Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 17 từ ngày 17 đến 23/4/2017: Dân Đồng Tâm thả hết con tin, chính quyền Hà Nội hứa không truy tố

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 23/4/2017

Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 17 từ ngày 17 đến 2/4/2017: Dân Đồng Tâm thả hết con tin, chính quyền Hà Nội hứa không truy tố

Ngày 22/4, sau cuộc đối thoại giữa chính quyền Hà Nội do Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Chung dẫn đầu, và nhân dân xã Đồng Tâm tại trụ sở UBND của xã, dân địa phương đã đồng ý thả tất cả 19 công an và cán bộ địa phương mà họ còn giữ làm con tin.

Chung, cựu trung tướng công an và giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, đã cam kết bằng văn bản viết tay, rằng sẽ không truy tố việc người dân bắt giữ gần 40 cán bộ và công an trong nhiều ngày trong vụ tranh chấp đất đai ở huyện Mỹ Đức.

Trong suốt tuần, cùng với việc bao vây làng Hoành ở xã Đồng Tâm, chính quyền Hà Nội cũng đưa lực lượng an ninh canh gác nhà riêng của giới bất đồng chính kiến nhằm ngăn họ đi đến trợ giúp những người dân trong vụ tranh chấp đất đai.

Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã bắt giữ 14 nhà hoạt động môi trường trong hai ngày 16 và 17/4. Vào sáng chủ nhật, công an quận 1 bắt giữ năm nhà hoạt động khi họ tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ với khẩu hiệu đòi Công ty Formosa phải rút khỏi Việt Nam ở phố Nguyễn Bình. Buổi tối, một nhóm người khác đến Công phường Bến Nghé để hỏi thông tin về những người bị bắt ban sáng thì họ cũng bị công an giữ lại cho đến tận tối đêm hôm thứ Hai. Trong quá trình bị giam giữ, các nhà hoạt động bị tra hỏi và bắt viết cam kết “không tái phạm,” một số người còn bị đánh bởi sỹ quan công an.

Công an thành phố HCM tiếp tục sách nhiễu cô giáo, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thị Loan (Facebook: Nguyễn Thanh Loan). Cùng với việc bắt cô lên công an làm việc về quan hệ với Lưu Văn Vịnh, người bị bắt năm ngoái với cáo buộc “hoạt động lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự, công an cũng ép chủ nhà không cho cô tiếp tục thuê nhà. Cô giáo Loan còn nói rằng cô bị công an mật chèn ép xe và gây thương tích cho cô.

Cùng nhiều tin khác

===== 17/4 =====

Công an Lào Cai sách nhiễu linh mục và giáo dân trong lễ Phục Sinh

Ngày 16/4, Công an huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đã xông vào nơi tổ chức lễ tại giáo họ Mường Khương, giáo phận Hưng Hóa. Công an đã đe dọa quát tháo, sách nhiễu và chửi bới linh mục cùng giáo dân trong dịp đại lễ Phục Sinh của người Công giáo. Khoảng 30 công an đã ập vào nhà bà Trần Thị Trầm đòi giải tán những tín đồ tại đây, và túm lấy cổ áo linh mục Nguyễn Đình Thái để “mời lên huyện làm việc”.

Lấy lý do dâng lễ làm “ảnh hưởng an ninh trật tự, an toàn xã hội”, và “chưa được phép của các cấp có thẩm quyền” nên các linh mục bị yêu cầu không dâng lễ nếu không được phép của nhà cầm quyền địa phương..

Bà Trầm, chủ nhà nơi cộng đoàn tập trung để tham dự nghi lễ Phục Sinh, cũng cho biết công an đã hạch sách một số người trước và trong khi họ đến dự lễ và càng được huy động đông đảo hơn khi linh mục đến nhà bà.

