Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 20, từ ngày 08 đến 14/5/2017: Chính quyền Việt Nam chính thức phát lệnh truy nã đối với nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 14/5/2017

Ngày 12/5, Công an tỉnh Hà Tĩnh phát lệnh truy nã đối với nhà hoạt động nhân quyền và môi trường Bạch Hồng Quyền với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 của Bộ luật Hình sự.

Quyền là một trong những blogger bị đàn áp, sách nhiễu bởi chính quyền Việt Nam vì đã đưa tin về xả thải chất thải công nghiệp của Formosa ở ven biển miền Trung gây ra thảm họa môi trường với hàng nghìn tấn hải sản bị chết dạt vào bờ.

Công an tỉnh Hà Nam đã kết thúc điều tra đối với người bảo vệ nhân quyền Trần Thị Nga, người bị bắt hôm 21/1 với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự. Kết quả điều tra đã gửi đến Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh và phiên tòa xét xử cô sẽ được tiến hành trong thời gian tới đây.

19 linh mục ở Diễn Châu đã ra tuyên bố chung ủng hộ hai linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục đồng thời phản đối chiến dịch bôi nhọ hai linh mục này của chính quyền tỉnh Nghệ Tĩnh bằng các hình thức đấu tố và đưa tin sai sự thật trên phương tiện truyền thông địa phương. Các linh mục này còn yêu cầu chính quyền địa phương công khai xin lỗi hai vị tu hành về những hành động vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đưc đối với họ.

Cùng nhiều tin khác.

 

===== 08-5 =====

Công an Huế sách nhiễu Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất

Chính quyền thành phố Huế đã đe dọa và sách nhiễu nhiều Phật tử và huynh trưởng Gia đình Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong dịp lễ Phật Đản năm nay.

Theo Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm người Việt Nam có trụ sở tại Paris, vào ngày 28 tháng 4 vừa qua, công an triệu tập hai huynh trưởng thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Huế là ông Ngô Đức Tiến và ông Nguyễn Văn Đê đến làm việc tại đồn công an huyện Phú Vang. Tại đó, công an đe dọa sẽ bỏ tù họ, nếu họ tiếp tục theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Gần đây hơn, vào ngày 4 tháng 5 vừa qua, một huynh trưởng khác là ông Lê Công Cầu bị công an mời đi làm việc nhiều ngày. Công an cũng đến nhà của nhiều Phật tử theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Huế, và yêu cầu họ không được dự lễ Phật Đản do giáo hội này tổ chức.

Các Phật tử cho rằng chưa hề có lệnh chính thức nào cấm giáo hội này hoạt động, do đó Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không thể bị cho là bất hợp pháp. Các huynh trưởng bị mời làm việc với cơ quan an ninh cũng đều không ký vào các biên bản soạn sẵn.

Chính quyền Việt Nam lâu nay bị quốc tế lên án vì vi phạm quyền tự do tôn giáo của người dân. Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế mới đây đề nghị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt CPC, vì vẫn chủ trương lũng đoạn và đàn áp mọi tổ chức tôn giáo.

===== 09/5 =====

19 linh mục ở Nghệ An phản đối việc đấu tố hai linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục

19 linh mục thuộc giáo hạt Thuận Nghĩa, Vàng Mai ở huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An vừa lên tiếng phản đối việc nhà cầm quyền Nghệ An đấu tố hai linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục  trong thời gian qua.

Với bản ản tuyên bố chung, các linh mục đã cùng lên tiếng:

(1) bày tỏ tình hiệp thông với linh mục Anton Đặng Hữu Nam, quản xứ Phú Yên và linh mục JB Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc.

(2) phản đối chính quyền tỉnh Nghệ An, huyện Quỳnh Lưu đã thực hiện nhiều hành động mang tính chất đấu tố, vu cáo, kết án hai vị linh mục. Hành động đó vừa phi pháp, vừa phi đạo đức.

(3) yêu cầu chính quyền Nghệ An và huyện Quỳnh Lưu hiểu và tôn trọng danh dự và nhân phẩm của mọi công dân, đồng thời bảo vệ nghiêm túc các quyền cơ bản của công dân, nhất là quyền tự do ngôn luận theo hiến pháp và pháp luật.

