

Cha Đặng Hữu Nam, một linh mục Công giáo đã hỗ trợ 506 ngư dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong việc khiếu nại yêu cầu bồi thường, đã phải chịu sự theo dõi, dọa giết, bắt bớ và đánh đập bởi cảnh sát và an ninh mặc thường phục. Các nỗ lực của ngư dân nộp khiếu nại đã được đáp ứng với sự đe dọa và quấy rối, cũng như những trở ngại nhằm ngăn cản họ đi đến tòa án ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh để khiếu kiện. Tất cả 506 khiếu nại cuối cùng đã bị từ chối bởi tòa án Hà Tĩnh bởi thủ tục hành chính.

Những nhà hoạt động khác, những người đã tham gia vào cuộc biểu tình và các hoạt động khác cũng đã phải đối mặt với các mối đe dọa. Nguyễn Văn Tráng là mục tiêu bị bôi nhọ trên phương tiện truyền thông địa phương, trên đài phát thanh và trên loa phóng thanh. Cựu tù nhân lương tâm Paulus Lê Văn Sơn đã phải chịu sự theo dõi, bôi xấu trên phương tiện truyền thông địa phương và bây giờ đang lo lắng cho sự an toàn của mình. Mục sư Nguyễn Trung Tôn và gia đình ông đã phải đối mặt với sự quấy rối liên tục, bao gồm cả theo dõi, bôi xấu nơi công cộng, đập phá cửa hàng thủy sản của gia đình và đe dọa từ những người mặc thường phục.

Ân xá Quốc tế kêu gọi Việt Nam duy trì và tạo điều kiện cho người dân thực hiện các quyền tự do lập hội, hội họp ôn hòa và biểu đạt như được quy định bởi Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam là thành viên.

Các nhà chức trách phải dừng ngay lập tức việc bắt giữ tùy tiện, truy tố, và quấy rối những người bảo vệ nhân quyền và nhà hoạt động môi trường, những người yêu cầu sự minh bạch và trách nhiệm giải trình về thảm họa môi trường xảy ra vào tháng 4 năm nay.

Ngoài ra, các nhà chức trách Việt Nam nên trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Văn Đức Độ, Đỗ Phi Trường, Tuấn Đoàn, bác sỹ Hồ Văn Hải, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Họ là những tù nhân lương tâm đã bị bắt giữ vì những hoạt động ôn hòa, và hủy tất cả các cáo buộc chống lại họ.

Viet Nam: Crackdown on human rights amidst Formosa related activism
——————–

Chính quyền Huế tiếp tục đàn áp Linh mục Phan Văn Lợi
Chính quyền thành phố Huế tiếp tục đàn áp linh mục Công giáo Phan Văn Lợi, không cho ông tham dự nhiều buổi họp với linh mục khác và con chiên.

Ngày 08/11, khi linh mục Lợi định đi đến cuộc gặp với một số linh mục khác tại một nhà thờ cách nhà riêng của ông khoảng 1km, ông bị một nhóm an ninh thường phục ngăn không cho ông ra ngoài.

Ngày 13/11, chúng cũng định ngăn ông ra ngoài nhưng do sự đấu tranh của nhiều giáo dân và linh mục, chúng phải để ông đi. Tuy nhiên, đêm hôm đó, chúng ném chất bẩn và đá vào nhà ông làm vỡ cửa kính.

Lực lượng an ninh địa phương thường xuyên theo dõi nhà ông.

Ông bị chính quyền địa phương ngăn cản ông trong việc thực thi nhiệm vụ của một linh mục từ năm 2001.

===== 10/11 =====

Việt Nam đang ở ngã ba đường sau mười năm được ra khỏi CPC
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt (CPC), Uỷ ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) nhận thấy Việt Nam đã có tiến bộ nhưng vẫn còn phải vượt qua một chặng đường dài trước mắt để đạt được sự tôn trọng hoàn toàn về tự do tôn giáo. USCIRF cũng quan sát với sự quan ngại về việc Quốc hội Việt Nam muốn bỏ phiếu để thông qua luật quản lý tôn giáo mới.

