Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 3 từ ngày 16 đến ngày 22/01/2017: Việt Nam tăng cường trấn áp chính trị, bắt giữ nhiều nhà hoạt động

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 22/01/2017

Chính quyền Việt Nam tăng cường trấn áp đối với giới bất đồng chính kiến, người hoạt động xã hội và người bảo vệ nhân quyền sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam trở về từ Bắc Kinh nơi mà hai đảng cộng sản nắm quyền đã cam kết thắt chặt quan hệ trên mọi lĩnh vực để giữ địa vị độc tôn chính trị ở mỗi nước.

Ngày 21/01, chính quyền Việt Nam bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga từ Hà Nam, cáo buộc chị tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự. Vụ bắt bớ xảy ra sau nhiều tháng đàn áp nhằm vào chị và hai đứa con nhỏ.

Một ngày trước đó, chính quyền tỉnh Nghệ An bắt cóc cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Quốc Oai và sau đó cáo buộc anh chống người thi hành công vụ theo Điều 257 của Bộ luật Hình sự.

Cả Nga và Oai sẽ bị giam giữ 4 tháng để điều tra. Họ sẽ không được gặp gia đình và luật sư trong suốt quá trình điều tra, theo luật hiện hành của Việt Nam trong các vụ án chính trị.

Trong tuần, chính quyền Hà Nam cũng bắt giữ dân oan Nguyễn Thị Mến và buộc tội chống người thi hành công vụ.

Trước đó, ngày 11/01, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh bắt giam blogger Nguyễn Văn Hóa, người hay đưa tin về các vụ biểu tình chống Formosa. Mãi hơn một tuần sau, công an địa phương mới thông báo với gia đình rằng Hóa bị cáo buộc lợi dụng quyền tự do dân chủ gây hại cho nhà nước, theo Điều 258 của Bộ luật Hình sự.

Ngày 19/01, lực lượng an ninh ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã giải tán hai cuộc biểu tình ở trung tâm hai thành phố của những người hoạt động tưởng niệm 75 người lính Việt Nam Cộng hòa đã ngã xuống khi Trung Quốc tiến chiếm Hoàng Sa năm 1974. Cảnh sát đã bắt giữ nhiều người, và đánh đập một số người. Trước đó, lực lượng an ninh đã ngăn chặn nhiều nhà hoạt động nhằm ngăn cản họ trong việc tham gia tưởng niệm.

Số người bị đánh đập đến chết hoặc bị thương tích nặng bởi lực lượng công an tiếp tục tăng lên. Cuối năm ngoái, ba học sinh trung học cơ sở tên là Phùng Viết Quân, Vũ Đình Hiếu và Nguyễn Hào Quang ở tỉnh Bình Phước đã bị cảnh sát đánh đập bằng gậy khi ba em cùng di chuyển trên một chiếc xe máy. Hậu quả là xe mất lái và đổ xuống đường, Quân chết tại chỗ còn Hiếu và Quang bị thương tích nặng.

Trong giữa tháng 1, Bộ Công an công bố dự thảo Báo cáo về Tra tấn, nói rằng số nạn nhân của tra tấn và các hành vi ngược đãi khác là rất nhỏ so với tổng số người bị bắt trong các vụ án hình sự. Trong thực tế, hàng trăm người đã chết và nhiều người khác bị thương tích nặng trong đồn công an trong vài năm qua. Lực lượng công an nói bệnh tật là nguyên nhân chính của những cái chết nói trên nhưng gia đình của các nạn nhân cho rằng tra tấn và đối xử tồi tệ là nguyên nhân gây ra cái chết của họ.

 

===== 16/01 =====

Lần đầu tiên Việt Nam có báo cáo quốc gia về chống tra tấn

Bộ Công an vừa công bố dự thảo Báo cáo quốc gia về thực thi công ước của Liên Hợp Quốc (LHQ) về chống tra tấn và các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

Theo dự thảo mà Bộ Công an công bố, trong vòng 5 năm có 10 vụ án với 26 bị cáo đã được thụ lý và xét xử về tội dùng nhục hình.

Đáng chú ý, đây là báo cáo đầu tiên kể từ khi Việt Nam ký Công ước của LHQ về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người vào năm 2013.

