Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 30 từ ngày 17 đến 23/7/2017: Nhà hoạt động Sương Quỳnh bị tấn công sau khi tham dự lễ tưởng niệm Lưu Hiểu Ba

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 23/7/2017

Chiều tối ngày 16/7, an ninh thành phố Hồ Chí Minh đã tấn công nhà hoạt động Sương Quỳnh khi cô vừa tham dự lễ tưởng niệm nhà hoạt động nhân quyền Lưu Hiểu Ba tại tư gia của giáo sư Tương Lai. Vụ việc xảy ra ở cầu Phú Mỹ và Sương Quỳnh nhận ra một trong số những kẻ tấn công là sỹ quan an ninh, người thường xuyên theo dõi cô trong những ngày gần đây.

Trong tuần qua, an ninh thành phố HCM cũng liên tục sách nhiễu nhóm đi bộ vì môi trường. Công an gọi họ lên đồn và tra khảo, đồng thời gặp gỡ gia đình của họ để gây sức ép cũng như ép chủ nhà trọ không cho họ tiếp tục thuê nhà. Thứ bảy trước đó, công an đã bắt nhóm đi bộ chin người, đánh đập, tịch thu điện thoại, máy quay phim và giấy tờ cá nhân và tra khảo họ trong nhiều giờ trước khi trả tự do cho họ vào đêm muộn cùng ngày.

Việt Nam sẽ đưa cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai ra xét xử trong tháng 8 với hai cáo buộc “Không thi hành án” theo Điều 304 và “Chống người thi hành công vụ” theo Điều 257 của Bộ luật Hình sự 199, và anh đối mặt với án tù cao nhất là sáu năm.

Một tuần trước khi Việt Nam đưa nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga ra xét xử, nhiều tổ chức nhân quyền như Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế và Ủy ban Quyền Làm người Việt Nam đã đưa ra lời kêu gọi chính quyền Hà Nội trả tự do cho cô.

và nhiều tin quan trọng khác

===== 17/7 =====

An ninh thành phố HCM tấn công nhà hoạt động Sương Quỳnh

Chiều tối ngày 16/7, nhà hoạt động Sương Quỳnh ở thành phố Hồ Chí Minh, đã bị theo dõi và tấn công bởi một nhóm mật vụ khi cô trở về nhà từ tư gia của giáo sư Tương Lai, nơi một số nhà hoạt động đã tổ chức lễ tưởng niệm Lưu Hiểu Ba, một nhà hoạt động nhân quyền, người được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2010.

Cô Sương Quỳnh cho biết cô đã bị tấn công khi cô đang đi xe máy trên cầu Phú Mỹ. Ban đầu cô tưởng bị cướp, nhưng những kẻ tấn công không cướp xe mà tập trung vào đánh cô.

Cô đã kêu cứu và người dân xung quanh đó đã ra yểm trợ, đánh lại bọn tấn công. Một trong số những kẻ tấn công nói chúng là công an, tuy nhiên, người dân vẫn xua đuổi chúng và bảo vệ cho nạn nhân.

Sương Quỳnh nói cô nhận ra một trong số những kẻ tấn công là sỹ quan an ninh, người thường xuyên theo dõi cô trong những ngày gần đây.

Ngoài việc phải đối mặt với bắt bớ và tù đày, những người hoạt động ở Việt Nam còn phải đối mặt với sự hành hung của mật vụ. Nhiều nhà hoạt động đã bị đánh đập dã man bởi lực lượng mật vụ trong vài năm gần đây và nhiều trong số họ bị thương tích nặng nề.

===== 18/7=====

Việt Nam chuẩn bị ban hành nghị định xử phạt vi phạm về lĩnh vực tôn giáo

Các vị lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo tại Việt Nam có thể sẽ bị phạt tiền, nếu đề cập đến những sai phạm của nhà cầm quyền Việt Nam.

Đây là theo nội dung bản dự thảo nghị định xử phạt hành chính về tín ngưỡng và tôn giáo đang được đưa ra lấy ý kiến dân chúng.

Nghị định này đề ra những hình thức phạt, mức phạt và biện pháp chế tài đối với những vụ được gọi là “vi phạm hành chính liên quan đến tôn giáo.” Theo đó, mức phạt tối đa là 30 triệu đồng đối với cá nhân, và 60 triệu đồng đối với tổ chức tôn giáo nếu bị cho là “lợi dụng tự do tín ngưỡng và tôn giáo” để xâm phạm, lôi kéo, kích động, bịa đặt xuyên tạc  xâm phạm quyền lợi nhà nước, chống lại nhà nước.