“Việt Nam đang ở ngã ba đường,” Chủ tịch Thomas J. Reese S.J. của USCIRF giải thích. “Chính phủ Việt Nam cần phải ngừng đàn áp các tín hữu và ban hành luật mà luật này phải tôn trọng tự do tôn giáo. Nếu không, USCIRF sẽ phải tiếp tục kêu gọi đưa Việt Nam vào CPC.”

Sự tự do trong thực hành một đức tin hay tín ngưỡng tại Việt Nam đã đi một chặng đường dài kể từ những ngày đen tối sau khi cộng sản tiến chiếm năm 1975. Nhiều cá nhân và cộng đồng tôn giáo có thể thực hành tôn giáo hay tín ngưỡng của họ một cách tự do, cởi mở, và không sợ hãi.

Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam có những vi phạm trắng trợn quyền tự do tôn giáo ở nhiều nơi trên đất nước mới mức độ rất đáng lo ngại. Ở một số nơi, chính quyền địa phương quấy rối và phân biệt đối xử đối với các tổ chức tôn giáo chưa đăng ký và ở nơi khác, chính quyền đe dọa tín đồ tôn giáo, buộc tín đồ phải ra khỏi nơi thờ phượng và phá hủy cơ sở tôn giáo. Các quan chức thực thi pháp luật tiếp tục bắt bớ và bỏ tù nhiều cá nhân do tín ngưỡng tôn giáo của họ hoặc vì sự vận động tự do tôn giáo của họ, trong đó có mục sư Nguyễn Công Chính; Hòa thượng Thạch Thuol của Phật giáo Krom Khmer; tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Nguyễn Văn Minh và Thượng tọa Thích Quảng Độ. Nhiều người khác đã bị đánh đập bởi công an và côn đồ do chính quyền chỉ đạo.

Phạm vi và quy mô của những vi phạm này chỉ ra rằng Việt Nam vẫn chưa thực sự tôn trọng quyền phổ quát về tự do tôn giáo và tín ngưỡng theo quy định của pháp luật và công ước quốc tế.

Luật của Việt Nam về tôn giáo và tín ngưỡng mà Quốc hội dự kiến sẽ xem xét vào cuối tháng này sẽ là một lựa chọn khó khăn cho chính phủ: hoặc nó muốn mang đến những thay đổi tích cực để đạt đến tiêu chuẩn tự do tôn giáo quốc tế hoặc nó có thể duy trì hiện trạng.

Sự thay đổi bao gồm một số ngôn ngữ tích cực. Luật mới sẽ mở rộng tư cách pháp nhân cho một số tổ chức tôn giáo, giảm thời gian mà các tổ chức tôn giáo phải chờ đăng ký với chính phủ, khuyến khích việc thành lập các trường tôn giáo, và đơn giản hóa yêu cầu của chính phủ về một số hoạt động tôn giáo (như luân chuyển chức sắc hoặc tiến hành một số sự kiện) bằng việc thông báo với chính quyền.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức tôn giáo và quan sát quốc tế xem dự luật về cơ bản chưa hoàn thiện bởi vì nó sẽ làm tăng sự kiểm soát của chính phủ đối với đời sống tôn giáo và biến một số hoạt động tôn giáo thành bất hợp pháp tùy thuộc vào sự giải thích của lực lượng thực thi pháp luật. Dự luật cũng sẽ hạn chế quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng bằng những quy định mơ hồ về an ninh quốc gia, những quy định có thể được diễn giải một cách rất rộng.

Luật mới nên tôn trọng tự do tôn giáo. Yêu cầu đăng ký, nếu còn tồn tại, chỉ nên là tự nguyện, đơn giản; hoạt động nội bộ, như việc điều chuyển của giới chức tôn giáo và kế hoạch hoạt động không nên bị quản lý bởi nhà nước, và các tín hữu cần được bảo vệ khỏi sự lạm quyền của các quan chức.

