Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 12 từ ngày 13 đến 19/03/2017: Chính quyền Việt Nam tiếp tục chiến dịch đàn áp, dùng vũ lực giải tán nhiều cuộc biểu tình ôn hòa

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 19/03/ 2017

Chính quyền cộng sản Việt Nam tiếp tục chiến dịch đàn áp giới bất đồng chính kiến và người hoạt động xã hội, dùng vũ lực để giải tán nhiều cuộc biểu tình ôn hòa trong tuần.

Ngày 14/03, nhân kỷ niệm 29 năm ngày Trung Quốc xâm chiếm Gạc Ma và giết hại 64 chiến sỹ Hải quân, nhiều người hoạt động ở Hà Nội và các tỉnh lân cận dự định tụ tập ở tượng đài Lý Thái Tổ ở trung tâm Hà Nội để thắp hương tưởng nhớ những liệt sỹ. Tuy nhiên, chính quyền thành phố Hà Nội đã sử dụng mọi biện pháp để ngăn cản việc tưởng niệm này.

Từ tối thứ Hai (13/03), chính quyền đã huy động công an đến canh gác nhiều nhà bất đồng chính kiến nhằm không cho họ đi đến điểm tưởng niệm. Sáng hôm sau, một số người hoạt động vẫn đến được trung tâm Hà Nội nhưng họ không thể tiếp cận tượng đài vì đã bị lực lượng an ninh bắt giữ đưa về đồn cảnh sát.

Tồi tệ hơn, an ninh thành phố còn sử dụng côn đồ để đánh đập hai nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng và Đỗ Thanh Vân ngay đầu giờ chiều ngày 14/03 gần trụ sở công an phường Bách Khoa.

Hai ngày hôm sau, một số nhà hoạt động nhân quyền biểu tình gần trường tiểu học Lương Thế Vinh (quận Gò Vấp) đòi cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh điều tra và khởi tố vụ án xâm hại trẻ em ở trường này. Cảnh sát đã bắt giữ ba nữ hoạt động Nguyễn Thanh Loan, Nguyễn Thị Bích Ngà và Lê Bảo Nhi. Cô giáo Loan bị cảnh sát xô đẩy lên xe thùng và đầu cô bị va vào thành xe làm cô bất tỉnh, phải đi cấp cứu. Còn cô Nhi cho biết cô bị công an tra khảo và đòi tịch thu điện thoại di động và để phản đối, cô đã phải đập chiếc điện thoại xuống nền nhà.

Lực lượng an ninh ở các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và thành phố HCM tiếp tục canh gác tư gia của các nhà hoạt động, giam lỏng họ trong nhà trong Chủ nhật thứ 3 liên tiếp nhằm ngăn cản họ xuống đường theo lời kêu gọi của linh mục Nguyễn Văn Lý.

Gia đình của tù nhân lương tâm Nguyễn Đặng Minh Mẫn cho biết cô mới bị biệt giam trong phòng kín ở Trại giam số 5 tỉnh Thanh Hóa. Trước đó, cô đã bị người cùng giam trong phòng đánh đập, và cô nghi ngờ người ngày hành động theo sự chỉ đạo của giám thị trại giam.

===== 12/03 =====

Việt Nam: Báo cáo nhân quyền 2016 của Mỹ ‘thiếu khách quan’

Việt Nam nói rằng báo cáo nhân quyền năm 2016 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ “tuy đã ghi nhận một số thành tựu bảo vệ quyền con người của Việt Nam, nhưng vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan, không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam.”

Ngày 13/3/2017, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu phản ứng chính thức của chính phủ Việt Nam như trên về báo cáo ghi nhận tình hình nhân quyền Việt Nam 2016 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Người phát ngôn Lê Hải Bình còn nói thêm rằng “Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân. Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc không ngừng đảm bảo và cải thiện các quyền cơ bản của người dân thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.”

Ông Lê Hải Bình nói: “Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và trên tinh thần xây dựng với các nước, trong đó có Hoa Kỳ về những vấn đề còn có sự khác biệt. Đến nay, Việt Nam – Hoa Kỳ đã tiến hành 20 vòng đối thoại song phương thường niên về quyền con người.”