Chia sẻ về vụ việc này, linh mục Nguyễn Văn Thành quản xứ Lào Cai nói: “Chủ trương của tỉnh thì cho giáo dân ở huyện Mường Khương sinh hoạt 3 địa điểm: thị trấn Mường Khương, Bản Xen và Bản Lầu. Nhưng chính quyền huyện thì chỉ cho sinh hoạt một nơi là Bản Xen. Vì thế, mỗi lần các linh mục giáo xứ Lào Cai, đi hơn 50 cây số, đến dâng lễ đều bị quấy rối.

Công an Lào Cai chửi bới sách nhiễu linh mục và giáo dân dự Lễ Phục Sinh

———————–

Công an thành phố HCM giam giữ 14 nhà hoạt động trong gần 24 giờ

Công an thành phố HCM đã giam giữ 14 nhà hoạt động địa phương trong gần 24 giờ trong hai  ngày 16 và 17/4.

Vào lúc 9h ngày 16/4, một nhóm 5 người trong đó có Nguyễn Thị Ngọc Lụa, Quốc Anh, Nguyệt Anh, một thày dạy võ tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ ở đường Nguyễn Bình, phường Bến Nghé, Quận 1 với khẩu hiệu phản đối Formosa. Họ bị công an phường Bến Nghé bắt giữ và đưa về đồn.

Khoảng 11h cùng ngày, Đinh Phương Thảo vào đồn Bến Nghé, hỏi để lấy ba lô mà bạn Lụa giữ hộ, thì cũng bị công an phường giữ lại.

Khoảng gần 22h đêm, nhiều người đi tìm, hỏi tin tức 5 người bị bắt ban sáng. Một nhóm gồm Đỗ Thị Minh Hạnh, Phương Hoa, Nguyễn Hảo, Nguyễn Phương, Minh Tâm, Trần Bang, Trung Đức, Nguyễn Thúy Quỳnh và Thanh Trúc đến Công an phường Bến Nghé và đòi gặp Nguyễn Thị Ngọc Lụa, người bị tụt huyết áp thì công an bắt luôn.

Công an đã tra khảo những nhà hoạt động và chỉ trả tự do cho họ vào tối đêm hôm thứ Hai.

Một số người như Nguyễn Thúy Quỳnh và Nguyễn Phương bị đánh bởi sỹ quan công an trong thời gian bị giam giữ.

===== 18/4 =====

Công an Lai Châu bắt giữ 11 người trong vụ cưỡng chế đất đai

Ngày 18/4, công an tỉnh Lai Châu đã bắt giữ 11 người thuộc năm gia đình trong vụ cưỡng chế đất đai tại phường Đông Phong, thành phố Lai Châu.

Báo Nhân dân cho biết, khi cơ quan chức năng tiến hành các bước cưỡng chế, các hộ gia đình trên đã không chấp hành, dùng vũ lực và các dụng cụ, vũ khí tự chế như hom xăng để chống lại người thi hành công vụ làm hơn chục người của lực lượng chức năng bị thương. Chính quyền địa phương buộc phải nhờ đến sự hỗ trợ của lực lượng phản ứng nhanh để đối phó.

Sau khi khống chế được những người chống đối, lực lượng an ninh đã thu được nhiều vật dụng như súng bắn lửa, pháo, kiếm, dao nhọn, dao phát nương, bom ga, bom xăng tự chế…

Vụ cưỡng chế được tiến hành trên diện tích đất hơn 1,000 mét vuông. Cơ quan chức năng tỉnh xác định rằng các gia đình trên lấn chiếm hơn 60 mét vuông đất của một cư dân và gần 1.000 mét vuông đất công thuộc UBND phường Đông Phong.

===== 19/4 =====

Tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo Thuần Tuý An Giang biểu tình phản đối nhà cầm quyền đàn áp tôn giáo

Vào sáng ngày 19, khoảng gần 100 tín đồ Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý ở xã An Phú, huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang đã xuống đường biểu tình, yêu cầu nhà cầm quyền tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, và phản đối nhà cầm quyền địa phương sách nhiễu, đàn áp tôn giáo.