(4) yêu cầu chính quyền Nghệ An, huyện Quỳnh Lưu và báo đài nhà nước dừng ngay việc đấu tố, bôi nhọ, vu cáo và xuyên tạc sự thật đối với hai linh mục, đồng thời phải công khai xin lỗi hai vị này trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

19 Linh mục Nghệ An phản đối nhà cầm quyền Nghệ An đấu tố hai Linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục

===== 10/5 =====

Đối thoại nhân quyền Việt Mỹ 2017: Việt Nam cần tu sửa luật pháp

Nhiều tổ chức dân sự của cộng đồng người Việt tại Mỹ hỗ trợ cho tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ mời tham dự Hội thảo bàn tròn vào ngày 12/5 để chuẩn bị cho Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ thường niên sẽ diễn ra trong cuối tháng này.

Ông Scott Busby, Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ chủ trì cuộc hội thảo về những lĩnh vực liên quan đến tù nhân chính trị, tín ngưỡng tôn giáo, cưỡng chế đất đai, vấn đề môi sinh và tự do ngôn luận cũng như tự do internet.

“Chúng tôi sẽ đưa ra các vấn đề về nhà cầm quyền Cộng sản gia tăng đàn áp các nhân vật đối lập và gia tăng đàn áp bắt bớ những người của các tổ chức xã hội dân sự độc lập, đặc biệt gần đây là cái chết của anh Nguyễn Hữu Tấn đã gây nên sự quan tâm của cả trong nước lẫn ngoài nước. Vấn đề thứ hai là chúng tôi đòi hỏi trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị, những người chỉ phát biểu ý kiến một cách ôn hòa mà bị bắt bỏ tù,” bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, Chủ tịch Tổ chức Quốc tế Yểm trợ Cao trào Nhân bản cho biết.

Bằng chứng cho các vấn đề mà Chủ tịch Tổ chức Quốc tế Yểm trợ Cao trào Nhân bản nêu ra sẽ được trưng dẫn qua động thái bắt bớ một loạt các nhà đấu tranh cho dân chủ, môi trường và xã hội của nhà cầm quyền Hà Nội kéo dài từ những tháng cuối của năm 2016 đến đầu năm 2017, bao gồm Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bà Trần Thị Nga, Bác sĩ Hồ Văn Hải, Blogger Phan Kim Khánh, Blogger Bùi Hiếu Võ…Một trong những trường hợp điển hình cho tình trạng tù nhân chính trị tại Việt Nam bị đối xử khắc nghiệt trong trại giam là tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức bị cưỡng bức lao động, bị thiếu ánh sáng khiến mất dần thị lực.

Cái chết tại đồn Công an Vĩnh Long của ông Nguyễn Hữu Tấn, một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo  bị bắt vào hôm 02/5 là bằng chứng mới nhất về hiện trạng bạo hành của công an Việt Nam đối với người dân trong nước, bác sỹ Quân nói. Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết ông Nguyễn Hữu Tấn đã dùng dao để cắt cổ tự vẫn trong khi người nhà ông này cho rằng cái chết của ông tại đồn công an có nhiều khuất tất.

Bác sĩ Nguyễn Thể Bình, Chủ tịch của Tổ chức Vietnam for Progress, cho rằng vụ việc ông Nguyễn Hữu Tấn bị bắt giữ liên quan hành vi phát tán tài liệu chống phá nhà nước, theo Điều 88 Bộ luật Hình sự cũng là bằng chứng mới nhất cho thấy nhà cầm quyền Hà Nội sử dụng các điều luật mơ hồ để bắt giữ công dân một cách độc đoán, dẫn đến hệ lụy gây ra cái chết khuất tất trong đồn công an đối với nạn nhân Nguyễn Hữu Tấn. Bác sĩ Bình cho biết sẽ nêu lên với giới chức ngoại giao Hoa Kỳ cần thúc đẩy tu sửa tư pháp và hành pháp tại Việt Nam.