Ngày 3/3, Bản phúc trình nhân quyền năm 2016 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ghi nhận Việt Nam là một nhà nước “độc tài” và “tiếp tục đàn áp nhân quyền” dưới nhiều hình thức.

“Tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ, tồi tệ về nhiều mặt. Trong đó có gia tăng đàn áp phong trào dân chủ, đàn áp tự do tôn giáo. Trong bối cảnh giữa Mỹ và Việt Nam vẫn chưa có xác lập cơ chế đối thoại nhân quyền rõ rệt và chưa có cải tiến nhiều về cơ chế này thì tình hình đàn áp gia tăng bắt bớ ở Việt Nam, theo tôi nghĩ sẽ càng ngày càng gia tăng, đặc biệt là đối với phong trào biểu tình Formosa ở Việt Nam.”

Trước đó vào ngày 1/3, sáu dân biểu Hoa Kỳ đã cùng ký vào bức thư gửi cho bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson, thúc giục Hoa Kỳ gây sức ép buộc Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền. Bức thư viết: “Trong hơn 4 thập niên qua kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc và gần 22 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, Việt Nam vẫn là một nước do một đảng cộng sản lãnh đạo và gần như không chấp nhận những ý kiến trái chiều.”

Các dân biểu ký tên gồm Alan Lowenthal, Zoe Lofgren, Christopher Smith, Gerald Connolly, Ro Khanna, và Luis Correa yêu cầu ngoại trưởng Rex Tillerson phải thúc giục Việt Nam tôn trọng các quyền tự do tôn giáo, tự do báo chí, biểu đạt ý kiến và tự do lập hội. Ngoài ra, các dân biểu cũng yêu cầu chính phủ Việt Nam phải ngay lập tức thả các tù nhân lương tâm, mà theo họ “đây là những bước cần thiết để Việt Nam có thể tìm kiếm mối quan hệ kinh tế và chiến lược tốt hơn với Hoa Kỳ.”

Trước đó, vào ngày 22/02, Ân xá Quốc tế công bố báo cáo về tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong giai đoạn 2016-2017. Báo cáo nói rằng “Những hạn chế nghiêm trọng về quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp ôn hòa bình vẫn tiếp diễn. Các phương tiện truyền thông và hệ thống tư pháp, cũng như các tổ chức chính trị và tôn giáo, vẫn nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước. Nhiều tù nhân lương tâm đã bị tra tấn và ngược đãi, và là nạn nhân của xét xử không công bằng. Tấn công vật lý chống lại người bảo vệ nhân quyền vẫn tiếp tục, và nhiều nhà hoạt động nổi bật đã phải chịu sự quấy rối và giám sát hàng ngày. Nhiều người bất đồng chính kiến ​​ôn hòa và chỉ trích chính phủ đã bị bắt và bị kết án về cáo buộc an ninh quốc gia. Nhiều cuộc biểu tình bị đàn áp, và nhiều người biểu tình bị bắt giữ và tra tấn. Án tử hình vẫn được áp dụng.”

Đọc thêm: Việt Nam: Báo cáo nhân quyền 2016 của Mỹ ‘thiếu khách quan’

===== 14/03 =====

Hà Nội không cho nhân dân tưởng niệm Gạc Ma

Chính quyền Hà Nội đã áp dụng nhiều biện pháp để ngăn cản những người hoạt động tụ tập ở trung tâm thành phố để tưởng niệm 64 chiến sỹ hải quân đã bị Trung Quốc giết hại khi xâm chiến đảo Gạc Ma năm 1988.

Ngay từ cuối ngày thứ Hai (13/03) cho đến chiều ngày hôm sau, chính quyền thành phố đã cử lực lượng mật vụ canh gác nhà riêng của nhiều người bất đồng chính kiến và người hoạt động xã hội.

Buổi sáng ngày 14/03, một số người vẫn đến được tượng đài Lý Thái Tổ thì đã bị lực lượng an ninh lôi lên xe và đưa về đồn công an để câu lưu trong nhiều giờ đồng hồ. Trong số những người bị câu lưu có Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nhà báo lão thành Huỳnh Ngọc Chênh và phu nhân Nguyễn Thúy Hạnh, cô giáo Trần Thị Thảo, blogger Đặng Phương Bích và nhà hoạt động nhân quyền Trịnh Bá Phương.