Dự thảo khẳng định quyền không bị tra tấn của con người tại Việt Nam đã được quy định tại nhiều văn bản luật, như Hiến pháp năm 2013, BLHS năm 1999, BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015,…

Đặc biệt, một trong những nội dung quan trọng được dự thảo đề cập tới là việc bức cung, dùng nhục hình trong quá trình tố tụng.

Theo đó, Việt Nam không có nhiều vụ án liên quan đến bức cung, dùng nhục hình. Mỗi vụ án phát hiện có bức cung, dùng nhục hình đều được xử lý nghiêm minh.

Từ năm 2010 đến năm 2015, TAND chưa thụ lý vụ án nào về tội bức cung và tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; đã thụ lý và xét xử 10 vụ án với tổng số 26 lượt bị cáo về tội dùng nhục hình.

Trên thực tế, có hàng trăm người đã chết hoặc bị nhiều thương tích nặng trong quá trình thụ án hoặc đang bị giam giữ trong các trại tạm giam trong quá trình điều tra. Phía công an thì cho rằng bệnh tật là nguyên nhân chính gây ra những cái chết nói trên còn gia đình những nạn nhân cho rằng người thân của họ bị chết do tra tấn và ngược đãi của công an.

Trong nhiều vụ án oan gần đây, nạn nhân của oan sai tố cáo họ bị cán bộ điều tra đánh đập trong quá trình hỏi cung và buộc họ phải khai theo ý của công an.

===== 17/01 =====

Công an Bình Phước dùng gậy đánh học sinh 15 tuổi tử vong

Ngày 25/12/2016, ba học sinh trung học cơ sở Phùng Viết Quân (15 tuổi), Vũ Đình Hiếu (15 tuổi) và Nguyễn Hào Quang (14 tuổi) ở xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước đi xe máy kẹp 3. Nhóm đã bị hai công an viên của xã đuổi và dùng gậy đánh đập, theo lời kể của bà Đỗ Thị Luận, mẹ của Quân.

Một công an đã đáng Quân và Quang ngồi sau, gây nhiều thương tích cho hai học sinh này. Khi viên công an đánh Hiếu, là người cầm lái, thì xe đâm vào lề và đổ xuống đường. Hậu quả là Quân chết tại chỗ còn Quang và Hiếu bị thương nặng.

Mãi đến ngày 19/01/2017, bà Luận mới gửi đơn đến cơ quan có trách nhiệm ở địa phương, yêu cầu làm rõ cái chết của con mình, vì sự vô cảm của công an.

Bà Luận cho biết, sau khi gây tai nạn, công an xã lẫn công an huyện chẳng thấy ai đến xin lỗi hay điều tra để quy trách nhiệm. Bà cho biết một viên công an tên Đ. đã thừa nhận hành vi đánh con bà vì không chấp hành hiệu lệnh dừng xe.

Ông Nguyễn Minh Hóa, chủ tịch xã Đức Hạnh lại cho biết, công an xã thừa nhận có đánh các em học sinh, nhưng sự việc do công an huyện điều tra nên ông không thể nói gì.

===== 18/01 =====

Việt Nam thắt chặt kiểm duyệt thông tin mạng

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa ban hành Thông tư 38 về Quản lý thông tin xuyên biên giới, yêu cầu chủ các trang web, mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Youtube… phải có nghĩa vụ hợp tác với bộ để chặn thông tin xấu độc.

Nếu không hợp tác, bộ này sẽ “chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết”.

Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử nói rằng các hoạt động cung cấp thông tin qua môi trường internet sẽ bị quản lý “chặt chẽ hơn,” áp dụng cho cả cá nhân và doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.

Ông Quang, thạc sỹ ngành báo chí ở Mỹ và từng là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn, nhấn mạng rằng chủ các trang web, mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Youtube… phải có nghĩa vụ hợp tác với bộ TT&TT để chặn thông tin xấu độc. Bộ TT & TT sẽ phối hợp cùng các chủ các trang này để xác định các nội dung cần gỡ bỏ hoặc chặn không cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập.

Việt Nam cho rằng các thông tin xấu độc sẽ bị ngăn chặn là “các thông tin gây nhiễu loạn, sai, xuyên tạc, bịa đặt gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, thậm chí đe doạ đến lợi ích quốc gia.”

