Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 51 từ ngày 12 đến ngày 18/12/2016: Hai nhà hoạt động dân chủ bị kết án nặng nề

Người Bảo vệ Nhân quyền, ngày 18/12/2016

Ngày 16/12, Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Bình đã kết án hai nhà hoạt động chính trị Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng với bản án 13 năm và 12 năm về cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự. Hai ông còn phải chịu quản chế năm năm và bốn năm sau đó.

Trước đó một ngày, lực lượng an ninh ở nhiều địa phương đã canh gác nơi ở của nhiều nhà hoạt động nhằm ngăn không cho họ đi đến Thái Bình ủng hộ cho hai nhà hoạt động.

Cùng trong ngày, Ân xá Quốc tế ra thông cáo phản đối bản án dành cho hai nhà hoạt động dân chủ. Tổ chức này cũng nhắc đến trường hợp giam giữ luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và trợ lý Lê Thu Hà kể từ 16/12 năm ngoái. Ân xá Quốc tế nói Việt Nam cần phải trả tự do cho bốn nhà hoạt động trên và nhiều tù nhân lương tâm khác, những người đã bị bắt giam chỉ vì thực hiện quyền biểu đạt và quyền lập hội.

Bảy tổ chức phi chính phủ quốc tế cũng kêu gọi Việt Nam trả tự do cho luật sư Đài.

Hai tù nhân lương tâm mục sư Nguyễn Công Chính và blogger Nguyễn Đình Ngọc (Nguyễn Ngọc Già) đang bị đối xử tàn nhẫn trong trại giam. Ông Chính, người đang thụ án tù 11 năm chỉ vì hoạt động tự do tôn giáo, đang bị biệt giam trong nhà tù Xuân Lộc ở Đồng Nai trong khi blogger Ngọc bị cùm trong phòng biệt giam ở trại giam Chí Hòa ở thành phố Hồ Chí Minh.

Và một số tin quan trọng khác.

 

===== 13/12 =====

Dân biểu Hoa Kỳ yêu cầu trả tự do cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

Việt Nam Thời báo: Ngày 13/12, dân biểu Hoa Kỳ Zoe Lofgren đã gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm). Vị dân biểu này cũng đòi hỏi quyền thăm viếng của gia đình, bác sĩ và luật sư trong khi cô Quỳnh bị tạm giam.

Dân biểu Zoe Lofgren bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng bị giam giữ và sức khỏe của blogger Mẹ Nấm khi cô đang mắc một số bệnh hiểm nghèo.

Theo gia đình của Mẹ Nấm thì họ không được liên lạc với cô kể từ khi cô bị bắt vào ngày 10/10.

Cô Quỳnh đã bị bắt với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự và có thể phải đối mặt với án tù từ 12 đến 20 năm.

Cô đã đăng tải nhiều bài viết về thảm họa môi trường biển ở miền Trung do Formosa gây ra, và tố cáo lực lượng công an lạm dụng quyền để gây ra hàng trăm cái chết của người bị tạm giam.

===== 14/12 =====

Mục sư Nguyễn Công Chính bị biệt giam ở Trại giam Xuân Lộc

Người Bảo vệ Nhân quyền: Vào chiều ngày 13/12, sau hai ngày vất vả tìm kiếm tại một số trại giam ở Đồng Nai, cô Trần Thị Hồng đã tìm thấy chồng mình là mục sư Nguyễn Công Chính tại trại giam Xuân Lộc ở thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai trong tình trạng sức khỏe bị suy kiệt.

Trước đó, cô đến Trại giam An Phước ở Bình Phước để thăm nuôi chồng nhưng lãnh đạo trại giam sau một hồi vòng vo thì nói là mục sư đã bị chuyển đi, và nhất quyết không cho biết nơi ông đang bị giam.

Cô Hồng cho biết trại giam Xuân Lộc mãi mới đồng ý cho cô gặp chồng. Cô thấy sức khỏe của chồng mình ở trong tình trạng vô cùng bi đát. Ông cho biết ông bị giám thị đưa vào phòng biệt giam từ hôm 12/10.