Nghị định này còn buộc người bị phạt phải đính chính thông tin bị cho là “sai sự thật”. Và nếu người vi phạm là người ngoại quốc, thì họ sẽ bị trục xuất khỏi Việt Nam.

Nghị định này còn tiến thêm một bước nữa trong việc bóp nghẹt tự do tôn giáo, khi đề ra mức phạt tiền từ 20 triệu đồng trở lên đối với những tổ chức tôn giáo nào trong nước mà gia nhập tổ chức tôn giáo ở ngoài nước, khi chưa được sự chấp thuận của nhà cầm quyền CSVN.

——————–

Mẹ của tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha vận động nhân quyền tại Australia

Bà Nguyễn Thị Kim Liêng, mẹ của tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha, đã gặp nhiều dân biểu và tổ chức nhân quyền ở Australia vận động nhân quyền cho Việt Nam.

Hôm 18/7, bà đã đến gặp dân biểu Milton Dick, thành viên đảng Lao động Australia tại thành phố Brisbane. Vào cuối tuần này, bà có lịch gặp dân biểu Chris Hayes cũng của đảng Lao động tại thành phố Sydney.

Bà Liêng cũng gặp bà Elaine Pearson, Giám đốc của Human Rights Watch tại Australia và tiến sĩ Lachlan Strahan, Trợ lý thứ nhất, Bộ phận Chính sách đa phương thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia ở thủ đô Canberra.

Bà Liêng cho biết Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã mời nhiều nhà hoạt động từ Việt Nam để trao đổi về tình hình Việt Nam trước Đối thoại Nhân quyền Việt-Australia dự kiến vào tháng 8 tới, tuy nhiên, những người khác bị chặn và bà là người duy nhất trong số những người được mời đến được Australia.

Đinh Nguyên Kha bị bắt giữ hồi tháng 10 năm 2012 vì phát truyền đơn chỉ trích phản ứng của nhà Việt Nam trước những hành động bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong phiên tòa sơ thẩm ở tỉnh Long An, Kha bị tuyên án 8 năm tù giam kèm theo ba năm quản chế về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự. Sau đó, trong phiên phúc thẩm, Kha được giảm án xuống còn 4 năm tù và ba năm quản chế. Ngoài ra, Kha còn chịu thêm án 2 năm tù về “tội cố ý gây thương tích.”

Một người con khác của bà Liêng là Đinh Nhật Uy, anh trai của Kha, cũng từng bị chính quyền tỉnh Long An bắt giam 1 năm 3 tháng tù cho hưởng án treo về cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự.

Chi tiết: Mẹ của Đinh Nguyên Kha vận động tại Úc trước đối thoại nhân quyền

===== 19/7 =====

Hội Sinh viên Nhân quyền Việt Nam ra mắt sau khi sáng lập viên bị bắt

Hội Sinh viên Nhân quyền Việt Nam, một nhóm sinh viên có ước nguyện cải cách giảng đường và tự do học thuật ở Việt Nam, và nhân quyền cho các sinh viên, trong tuần này công khai tuyên bố thành lập. Trước đó, sáng lập viên của hội, anh Trần Hoàng Phúc đã bị chính quyền Hà Nội bắt giam về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ ;uật Hình sự.

Trong một thông báo, Hội Sinh viên Nhân quyền Việt Nam cho biết hội có một số thành viên, cảm tình viên và cố vấn, trong đó nam chiếm 75% và nữ chiếm 25%. Nhưng vì lý do an ninh, hội không công khai danh tính và số lượng thành viên chính thức.

Hội Sinh viên Nhân quyền Việt Nam là thành viên Mạng lưới Sinh viên Nhân quyền Quốc tế (Students for Human Rights network – SHR).

Một thông báo trên trang HộiSsinh viên Nhân quyền Việt Nam cho biết Trần Hoàng Phúc, người vừa bị công an Hà Nội bắt giữ hôm 3/7, là sáng lập viên, chủ tịch thứ hai, kiêm phát ngôn nhân.

===== 21/7 =====

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai sẽ bị đem ra xét xử trong tháng 8

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai sẽ bị đem ra xét xử trong tháng 8 bởi Tòa án Nhân dân thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, theo luật sư Hà Huy Sơn.