Hai bạn trẻ Đỗ Thanh Vân và Nguyễn Việt Dũng, sau khi tưởng niệm đã bị côn đồ đánh đập, gây nhiều thương tích ở đầu và thân thể ngay gần đồn công an phường Bách Khoa.

Hôm 19/01 và 17/02 lực lượng an ninh Việt Nam cũng dùng vũ lực để giải tán việc tụ tập của những người hoạt động khi họ tụ tập để kỷ niệm ngày Trung Quốc chiếm Hoàng Sa (19/01/1974) và xâm lược sáu tỉnh biên giới phía Bắc (17/02/1979).

Đọc thêm: Hà Nội: Tưởng niệm Gạc Ma nhanh chóng bị giải tán

CSVN ngăn cản lễ tưởng niệm 64 tử sĩ trận chiến Gạc Ma 14/03/2017

===== 15/03 =====

Tù nhân lương tâm Nguyễn Đặng Minh Mẫn bị đánh đập, biệt giam

Gia đình tù nhân lương tâm Nguyễn Đặng Minh Mẫn cho biết cô vừa bị biệt giam và bị đánh đập bởi người cùng buồng giam.

“Minh Mẫn con tôi bị đánh đập đến thương tích trong tù, lại còn bị biệt giam trong xà lim hôi thối trong 10 ngày,” bà Nguyễn Đặng Ngọc Minh nói.

Bà Minh cho biết con bà bị một phạm nhân tên Lan xông hành hung trong chính trại tù, và còn bị quản giáo ra lệnh tống vào khu biệt giam 10 ngày.

Cựu tù nhân lương tâm Tạ Phong Tần, người là nhân chứng và từng bị giam chung cùng với Nguyễn Đặng Minh Mẫn cho biết “Nữ tù chính trị tại trại giam số 5 (Thanh Hoá) bị giam riêng ở khu tù chính trị từ khi tôi còn ở trại này. Bất cứ ai cũng ko được vào đây nếu ko được giám thị trại cho phép, kể cả cán bộ căn tin, y tế, bảo vệ. Nay chúng cho người lạ vào đánh Minh Mẫn bị thương tích, lại còn nhốt xà lim kỷ luật. Kẻ lạ tên Lan đó là tù thật hay tù giả chỉ có chúng nó biết….”

Nhiều tù nhân lương tâm như Tạ Phong Tần, Hồ Thị Bích Khương, PHạm Thị Lộc đã từng bị ngược đãi tại trại giam số 5. Các tù nhân này cho biết khu biệt giam rất nhỏ, bẩn thỉu, hôi thối vì không được vệ sinh sạch sẽ. Người bị đi kỷ luật lại bị còng chân và có người từng nhiễm trùng vì bị xầy xước do còng gây ra.

Nguyễn Đặng Minh Mẫn hiện đang thụ án tù 8 năm. Nhiều tổ chức nhân quyền và Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho cô.

Ai đã đánh đập tù nhân lương tâm Nguyễn Đặng Minh Mẫn trong tù?

——————–

6 người Thượng xin tỵ nạn bị trả về Việt Nam

Theo bản tin của đài VOA cho biết có thêm 6 người Thượng ở Tây Nguyên xin tị nạn với lý do bị đàn áp chính trị và tôn giáo vừa bị trả về Việt Nam hôm thứ Ba 14/03, sau khi Campuchia bác đơn xin tị nạn của họ.

Tờ Cambodia Daily cho hay trong 6 người, có một bé gái dưới 10 tuổi. Nhóm người này đã được các giới chức Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp quốc hộ tống qua biên giới để trở về Việt Nam và được nhà chức trách Việt Nam tiếp nhận.

Am Sam Ath, một điều phối viên cao cấp của nhóm Licadho, nói ông lo lắng về sự an toàn của 6 người nói trên, vì người Thượng đang bị bức hại tại Việt Nam. Ông cho biết các vụ bức hại đã khiến nhiều người Thượng phải chạy trốn và xin tị nạn ở Campuchia, và ông cho rằng “Cao ủy Tị nạn LHQ cần theo dõi tình hình của họ một cách thường xuyên hơn”.