Thông tư 38 vi phạm Điều 25 của Hiến pháp trong đó công nhận quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân, theo cựu tù nhân chính trị Nguyễn Tiến Trung.

Các chuyên gia về mạng truyền xã hội cho rằng Thông tư 38 chỉ mang tính quản lý hành chính trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, chứ khó có hiệu lực với các hãng có trụ sở ở nước ngoài. Trên thực tế Facebook, Google, hay YouTube không đặt máy chủ trong lãnh thổ Việt nam và cũng chưa mở văn phòng chính thức tại Việt Nam.

===== 19/01 =====

Việt Nam đàn áp người tưởng niệm Liệt sỹ Hoàng Sa

Lực lượng an ninh ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã đàn áp những người hoạt động khi họ tổ chức tưởng niệm 75 liệt sỹ của quân đội Việt Nam Cộng hòa, những người đã ngã xuống trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa vào ngày 19/01/1974.

Hàng trăm người hoạt động đã đến được trung tâm của hai thành phố cho dù lực lượng an ninh đã ngăn chặn rất nhiều người khác.

Tại HCM, cảnh sát giải tán cuộc biểu tình trong khi ở Hà Nội, cảnh sát đã bắt giữ và đánh đập nhiều người, trong đó có nhà hoạt động Vũ Quang Thuận thuộc nhóm Chấn hưng nước Việt.

Đọc thêm: Cảnh sát chặn, bắt người biểu tình chống TQ tại Hà Nội

Công an xã Diễn Hải phá rối các bạn trẻ Nghệ An tưởng niệm 74 tử sĩ Hoàng Sa

Những hình ảnh đầu tiên về lễ tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa tại Việt Nam

===== 20/01 =====

Công an Nghệ An bắt cóc cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai, buộc tội chống người thi hành công vụ

Tối ngày 19/01, chính quyền tỉnh Nghệ An đã huy động khoảng 20 công an, an ninh mặc thường phục, mai phục trong rừng bắt cóc cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai, khi anh đang trên đường đánh cá.

Sau đó, công an đã thông báo cho gia đình biết anh Oai bị bắt với hai cáo buộc: chống người thi hành công vụ theo Điều 257 của Bộ luật Hình sự, và không thi hành bản án quản chế.

Anh Oai từng bị nhà cầm quyền Nghệ An kết án 4 năm tù giam và 4 năm quản chế tại địa phương với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự. Anh mãn hạn tù vào ngày 02/08/2015 nhưng vẫn còn phải thi hành án quản chế.

Gia đình cho biết, kể từ sau khi anh được trả tự do, chính quyền tỉnh Nghệ An luôn cho công an mặc thường phục theo dõi, sách nhiễu, khủng bố tinh thần và nhiều lần “triệt để” hoạt động làm kinh tế gia đình anh.

===== 21/01 =====

Nhà hoạt động Trần Thị Nga bị bắt giam và khởi tố theo Điều 88

Vào sáng ngày 21/01, chính quyền Hà Nam đã bắt giữ người hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga và khởi tố cô với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.

Cô bị cáo buộc phát tán một số video clips và bài viết lên mạng xã hội có nội dung chống nhà nước.

Cảnh sát cũng khám xét nhà ở của cô tại thành phố Phủ Lý, và thu giữ nhiều giấy tờ, tài liệu về nhân quyền.

Theo những người chứng kiến, chính quyền Hà Nam đã huy động hàng trăm công an và dân phòng để phong tỏa khu vực.

Vài ba ngày trước đó, công an bao vây nhà của cô, không cho cô đưa con đi học. Công an thậm chí còn không cho người hàng xóm đưa hai con nhỏ sáu tuổi và bốn tuổi đi mua thức ăn.

Bà Trần Thị Nga là một nhà hoạt động đấu tranh đòi dân chủ – nhân quyền cho người dân và sáng lập hội Phụ Nữ Nhân Quyền để tranh đấu, bảo vệ nhân quyền cho phụ nữ.

(Quý vị có thể đọc bản tin phiên bản tiếng Anh tại đây: /2017/01/23/vietnam-human-rights-defenders-weekly-january-16-22-2017-vietnam-intensifies-its-political-crackdown-arresting-many-activists-ahead-of-tet/ )