Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 14, từ ngày 27/03 đến 02/4/2017: Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phạm Thanh Nghiên được quốc tế vinh danh

Người Bảo vệ Nhân quyền| ngày 02/4/2017

Hai nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm) và Phạm Thanh Nghiên được quốc tế vinh danh trong tuần. Trong khi blogger Quỳnh được Bộ Ngoại giao Mỹ trao tặng giải thưởng “Người Phụ nữ can đảm trên thế giới năm 2017” thì blogger Nghiên được Front Line Defenders chọn là một trong năm ứng viên vào vòng chung kết của giải thưởng “Người Bảo vệ Nhân quyền trước hiểm nguy năm 2017.”

Phản ứng trước việc Hoa Kỳ vinh danh blogger Quỳnh, người bị bắt giam với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự từ ngày 10/10/2016, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố “Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải thưởng cho một cá nhân đang bị giam giữ để điều tra hành vi vi phạm pháp luật là hành động thiếu khách quan, không phù hợp.”

Ngày 27/03, Tòa án Nhân dân tỉnh Dak Nông đã kết án Trần Minh Lợi, một người hoạt động tích cực chống tham nhũng, với án tù 4 năm 6 tháng vì cáo buộc “hối lộ.” Các luật sư của ông cho rằng bản án này nhằm trả thù việc ông tố cáo nhiều cán bộ, kể cả sỹ quan an ninh ở địa phương trong nhiều vụ hối lộ, và việc bỏ tù ông sẽ ngăn cản những người khác chống tham nhũng.

Trong các ngày 28-30/4, ngư dân ở xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã kéo đến Ủy ban Nhân dân xã để biểu tình đòi chính quyền địa phương minh bạch trong đền bù thiệt hại do Formosa gây ra, đồng thời yêu cầu Công ty của Đài Loan phải rút khỏi Việt Nam. Thay vì đối thoại với bà con, chính quyền địa phương đã huy động một lực lượng lớn công an, dân phòng và côn đồ đến đàn áp. Trong khi công an và dân phòng bao vây bà con, nhóm côn đồ xông vào đoàn người và cướp điện thoại và máy quay của họ rồi ra tay đánh đập. Nhiều người đã bị thương, một cụ già đã ngã xuống bất tỉnh.

Và nhiều tin quan trọng khác.

===== 27/3 =====

Quốc tế lên án Việt Nam hạn chế thông tin trên mạng xã hội

Human Rights Watch nói rằng Việt Nam đang thực hiện một là một làn sóng đàn áp mới nhằm hạn chế thông tin bất lợi cho chính quyền trên các trang mạng xã hội bằng việc bắt giữ ít nhất 5 nhà hoạt động trực tuyến trong vòng một tháng qua.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Human Rights Watch nói rằng “Chính phủ Việt Nam đang tìm cách đối phó với một số những người hoạt động xã hội trên Facebook …nhằm hạn chế quyền tự do thông tin, ngăn cản những luồng thông tin khác đến người dân qua mạng xã hội mà họ không thể kiểm soát nổi.”

Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở New York nên quan ngại khi Việt Nam liên tiếp bắt giữ Bùi Hiếu Võ, Phan Kim Khánh, Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển.

Không chỉ dừng ở việc bắt giữ những facebooker có những bài viết, video chỉ trích chế độ, Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây cũng cảnh báo các công ty hoạt động ở Việt Nam không nên quảng cáo trên các trang mạng xã hội nổi tiếng như youtube hay facebook cho đến khi những mạng này tìm được cách ngăn chặn các thông tin xấu chống chế độ.

Theo giáo sư Zachary Abuza thuộc Học viện Chiến tranh của Mỹ, một người theo dõi chặt chẽ và có nhiều bài viết về tình hình Việt Nam, việc chính quyền tìm cách kiểm soát các trang mạng xã hội nhằm kiểm soát thông tin là rất khó thực hiện vì sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và sự phổ cập của internet tại Việt nam:

Phúc trình thường niên về tự do Internet 2016 của  Freedom House công bố hồi cuối năm ngoái xếp Việt Nam vào hạng 76 trong số 88 quốc gia về tự do Internet. Tổ chức này cho rằng chính phủ Việt Nam vẫn duy trì chính sách kiểm soát Internet, hạn chế thông tin và tiếp tục vi phạm quyền của người sử dụng mạng.

