Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần 28 từ ngày 03 đến 09/2017: Công an Hà Nội chính thức cáo buộc nhà hoạt động trẻ Trần Hoàng Phúc tội danh tuyên truyền chống nhà nước

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 09/7/2017

Ngày 03/7, cơ quan an ninh của Sở Công an Hà Nội công bố việc bắt giữ nhà hoạt động trẻ Trần Hoàng Phúc để điều tra về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999, năm ngày sau khi đã bắt cóc anh tại phòng trọ ở quận Tây Hồ.

Phúc, một thành viên của Nhóm Sáng kiến Lãnh đạo Đông Nam Á (YSEALI) do Barack Obama thành lập khi ông còn đương chức Tổng thống Hoa Kỳ, bị cáo buộc “có hành vi tàng trữ tài liệu, làm và đăng tải các video có nội dung tuyên truyền chống nhà nước trên các trang mạng internet.” Anh sẽ bị biệt giam trong giai đoạn điều tra và nếu bị kết tội, anh có thể phải đối mặt với mức án 20 năm tù giam theo luật hiện hành của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hôm 03/7 đã đến trại tạm giam của Công an tỉnh Khánh Hòa để nộp đơn đề nghị được thăm gặp con gái, người đã bị xử án tù 10 năm trong phiên tòa trước đó năm ngày. Tuy nhiên, ban giám thị nhà tù đã từ chối, nói rằng quyền cho thăm gặp thuộc an ninh thành phố.

Mẹ Nấm bị bắt ngày 10/10/2016 và bị biệt giam, chỉ được gặp mẹ trong thời gian rất ngắn trong ngày 28/6, trước ngày xử án một ngày. Ngày xử án, bà Lan cũng không được vào phòng xử án mà chỉ được quan sát phiên tòa ở một phòng kế bên, qua màn hình TV. Mẹ Nấm cũng không được gặp hai con nhỏ kể từ ngày bị bắt.

Chính quyền huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, tiếp tục đưa côn đồ đàn áp cộng đồng Công giáo ở giáo họ Văn Thai, giáo xứ Song Ngọc. Trong hai ngày 6 và 7/7, côn đồ đã xông vào nhà một số giáo dân và đánh đập một phụ nữ trẻ và đe dọa nhiều gia đình khác.

Người Việt tiếp tục chết trong đồn công an và nạn nhân mới nhất là anh Nguyễn Hồng Đê ở Phan Rang. Công an nói rằng anh đã thắt cổ tự tử bằng áo sơ mi của mình trong khi đang viết tường trình. Gia đình anh đã mang xác anh đi biểu tình trước trụ sở Sở Công an tình Ninh Thuận để đòi điều tra về cái chết của anh vì không tin anh tự sát.

Nhiều tổ chức nhân quyền trong nước và quốc tế đòi Việt Nam điều tra về cái chết của anh Nguyễn Hữu Tấn trong đồn công an tỉnh Vĩnh Long vào đầu tháng 5. Anh Tấn bị bắt vì nghi có tàng trữ cờ của Việt Nam Cộng hòa, bị bắt lên đồn công an và chỉ sau một ngày bị chết với vết cắt cổ và nhiều thương tích trên đầu. Công an Vĩnh Long nói rằng anh đã tự sát bằng dao rọc giấy của sỹ quan điều tra trong khi gia đình thì cho rằng anh đã bị tra tấn và cắt cổ.

Một số tổ chức nhân quyền quốc tế đòi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả tự do cho tù nhân lương tâm Đại đức Thích Quảng Độ, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và nhà hoạt động môi trường Đỗ Thị Hồng khi thủ tướng tới Đức dự hội nghị của nhóm G20 và thăm nước Đức.

 

===== 03/7 =====

Nhà hoạt động trẻ Trần Hoàng Phúc bị bắt theo Điều 88

Vào ngày 03 tháng 7 năm 2017, Sở Công an Hà Nội vừa thông báo cho gia đình anh Trần Hoàng Phúc biết việc anh bị bắt và truy tố theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự, năm ngày sau khi bắt cóc anh tại một phòng trọ ở phố Hoàng Hoa Thám.

Phúc, một nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền, và là thành viên nhóm sáng kiến lãnh đạo Đông Nam Á (YSEALI), do Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sáng lập khi ông còn đương chức nhằm thúc đẩy tiềm năng lãnh đạo của thanh niên trẻ ở Đông Nam Á, bị cáo buộc “có hành vi tàng trữ tài liệu, làm và đăng tải các video có nội dung tuyên truyền chống nhà nước trên các trang mạng internet.”

Phúc, sinh năm 1984, sẽ bị biệt giam trong quá trình điều tra dài ít nhất bốn tháng tại Trại giam số 1 của Hà Nội.

Phúc từng hoàn thiện năm cuối khoa luật thuộc Trường đại học Luật TPHCM. Tuy nhiên, vì những dấn thân cho hoạt động dân chủ, nên Phúc bị nhà trường làm khó dễ, và không trao bằng tốt nghiệp.