Người đứng đầu Dịch vụ Tị nạn Jesuit, tổ chức hỗ trợ người Thượng ở Phnom Penh, cho biết hiện vẫn còn 143 người đang chờ quyết định về số phận của họ.

Làn sóng người Thượng mới nhất vượt biên sang tỉnh Ratanakkiri bắt đầu vào cuối năm 2014. Nhưng làn sóng này đã chậm lại sau một năm, khi xảy ra hàng chục vụ trục xuất trở về Việt Nam. Cho tới nay, chỉ có 13 người Thượng được cấp quy chế tị nạn và tới Philippines vào tháng 5.

===== 16/03 =====

Sài Gòn: 3 phụ nữ bị hành hung và bắt giữ tùy tiện vì phản đối bao che tội ấu dâm

Sáng thứ Năm, một nhóm nữ hoạt động nhân quyền đã đến trường tiểu học Lương Thế Vinh để biểu tình phản đối việc bao che tội ác ấu dâm gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, lực lượng công quyền đã bao vây khu vực này trong những ngày qua nên biểu tình không nổ ra được.

Sau khi không tiến hành được biểu tình ở trường Lương Thế Vinh. Một số người trong nhóm di chuyển qua Sở Giáo dục thành phố để biểu tình. Đó là các chị Nguyễn Thị Bích Ngà, Lê Thúy Bảo Nhi và Nguyễn Thanh Loan. Trên đường di chuyển, 3 chị đã bị lực lượng an ninh thường phục chặn xe taxi, lôi tất cả xuống xe, bắt giữ một cách thô bạo. Sau đó họ đưa 3 chị về đồn công an phường Linh Đông – Quận Thủ Đức để tra hỏi và quy chụp về hoạt động của các chị.

Đến 4:30 chiều, chị Lê Thúy Bảo Nhi được tự do sau nhiều giờ bị công an bắt giữ tùy tiện. Chị Nhi cho biết trong quá trình bị bắt giữ, công an đã giành giật điện thoại của chị. Để phản đối hành vi công an xâm phạm quyền tự do riêng tư, chị Nhi đã đập nát điện thoại của mình.

Mặc dù được tự do nhưng chị Nhi kiên quyết không chịu ra khỏi đồn công an. Chị nhất quyết ở lại để đòi tự do cho 2 người bạn còn đang bị bắt giữ. Anh em Sài Gòn khi biết tin đã kéo đến công an phường Linh Đông – Thủ Đức đồng hành đòi người cùng chị Nhi.

Gần 8 giờ tối, chị Nguyễn Thị Bích Ngà thông báo cho mọi người biết công an đã chở chị về đến nhà. Chị cho biết trong lúc bị bắt giữ, công an cũng tự tiện giành giật, xâm phạm đến điện thoại của chị và có thái độ thô bạo với chị.

Cũng vào lúc 8 giờ tối, chị Nguyễn Thanh Loan thông báo cho mọi người biết về tình trạng của chị khi đang nằm tại bệnh viện đa khoa quận Gò Vấp. Chị cho biết trong lúc chuyển chị sang phường khác giam giữ, công an đã quăng chị lên xe một cách thô bạo, đầu của chị bị đập mạnh vào thành xe khiến chị bị choáng váng. Sau đó, chúng đưa chị vào cấp cứu ở bệnh viện đa khoa Gò Vấp rồi biến mất. Anh em đã đến bệnh viện để chăm sóc và sau đó đưa chị về nhà an toàn.

Đọc thêm: Sài Gòn: 3 người phụ nữ bị hành hung và bắt giữ tùy tiện vì phản đối bao che tội ấu dâm

Chính quyền CSVN cấm cản và bắt giữ người phản đối nạn lạm dụng tình dục trẻ em

Người biểu tình kêu gọi bảo vệ quyền trẻ em bị công an hành hung phải vào bệnh viện

==================

Quý vị có thể đọc bản tin tiếng Anh ở đây