Tuy nhiên, ngay sau đó, nhà cầm quyền đã huy động lực lượng công an xã đến đàn áp, đánh đập khiến một số người bị ngất xỉu. Nhiều người dân đã rất tức giận.

Được biết, nguyên nhân sự việc là sáng 19/04, đông đảo các tín hữu Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý đã tập trung tại nhà cư sĩ Bùi Văn Trung, để làm đám giỗ cho mẹ của ông. Tuy nhiên, nhà cầm quyền địa phương đã huy động lực lượng xuống ngăn cản, kiểm tra giấy tờ, tịch thu xe những người đến tham dự, nên khiến nhiều người tức giận.  Ngay sau đó, người thân, gia đình cư sĩ Bùi Văn Trung và đông đảo tín đồ đã xuống đường, tuần hành phản đối nhà cầm quyền địa phương hành xử thô bạo, đàn áp tôn giáo, đàn áp người dân trái pháp luật.

Được biết, cư sĩ Bùi Văn Trung từng bị ở tù 4 năm với cáo buộc chống người thi hành công vụ. Ông mãn án ngày 30/10/2016. Con trai ông này là Bùi Văn Thâm cũng bị kết án 30 tháng với cùng tội danh.

Tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo Thuần Tuý An Giang biểu tình phản đối nhà cầm quyền đàn áp tôn giáo

===== 20/4 =====

Chính quyền Bắc Ninh cưỡng chế đất

Ngày 20/4, chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã điều động gần 1,000 công an và dân phòng cùng côn đồ đến đến thôn Vọng Đông, xã Yên Trung, huyện Yên Phong để thực hiện lệnh cưỡng chế thu hồi 14 mẫu đất.

Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy rất nhiều cảnh sát cơ động mang khiên chắn và đội mũ bảo vệ tập trung ở khu đất của thôn Vọng Đông. Theo Facebooker Thái Văn Đường, vào ngày hôm trước, nhà cầm quyền sợ dân chúng chống đối, nên đã giở trò lừa bịp mời dân đến họp để thương lượng, nhưng cùng lúc lại cho hơn 500 cảnh sát cơ động ập vào cưỡng chế mà không có giấy thông báo. Tin cho hay có người già đã bị đánh gãy tay và ngất xỉu.

Vẫn theo tường thuật của Facebooker Thái Văn Đường, bà con đã cắm chốt, dựng lều bạt ở ngoài khu đất bị thu hồi từ nhiều ngày nay. Một số gia đình còn mua sẵn cả quan tài đặt ngoài đó.

Được biết thôn Vọng Đông có khu ruộng được gọi là đồng Cốc với diện tích 14 mẫu, tương đương 5,040 mét vuông. Đây là khu ruộng tốt nhất của thôn với sản lượng cao so với các khu ruộng khác. Nhà cầm quyền xã và các công ty liên minh với nhau tìm cách chiếm khu ruộng này. Nhiều lần họ yêu cầu người dân bàn giao khu đất với số tiền đề bù là 21,000 đồng mỗi mét vuông. Lần này họ thi hành lệnh cưỡng chế trong khi không có một thỏa thuận đền bù nào.

Vụ Đồng Tâm-Hà Nội chưa dứt, người dân ở Bắc Ninh lại đối đầu với công an cưỡng chế đất

——————–

Nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục biểu tình chống Formosa

Vào khoảng 10 giờ sáng ngày 20/4, khoảng 70 đến 100 người dân ở xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành biểu tình ôn hòa tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã này để phản đối Formosa gây ô nhiễm môi trường biển và việc đền bù thiệt hại không thỏa đáng.

Người dân đã đưa thuyền thúng và ngư lưới cụ lên UBND. Theo những người biểu tình, tại xã Xuân Hội đã diễn ra thực trạng đền bù bất hợp lý như: người được đền bù cao- người được đền bù thấp, người không đáng được đền bù thì lại được đền bù trong khi người đáng được đền bù thì lại không được đền bù, danh sách người nhận đền bù và số tiền đền bù không minh bạch.