Chính quyền nhà tù không cho ông đọc kinh, hàng ngày cung cấp rất ít thức ăn, và đặc biệt không được cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khi ông đang mắc nhiều bệnh hiểm nghèo, bao gồm bệnh huyết áp cao.

Mục sư Nguyễn Công Chính là một người bất đồng chính kiến và là một người hoạt động cho tự do tín ngưỡng. Ông bị bắt vào ngày 28.04.2011 và bị kết án 11 năm tù giam với cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết” theo Điều 87 bộ Luật Hình sự.

Vào những ngày tháng 8.2016, để đấu tranh bảo vệ quyền của phạm nhân và đòi hỏi nhà tù cho phạm nhân được gọi điện thoại về nhà 5 phút theo đúng quy định của pháp luật, mục sư Chính đã tuyệt thực 22 ngày. Trong khi ở tù, nhiều lần giám thị trại giam An Phước đã giờ những chiêu trò để hại ông, như việc cho trộn miểng thủy tinh vào phần cơm của ông, cho uống nước có mùi hóa chất nồng nặc…

Trong khi đó, ở bên ngoài, nhà cầm quyền tỉnh Gia Lai luôn cho công an mặc thường phục theo dõi và nhiều lần cho công an giả dạng côn đồ hành hung vợ của ông.

——————–

Blogger Nguyễn Ngọc Già bị hành hạ trong tù

Người Bảo vệ Nhân quyền: Tù nhân chính trị Nguyễn Đình Ngọc, thường được biết đến dưới tên blogger Nguyễn Ngọc Già, đang bị hành hạ trong tù do thẳng thắn đấu tranh với giám thị trại giam.

Theo tin tức từ gia đình ông, ông ông bị cùm chân hai lần trong thời gian qua, lần thứ nhất vào tháng 7, và lần thứ hai vào tháng 8 năm nay. Trong cả hai lần này, ông đều bị biệt giam trong những điều kiện rất tồi tệ.

Theo đó, ông bị cùm chân trong phòng biệt giam, được cung cấp hai nắm cơm nhỏ mỗi ngày. Ông bị buộc phải tiểu tiện trong một cái bô để bên cạnh, và không được đánh răng và tắm trong thời gian dài.

Lý do bị cùm chân được cho biết vì ông phản đối ban quản lý trại giam, yêu cầu cải thiện chế độ lao tù.

Blogger Nguyễn Ngọc Già trước khi bị bắt từng có nhiều bài viết gửi đăng trên trang web của Đài RFA cũng như trả lời phỏng vấn về những vụ việc đáng chú ý trong nước.

Ông bị bắt vào ngày 27/12/2014 và bị kết án 3 năm tù giam, ba năm quản chế với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.

===== 16/12 =====

Việt Nam kết án hai nhà hoạt động chính trị với bản án nặng nề

Người Bảo vệ Nhân quyền: Ngày 16/12, Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Bình kết án hai nhà hoạt động dân chủ Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng với mức án 13 năm và 12 năm trong tù kèm theo năm năm và bốn năm quản chế với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự.

Ông Trần Anh Kim, 67 tuổi, cựu trung tá quân đội, từng bị án tù năm năm rưỡi trong thời gian từ 2009 đến 2015, cũng với tội danh quy định tại Điều 79.

Ông Kim nảy sinh ý tưởng thành lập tổ chức ‘Lực lượng quốc dân dựng cờ dân chủ’, với lực lượng nòng cốt là sĩ quan và hạ sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam và quân đội Việt Nam cộng hòa, mục đích lật đổ chế độ hiện nay để thành lập một nhà nước dân chủ.

Ông Kim tự xưng chủ tịch và đề cử ông Tùng, cựu sĩ quan làm phát ngôn viên tổ chức nêu trên.

Hai ông dự kiến ra mắt tổ chức trên mạng Internet hôm 21/9/2015 nhưng bị lực lượng an ninh bắt và khởi tố.