Quốc tế lên án Việt Nam hạn chế thông tin trên mạng xã hội

——————–

Người tranh đấu chống tham nhũng “Diệt Giặc Nội Xâm” bị kết án tù 4 năm 6 tháng

Nhà hoạt động chống tham nhũng Trần Minh Lợi đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông tuyên án 4 năm 6 tháng tù vì giúp một nhóm người bị tạm giam về tội đánh bạc gài bẫy công an nhận hối lộ.

Ông Trần Minh Lợi, chủ trang mạng xã hội Facebook mang tên “Diệt Giặc Nội Xâm”, nơi vẫn còn lưu trữ nhiều bằng chứng công an và viên chức chính quyền nhận hối lộ, bị kết án vì đưa hối lộ 90 triệu đồng.

Kết quả phiên tòa đã gây ngạc nhiên và tức giận cho các cộng đồng địa phương ở hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk, nơi có nhiều người ủng hộ các hoạt động của ông Lợi và đã từng được ông Lợi giúp.

Trong suốt phiên tòa, ông Lợi một mực kêu oan, và cho rằng ông không làm gì sai trái, mà chỉ đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng tràn lan hiện nay. Ông đề nghị xem xét lại toàn bộ vụ án, xem lại mục đích mà bản thân ông đã theo đuổi lâu nay.

Luật sư Phạm Công Út, một trong sáu luật sư bào chữa cho ông Lợi, cho biết đây chỉ là kết quả phiên tòa sơ thẩm. Các luật sư xác định hành trình khiếu kiện sẽ còn kéo dài để minh oan cho ông Lợi.

4 năm 6 tháng tù cho người tranh đấu chống tham nhũng “Diệt Giặc Nội Xâm”

===== 29/03 =====

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh

Ngày 29/3, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vinh danh nhà hoạt động nhân quyền và môi trường Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) với giải thưởng “Người Phụ ữ Can đảm trên Thế giới Năm 2017”.

Blogger Quỳnh, người bị bắt giam với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự từ ngày 10/10/2016, là một trong những blogger mạnh mẽ lên tiếng về vấn đề bảo vệ môi trường và phản đối công ty Formosa xả thải ra gây thảm họa môi trường tại Việt Nam.

Cô cũng nhiều lần tham gia biểu tình chống Trung Quốc cũng như viết bài về cái nguy cơ tiềm ẩn mà Trung Quốc đang đang làm đối với Việt Nam.

Mặc dù trước đó chính quyền cũng nhiều lần đe dọa với nhiều hình thức khác nhau nhưng cô Quỳnh đã không chịu im lặng.

Trước đó, năm 2009, Quỳnh bị bắt giữ 10 ngày khi đưa ra những áo thun có in dòng chữ phản đối Trung Quốc xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; cũng như phản đối dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên hủy hoại môi trường.

Cô cũng từng bị lực lượng công an và an ninh bắt giữ và tra hỏi nhiều lần, như vào tháng 5 năm 2013 sau khi phát Bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền và bóng bay ghi dòng chữ ‘Quyền của con người phải được tôn trọng’.

Nhóm của cô cũng bị tạm giữ vào năm 2014 trước khi có thể thực hiện cuộc thảo luận với chủ đề ‘Công ước Chống Tra tấn và vấn nạn công dân chết trong đồn công an’.

Trong năm 2015, 2016 blooger Quỳnh tham gia một số cuộc biểu tình và cũng bị bắt, bị đánh như trong các cuộc biểu tình đòi tự do cho các tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Ngọc Già và phản đối Formosa gây thảm họa môi trường cá chết…

Cô cũng từng bị ngăn chặn không cho rời khỏi Nha Trang trong một số dịp. Cô bị ngăn không cho xuất cảnh vào giữa tháng 12 năm 2013.

