Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần 23, từ ngày 29/5 đến ngày 04/6/2017: Chính quyền tỉnh Nghệ An tăng cường đàn áp linh mục và giáo dân

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 04/6/2017

Trong những ngày gần đây, chính quyền tỉnh Nghệ An đã tăng cường đàn áp linh mục và giáo dân tại giáo xứ Song Ngọc và Phú Yên, là những người tích cực nhất trong việc đòi Formosa đền bù thiệt hại sau thảm họa môi trường mà công ty Đài Loan này gây ra từ việc xả thải vào biển đầu năm 2016.

Ngày 28/5, chính quyền huyện Quỳnh Lưu đã thực hiện cuộc tập trận gần nhà thờ giáo họ Văn Thai, Song Ngọc với sự tham gia của nhiều cảnh sát và dân phòng với mục tiêu là chiếm giữ nhà thờ và bắt giữ giáo dân. Chính quyền địa phương đã không thông báo trước cho cư dân địa phương về cuộc tập trận có bắn đạn thật này. Khi giáo dân Văn Thai ra phản đối cuộc tập trận, côn đồ được điều động tới và đánh đập người dân.

Cũng trong cùng ngày, cô giáo dạy giáo lý Công giáo Nguyễn Thị Trà đã bị đánh đập và làm nhục bởi công an và côn đồ sau khi cô quay lại cảnh công an và dân phòng đánh đập một phụ nữ thuộc giáo xứ Song Ngọc. Cô đã bị đánh đập nhiều lần, bị cướp 3 điện thoại và bị tra hỏi trong nhiều giờ tại đồn công an xã Song Ngọc. Một số giáo dân ở giáo xứ Phú Yên cũng bị công an và côn đồ đánh đập khi tới Song Ngọc đòi trả tự do cho cô giáo Trà.

Trong hai ngày cuối cùng của tháng Năm, chính quyền huyện Quỳnh Lưu đã huy động nhiều công an, dân phòng và hàng ngàn côn đồ bao vây giáo họ Văn Thai khi linh mục Nguyễn Đình Thục đang làm lễ tại đây. Chúng gây ồn ào và ném gạch đá vào nhà dân ở đây. Thậm chí, côn đồ còn phá cửa và tràn vào nhà dân để đập phá đồ đạc của họ, bao gồm nhiều xe máy, màn hình TV, máy in, máy tính và máy giặt.

Một số người dân Văn Thai đã bị thương tích nặng.

Ngày 01/6, Ân xá Quốc tế ra lời kêu gọi cộng đồng quốc tế gửi thư ngỏ đến lãnh đạo Việt Nam yêu cầu trả tự do cho Hoàng Đức Bình, người bị bắt hôm 15/5 và hủy bỏ lệnh truy nã đối với Bạch Hồng Quyền. Cả hai người là những blogger tích cực đưa tin về tình hình miền Trung nơi bị thảm họa môi trường Formosa, và giúp đỡ người dân trong việc khiếu kiện và biểu tình ôn hòa chống lại Công ty Đài Loan.

Cũng trong cùng ngày, hàng chục tổ chức nhân quyền và dân sự quốc tế và quốc nội đã gửi một bức thư chung đến lãnh đạo Việt Nam yêu cầu trả tự do cho mục sư Tin lành Nguyễn Công Chính, người đang bị đối xử vô nhân đạo trong quá trình thụ án tù 11 năm tại trại giam thuộc tỉnh Bình Phước.

và một số tin quan trọng khác.

 

===== 29/5 =====

Cô giáo dạy giáo lý Nguyễn Thị Trà bị công an Song Ngọc đánh đập và làm nhục

Sáng nay ngày 28/5, cô giáo dạy giáo lý Công giáo của giáo xứ Song Ngọc vô tình chứng kiến một nhóm người rất đông bao gồm công an, phụ nữ và đàn ông hò hét chửi bới và đánh đập một phụ nữ thuộc giáo xứ Song Ngọc. Cô dừng lại và mang điện thoại ra quay.

Hai phút sau, một người đàn ông phát hiện việc nhóm bị quay nên hô cả nhóm bắt giữ cô giáo Trà. Cô chạy đi và trốn vào nhà vệ sinh của một quán café.