Đây là lần đầu tiên người dân ở xã Xuân Hội tiến hành biểu tình liên quan đến thảm họa môi trường biển miền Trung do Formosa gây ra. Lực lượng an ninh đã không xuất hiện trong cuộc biểu tình này.

Chính quyền xã Xuân Hội đã không trả lời được các câu hỏi do người biểu tình đưa ra. Các lãnh đạo cao nhất của xã này đã lẩn tránh, và chỉ có lãnh đạo cấp thấp của xã ra đối thoại với người dân khiến người dân rất bất bình.

Cuộc biểu tình phản đối Formosa của người dân xã Xuân Hội kết thúc vào lúc 12 giờ.

Xuân Hội là một xã miền biển nằm ở phía bắc tỉnh Hà Tĩnh, cách đại dự án tai tiếng Formosa khoảng 100 km theo đường chim bay về phía bắc. Trước khi thảm họa môi trường biển miền Trung diễn ra, nghề biển ở Xuân Hội là nghề ăn nên làm ra, nhân dân vùng này có cuộc sống tương đối khá giả. Sau thảm họa, nghề biển ở Xuân Hội nói riêng và nghề biển ở miền Trung nói chung đã rơi vào cảnh khốn khó.

VNTB – Hà Tĩnh: biểu tình ở Xuân Hội – Nghi Xuân

===== 21/4 =====

Nhà riêng của cựu tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh bị ném mắm tôm

Cựu tù nhân lương tâm và là nhà hoạt động công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh nói nhà riêng của gia đình cô bị ném mắm tôm vào đêm 21/4.

Cô cáo buộc lực lượng công an địa phương về vụ ném chất bẩn này, nhưng họ không thừa nhận.

Nhà riêng của cô bị lực lượng an ninh theo dõi liên tục. Họ còn lắp nhiều camera gần đó để theo dõi cô ngoài việc cử nhiều nhân viên mặc thường phục canh gác gần nhà cô nhằm ngăn cản không cho cô tham dự các sự kiện liên quan đến môi trường, chủ quyền đất nước.

Minh Hạnh bị bắt năm 2010 và bị kết án 7 năm tù giam vì đã trợ giúp một số công nhân đình công đòi quyền lợi. Cô được trả tự do sau 4 năm 6 tháng do sức ép của quốc tế.

Sau khi ra khỏi nhà tù, cô tiếp tục đấu tranh đòi quyền lợi cho người công nhân.

===== 22/4 =====

Dân Mỹ Đức thả hết con tin, chính quyền Hà Nội hứa không khởi tố,

Ngày 22/4, sau cuộc đối thoại giữa chính quyền Hà Nội do Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Chung dẫn đầu, và nhân dân xã Đồng Tâm tại trụ sở UBND của xã, dân địa phương đã đồng ý thả tất cả 19 công an và cán bộ địa phương mà họ còn giữ làm con tin.

Chung, cựu trung tướng công an và giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, đã cam kết bằng văn bản viết tay, rằng sẽ không truy tố việc người dân bắt giữ gần 40 cán bộ và công an trong nhiều ngày trong vụ tranh chấp đất đai ở huyện Mỹ Đức.

Chung cũng hứa sẽ giải quyết những khiếu kiện của dân địa phương, và cho thanh tra toàn bộ đất đai ở khu vực Miếu Môn.

Dân làng Đồng Tâm, một xã cách trung tâm Hà Nội 40 km, đã bắt giữ 38 cảnh sát cơ động và cán bộ huyện, sau khi công an huyện Mỹ Đức bắt 15 người dân địa phương, bao gồm cả đảng viên cộng sản lão thành Kình, người đã bị chấn thương nghiêm trọng khi bị bắt một cách bất hợp pháp. Vụ việc liên quan đến một khu đất 47 hecta mà người dân khẳng định là đất nông nghiệp trong khi chính quyền nói là đất quốc phòng và định giao cho Tập đoàn Viettel làm dự án.