Luật sư Võ An Đôn, người bào chữa cho ông Kim trong phiên tòa nói thân chủ của ông “tuyên bố tổ chức của ông có 7, 8 người nhưng thật sự chỉ có hai người và dự định đó mới chỉ là ý tưởng trên mạng, chứ chưa có hành động cụ thể nào được cho là lật đổ chính quyền.”

“Theo Hiến pháp Việt Nam, công dân có quyền tự do lập hội và tự do ngôn luận nên các luật sư bào chữa cho hai ông theo hướng vô tội.” Tuy nhiên, Viện Kiểm sát và Hội đồng Xét xử bác quan điểm của luật sư.

Tại tòa, hai ông Kim và Tùng không thừa nhận hành vi là có tội và thông báo với luật sư là họ sẽ kháng cáo.

Luật sư cũng nhận định Điều 79 “rất mơ hồ” vì “hoạt động của hai bị cáo mới chỉ là đưa ý tưởng trên mạng thôi,” luật sư Đôn nói.

Ông Kim bị bắt vào ngày 21/9, chỉ vài tháng sau khi ông mãn hạn tù. Ông Tùng bị bắt vào cuối năm ngoái khi ông đang đi làm ở Gia Lai.

Năm 2009, ông Kim được tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch (HRW) trao giải thưởng Hellman/Hammett.

——————–

Việt Nam: Việc biệt giam luật sư nhân quyền và bỏ tù hai người hoạt động dân chủ là những hành động coi thường luật nhân quyền quốc tế

Ân xá Quốc tế: Đúng một năm sau ngày bắt giữ luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, người đang bị biệt giam từ ngày 16/12/2015, chính quyền Việt Nam đã kết án hai nhà hoạt động dân chủ – Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng – 13 và 12 năm tù giam tương ứng.

Việc đối xử khắc nghiệt của Việt Nam đối với các nhà hoạt động ôn hòa bao gồm giám sát chặt chẽ, sách nhiễu, hạn chế về đi lại, tấn công vật lý, bắt giữ và cầm tù, tra tấn và những hành vi ngược đãi khác vẫn không suy giảm, và phải chấm dứt ngay bây giờ. Là một quốc gia thành viên của Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) và Công ước Chống Tra tấn (CAT), Việt Nam có nghĩa vụ để duy trì một loạt các quyền con người, nhưng chính phủ Việt Nam rõ ràng không tuân thủ những cam kết.

Ngày 16/12 đánh dấu một năm kể từ khi Nguyễn Văn Đài bị bắt trên đường đi gặp phái đoàn của Liên minh châu Âu (EU) đang ở Hà Nội để tham gia đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam một ngày trước đó. Ông bị biệt giam với cáo buộc “tuyên truyền” chống nhà nước theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự năm 1999. Ông đã không được phép gặp gỡ luật sư hoặc gia đình của mình (thực tế ông đã được gặp mặt vợ ông trong trại giam hơn một tháng trước đây- người dịch). Ông đã thành lập Ủy ban Nhân quyền Việt Nam năm 2006 – nay gọi là Trung tâm Nhân quyền Việt Nam – và là một trong những thành viên đầu tiên của Khối 8406, một tổ chức dân chủ. Ông là người đồng sáng lập của Hội Anh em Dân hủ, một nhóm thảo luận trực tuyến cổ súy dân chủ.

Ban đầu, ông bị giam giữ tại nhà tù B14 ở Hà Nội, nhưng nó có thể là ông đã bị chuyển đến một trại giam khác mà chính quyền không thông báo cho gia đình. Nguyễn Văn Đài là một cựu tù nhân lương tâm, từng bị bỏ tù trong thời gian 2007-2011 sau khi tổ chức các cuộc hội thảo về luật nhân quyền cho sinh viên đại học. Nếu bị kết tội, ông phải đối mặt với án tù giam có thể từ ba đến 20 năm.

Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng đã bị xét xử bởi một tòa án của tỉnh Thái Bình. Cả hai đều bị kết án về các hoạt động nhằm “lật đổ nhà nước” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự. Hai ông là cựu tù nhân lương tâm được trả tự do vào năm 2015 và bị bắt lại trong cùng năm do liên quan đến kế hoạch thành lập một nhóm ủng hộ dân chủ mới có tên là Lực lượng Quốc dân Dựng cờ Dân chủ. Nhiều nhà hoạt động khác đã bị ngăn chặn khi tìm cách tham dự phiên tòa, công an canh gác bên ngoài ngôi nhà của họ và không cho họ ra ngoài trước và trong ngày xử án,

Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi trả tự do ngay và vô điều kiện cho ba nhà hoạt động đã bị giam giữ chỉ vì thực hiện các quyền tự do ngôn luận và lập hội một cách ôn hòa, và trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm khác tại Việt Nam. Họ có nguy cơ bị tra tấn và ngược đãi khác.

Thông tin bổ sung

Việt Nam thường xuyên sử dụng các quy định trong phần an ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự năm 1999 – như các Điều 88 và 79, để bỏ tù các nhà hoạt động ôn hòa.

Vào tháng 7/2016, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã công bố một báo cáo tựa đề “Nhà tù trong nhà tù: Tra tấn và ngược đãi các tù nhân lương tâm tại Việt Nam”, ghi lại việc đối xử hà khắc đối với các tù nhân lương tâm của Việt Nam, những hành động vi phạm nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của quốc gia này, bao gồm cả việc cấm tra tấn , xem tại đây: https://www.amnesty.org/en/documents/asa41/4187/2016/en/.

Giống như các tù nhân lương tâm khác, Nguyễn Văn Đài, Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng có nguy cơ bị tra tấn và đối xử vô nhân đạo, bao gồm thủ tiêu, biệt giam trong thời gian dải và biệt giam phòng kín, gây đau đớn về thể chất, không cung cấp dịch vụ y tế, bỏ đói và chuyển nơi giam giữ mà không thông báo cho gia đình.

Tổ chức Ân xá Quốc tế tiếp tục nhận được các báo cáo về tra tấn và ngược đãi khác đối với các tù nhân lương tâm, kể cả vụ việc gần đây nhất của mục sư Tin lành Nguyễn Công Chính, người đang thụ án phạt 11 năm. Gần đây, ông Chính đã bị chuyển đến một nhà tù khác xa hơn gia đình của ông mà không thông báo cho gia đình. Trường hợp khác là Nguyễn Đình Ngọc, còn được gọi là blogger Nguyễn Ngọc Già, đang bị trừng phạt một cách vô nhân đạo để trả thù cho việc ông khiếu nại về điều kiện khắc nghiệt của nhà tù và hành vi sai trái của quản giáo.

Có khoảng 88 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ tại các nhà tù của Việt Nam, và số lượng có thể cao hơn.

Nguồn: Viet Nam: Incommunicado detention of human rights lawyer and trial of pro-democracy activists shows disdain for international human rights law

———————

Bảy tổ chức nhân quyền quốc tế ra tuyên bố chung kêu gọi Việt Nam trả tự do cho Luật sư Nguyễn Văn Đài và cô Lê Thu Hà

Phóng viên Không Biên giới: Bảy tổ chức nhân quyền quốc tế đã đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và trợ lý của ông là cô Lê Thu Hà, những người đã bị bắt một cách tùy tiện một năm trước đây và không được nhận trợ giúp pháp lý cho đến thời điểm sắp diễn ra phiên tòa.

Trong bản tuyên bố chung được bố cáo ngày 16/12, các tổ chức Ký giả Không biên giới (Reporters Without Borders), Luật sư của luật sư (Lawyers for Lawyers), Sáng kiến bảo vệ truyền thông bằng luật pháp (Media Legal Defence Initiative), Quan sát quyền luật sư Canada (Lawyers’ Rights Watch Canada), Văn bút Quốc tế (PEN International) và Việt Tân cho biết họ đã đưa kiến nghị đến Nhóm Công tác về Bắt giữ tùy tiện của Liên Hợp quốc (UNWGAD) về trường hợp của luật sư Nguyễn Văn Đài.