Những hoạt động của blogger Quỳnh được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận. Năm 2010, Human Rights Watch trao cho cô giải thưởng Hellman/Hammett và năm 2015, cô nhận được giải thưởng Người Bảo vệ Quyền Dân sự của Civil Rights Defenders (Thụy Điển).

Ngay sau khi cô bị bắt giam năm 2016, nhiều tổ chức theo dõi nhân quyền và cơ quan ngoại giao các nước lên tiếng thúc giục chính quyền Việt Nam trả tự do ngay cho cô.

——————–

Việt Nam, Anh hợp tác trong phòng chống buôn bán người và nô lệ

Đại Sứ quán Anh tại Việt Nam và Dự án Hợp tác hành động chống lại nạn buôn bán người của Liên hợp quốc (UN-ACT) tổ chức Hội nghị Tìm kiếm Cơ hội Hợp tác trong Phòng chống buôn bán người và nô lệ thời hiện đại tại Đà Nẵng hôm 29/3, với sự tham gia của 100 đại biểu dự Hội nghị đến từ các cơ quan chức năng Việt Nam, một số địa phương trong nước và các tổ chức quốc tế.

Phát biểu tại cuộc hội nghị, ông Dave Pennant, cán bộ cao cấp đặc trách Việt Nam thuộc Bộ Nội vụ Vương quốc Anh nói rằng “Cuộc chiến buôn bán người và nô lệ vẫn chưa kết thúc, nạn nô lệ chưa bị đẩy lùi về quá khứ, và ngay bây giờ vẫn còn những số phận đang phải sống trong tình trạng đáng sợ và bị đối xử vô nhân đạo ở các nước trên thế giới. Những kẻ buôn người và chủ nô đứng sau nạn nô lệ thời hiện đại đang bóc lột và lạm dụng những mảnh đời vô tội”.

Nhiều hình thức nô lệ từ thời xa xưa vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay và đang được ngầm sử dụng, che dấu khỏi sự nhận biết của cộng đồng và do đó gây khó khăn cho việc đấu tranh, triệt phá. Nô lệ thời hiện đại là một trong các loại tội phạm tồi tệ nhất xâm phạm quyền con người, gạt bỏ những quyền tự do chủ yếu, cơ bản nhất mà mỗi chúng ta đều có quyền được hưởng.

Nạn nhân có thể bị buôn bán để lấy nội tạng bán cho người mua, trẻ em bị bắt cóc khỏi gia đình, bị tước bỏ tuổi thơ, bị lạm dụng tình dục, phụ nữ bị ép buộc bán dâm, làm vợ cho những người không quen biết. Đây là vấn nạn toàn cầu không giới hạn địa lý, không chỉ xuyên biên giới mà còn cả trên mạng internet.

Mỗi năm, nạn buôn bán người mang đến nguồn lợi nhuận bất hợp pháp lên đến 150 tỷ USD, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 45 triệu người, trong đó, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em.

Do đó, cần sự tiếp cận cấp tiến cả trong nước và quốc tế, hướng tới mọi khía cạnh của loại hình buôn bán khủng khiếp này, đồng thời tống giam những kẻ chủ nô, tước bỏ lợi nhuận chúng kiếm được trên nỗi đau của đồng loại.

Thông tin từ Bộ Công an Việt Nam cho biết, từ năm 2011 đến nay, lực lượng chức năng Việt Nam đã phá hơn 2.000 vụ án, 3.200 đối tượng lừa bán gần 4.000 nạn nhân, chủ yếu ra nước ngoài. Tập trung trên tuyến giới với Trung Quốc, Lào và Campuchia.

Các hình thức lừa bán bao gồm thông qua xuất cảnh trái phép đi lao động thời vụ; mua bán phụ nữ để làm vợ hoặc hoạt động mại dâm; mua bán bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em; xuất cảnh hợp pháp sang các nước bằng con đường du lịch, thăm thân nhân sau đó bán qua nước thứ ba.

Đại sứ quán Anh đã và đang hợp tác chặt chẽ với Bộ Công an và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam trong việc triệt phá tội phạm, truy tố những kẻ phạm tội, và hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.

Trong một bài báo đăng trên The Guardian, phóng viên Amelia Gentlemen cho biết có hàng trăm trẻ em và người lớn bị đưa sang Anh và bắt trồng cây cần sa trong những khu nhà bỏ hoang. Quý vị có thể đọc chi tiết bài báo tại đây: Buôn người và nô lệ: những thanh thiếu niên Việt Nam làm trong các trang trại cần sa ở Anh

===== 30/03 =====

Trao giải thưởng cho ‘Mẹ Nấm’ không có lợi cho quan hệ Việt – Mỹ: Bộ Ngoại giao Việt Nam

Trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 29.3 đã trao giải thưởng Phụ nữ Quốc tế dũng cảm cho cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức blogger “Mẹ Nấm”), ông Lê Hải Bình cho biết: Chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân, trong đó có quyền của phụ nữ. Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc không ngừng đảm bảo và cải thiện các quyền con người trong thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

“Việt Nam cho rằng, việc Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải thưởng cho một cá nhân đang bị tạm giam để điều tra về các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam là một hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ giữa hai nước”, ông Lê Hải Bình nói.

Trước đó, vào ngày 10/10/2016, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Khánh Hòa đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh về cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam,” quy định tại Điều 88, Bộ luật Hình sự.

CSVN phản đối chính phủ Hoa Kỳ vinh danh Blogger Mẹ Nấm

Việt Nam chỉ trích Hoa Kỳ trao giải cho blogger Mẹ Nấm

——————–

Người dân Thạch Bằng biểu tình sang ngày thứ ba, chính quyền dùng côn đồ đàn áp

Dân chúng xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục biểu tình sang đến ngày thứ ba phản đối chính quyền địa phương không công tâm trong việc kê khai bồi thường thiệt hại do thảm họa môi trường Formosa gây nên.

Người dân cho biết ngày đầu tiên xã cử đại diện ra gặp đoàn biểu tình, nhưng sang ngày hôm sau dân quân và công an được điều động đến bao vây, không cho người dân dùng điện thoại quay cảnh biểu tình. Đến ngày 30 tháng 3, Ủy ban Nhân dân xã đóng cửa không tiếp người dân.

Sau đó, nhà cầm quyền địa phương đã huy động lực lượng công an, an ninh, cảnh sát giao thông, công an xã, dân phòng đến để giải tán đoàn người biểu tình.

Trong khi lực lượng công an và dân phòng bao vây người biểu tình ôn hòa, chính quyền đưa một nhóm mặc thường phục xông vào đám đông, cướp điện thoại và máy quay của bà con, và rat ay đánh đập họ. Nhiều người đã bị thương tích nặng nề và một bà cụ đã bị ngất xỉu, và phải đưa vào bệnh viện cấp cứu, theo phóng viên lề dân tại hiện trường.

Một cụ già ở Hà Tĩnh bị công an đánh ngất xỉu khi biểu tình đòi Formosa đền bù thiệt hại

Người dân Hà Tĩnh biểu tình sang ngày thứ ba

===== 31/03 =====

Cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên được Front Line Defenders vinh danh

Nữ cựu tù chính trị Phạm Thanh Nghiên được Front Line Defenders (Ireland) chọn là một trong năm nhà hoạt động nhân quyền vào chung kết cho giải thưởng Người Bảo vệ Nhân quyền Trước Hiểm nguy năm 2017 của tổ chức này.

Thông cáo báo chí đưa ra vào ngày 30/3 của Front Line Defenders nêu rõ: tại Dublin, Ireland cùng trong ngày các thành viên ban tuyển lựa đã chọn 5 nhà bảo vệ nhân quyền của những quốc gia Ukraine, Nicaragua, Nam Phi, Kuwait và Việt Nam trong số 142 ứng viên được đề cử từ 56 quốc gia.

Giải thưởng thường niên của Front Line Defenders được trao cho nhân vật có những đóng góp đặc biệt vào công cuộc bảo vệ và cổ xúy  quyền con người trong cộng đồng của họ. Cá nhân nhân vật này phải đối diện những hiểm nguy lớn lao.

Những người được chọn vào danh sách chung kết trao giải năm 2017 và gia đình của họ từng phải đối diện với những vụ tấn công, các chiến dịch bôi nhọ, sách nhiễu về mặt pháp lý, dọa giết, án tù, và đe nẹt.

Front Line Defenders hoạt động nhằm tăng cường giúp bảo vệ và nêu bật cho mọi người trên thế giới biết về 5 nhân vật được chọn vào chung kết giải thưởng Người Bảo vệ Nhân quyền Trước Hiểm Nguy trong năm nay. Họ là những nhân tố thiết yếu cho phong trào nhân quyền tại đất nước và cộng đồng của họ.

Blogger Phạm Thanh Nghiên từng bị tù 4 năm do hoạt động nhằm công khai những vi phạm và bảo vệ quyền cho thân nhân của những ngư dân bị phía Trung Quốc giết hại.

Sau khi mãn án tù, bà bị quản chế, nhưng trong thời gian đó vẫn tiên phong tiến hành nhiều chiến dịch về nhân quyền, đồng thời cùng sáng lập nên Mạng lưới Blogger Việt Nam.

Nhà cô từng bị khám xét, bản thân cô từng bị chặn không cho đi khám bệnh theo hẹn, cửa nhà bị khóa trái từ bên ngoài, và thậm chí khi kết hôn cô cũng không được cấp giấy chứng nhận hôn phối.

Cựu tù nhân Phạm Thanh Nghiên đã trải qua nhiều đợt đánh đập nhằm ngăn chặn hoạt động ôn hòa nhưng mạnh mẽ của cô với mục tiêu công khai những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.

Lễ công bố nhân vật được trao giải Người Bảo vệ Nhân quyền Trước Hiểm nguy năm 2017 sẽ diễn ra vào ngày 26 tháng 5 tới đây tại Dublin.

Front Line Defenders là tổ chức chuyên bảo vệ những người hoạt động vì quyền con người phải đối diện với nguy hiểm. Đó là những người hoạt động một cách ôn hòa, phi bạo lực vì những quyền được ghi trong Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.

Front Line Defenders được thành lập năm 2001 tại Dublin, Ireland.

Nhà tranh đấu Phạm Thanh Nghiên được chọn trao giải nhân quyền

===== 01/4 =====

Thỉnh nguyện thư về thảm họa Formosa đã có hơn 86,500 chữ ký

Thỉnh nguyện thư về việc giải quyết thảm họa Formosa, do Ủy Ban Trợ Giúp Nạn Nhân Môi Trường Biển thuộc giáo phận Vinh khởi xướng, đã thu thập được hơn 86,500 chữ ký tính đến sáng hôm nay 1 tháng 4.

Thỉnh nguyện thư đặt mục tiêu có 100,000 chữ ký, để gửi đến Tổng thống Đài Loan cũng như các tổ chức quốc tế.

Bản đồ trên trang mạng ThamHoaFormosa.com cho thấy người ký thỉnh nguyện thư đến từ khắp các châu lục. Từ những nơi có đông người Việt Nam cư ngụ như Bắc Mỹ, Úc, Châu Âu, Đông Á, cho đến những nơi lạnh lẽo như Iceland, và tràn ngập chiến sự như Yemen ở Châu Phi.

===== 02/4 =====

Nhiều nhà hoạt động tiếp tục bị quản thúc trong ngày cuối tuần

Lực lượng an ninh ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở thành phố HCM đã tiếp tục canh gác nhà riêng của nhiều nhà hoạt động nhằm không cho họ tham gia biểu tình ôn hòa chống Formosa.

Đây là cuối tuần thứ 5 mà công an Việt Nam áp dụng các biện pháp ngăn chặn này sau khi cựu tù nhân lương tâm Linh mục Nguyễn Văn Lý kêu gọi biểu tình cả nước để buộc Formosa đền bù thiệt hại trong vụ xả thải và rút khỏi Việt Nam.

Nhiều nhà hoạt động phàn nàn rằng họ bị lực lượng an ninh không cho ra khỏi nhà với bất cứ lý do gì, kể cả đi thể dục thể thao.

=================

Quý vị có thể đọc bản tin Anh ngữ tại đây