Tuy nhiên, nhóm người đó phá cửa và lôi cô ra ngoài. Cô bị công an, đàn ông và phụ nữ lao vào đánh tới tấp và bắt phải cởi áo ra để lục soát. Họ thu giữ 3 chiếc điện thoại của cô.

Sau khi đánh đập cô, công an xã Sơn Hải chở cô tới quán cà phê Mê Trang, yêu cầu cô mở mật khẩu điện thoại để kiểm tra, và bắt cô phải chửi bới, nhiếc mắng hai linh mục là Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục nhưng cô im lặng.

Cô tiếp tục bị đánh bởi công an và côn đồ rồi bị đưa về trụ sở UBND xã Sơn Hải và bị tra hỏi bởi công an xã và huyện. Cô chỉ được trả tự do khi có nhiều người giáo dân thuộc giáo xứ Phú Yên đến phản đối việc bắt giữ cô. Côn đồ còn đánh đập một số người trong nhóm người mới đến trước sự chứng kiến của công an.

===== 30-31/5 ====

Chính quyền  Nghệ An khủng bố linh mục Nguyễn Đình Thục và giáo dân Văn Thai

Trong hai ngày 30-31/5, chính quyền tỉnh Nghệ An đã khủng bố linh mục Nguyễn Đình Thục và giáo dân Văn Thai thuộc giáo xứ Song Ngọc, xã Song Ngọc, huyện Quỳnh Lưu.

Trong buổi chiều tối ngày 30, khi linh mục Thục đang làm lễ tại nhà thờ giáo họ Văn Thai, chính quyền huyện Quỳnh Lưu đã huy động hàng trăm côn đồ bao vây giáo họ, gây ồn ào và ném gạch đá vào nhiều nhà dân tại đây.

Khi được thông báo, công an huyện có đến nhưng không làm gì để giải tán đám đông côn đồ. Để bảo toàn an ninh, linh mục Thục phải ở lại giáo họ mà không thể trở về giáo xứ Song Ngọc.

Ngày hôm sau, rất nhiều công an và côn đồ được điều động tới Văn Thai. Côn đồ xông vào nhà giáo dân để đập phá đồ đạc bên trong. Một số giáo dân bị đánh đập và bị thương tích nặng.

Giáo dân giáo xứ Song Ngọc nằm trong số những người đi khởi kiện Công ty Formosa để đòi quyền lợi sau vụ ô nhiễm môi trường biển hồi năm ngoái. Nhiều người trong số họ bị mất nguồn sinh kế kể từ sau thảm họa trên, nhưng chính quyền không đưa tỉnh Nghệ An vào danh sách những nạn nhân được bồi thường của Formosa.

Đọc thêm: Công an khủng bố Linh Mục Nguyễn Đình Thục và giáo dân trong lúc Nguyễn Xuân Phúc gặp tổng thống Trump

Giáo dân Văn Thai bị côn đồ đập phá nhà cửa, tài sản

===== 01/6 =====

Nhiều tổ chức kêu gọi trả tự do cho mục sư Nguyễn Công Chính

Hai mươi sáu tổ chức và cá nhân hoạt động vì quyền con người cùng ký thư ngỏ kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do vô điều kiện ngay lập tức cho tù nhân lương tâm – Mục sư Nguyễn Công Chính; tiến hành điều tra độc lập, thực chất những cáo giác về việc đối xử tàn tệ với bản thân ông này trong nhà tù và đối với cáo giác chính quyền phường Hoa Lư, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai tra tấn vợ của ông là bà Trần Thị Hồng.

Theo bức thư được công khai thì những tổ chức và các nhân ký tên yêu cầu phải đưa mọi thủ phạm được xác định ra xét xử một cách phân minh. Ngoài ra phải bồi thường cho hai ông bà Nguyễn Công Chính theo đúng cam kết của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự- Chính trị, Công ước Chống Tra tấn và Đối xử phi nhân, tàn ác.

Bức thư ngỏ đề ngày 23 tháng 5 gửi đến chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang, ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bà chủ tịch Quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân.

Nhóm gửi thư cho biết tiếp tục theo dõi sát sao tình hình của tù nhân lương tâm Nguyễn Công Chính và vợ ông là bà Trần Thị Hồng. Hoạt động này sẽ được thực thi cho đến khi mục sư Nguyễn Công Chính được trả tự do, những cáo buộc hình sự đối với ông được giải bỏ thông qua tiến trình pháp lý phù hợp.