Trong bản kiến nghị thư gửi cho UNWGAD, bảy tổ chức trên nói rằng việc bắt và giam giữ luất sư Đài là đi ngược với cam kết quốc tế của nước này về nhân quyền và là bắt giữ tùy tiện chỉ vì ông đã thực hiện quyền biểu đạt. Các tổ chức này kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho luật sư Đài cũng như hồi phục các quyền chính trị và dân sự của ông.

Như đã biết, luật sư Đài bị bắt ngày 16/12/2016 trong khi ông đang định đi gặp phái đoàn thuộc Liên minh Châu Âu (EU) một ngày sau khi phái đoàn này tham dự phiên họp đối thoại nhân quyền hàng năm với Việt Nam. Cô Hà cũng bị bắt trong cùng ngày.

Vài ngày trước đó, luật sư Đài, người cổ súy nhân quyền và những quyền tự do cơ bản trong một thời gian dài, đã bị đánh đập dã man bởi côn đồ ở Nghệ An sau khi ông tổ chức một cuộc gặp mặt để trao đổi về nhân quyền.

Luật sư Đài là người sáng lập ra Ủy ban Nhân quyền Việt Nam với mục tiêu giáo dục về quyền chính trị và dân sự. Ông đi khắp Việt Nam để dạy các sinh viên luật và người bảo vệ nhân quyền về cách đưa tin trong lĩnh vực này. Ông cũng là đồng sáng lập Hội Anh em Dân chủ để cổ súy dân quyền.

Ông đã từng bị giam giữ bốn năm tù từ năm 2008 và phải chịu án quản chế 4 năm sau khi được trả tự do năm 2011, và bị cấm hoạt động luật sư. Ông là mục tiêu thường xuyên của việc theo dõi, sách nhiễu và đánh đập.

Việc bắt giữ luật sư Đài được tiến hành khi Việt Nam gia tăng đàn áp giới bất đồng chính kiến. Những người bị bắt bao gồm bác sỹ Hồ Văn Hải, Nguyễn Hữu Quốc Duy, Nguyễn Hữu Thiên An, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và họ bị cáo buộc theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.

Nguồn: Vietnamese human rights lawyer and blogger arbitrarily detained for the last year

===== 17/12 =====

Việt Nam bắt một người làm video clips “bôi xấu” lãnh đạo

Người Bảo vệ Nhân quyền: Ngày 16/12, Bộ Công an đã phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hoá bắt giữ Nguyễn Danh Dũng, cáo buộc anh đăng tải video lên một trang web mà anh quản trị, với nội dung “xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ, hạ uy tín các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.”

Theo cơ quan công an, Dũng đã trực tiếp tạo lập và quản trị các tài khoản Youtube ThienAn TV; Facebook “ThienAn”, “quachthienan” và blog “tinhhinhdatnuocvietnam.blogspot.com” để đăng tải các video clips.

Dũng được cho là đã sử dụng các video clips thu thập từ các trang mạng xã hội sau đó biên tập lại nội dung rổi đưa lên các trang mạng của mình.

Công an nói Dũng đã đăng hơn 700 video clip, thu hút hàng triệu lượt xem.

Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt, tạm giam 3 tháng đối với Dũng về cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” quy định tại Điều 258 của Bộ luật Hình sự.

Với cáo buộc này, anh Dũng có thể phải đối mặt với án tù hai đến bảy năm tù giam.

Chính phủ cộng sản thường dùng những điều luật mơ hồ 79, 88 và 258 của Bộ luật Hình sự để bịt miệng giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam.

Tháng 3 vừa qua, tòa án Việt Nam đã kết án Nguyễn Hữu Vinh, chủ trang thông tin độc lập Ba Sàm với án tù 5 năm.

Nhiều người khác cũng đã bị kết án nặng nề về cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 88, trong đó có luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Tuần trước, công an thành phố Hồ Chí Minh đã thẩm vấn một blogger địa phương trong nhiều giờ về việc anh này làm các video hài về tình hình đất nước.

Bắt đối tượng đăng tin bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước