Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 18 từ ngày 24 đến 30/4/2017: Việt Nam bị đề nghị đưa vào danh sách CPC vì vi phạm tự do tôn giáo

 

Người Bảo vệ Nhân quyền| ngày 30/4/2017

Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam và 16 quốc gia khác vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt (CPC) của năm nay vì nhà nước cộng sản ở Đông Nam Á tiếp tục vi phạm tự do tôn giáo một cách trầm trọng.

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) liệt Việt Nam vào danh sách những nước có số nhà báo bị giam cầm lớn thứ 6 trên thế giới, với ít nhất 8 nhà báo đang bị giam cầm như Trần Huỳnh Duy Thức, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm), Nguyễn Thị Minh Thúy, Nguyễn Đình Ngọc, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Hồ Văn Hải, và Nguyễn Văn Hóa.

Trong khi đó, Phóng viên Không Biên giới (RSF) nói tự do truyền thông tại Việt Nam hiện đang bị đe nhiều hơn bao giờ hết. Trong báo cáo Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới thường niên công bố hôm 26/04, RSF xếp Việt Nam 175 trên 180, tức gần đội sổ, không thay đổi so với năm ngoái. RSF nhận thấy rằng nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp thẳng tay những hoạt động đưa tin của các blogger và người dân trên truyền thông xã hội về thảm họa môi trường do Formosa gây ra.

Chính quyền Việt Nam dường như đã kéo dài thời gian điều tra thêm hai tháng đối với luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thu Hà, những người đã bị bắt giam vào ngày 16/12/2015 với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.

Bộ Công an Việt Nam quyết định rút bỏ một nội dung trong dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh thiết bị phần mềm nguỵ trang vốn gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua.

Cụ thể, bộ này sẽ hủy bỏ quy định về đối tượng sử dụng thiết bị ghi âm ghi hình bí mật vì quy định này không phù hợp và mâu thuẫn với quyền tự do tác nghiệp của báo chí, theo một lãnh đạo của Cục pháp chế và Cải cách Hành chính Tư pháp.

Và nhiều thông tin quan trọng khác

 

===== 24/4 =====

Chính quyền Việt Nam kéo dài thời gian điều tra thêm hai tháng đối với luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài

Chính quyền Việt Nam dường như đã kéo dài thời gian điều tra thêm hai tháng đối với luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thu Hà, những người đã bị bắt giam vào ngày 16/12/2015 với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.

Trong văn bản trả lời luật sư Hà Huy Sơn đề ngày 21/4, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã nói rằng cơ quan này chưa thể cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư Nguyễn Văn Đài vì việc điều tra vụ án chưa kết thúc.

Hai tháng trước, cũng chính cơ quan này nói rằng việc điều tra sẽ kết thúc vào ngày 17/4/2017.

Luật sư Sơn suy luận rằng chính quyền Việt Nam đã gia hạn thời gian điều tra thêm hai tháng, kéo dài thời gian điều tra lên 18 tháng.

Chính quyền Việt Nam đã gia hạn thời gian ba lần, mỗi lần 4 tháng.

——————–

Công an Nghệ An phải xin lỗi và trả lại 200 áo phông “No Formosa”

Công an huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An hôm 24/4 đã phải xin lỗi giáo dân địa phương về việc cướp 200 áo phông mang dòng chữ “No Formosa” và trả lại số áo trên cho người dân.

Sự việc xảy ra trong cùng ngày khi công an địa phương đánh đập hai giáo dân thuộc giáo sứ Song Ngọc và tịch thu 200 áo phông của hai người. Nhận được tin báo, khoảng 2.000 giáo dân thuộc giáo xứ Phú Yên và Mành Sơn đã kéo đến bao vây trụ sở công an huyện Quỳnh Lưu để phản đối.

Hai linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Duy Tân đề nghị phía công an đối thoại với các đại diện của dân.

Sau nhiều giờ đồng hồ, phía chính quyền thừa nhận sai trái trong việc đánh đập hai công dân và tịch thu 200 áo phông của họ.Trưởng công an huyện Quỳnh Lưu cũng thừa nhận sai phạm và hứa sẽ điều tra làm rõ, xử lý thích đáng.

Trước sức ép và lý lẽ không thể chối bỏ được nhà cầm quyền đã phải trả lại 200 chiếc áo “No Formosa” mà công an đã đánh cướp.