Lo sợ công an sẽ tấn công để giải cứu con tin, dân làng đã dùng cây gỗ, bao cát, gạch… để rào chắn, còn chính quyền đã điều động một số lượng lớn công an bao vây làng Hoành và nhiều khi cắt điện, nước và cả sóng điện thoại nhằm cô lập dân làng.

Việc dân bắt giữ công an làm con tin là sự kiện chưa từng thấy tại Việt Nam, nơi mà đất đai là sở hữu nhà nước đã khiến xảy ra nhiều vụ cưỡng chế đất, gây phẫn nộ trong dân chúng. Trường hợp ông Đoàn Văn Vươn năm 2012 đã dùng vũ khí tự tạo chống lại đoàn cưỡng chế đã trở thành biểu tượng cho sự bất bình ngày càng tăng về vấn đề này.

===== 23/4 =====

Công an thành phố HCM tiếp tục sách nhiễu nhà hoạt động Nguyễn Thị Loan

Công an thành phố HCM tiếp tục sách nhiễu cô giáo Nguyễn Thị Loan (Facebook Nguyễn Thanh Loan) vì những hoạt động về môi trường và nhân quyền của cô.

Công an thành phố nhiều lần triệu tập cô lên đồn công an để tra khảo về mối quan hệ giữa cô và anh Lưu Văn Vịnh, người  bị bắt năm ngoái với cáo buộc “hoạt động lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự.

Công an cũng ép chủ nhà không cho cô tiếp tục thuê nhà.

Cô giáo Loan còn nói rằng mấy ngày trước cô bị công an mật chèn ép xe khiến cô suýt lao vào xe tải. Cô đụng phải thanh sắt chắn đường và bị ngã với nhiều chấn thương ở chân.

Tháng trước, vào ngày 12/3, công an quận Gò Vấp đã khóa trái cửa phòng của cô từ bên ngoài nhằm không cho cô ra ngoài tham gia biểu tình chống Formosa. Bốn ngày sau đó, cô và một số nhà hoạt động bị công an quận Thủ Đức bắt giữ khi họ định biểu tình chống nạn ấu dâm ở gần trường tiểu học Lương Thế Vinh, nơi một cháu gái học sinh bị tấn công tình dục. Cô bị công an xô mạnh và do vậy cô bị đập đầu vào thành xe và bị ngất. Công an đã đưa cô đến bệnh việc rồi bỏ đi.

——————–

Nhiều nhà hoạt động ở Hà Nội bị giam lỏng trong tuần khi vụ Đồng Tâm chưa được giải quyết

Chính quyền thành phố Hà Nội đã sử dụng lực lượng công an mặc thường phục và dân phòng để canh gác nhà riêng của giới bất đồng chính kiến trong tuần nhằm ngăn cản họ đi đến Đồng Tâm ủng hộ nhân dân ở đây trong vụ tranh chấp đất đai.

Trong số những người bị canh giữ là nhà báo Nguyễn Tường Thụy, phó chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, Vũ Quốc Ngữ, tổng giám đốc Người Bảo vệ Nhân quyền, blogger Lã Việt Dũng, nhà báo tự do Lê Anh Hùng.

Ông Thụy cho biết công an, dân phòng và thành viên của Mặt trận Tổ quốc đã sách nhiễu gia đình ông và khách khi họ căng băng rôn nhằm ủng hộ dân Đồng Tâm.

Một số nhà hoạt động ở thành phố HCM cũng cho biết họ cũng bị canh gác trong tuần.

Trong sáu chủ nhật liên tiếp trước đó bắt đầu từ ngày 05/3, chính quyền nhiều thành phố lớn đã giam lỏng giới bất đồng chính kiến khi có kêu gọi biểu tình chống Formosa.

=====================

Quý vị có thể đọc bản tin Anh ngữ tại đây