Vào năm 2012, mục sư Nguyễn Công Chính thuộc Hội thánh Tin Lành Lutheran Việt Nam bị kết án 11 năm tù giam với cáo buộc ‘phá hoại chính sách đoàn kết quốc gia’ theo Điều 87 của Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Theo các tổ chức và cá nhân ký vào thư ngỏ thì mục sư Nguyễn Công Chính bị giam giữ một cách độc đoán và bị tuyên án tủ chỉ vì thực thi quyền tín ngưỡng một cách ôn hòa cũng như các quyền tự do tư tưởng, tự do bày tỏ…

Những hoạt động không hề bạo lực trong việc chỉ trích các chính sách của nhà cầm quyền không thể là nguyên nhân khiến bản thân mục sư Nguyễn Công Chính phải chịu tù đày, đối xử tàn tệ và bị quản giáo tước mọi quyền con người của ông.

Trong tù, mục sư Nguyễn Công Chính còn bị những tù thường phạm khác xúc phạm thân thể cũng như tinh thần bằng lời lẽ xúc phạm mà cán bộ quản giáo không hề can thiệp. Ông cũng không được chăm sóc y tế để chữa bệnh, bị biệt giam trong thời gian dài, không được thực hành các nghi thức tôn giáo.

Trại giam cũng không cho ông này mua đồ ăn thêm ở căn tin.

Bên ngoài, bà vợ của ông thường xuyên bị sách nhiễu; thậm chí hành hung, tra tấn…

Đọc thêm: Nhiều tổ chức kêu gọi trả tự do cho mục sư Nguyễn Công Chính

——————–

Gia đình blogger Mẹ Nấm tiếp tục bị công an bao vây, chốt chặn khi Thượng nghị sỹ McCain thăm cảng quốc tế Cam Ranh

Sáng 1/6, lực lương công an tỉnh Khánh Hoà đã đưa hàng chục người, gồm cả thường phục lẫn sắc phục đến bao vây bên ngoài nhà riêng của gia đình blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tại địa chỉ số 24 Đặng Tất, Nha Trang.

Thân mẫu của blogger này, bà Nguyễn Tuyết Lan đi ra ngoài thì luôn có ít 4 nhân viên an ninh thường phục, đi trên 2 xe gắn máy đeo bám, rình rập và gây khó khăn.

Đặc biệt, từ 14h chiều cùng ngày, lực lượng CA tiếp tục điều động thêm một chiếc chiếc xe ô tô chặn ngay ngõ của gia đình, ngăm cản việc đi lại và tiếp tục gây hấn với bà Lan.

Phẫn uất trước những hành vi trên, bà Lan cùng 2 con của blogger Mẹ Nấm đã đứng biểu tình công khai với tấm bảng “Công an Khánh Hoà đàn áp gia đình tôi”. Sau hành động phản kháng của 3 bà cháu cô Tuyết Lan thì lực lượng CA tại hiện trường đã di chuyển xe ô tô, thay vào đó là dùng những chiếc xe máy chặn lối ra vào của gia đình.

Việc bao vây này diễn ra nhằm ngăn chặn gia đình tiếp xúc với phái đoàn của Quốc hội Hoa Kỳ, dẫn đầu bởi Thượng nghị sỹ John McCain thăm viếng cảng quốc tế Cam Ranh.

Trước đó một tuần, gia đình cũng bị bao vây khi Việt Nam và Hoa Kỳ tiến hành vòng đàm phán Đối thoại Nhân quyền lần thứ 21.

===== 02/6 =====

Cựu tù nhân lương tâm Phạm Minh Hoàng bị tước quốc tịch Việt Nam

Giáo sư Phạm Minh Hoàng, người có hai quốc tịch Việt Nam và Pháp, đã bị chính quyền Việt Nam tước bỏ quốc tịch và ông đang bị đe dọa trục xuất sang Pháp.

Ngày 01/6, ông được Tổng Lãnh sự Pháp tại Hồ Chí Minh thông báo về sự việc.

Ông rất có thể phải rời khỏi Việt Nam, nơi gia đình ông gồm một mẹ già và người anh là thương phế binh của quân đội Việt Nam Cộng hòa.