Những diễn biến gần đây cho thấy nhà cầm quyền đã tỏ ra lúng túng và lo lắng trong vụ bảo vệ Formosa, dẫn đến phản ứng thái quá, vu khống nhục mạ những ai giúp người dân. Sự hiểu biết pháp luật, tinh thần đoàn kết của các giáo dân, linh mục Nghệ An tiếp tục đẩy chính quyền vào thế bị động.

Công an huyện Quỳnh Lưu đã phải nhượng bộ giáo dân, trả lại 200 áo thun “No Formosa”

Hơn 1,000 người dân Quỳnh Lưu biểu tình trước trụ sở công an huyện đòi lại áo “No Formosa”

——————–

Chính quyền Nghệ An cấm linh mục Nguyễn Duy Tân giảng lễ

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An vừa gửi công văn, yêu cầu Tòa Giám mục giáo phận Vinh tổ chức kỷ niệm ngày lễ 30/04 và cấm không cho linh mục Nguyễn Duy Tân được phép dâng lễ và giảng tại các nhà thờ thuộc tỉnh Nghệ An vì đã “dám nói xấu Đảng Cộng Sản.”

Công văn ký bởi Phó Chủ tịch UBND Nghệ An Lê Xuân Đại viết “…Trong giảng lễ, linh mục Nguyễn Duy Tân đã xuyên tạc, vu cáo đường lối, chính sách của Đảng Cộng Sản Việt Nam, cổ vũ các hoạt động tuần hành, biểu tình gây phức tạp tình hình thời gian qua và kêu gọi giáo dân ủng hộ việc xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam…”

Chính quyền Nghệ An cho rằng linh mục Nguyễn Duy Tân đến giảng lễ tại giáo xứ Phú Yên vào tối 25/04 là vi phạm pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 và nghị định của chính phủ về bảo đảm an ninh, trât tự công cộng.

Vào ngày 24/04, linh mục Nguyễn Duy Tân, thuộc giáo xứ Thọ Hòa, giáo phận Xuân Lộc ra thăm giáo xứ Phú Yên, và tham gia cùng với hàng ngàn người dân biểu tình phản đối công an đánh đập và cướp của dân tại ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Trong tối ngày 25/04, cha Tân đã có buổi nói chuyện với giáo dân tại nhà thờ giáo xứ Phú Yên về những hiện tình của đất nước.

Trước đây, linh mục Nguyễn Duy Tân bị tỉnh Đồng Nai phạt 20 triệu đồng vì những bài viết đề nghị giải tán đảng cộng sản trên Facebook.

Nói về việc nhà cầm quyền yêu cầu giáo phận Vinh tổ chức lễ trong ngày 30/4, Linh mục Anton Đặng Hữu Nam chia sẻ: “Từ trước tới nay, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam họ vẫn luôn vượt quyền, lấn sân muốn thâu tóm, chỉ đạo giáo hội công giáo. Cụ thể trong công văn họ vừa gửi cho Toà giám mục Giáo phận Vinh hôm nay, họ muốn linh mục cũng như giáo dân tham gia kỷ niệm ngày 30/4 và 01/5 này nhưng chúng tôi có quyền từ chối không tham gia. Tuy nhiên, nếu chúng ta có ‘tham gia kỷ niệm’ thì cũng sẽ làm theo cách của chúng tôi.”

Riêng về sự việc linh mục Nguyễn Duy Tân, linh mục Nam nhận định: “…Cha Nguyễn Duy Tân đã không vi phạm một điều khoản nào khi trao đổi với người dân về hiện tình đât nước. Việc cấm một linh mục không được dâng lễ là vi phạm quyền tự do tôn giáo. Công văn này là bằng chứng nhà cầm quyền công sản can thiệp vào nội bộ tôn giáo, và cố tình đè nén sinh hoạt của giáo hội Công giáo tại Nghệ An…”.

===== 25/4 =====

Việt Nam đang cầm tù ít nhất 8 nhà báo: CPJ

Việt Nam là nước có số nhà báo bị giam cầm lớn thứ 6 trên thế giới, với ít nhất 8 nhà báo đang bị giam cầm, tổ chức Ủy ban Bảo vệ Ký giả có trụ sở ở Hoa Kỳ nói khi công bố đánh giá mới nhất về tình hình tự do báo chí trên toàn thế giới vào ngày 25/4.