“Pháp luật hay pháp lý vẫn là căn bản của xã hội. Vì vậy muốn đẩy mạnh vấn đề nhân quyền ở Việt Nam thì căn bản pháp lý phải vững. Và những cảnh xử lý đối với người dân qua luật pháp phải hợp lý và phải theo Công án Quốc tế. Cho nên, tôi muốn sẽ đẩy mạnh vấn đề tu sửa tư pháp ở đất nước Việt Nam.”

Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Tổ chức BPSOS, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho biết một phái đoàn liên tôn vào ngày 15/5 sẽ có cuộc gặp gỡ với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để vận động cho tự do tôn giáo và tín ngưỡng tại Việt Nam để báo cáo về tình trạng đàn áp tôn giáo ngày càng gia tăng đối với Cao Đài, Hòa Hảo, Phật giáo Thống nhất và đặc biệt nặng nề, nghiêm trọng đối với Cơ đốc giáo ở khu vực Tây Nguyên.

Tại Hội thảo bàn tròn, TS Thắng sẽ nói về tình trạng cưỡng chế đất đai tràn lan ở trong nước do quy định sở hữu đất đai toàn dân. “Vấn đề cướp đất của người dân, như gần đây chúng ta biết đến vụ ở Đồng Tâm và ở Giáo xứ Đông Yên cũng đang bị đe dọa bởi nạn bị cướp đất và còn tràn lan khắp đất nước Việt Nam nhiều trường hợp đơn lẻ nhiều vô kể. Đây được xem như là vấn nạn lớn tại Việt Nam, tạo nên những thảm cảnh cho người dân và những biến động và bất ổn trong xã hội,” ông nói.

Đại diện của các tổ chức xã hội dân sự người Mỹ gốc Việt tham dự Hội thảo Bàn tròn chuẩn bị cho Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ cũng khẳng định rằng môi trường sinh thái là một vấn đề đặc biệt quan trọng liên quan đến đời sống của hàng triệu người dân Việt Nam khi Chính phủ Hà Nội cấp phép cho các nhà máy vận hành nhưng không chú trọng đến khía cạnh bảo vệ môi sinh, mà hậu quả trước mắt là thảm họa môi trường biển tại khu vực 4 tỉnh Bắc miền Trung do nhà máy thép Hưng Nghiệp Formosa xả thải có độc tố ra biển vào tháng 4 năm ngoái ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm ngàn người dân.

Ngoài ra, vấn đề nghiệp đoàn công nhân độc lập tại Việt Nam dự kiến cũng sẽ được nêu ra trong bối cảnh Hoa Kỳ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương bao gồm 12 nước. Một trong những ràng buộc mà Việt Nam phải làm nếu Hiệp định này được thực hiện là Việt Nam phải cho phép các nghiệp đoàn công nhân độc lập được hoạt động.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hồi đầu tháng Ba vừa qua công bố báo cáo nhân quyền 2016, trong đó chỉ trích tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Theo báo cáo, tính đến cuối năm 2015, Việt Nam vẫn giam giữ 94 tù nhân chính trị mặc dù Chính quyền Hà Nội vẫn luôn khẳng định không giam giữ tù chính trị. Báo cáo cũng cho biết trong năm 2016, Việt Nam đã kết án tù 12 nhà hoạt động xã hội ôn hòa. Báo cáo cũng cáo buộc chính quyền Việt Nam không cho những người bị bắt giam được gặp gỡ với luật sư bào chữa và thân nhân trước khi ra tòa.

Trước đó vào tháng Hai năm 2017 thông qua báo cáo tình tình tự do tôn giáo tại Việt Nam, Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (gọi tắt là USCIRF) lên tiếng yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm (CPC) sau 10 năm được rút tên vì Quốc hội Việt Nam thông qua đạo luật về Tín ngưỡng và Tôn giáo hồi tháng 11 năm 2016, mà các tôn giáo đồng phản đối đạo luật mới ban hành vi phạm quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của người dân.