Giáo sư Hoàng được đào tạo tại Pháp trong những năm đầu 1970. Khi ông trở lại Việt Nam, quân đội Bắc Việt đã tiến chiếm miền Nam và thống nhất đất nước. Ông rất khó khăn trong việc tìm việc làm cho mãi đến năm 2000 bắt đầu đi dạy toán thuộc Đại học Bách Khoa Sài Gòn.

Năm 2010, ông bị bắt vì cáo buộc hoạt động chính trị. Ông bị kết án 17 tháng tù và ba năm quản chế.

Sau khi ra tù, ông bị gây khó dễ trong việc giảng dạy. Lớp học tiếng Pháp của ông thường xuyên bị sách nhiễu.

Năm 2016, công an đã phá rối lớp học về nhân quyền và dân chủ, thu giữ nhiều máy tính cá nhân của học viên.

Ông tiếp tục có những bài viết ôn hòa về dân chủ và nhân quyền mà bị chính quyền Việt Nam coi là xâm phạm an ninh quốc gia.

Trong một diễn biến mới nhất, giáo sư Hoàng đã tuyên bố bỏ quốc tịch Pháp.

Gs Phạm Minh Hoàng: Tâm thư khi bị tước quốc tịch Việt Nam

———————

Ân xá Quốc tế kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng về vụ bắt giữ Hoàng Đức Bình, truy nã Bạch Hồng Quyền

Ngày 01/6, Ân xá Quốc tế đã kêu gọi cộng đồng quốc tế viết thư ngỏ tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, yêu cầu:

– Trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Hoàng Đức Bình, một tù nhân lương tâm, người thực hiện quyền tự do ngôn luận một cách ôn hòa, và hủy bỏ mọi cáo buộc chống lại anh và Bạch Hồng Quyền, người mà cảnh sát đã ra lệnh bắt giữ;

– Chấm dứt ngay các vụ bắt giữ, truy tố và quấy rối tùy tiện các nhà bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động những người kêu gọi minh bạch và trách nhiệm giải trình cho thảm hoạ môi trường xảy ra vào tháng 4 năm 2016;

– Tăng cường và tạo điều kiện cho các quyền tự do lập hội, hội họp và biểu đạt ôn hòa.

Blogger Hoàng Đức Bình và Bạch Hồng Quyền là những người tích cực đưa tin về thảm họa Formosa và hậu quả gây ra cho dân chúng tại bốn tỉnh miền Trung, và những hành động ôn hòa của giáo dân trong việc đòi Formosa bồi thường về những thiệt hại cho dân chúng địa phương.

Thảm họa Formosa đã trở thành vấn đề quan tâm lớn của công chúng ở Việt Nam. Nước này đã chứng kiến ​​các cuộc biểu tình trên một quy mô chưa từng thấy trước đây cả về tần suất và số người tham gia. Các nhà chức trách đã phản ứng quyết liệt đối một loạt các cuộc biểu tình diễn ra khắp cả nước vào tháng 5 năm 2016, và trong tháng 10 năm 2016, một cuộc biểu tình chống lại Formosa ở Hà Tĩnh có sự tham gia của khoảng 20.000 người. Chính quyền đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn cản và trừng phạt những người tham gia biểu tình, dẫn tới một loạt các vụ vi phạm nhân quyền bao gồm tra tấn và các hình thức xử phạt và trừng phạt tàn nhẫn, vô nhân đạo hay hạ nhục khác, cũng như vi phạm quyền hội họp ôn hòa và tự do đi lại.

Các cuộc biểu tình yêu cầu minh bạch và trách nhiệm giải trình tiếp tục trong năm 2017, và nhà chức trách đang đối phó bằng đe dọa, quấy rối, đánh đập đối với những người tham gia vào việc tổ chức và đưa khiếu nại. Các nhà bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động tham gia tổ chức các cuộc biểu tình trở thành mục tiêu đàn áp của chính quyền.

Trước đó, ngày 15/2, Ân xá Quốc tế cũng kêu gọi trả tự do cho Nguyễn Văn Hóa, một blogger ở huyện Kỳ Anh, Hà Tinh, người đã bị bắt vào ngày 11/01/2017. Anh đã giúp đỡ những ngư dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa sinh thái Formosa.

VIETNAM: CRACKDOWN ON FORMOSA SPILL ACTIVISTS CONTINUES: HOÀNG ĐỨC BÌNH AND BẠCH HỒNG QUYỀN

========================

Quý vị có thể đọc bản tin Anh ngữ tại đây