Danh sách các nhà báo tự do, và blogger Việt Nam hiện bị giam giữ có Trần Huỳnh Duy Thức, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm), Nguyễn Thị Minh Thúy, Nguyễn Đình Ngọc, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Hồ Văn Hải, và Nguyễn Văn Hóa.

Ông Trần Huỳnh Duy Thức là một trong những người sáng lập phong trào Con đường Việt Nam, đấu tranh cho dân chủ Việt Nam. Ông bị mức án 16 năm tù giam theo Điều 79 Bộ luật Hình sự với cáo buộc ‘hoạt động âm mưu lật đổ chính quyền.’

Ông Nguyễn Hữu Vinh, người sáng lập trang mạng Ba Sàm được rất nhiều độc giả trong và ngoài nước theo dõi, bị tuyên án 5 năm tù giam theo Điều 258- ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ gây hại cho quyền lợi của Nhà nước.

Một số người khác như blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ theo Điều 88.

Trong tổng số 259 nhà báo bị tù tội trong năm 2016 trên toàn thế giới thì Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia chiếm số lượng nhiều nhất với 81 người, còn Trung Quốc nước láng giềng có cùng chế độ chính trị với Việt Nam là 38 người đứng hàng thứ hai.

——————–

Bộ Công an rút bỏ quy định về sử dụng máy ghi âm, ghi hình ngụy trang

Bộ Công an Việt Nam quyết định rút bỏ một nội dung trong dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh thiết bị phần mềm nguỵ trang vốn gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua.

Cụ thể, bộ này sẽ hủy bỏ quy định về đối tượng sử dụng thiết bị ghi âm ghi hình bí mật vì không phù hợp và mâu thuẫn với quyền tự do tác nghiệp của báo chí, theo một lãnh đạo của Cục pháp chế và Cải cách Hành chính Tư pháp.

Cũng theo vị lãnh đạo này, một số qui định trong dự thảo liên quan đến “nghiêm cấm cá nhân” sử dụng những thiết bị trên cũng được rút bỏ.

Khoản 3, Điều 4 của dự thảo Nghị định nói rằng “chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh, quốc gia trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm nguỵ trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và an ninh quốc phòng.”

Trong thời gian gần đây, dư luận trong nước xôn xao và phản đối bản dự thảo nghị định do Bộ Công an soạn thảo nhằm cấm dân chúng sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang. Bộ Tư pháp cho rằng nghị định trên chỉ điều chỉnh đối tượng được buôn bán các thiết bị trên chứ không quy định đối tượng sử dụng.

Dư luận trong nước nói Bộ Công an định sử dụng nghị định để cấm người dân sử dụng những dụng cụ ghi âm, ghi hình, định vị ngụy trang nhằm ngăn cản hoạt động thu thập chứng cứ, đấu tranh chống tiêu cực của nhà báo, công dân, và luật sư.

===== 26/4 =====

Ủy hội Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ đề nghị Chính quyền Trump đưa Việt Nam vào danh sách CPC

Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) hôm 26/04 công bố bản báo cáo thường niên năm 2017 về tình trạng tự do tôn giáo trên thế giới. Cơ quan này đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam và 16 quốc gia khác vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt (CPC) của năm nay.

Nhận định về tình hình tự do tôn giáo trên toàn cầu nói chung, Chủ tịch USCIRF là linh mục Thomas Reese nói ủy hội kết luận rằng thực trạng tự do tôn giáo quốc tế đang tồi tệ hơn, khi những vi phạm gia tăng ở cả chiều sâu và chiều rộng.

Năm nay, USCIRF đề nghị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tiếp tục giữ tên 10 nước trong danh sách CPC gồm: Myanmar, Trung Cộng, Eritrea, Iran, Bắc Hàn, Ảrập Saudi, Sudan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. USCIRF cũng xác định 6 nước có những vi phạm nghiêm trọng và cần được đưa vào danh sách CPC năm nay, gồm Cộng Hòa Trung Phi, Nigeria, Pakistan, Nga, Syria và Việt Nam.

Vào tháng Ba, linh mục Reese đưa ra nhận định rằng Việt Nam đang ở một thời điểm bước ngoặt. Mặc dù Việt Nam có cải tiến trong một vài trường hợp, nhưng những vi phạm tôn giáo trầm trọng vẫn tiếp diễn và không phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Trong phúc trình năm nay, USCIRF kêu gọi Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ kiên trì nhấn mạnh với mọi quốc gia về tầm quan trọng của tự do tôn giáo cho mọi người, ở mọi, nơi thông qua những tuyên bố chính thức hoặc trong các cuộc họp song phương hay đa phương.