Khi Tổng thống Mỹ Obama sang thăm Việt Nam hồi tháng 5/2016, Phúc cùng 800 bạn trẻ thuộc YSEALI được Obama gửi thư mời gặp gỡ tại hội trường ở Sài Gòn. Phúc đã viết thỉnh nguyện thư nêu quan điểm, đưa ra những bằng chứng và giải pháp cho vấn đề thảm họa Formosa. Tuy nhiên khi xếp hàng để vào hội trường gặp Tổng thống Obama thì Phúc bị an ninh mật vụ bắt đi đưa lên xe đưa về sở ngoại vụ.

===== 05/6 =====

Hơn 30 tổ chức kêu gọi điều tra cái chết của Nguyễn Hữu Tấn

Người Bảo vệ Nhân quyền, Ân xá Quốc tế và hơn 30 tổ chức khác vừa gửi thư ngỏ cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm kêu gọi Việt Nam tiến hành một cuộc điều tra “độc lập, không tư vị và hiệu quả” về cái chết gây nhiều nghi vấn của ông Nguyễn Hữu Tấn, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, tại trại tạm giam công an Vĩnh Long hồi đầu tháng 5.

Trong thư, các tổ chức kêu gọi Việt Nam chấm dứt đe dọa và sách nhiễu đối với gia đình ông Tấn.

Ông Nguyễn Hữu Tấn bị công an bắt vào ngày 2/5 với cáo buộc “phát tán tài liệu chống phá nhà nước CHXHCN Việt Nam”, vi phạm Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999.

Ngày hôm sau, công an báo cho gia đình biết ông Tấn đã dùng dao cắt cổ tự sát. Gia đình nói họ không tin ông Tấn tự tử, mặc dù chính quyền tỉnh Vĩnh Long đã chiếu cho gia đình xem hai đoạn video, trong đó có một người đàn ông cầm dao tự cắt cổ và chính quyền nói đó là Nguyễn Hữu Tấn.

Tuy nhiên, thư ngỏ của các tổ chức quốc tế dẫn lời ông Nguyễn Hữu Quang, cha của Nguyễn Hữu Tấn, cho biết trong video đầu tiên, người đàn ông cầm dao bằng tay trái tự cắt cổ mình, trong khi Nguyễn Hữu Tấn là người thuận tay phải. Còn người đàn ông tự cắt cổ trong đoạn video thứ hai mà công an chiếu cho gia đình xem lại có động tác khác với người đàn ông trước. Vì vậy, ông nghi ngờ cả hai video đều được ngụy tạo.

Ông Nguyễn Hữu Quang bày tỏ hoài nghi rằng con trai ông có thể đã bị tra tấn và giết chết. Vì sau khi trông thấy những vết thương trên thi thể con, ông Quang cho là khó có khả năng nạn nhân tự gây ra những vết thương này.

Theo thư ngỏ, gia đình ông Tấn đã yêu cầu đưa thi thể ông về nhà để tiến hành khám nghiệm tử thi độc lập, nhưng công an đã giữ thi thể trong nhiều giờ trước khi trả. Khi trả lại, họ đã lau sạch vết máu trên xác ông Tấn và may lại vết đứt trên cổ họng nạn nhân. Ngoài ra, công an cũng phá hủy và tịch thu điện thoại của thân nhân ông Tấn sau khi họ chụp ảnh tử thi.

Tại buổi điều trần ở Hạ viện Hoa Kỳ, thân nhân ông Nguyễn Hữu Tấn cho biết gia đình đã phải sống trong sự sợ hãi và hoảng loạn sau cái chết của ông.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Phượng, chị ông Tấn, nói công an liên tục gây áp lực và đe dọa gia đình. Theo lời bà Phượng, chính quyền còn dọa sẽ bắt giam anh và em trai ông Tấn.

Bà Phượng cho biết ngôi nhà của gia đình ông Tấn đang bị theo dõi bằng nhiều camera gắn ở các nhà hàng xóm xung quanh và rất khó liên lạc bằng điện thoại.

Cùng ký tên trong thư ngỏ có Ủy ban Cứu người Vượt biển, Ủy ban Luật gia Quốc tế, Nhân quyền Không biên giới Quốc tế, Liên minh Bài trừ Nô lệ mới ở Á châu và nhiều tổ chức tôn giáo, xã hội dân sự khác.

Giám đốc điều hành của tổ chức Công giáo Đoàn kết Toàn cầu (CSW), Mervyn Thomas, trong bài viết đăng trên trang web của tổ chức, nhận định: “Đây là một trường hợp gây sốc và bi thảm” và “Việc quấy rối các thành viên trong gia đình là phi lý, bất hợp pháp và vô nhân đạo”.