Đọc thêm: Đối thoại nhân quyền Việt Mỹ 2017: Việt Nam cần tu sửa luật pháp

===== 11/5 =====

Giới lập pháp đòi Trump thúc đẩy nhân quyền Việt Nam

Lễ kỷ niệm năm thứ 23 Ngày Nhân quyền cho Việt Nam được diễn ra hôm 11/5 tại Quốc hội Mỹ. Tham gia tổ chức buổi lễ là Cộng đồng Việt Nam vùng Washington DC, Maryland và Virginia, Tổ chức Tập hợp vì Nền Dân chủ, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Hệ thống Truyền hình SBTN. Thượng nghị sĩ John Cornyn (đảng Cộng hòa, bang Texas) bảo trợ cho buổi lễ năm nay.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Uỷ ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS), một diễn giả tại buổi lễ thì Thứ nhất là trong thời gian gần đây có khá nhiều người bất đồng chính kiến, kể cả những người tranh đấu để đòi công lý đối với vấn đề nhiễm độc biển bởi Formosa, đã bị đánh đập và bị bắt bớ. Một điều rất đáng quan ngại nữa là càng ngày càng có vẻ là công an dùng côn đồ, xã hội đen để đánh đập người dân, để họ tránh tiếng. Một lĩnh vực nữa mà tôi cũng rất, rất quan tâm là tình trạng cướp đất của dân. Nó tạo ra người dân hết sức là khốn cùng. Và cuối cùng, chúng tôi rất quan tâm đến việc chính quyền tiếp tục đàn áp các cộng đồng tôn giáo, các tổ chức tôn giáo độc lập với chính quyền, không đăng ký hoạt động với chính quyền”.

Bên cạnh những vấn đề Tiến sĩ Thắng nêu ra, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Scott Busby đặc trách dân chủ, nhân quyền và lao động còn lưu ý đến tự do trên mạng internet và cuộc cải cách pháp lý của Việt Nam:

“Một diễn biến đáng lo ngại về nhân quyền ở Việt Nam trong năm qua là việc chính quyền tăng cường nỗ lực hạn chế các tài liệu đăng trên internet, nhất là trên Youtube và Facebook, nếu chính quyền có đó là các thông tin ‘độc hại’ hay ‘nhạy cảm về mặt chính trị’ … Có lẽ xu hướng quan trọng nhất mà tôi muốn bàn đến là những nỗ lực hiện nay của Việt Nam trong lĩnh vực cải cách pháp lý nhằm làm cho các luật phù hợp với Hiến pháp 2013 và các cam kết về nhân quyền đối với quốc tế … Nhưng tôi cần phải lưu ý rằng nỗ lực cải cách của Việt Nam có tốc độ chậm chạp hơn so với mong muốn của chúng tôi”.

Ông Busby cho hay tuần tới, Mỹ và Việt Nam sẽ thực hiện vòng đối thoại nhân quyền lần thứ 21, trước chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ vào cuối tháng. Vẫn theo lời ông, những cuộc gặp cấp cao như vậy là cơ hội để Mỹ tiếp tục gây sức ép đòi Việt Nam cải thiện tình hình nhân quyền.

Trong nỗ lực gây sức ép từ phía lập pháp, Thượng nghị sĩ John Cornyn cho biết ông sẽ sớm giới thiệu lại dự luật mang tên Đạo luật Trừng phạt Nhân quyền Việt Nam, trừng phạt việc du hành của những công dân Việt Nam vi phạm nhân quyền.

Đề cập đến việc Tổng thống Trump sẽ thăm Việt Nam vào cuối năm nay, Thượng nghị sĩ Cornyn kêu gọi ông Trump sử dụng chuyến công du để nhắc lại cam kết của Mỹ với nhân quyền, cũng như nhắc nhở Việt Nam rằng có những điều kiện cho việc Việt Nam hội nhập quốc tế và gia tăng quan hệ an ninh, kinh tế với Mỹ.

Ông Cornyn nói:

“Chắc chắn là chúng ta có những lợi ích chung với Việt Nam, trong đó có hiệp định thương mại song phương, và chống lại sức mạnh quân sự cũng như những động thái hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ với những gì diễn ra bên trong biên giới Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi Việt Nam thả tất cả các tù nhân chính trị, tôn trọng nhân quyền và chấp nhận các lý tưởng dân chủ mà tất cả chúng ta đều trân quý”.