USCIRF Releases 2017 Annual Report

VIETNAM: USCIRF Assesses State Department’s CPC Removal

——————–

Nhiều tổ chức XHDS, nhân sĩ trong và ngoài nước yêu cầu Việt Nam cải cách chính sách đất đai

Hơn mười tổ chức xã hội dân sự độc lập, trong đó có Người Bảo vệ Nhân quyền, và hàng trăm nhân sỹ, trí thức và người hoạt động đã ký vào Bản Yêu Sách Cải Cách Chính Sách Đất Đai yêu cầu chính quyền Việt Nam phải khẩn cấp thay đổi luật sở hữu đất đai hiện hành

Bản yêu sách chỉ rõ ra rằng chính sách sở hữu đất đai toàn dân của Việt Nam là lạc hậu, bất cập, là nguyên nhân tạo ra các tầng lớp dân oan trên cả nước, có thể dẫn đến bạo loạn xã hội. Bản yêu sách yêu cầu chính quyền cộng sản Việt Nam phải công nhận quyền tư hữu đất đai, và ngừng ngay những vụ cưỡng chế đất bất hợp lý.

Bản yêu sách cũng kêu gọi dư luận quốc tế và chính phủ các nước, các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng và có biện pháp hữu hiệu hậu thuẫn yêu sách chính đáng này của người dân Việt Nam.

Bản yêu sách này được công bố ngày 26.4, sau một loạt các cuộc nổi dậy của người dân Việt Nam chống lại lệnh cưỡng chế đất đai của chính quyền Việt Nam.

Quý vị có thể đọc toàn văn bản yêu sách ở đây:

BẢN YÊU SÁCH CẢI CÁCH CHÍNH SÁCH ĐẤT ĐAI

——————–

Phóng viên Không Biên giới: Việt Nam hoàn toàn không có tự do báo chí

Tự do truyền thông tại Việt Nam hiện đang bị đe nhiều hơn bao giờ hết, theo Phóng viên Không Biên giới (RSF) trong bản báo cáo Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới thường niên công bố hôm 26/04.

Chỉ số toàn cầu mới nhất cho thấy một thực trạng đen tối, với gần hai phần ba danh sách gồm 180 nước có chỉ số tự do báo chí thấp hơn. Việt Nam vẫn đứng thứ 175 trên 180, tức gần đội sổ, không thay đổi so với năm ngoái. Tình hình ở Việt Nam được cho là có cải tiến chút ít qua điểm số là 73.96, tăng 0.31 so với năm ngoái.

Trên bản đồ Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới của RSF, Việt Nam là một trong những nước màu đen, tức là hoàn toàn không có tự do báo chí.

“Điểm số của Việt Nam năm nay có thể tốt hơn một chút so với năm 2015, là năm mà nhiều nhà báo và blogger bị tấn công bởi công an thường phục và đồng phục. Nhưng nhìn chung thì tình hình không thay đổi. Đảng cộng sản vẫn tiếp tục đối xử tàn tệ đối với các blogger và những người lên tiếng về nhân quyền…,” theo ông Benjamin Ismail, trưởng văn phòng Á Châu – Thái Bình Dương của RSF.

RSF nhận thấy rằng nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp thẳng tay những hoạt động đưa tin của các blogger và người dân trên truyền thông xã hội về thảm họa môi trường do Formosa gây ra.

“Khi mà tất cả báo chí phải nhận lệnh từ đảng cộng sản, thì nguồn thông tin độc lập duy nhất đến từ các blogger và các nhà báo công dân – những người thường bị nhiều hình thức bức hại khốc liệt gồm cả bạo lực từ công an mặc thường phục,” RSF nói riêng về Việt Nam.

Việt Nam đã cố bịt miệng những kí giả với những cáo buộc mù mờ vô căn cứ qua các Điều 79, Điều 88, Điều 258 của Bộ luật Hình sự.

RSF coi Việt Nam là “nhà tù lớn thứ hai thế giới đối với các nhà báo công dân” với việc giam giữ các bloggers Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm), Nguyễn Thị Thuý, Nguyễn Văn Hoá, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, và Trần Thị Nga cùng nhiều người khác.

 

===================

Quý vị có thể đọc bản tin Anh ngữ tại đây