Theo thống kê chính thức của Bộ Công an công bố vào tháng 3/2015, chỉ trong khoảng thời gian 3 năm, từ tháng 10/2011 đến tháng 9/2014, đã xảy ra 226 trường hợp chết tại nhà tạm giữ hay trại tạm giam trên toàn quốc Việt Nam. Bộ Công an lý giải nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp tử vong này là do “bệnh lý” và do đối tượng bị tạm giữ, tạm giam “tự sát”.

Hơn 30 tổ chức kêu gọi điều tra cái chết của Nguyễn Hữu Tấn

===== 06/7 =====

Kêu gọi trả tự do cho tù chính trị Việt Nam

Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm người (VCHR) ở Pháp cùng hơn 40 tổ chức xã hội dân sự và cá nhân trên thế giới đã cùng ký tên vào thư ngỏ gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trả tự do cho 3 tù nhân lương tâm là đại lão hòa thượng Thích Quảng Độ, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, nhà tranh hoạt động môi trường Đỗ Thị Hồng

Thư được công bố khi Thủ tướng Phúc đến Hamburg của Đức để dự Hội nghị thượng đỉnh G-20.

Thư ngỏ bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến hành động bắt giữ và ngược đãi tù nhân lương tâm của nhà cầm quyền Việt Nam với 3 trường hợp điển hình là hòa thương Thích Quảng Độ, người đang bị quản thúc tại chùa, luật sư tranh đấu nhân quyền Nguyễn Văn Đài và nhà hoạt động môi trường Đỗ Thị Hồng đang bị giam trong tù. Thư nhấn mạnh là cả 3 tù nhân lương tâm này không được bảo vệ cũng như không được đối xử đúng theo tiêu chuẩn và luật quốc tế.

Thư ngỏ có chữ ký của nhiều tổ chức và nhân vật nổi tiếng như cựu Ngoại trưởng Ý Giulio Terzi, cựu Báo  cáo viên của Liên Hợp quốc về tự do tôn giáo Asma Jahangir. Các tổ chức quốc tế bao gồm Amnesty International, Human Rights Watch, và Fredom House.

———————

Hàng chục côn đồ ập vào nhà giáo dân Văn Thai đánh đập phụ nữ

Một nhóm côn đồ khoảng một chục người đang đêm ập vào nhà của một gia đình Công giáo ở giáo họ Văn Thai, trong địa phận xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An trong đêm 06/7, chửi bới và đánh đập một người phụ nữ.

Nhóm côn đồ do một người có tên Facebook là Quỳnh Hoan dẫn đầu, đã đột nhập vào nhà người đàn ông tên Nên, chửi bới và đánh đập cô Hà, con gái ông Nên.

Theo Linh mục Nguyễn Đình Thục, đám côn đồ này còn kéo tới nhà một giáo dân khác là ông Thanh, đe dọa đốt nhà và ném phân vào nhà ông Thanh.

Toàn bộ chuyến đi gây náo động của nhóm côn đồ này xảy ra trước sự chứng kiến câm lặng của công an địa phương.

Không dừng lại tại đó, vào đêm hôm sau, đám côn đồ lại tiếp tục đến chửi bới, đe dọa gia đình ông Thanh. Linh mục Nguyễn Đình Thục cho biết, họ còn hành hung một người làm cho nhà ông Thanh.

Linh mục Nguyễn Đình Thục kêu gọi các linh mục và cộng đồng Công giáo, đặc biệt là cộng đồng Công giáo ở huyện Quỳnh Lưu, cũng như những ai yêu chuộng công lý và hoà bình, cùng lên tiếng để giải quyết tình trạng bức hại những người hiền lương.

===== 07/7 =====

‘Tự tử khi đang viết tự khai’ trong nhà tạm giữ ở Phan Rang

Một thanh niên ở huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận vừa qua đời sáng 8/7 sau khi được cho là tự tử khi đang “viết tự khai” tại đồn công an ở Phan Rang.

Hôm 6/7, anh Nguyễn Hồng Đê, 25 tuổi, được đưa về Nhà tạm giữ Công an TP Phan Rang – Tháp Chàm vì là nghi phạm trong một vụ án cố ý gây thương tích xảy ra từ hồi cuối tháng 5. Vào khoảng 16.00 chiều ngày 7/7, khi mẹ của anh Nguyễn Hồng Đê đến xin vào gặp con thì phát hiện anh trong trạng thái treo cổ vào cửa sổ bằng chiếc áo sơ mi đang mặc.

Trước khi điều tra viên đưa mẹ của anh Đê vào phòng để gặp con mình, anh được cho là đang “ngồi viết tự khai”.

Anh Đê được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận ngay sau đó nhưng đã tử vong sáng sớm ngày 8/7.

Người nhà anh Đê đẩy thi thể anh trên băng ca qua nhiều đường phố và đến trước cổng UBND tỉnh Ninh Thuận để phản đối vì cho rằng anh Đê tử vong không phải do tự tử.

===========================

Quý vị có thể đọc Bản tin Anh ngữ tại đây