USCIRF kêu gọi Hoa Kỳ để tiếp tục thảo luận với chính phủ Việt Nam về chính sách tự do tôn giáo, bao gồm luật tôn giáo và việc thực hiện, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng những tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

Để biết thêm thông tin, xin vui lòng xem chương về Việt Nam trong  Báo cáo thường niên năm 2016 của USCIRF (trong tiếng Anh và tiếng Việt).

Vietnam: At a Crossroads, 10 Years after CPC Designation Removed
===== 12/11 =====

Vụ phúc thẩm nhà hoạt động về quyền đất đai Cấn Thị Thêu được ấn định vào ngày 30/11
Chính quyền Hà Nội cho biết vụ phúc thẩm xét xử nhà hoạt động về quyền đất đai Cấn Thị Thêu sẽ được tiến hành vào ngày 30/11.

Cô Cấn Thị Thêu bị xử 20 tháng tù giam với cáo buộc gây rối trật tự công cộng, bởi Tòa án Nhân dân quận Đống Đa ngày 20/9.

Trong phiên sơ thẩm, chính quyền Hà Nội đã huy động hàng trăm cảnh sát, an ninh và dân phòng để bảo vệ phiên tòa, ngăn những người thân, bạn bè và người đấu tranh và dân oan đến tham dự phiên tòa.

Cảnh sát đã bắt giữ hàng chục người, bao gồm 2 con trai của cô Thêu và đánh đập họ trong đồn công an, và chỉ trả tự do cho họ sau khi phiên tòa kết thúc.

===== 13/11 =====

Nhiều nhà hoạt động vẫn còn bị giam giữ sau vụ bắt giữ hàng hoạt vào Chủ nhật tuần trước
Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục giam giữ ba nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Văn Đức Độ và Hoan (Hoan Thanh Dia) sau vụ bắt giữ hàng loạt vào ngày chủ nhật (06/11).

Tuần trước, lực lượng an ninh thành phố bắt giữ ít nhất bảy người được cho là có liên quan đến tổ chức Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết, một tổ chức do ông Lưu Văn Vịnh tuyên bố thành lập vào ngày 15/7.

Sau vài ngày giam giữ trong đồn công an số 4 Phan Đăng Lưu, nơi chuyên giam giữ tù nhân chính trị, chính quyền thành phố đã trả tự do cho Mạc Văn Phi (Facebook Đỗ Phi Truong), Tuan Doan, hai người khác có tên Tuấn và Hùng.

Những người được trả tự do cho biết cả nhóm bị đánh đập rất dã man trong khi thẩm vấn. Trước đó, khi bị bắt tại nhà riêng, ông Vịnh cũng bị công an đánh đập trước sự chứng kiến của vợ ông và con ông.

Khi bắt ông Vịnh, công an nói rằng ông bị khởi tố theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, những người bị bắt không cho vợ ông được xem lệnh bắt. Công an cũng không làm biên bản khám xét và thu giữ đồ đạc mà tự tiện tịch thu nhiều đồ vật, kể cả điện thoại di động của ông.

Công an thành phố cũng không nói những người bị bắt có bị khởi tố không.

Ông Vịnh, người sáng lập Liên minh Dân tộc Tự quyết, được cho là đã tuyên bố rời khỏi tổ chức này một thời gian ngắn trước khi bị bắt.

Mới đây, trong một thông báo gửi đến các tổ chức nhân quyền quốc tế, các cơ quan ngoại giao các nước có trụ sở tại Việt Nam và các cơ quan truyền thông báo chí, tổ chức Liên minh Dân tộc Tự quyết kêu gọi cộng đồng hãy quan tâm, lên tiếng đối với việc nhà cầm quyền CSVN bắt giữ trái pháp luật nhiều nhà hoạt động trong tổ chức này.

===== end =====