Các nhóm theo dõi nhân quyền Việt Nam cho biết hiện Hà Nội đang giam giữ 90 tù nhân lương tâm, những người hoạt động vì tiến bộ về nhân quyền và dân chủ.

Dân biểu Chris Smith (đảng Cộng hòa, bang New Jersey), ủy viên cấp cao trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nhấn mạnh:

“Không có chính phủ nào đàn áp chính người dân của mình, hạn chế các quyền tự do của họ lại có thể là đồng minh tin cậy của Mỹ. Không có chính phủ nào kiểm duyệt internet, bỏ tù các nhà bất đồng chính kiến lại có thể được tin tưởng để nhận các lợi ích thương mại và an ninh. Tổng thổng phải bảo đảm rằng chính phủ Việt Nam hiểu là cần có những cải thiện lớn để đạt được mối quan hệ đối tác vững chắc, lành mạnh giữa hai nước. Tổng thống phải nói rõ rằng việc mở rộng hơn nữa các lợi ích về thương mại và an ninh có điều kiện là những cải thiện lớn về nhân quyền, tự do, dân chủ có thể xác minh được cụ thể và không thể đảo ngược được”.

Kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 1 năm nay, Tổng thống Trump hầu như không có phát biểu nào đáng chú ý về nhân quyền. Trong bối cảnh như vậy, Tiến sĩ Thắng kêu gọi:

“Luật của Hoa Kỳ do Quốc hội ban hành và bất luận là đời tổng thống nào, hành pháp nào cũng phải chấp hành. Cử tri, những người Mỹ gốc Việt có thẩm quyền và có nhiệm vụ thúc đẩy Quốc hội giám sát việc thực thi của hành pháp. Tổng thổng dù không quan tâm đến vấn đề nhân quyền, vẫn phải thực thi luật của Hoa Kỳ. Năm ngoái, Quốc hội đã thông qua hai đạo luật về nhân quyền tôi nghĩ rất có hiệu quả nếu chúng ta biết sử dụng. Thứ nhất là Luật Magnitsky toàn cầu. Thứ hai là luật về bảo vệ quyền tự do tôn giáo quốc tế. Đó là hai biện pháp mà năm nay chúng tôi sẽ tận khai thác. Khía cạnh thứ hai là tự do tôn giáo. Phó tổng thống Mike Pence là người rất quan tâm đến quyền tự do tôn giáo. Chúng tôi phải làm sao thúc đẩy để đưa vấn đề tự do tôn giáo đang bị đàn áp trầm trọng ở Việt Nam để mà được sự chú ý của hành pháp Trump”.

Giới lập pháp đòi Trump thúc đẩy nhân quyền Việt Nam

——————–

Nhà hoạt động Trần Thị Nga sắp bị truy tố tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’

Luật sư và gia đình của nhà hoạt động Trần Thị Nga cho biết cơ quan an ninh điều tra ở tỉnh Hà Nam vừa thông báo kết thúc điều tra, và đề nghị truy tố bà về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.

Cô Nga bị công an tỉnh Hà Nam bắt giam ngày 21/1. Cô là một trong những nhà hoạt động thường xuyên tham gia những cuộc biểu tình chống Trung Cộng, và những cuộc tuần hành vì môi trường, phản đối công ty Formosa trong thảm họa môi trường biển miền Trung.

Là một người từng đi lao động xuất khẩu ở Đài Loan, chứng kiến cảnh bóc lột và lừa đảo của các công ty đưa người đi làm việc ở nước ngoài, bà trở về Việt Nam tranh đấu cho quyền lợi của người lao động và người dân bị cưỡng chế đất.

Luật sư biện hộ Hà Huy Sơn, thuộc công ty luật Hà Sơn, cho biết an ninh tỉnh Hà Nam thông báo kết thúc điều tra hôm 5 tháng 5, tuy nhiên, ông chưa nhận được hồ sơ, nên chưa biết họ buộc tội thân chủ của ông dựa trên những hành động nào.