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai sẽ bị xét xử với hai cáo buộc “Không thi hành án tù” theo Điều 304 và “Chống người thi hành công vụ” theo Điều 257 của Bộ luật Hình sự 1999. Anh có thể phải đối mặt với án tù cao nhất là 3 năm cho mỗi cáo buộc, theo luật hiện hành.

Anh bị bắt vào ngày 19/1 sau khi đi đánh bắt cá ở trong khu vực thị xã.

Anh đã từng bị bắt vào tháng 8 năm 2011 cùng với 13 bạn trẻ Công giáo khác với cáo buộc “lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự. Sau đó, anh bị kết án bốn năm tù giam và ba năm quản chế. Những người khác trong nhóm cũng chịu nhiều bản án nặng nề, có người bị kết án 13 năm tù giam.

Sau khi anh bị bắt đầu năm nay, nhiều tổ chức nhân quyền và chính phủ nước ngoài đã kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho anh.

===== 24/7 =====

Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục sách nhiễu nhóm đi bộ vì môi trường

Trong tuần, công an thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục sách nhiễu 9 người trong nhóm đi bộ vì môi trường, những người đã bị bắt giữ, đánh đập và tra khảo vào ngày 15/6 khi họ đang đi bộ hướng ra Bình Thuận để phản đối việc chôn lấp bùn của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ở vùng biển của tỉnh này.

Cô giáo Ngô Thị Thứ, một thành viên trong nhóm, đã bị gọi lên đồn công an nhiều lần và cô đã tới vào một ngày gần cuối tuần. An ninh đã trả điện thoại và giấy tờ cho cô, và tra khảo cô trong thời gian nhiều giờ trong ngày.

Cô cho biết công an địa phương cũng gọi những người khác trong nhóm lên đồn trong tuần và họ bị hỏi cung bởi sỹ quan an ninh của quận.

Anh Trần Đình Châu, anh Đinh Văn Hải nói họ bị đánh đập dã man bởi lực lượng an ninh trong quá trình bắt giữ và trong đồn công an.

Những người trong nhóm nói an ninh của thành phố đã gây sức ép lên gia đình họ, và ép chủ nhà trọ không tiếp tục cho họ thuê nhà, buộc một số thành viên của nhóm phải liên tục di chuyển từ nhà trọ này đến nhà trọ khác.

===== 23/7 =====

Nhiều tổ chức nhần quyền yêu cầu Việt Nam trả tự do cho Trần Thị Nga

Nhiều tổ chức vận động nhân quyền ở Châu Âu kêu gọi nhà chức trách Việt Nam bãi bỏ mọi cáo buộc và trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà hoạt động Trần Thị Nga, theo một thông cáo chung của Đài Quan sát Bảo vệ những nhà đấu tranh cho nhân quyền.

“Việc sách nhiễu, bắt bớ tùy tiện, và xét xử Trần Thị Nga đi theo một khuôn thức đàn áp quen thuộc mà chắc chắn sẽ tiếp diễn trừ phi Hà Nội thực thi những cải cách đáng kể về thể chế và lập pháp, bao gồm sửa đổi những luật lệ mang tính áp chế của nước này,” Dimitris Christopoulos, Chủ tịch Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), nói.

“Chúng tôi mạnh mẽ lên án việc truy tố Trần Thị Nga, một minh chứng nữa cho nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam nhằm đe dọa và làm im tiếng những người bảo vệ nhân quyền vì các hoạt động nhân quyền hợp pháp của họ. Việt Nam phải phóng thích Trần Thị Nga ngay lập tức và vô điều kiện, cũng như tất cả những người bảo vệ nhân quyền đang khác đang bị giam giữ,” thông cáo dẫn lời Tổng thư ký Tổ chức Thế giới chống tra tấn (OMCT) Gerald Staberock nói.

“Kết quả của phiên tòa xét xử Trần Thị Nga đã được định sẵn và chắc chắn đó sẽ không phải là phiên tòa ‘bỏ túi’ cuối cùng xét xử một người bảo vệ nhân quyền Việt Nam. Nếu không có thêm áp lực quốc tế, việc Hà Nội đàn áp những người bảo vệ nhân quyền sẽ tiếp tục không suy giảm,” Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm người Việt Nam, nói trong thông cáo.

Chi tiết: Các tổ chức nhần quyền thúc giục phóng thích Trần Thị Nga

=================================

Bản tin tổng hợp sử dụng nhiều nguồn thông tin khác nhau

Quý vị có thể đọc Bản tin Anh ngữ tại đây