Theo tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang bỏ tù ít nhất 112 nhà hoạt động và blogger, chỉ vì thực thi các quyền tự do căn bản như tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và tự do tôn giáo.

Luật sư Sơn cho biết sức khỏe của thân chủ mình không được tốt lắm, bị đau khớp gối phải do cách đây mấy năm bị người ta đánh gãy xương.

Nhà hoạt động Trần Thị Nga, 40 tuổi, bị bắt vào ngày 21 tháng giêng vừa qua tại tư gia ở Phủ Lý, Hà Nam. Cô có hai con nhỏ là cháu Phú và Tài. Trước khi bị bắt, cô từng có nhiều hoạt động bênh vực người lao động Việt Nam và những dân oan bị  thu hồi tài sản, đất đai một cách phi pháp. Cô và gia đình từng nhiều lần bị sách nhiễu, hành hung đến trọng thương.

——————–

Dân oan Hải Dương đón tù nhân lương tâm Nguyễn Thị Tuần mãn hạn tù

Vào ngày 10 tháng 5 năm 2017, đông đảo bà con dân oan Hải Dương cùng người thân, gia đình chào đón tù nhân lương tâm Nguyễn Thị Tuần mãn hạn tù, với tội danh “chống người thi hành công vụ” vì đã chống lại lực lượng nhà cầm quyền và đòi quyền lợi cho người dân xã Ứng Hoè, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

Vào tháng 8/2012, nhà cầm quyền huyện Ninh Giang đã tiến hành thi công lắp đặt đường cáp quang trên địa bàn xã Ứng Hoè và đi qua phần đất của nhà dân, nhưng không đền bù thiệt hại nên bị người dân trong xã phản đối và ngăn cản. Nhà cầm quyền còn huy động lực lượng công an, an ninh, cảnh sát cơ động xuống trấn áp bà con. Người dân và lực lượng công quyền sau đó đã xảy ra xô xát. Sau đó, lực lượng công quyền đã rút lui về phía trụ sở Uỷ ban xã. Người dân đã tiếp tục mang quan tài lên Uỷ ban xã Ứng Hoè biểu tình phản đối nhà cầm quyền thi công trái phép.

Sau đó, nhà cầm quyền đã ra lệnh khởi tố bắt giam 18 người dân với hai cáo buộc “chống người thi hành công vụ” và “gây rối trật tự công cộng”. Ngày 23/9/2014, toà án nhân dân huyện Ninh Giang (Hải Dương) mở phiên toà xét xử 18 người thuộc xã Ứng Hoè.

===== 12/5 =====

Nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền bị nhà cầm quyền Hà Tĩnh phát lệnh truy nã

Vào ngày 12/5, nhà cầm quyền tỉnh Hà Tĩnh vừa phát lệnh truy nã toàn quốc đối với nhà hoạt động, phóng viên tự do Bạch Hồng Quyền, với tội danh “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245, do công an tỉnh Hà Tĩnh ban hành.

Trước đó, cơ quan công an tỉnh Hà Tĩnh cũng đã đến nhà bố vợ Bạch Hồng Quyền gặp chị Bùi Hương Giang (vợ Quyền) để đọc quyết định bắt và khuyên Bạch Hồng Quyền nên “tự thú” nhưng đã bị gia đình phản ứng lại.

Chị nói “Anh Quyền là chồng tôi, và tôi, cũng như các anh cũng đã biết tình hình anh Quyền như thế nào rồi. Cho nên các anh không cần thiết phải đến đây để thông báo. Tôi không có nghĩa vụ trả lời với các anh về vụ việc này. Chồng tôi hoàn toàn vô tội trước những lời cáo buộc của các ông.”

Bạch Hồng Quyền sinh ngày 7/8/1989, quê quán ở Hà Nam, là một nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền, luôn có mặt trong những cuộc biểu tình chống Trung Cộng xâm lược Việt Nam. Anh cũng là một phóng viên tự do, luôn tường trình những cuộc biểu tình của người dân, nhất là những cuộc biểu tình chống Formosa của bà con ngư dân Miền Trung trong thời gian qua.

==================

Quý vị có thể đọc bản tin Anh ngữ tại đây